Anh Hùng Thụy Ðiển

Cứu Sống Người Do Thái

 

Anh Hùng Thụy Ðiển Cứu Sống Người Do Thái.

(Radio Vatican 2/01/2010) - Mấy thập niên sau ngày đệ nhị thế chiến (1939-1945) chấm dứt, với cuộc diệt chủng kinh hoàng người Do Thái, ông Tom Veres - một người Do Thái sống sót - gợi lại khuôn mặt ông Raoul Wallenberg vị anh hùng Thụy Ðiển.

... Tôi gặp Raoul lần đầu tiên ngày 17 tháng 10 năm 1944. Vào thời kỳ ấy, bọn đức quốc xã đã càn quét khoảng 430 ngàn người Do thái sống tại Hungari và đang chuẩn bị cuộc lùng bắt đại quy mô người Do Thái ở các thành phố lớn của Âu Châu trong đó có Budapest.

Năm ấy, Raoul Wallenberg là kỹ sư trẻ tuổi Thụy Ðiển. Anh được gửi đến làm việc tại sứ quán Thụy Ðiển ở thủ đô Hungari chỉ với mục đích là cứu thoát người Do Thái sinh sống tại đây. Raoul không phải nhà ngoại giao nên lợi khí duy nhất của anh là trí thông minh sắc sảo, tính cương quyết và ý thức cao độ về giá trị của mỗi sinh mạng con người, đến nỗi anh có thể liều chết để cứu sống người khác.

Tôi là nhiếp ảnh viên. Thân phụ tôi cũng là nhiếp ảnh viên. Chính Cha tôi truyền nghề cho tôi. Cha tôi từng là nhiếp ảnh viên chính thức tại triều đình Habsbourg. Nhờ đó mạng sống gia đình Do Thái chúng tôi không lâm nguy. Nhưng ngày 15 tháng 10 năm 1944, khi bọn quốc xã Hungari (Croix-Fléchées) lên nắm quyền, tình trạng người Do Thái tại Hungari thật thê thảm.

Hai ngày sau, tôi lẻn vào đám đông đang tụ tập tại khuôn viên sứ quán Thụy Ðiển và gặp được viên chức ngoại giao quen biết của gia đình. Ông nói nhỏ vào tai:

- Tôi sẽ giới thiệu anh với một người đáng tin cậy.

Nói xong ông liền gọi:

- Raoul!

Tức khắc, một người đàn ông trẻ trạc tuổi ba mươi, dong dỏng cao, xuất hiện. Anh có đáng điệu thật trầm tĩnh, cương quyết, trong một thế giới đang cuồng loạn, chết chóc.

Người đó là Raoul Wallenberg. Viên chức ngoại giao nói với Raoul:

- Tôi xin giới thiệu với anh, đây là Tom Veres, nhiếp ảnh viên quen biết của sứ quán. Anh ta có thể giúp đỡ chúng ta nhiều điều.

Raoul nói ngay:

- Vậy thì anh là nhiếp ảnh viên của tôi!

Tôi bắt tay ngay vào việc. Tôi chụp hình căn cước để dán lên thẻ thông hành mà Wallenberg cấp cho hàng ngàn người Do Thái. Ðây là tấm thẻ ghi nhận người mang nó được quyền cư trú tại Thụy Ðiển và được chính quyền Thụy Ðiển bảo trợ.

Mãi một tháng sau tôi mới biết rõ thế nào là làm nhiếp ảnh viên cho Wallenberg. Ngày 28 tháng 11 năm 1944, tôi được lệnh mang theo máy ảnh và ra ngay nhà ga Jozsefvárosi. Ðến nơi, tôi trông thấy đông đảo bọn quốc xã Hungari và cảnh binh. Người ta đang tống khứ hàng ngàn người Do Thái vào các toa xe lửa chở hàng. Wallenberg đang có mặt tại đây. Vừa thấy tôi, anh đến gần và nói:

- Anh chụp hình càng nhiều càng tốt.

Mặc dầu biết rõ hiểm nguy nhưng tôi tuân lệnh, tận dụng mọi khả năng khéo léo nhất. Trong khi đó Wallenberg lấy sổ ra rồi hô to:

- Tất cả những ai đã ghi tên nơi sứ quán Thụy Ðiển rồi, xin ra đứng xếp hàng ở đây, và đưa cho tôi xem thẻ thông hành của quý vị.

Nói xong, anh tiến lại gần người đứng hàng đầu và nói:

- Tôi có tên của ông. Xin đưa tôi xem thẻ thông hành của ông.

Người đàn ông đáng thương - không hiểu ất giáp gì - lục lội trong túi áo rồi đổ tung xách hành lý để tìm. Bỗng ông đưa ra một bức thư. Wallenberg nói nhanh:

- Tốt lắm! Bây giờ đến lượt người đứng sau.

Thế là mọi người hiểu ngay chiến thuật của anh. Họ đưa bất cứ tờ giấy nào: thư từ, toa thuốc, kể cả lệnh phát lưu cũng trở thành tấm thông hành cứu mạng. Cứ thế Wallenberg gọi và ghi tên hàng trăm người Do thái.

Nhưng rồi đoán biết bọn quốc xã Hungari bắt đầu sốt ruột, anh liền ra lệnh cho những ai anh đã ghi tên:

- Bây giờ tất cả hãy trở lại Budapest!

Ðoàn người Do Thái có thẻ thông hành Thụy Ðiển tự do sung sướng trở lại thủ đô.

Ngày hôm sau chúng tôi lại được tin nhóm Do Thái thứ hai bị phát lưu và đang ở nhà ga Jozsefvárosi. Chúng tôi vội vã đến nơi. Và cảnh tượng ngày hôm trước tái diễn. Raoul Wallenberg cố gắng phát thẻ thông hành Thụy Ðiển cho người Do Thái sắp bị lưu đày càng nhiều càng tốt.

Lần cuối cùng tôi gặp Raoul Wallenberg là ngày 17 tháng 1 năm 1945. Hôm ấy Raoul ngỏ ý muốn tôi tháp tùng anh về thành phố Debrecen để bàn thảo với chính phủ lâm thời vài vấn đề. Nhưng tôi từ chối vì muốn dò la tin tức của Cha Mẹ tôi. Lần đó anh Raoul Wallenberg ra đi và không bao giờ trở lại. Anh bị bọn mật vụ Nga thủ tiêu.

Ðịnh mệnh muốn cho tôi không tháp tùng anh để sống đến ngày hôm nay và công bố những hành động can đảm của một vị anh hùng Thụy Ðiển, liều chết để cứu sống người khác, bất kể người đó là ai, vì tất cả đều là anh chị em, con cùng Thiên Chúa là Cha.

... "Nòi giống nào đáng trọng? Thưa nòi giống con người. Nòi giống nào đáng trọng? Thưa những người kính sợ Thiên Chúa... Kẻ giàu, người sang cũng như kẻ nghèo: niềm hãnh diện của Tất Cả là kính sợ Thiên Chúa. Khinh dể một người nghèo thông minh là không phải lẽ, tôn vinh một người tội lỗi là điều chẳng nên. Người làm lớn, nhà lãnh đạo, vị nắm quyền đều được tôn vinh, nhưng không ai trong các vị đó lớn hơn người kính sợ Thiên Chúa" (Sách Huấn Ca 10, 19-24).

("Reader's Digest SÉLECTION", Juillet/1992, trang 104-109)

 

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page