Những kỳ thị tôn giáo trên thế giới
Những kỳ thị tôn giáo trên thế giới.
Berne, Thụy sĩ [La Croix 4/1/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Một phúc trình của tổ chức có tên là "Pew Forum" [Diễn Ðàn Pew] cho thấy hiện có nhiều hạn chế về tự do tôn giáo tại nhiều nơi trên thế giới, nhứt là tại các nước có đa số dân theo hồi giáo và các nước cộng sản.
Bản phúc trình do Diễn Ðàn nghiên cứu về tôn giáo và đời sống công cộng thực hiện có tựa đề "Các hạn chế về tôn giáo trên thế giới". Theo bản phúc trình, có khoảng 70 phần trăm dân số thế giới hiện đang phải chịu những hạn chế nặng nề trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo. Bản phúc trình phân biệt hai loại kỳ thị tôn giáo: một là những hạn chế do các chính phủ đề ra, hai là những thù nghịch giữa các tôn giáo do sự bất khoan nhượng giữa các nhóm dân số.
Về các hạn chế do các chính phủ quy định, bản phúc trình ghi nhận có tất cả 20 tiêu chuẩn theo luật pháp quốc gia hay địa phương, các văn bản pháp lý và các hành động quấy nhiễu của công an: tất cả đều nhằm hạn chế quyền tự do giảng dạy hay rao giảng, ngăn cấm các cuộc cải đạo, thường xuyên kiểm soát các nhóm tôn giáo, buộc phải đăng ký hay biệt đãi một tôn giáo.
Ðối tượng của những hạn chế này không chỉ là Công giáo hay Tin lành, mà còn bao gồm cả người Do thái, Phật tử hay một số nhóm Hồi giáo thiểu số. Chẳng hạn tại Brunei, năm 2005, chính phủ ban hành một đạo luật buộc tất cả mọi nhóm tôn giáo ngoài hệ phái Hồi giáo Chafeist phải đăng ký và cung cấp cho bộ tôn giáo danh sách của tất cả các thành viên.
Theo Diễn Ðàn Pew, có tất cả 43 nước có tỷ lệ cao hay rất cao về những hạn chế tôn giáo do chính phủ đề ra. Ðây là trường hợp các nước có đa số dân theo Hồi giáo như Á Rập Saudi, Pakistan, Iran, Ai cập, Algeri, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia hay Nga là nơi có đa số dân theo Chính thống giáo, Ấn độ với đa số dân theo Ấn giáo và Myanmar với đa số dân theo Phật giáo.
Ðây cũng là trường hợp các nước cộng sản như Việt nam và Trung Quốc. Bản phúc trình của Diễn Ðàn Pew nghiên cứu các hậu quả của những biện pháp về hạn chế tôn giáo do các chính phủ ban hành. Tại 75 quốc gia, tức 38 phần trăm trên tổng số các nước trên thế giới, các chính phủ trung ương hay địa phương hạn chế các hoạt động của một số nhóm hay cá nhân tôn giáo để ngăn cấm các cuộc cải đạo. Tại 178 nước khác, một số nhóm tôn giáo phải đăng ký.
Về các thù nghịch giữa các tôn giáo, bản phúc trình nói đến mọi hình thức thù nghịch, cá nhân hay tập thể, có tổ chức hay riêng rẽ. Ngay cả khi không có những hành vi bạo động thì điều đó cũng không có nghĩa là không có căng thẳng giữa các nhóm tôn giáo trong cùng một quốc gia.
Theo bản phúc trình của Diễn đàn Pew, 41 quốc gia có tỷ lệ cao hay rất cao về những thù nghịch giữa các tôn giáo. Ðây không những là trường hợp các nước có đa số theo Hồi giáo như Iraq, Afghanistan, Soudan hay Somali, mà ngay cả một số nước có nhiều người theo Phật Giáo như trường hợp Sri Lanka chẳng hạn.
Ðiều đáng ghi nhận là Israel lại đứng đầu danh sách những nước bất khoan nhượng về tôn giáo nhứt.
Bản phúc trình của Diễn Ðàn Pew đưa ra phân tích như sau: tại 126 quốc gia, những thù nghịch giữa các tôn giáo được diễn tả thành hành vi bạo động. Tại 49 quốc gia, các cá nhân hay các nhóm xử dụng vũ lực hay đe dọa để buộc người khác phải thực thi các luật lệ hay thực hành tôn giáo không phải là của mình. Tại 17 quốc gia, tôn giáo là nguyên nhân trực tiếp gây ra các hành vi khủng bố.
Có ba nước mà bản phúc trình xếp vào danh sách những nước tệ hại nhứt về việc hạn chế tự do tôn giáo: đó là Á rập Saudi, Pakistan và Iran. Tại ba nước này, vừa có những biện pháp hạn chế tự do tôn giáo do chính phủ ban hành, lại vừa có những thù nghịch giữa các nhóm tôn giáo.
Trái lại tại một số nước Phi Châu như Nigeria, Kenya, Ghana hay Á châu như Phi luật tân và Bangladesh, mặc dù có tỷ lệ cao về các thù nghịch giữa các tôn giáo, nhưng chính phủ không những không có biện pháp hạn chế tự do tôn giáo mà còn trừng phạt nặng nề những kẻ có hành vi kỳ thị tôn giáo.
So sánh với tất cả các vùng trên thế giới thì Brasil, Nhựt Bản, Hoa kỳ, Ý, Nam Phi và Vương quốc Anh là những nước có tỷ lệ thấp nhứt về hạn chế hay kỳ thị tôn giáo.
Theo bản phúc trình của Diễn Ðàn Pew, liều thuốc chống lại chủ nghĩa cực đoan chính là tự do tôn giáo. Theo Hiệp hội có tên là "Lương tâm và tự do", "chủ nghĩa cực đoan tôn giáo có khuynh hướng trở thành một chướng ngại cho tự do tôn giáo".
Theo bà Karel Nowak, tổng thư ký của hiệp hội "lương tâm và tự do" có trụ sở tại Berne, Thụy sĩ, "các nhóm tôn giáo có khuynh hướng cực đoan thường tỏ ra rất ít khoan nhượng với các tôn giáo khác hay với các hình thức đạo đức khác. Càng có nhiều tự do tôn giáo, nhứt là để thể hiện và giảng dạy niềm tin, thì càng chống lại chủ nghĩa cực đoan. Thăng tiến quyền tự do tôn giáo hay niềm xác tín không những là một đòi hỏi luân lý mà còn là một nghĩa vụ thực tiễn. Ðó là liều thuốc hữu hiệu nhứt để chống lại chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín và một phương tiện thiết yếu để bảo đảm an ninh cho thế giới".
Chu Văn