Lễ Giáng Sinh và báo chí tại Việt nam

 

Lễ Giáng Sinh và báo chí tại Việt nam.

Hà nội [Eglises d'Asie 23/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. "Sau Sài Gòn, Hà nội được mầu nhiệm Giáng Sinh viếng thăm".

Ðó là nhận định của hãng tin "các Giáo hội Á Châu" của Hội thừa sai Paris trong bản tin được truyền đi hôm 23 tháng 12 năm 2009.

Từ lâu nay, Sài Gòn lúc nào cũng mừng lễ Giáng Sinh, trong các nhà thờ cũng như trên các đường phố, một cách vui vẻ nhộn nhịp. Sự thay đổi chế độ vào tháng 4 năm 1975 đã không làm gián đoạn truyền thống này. Trong lãnh vực này cũng như nhiều lãnh vực khác, thủ đô Hà nội lúc nào cũng nối gót theo Sài Gòn.

Ðược hãng tin "các Giáo hội Á Châu" trích dẫn, báo Kinh Tế và Ðô Thị của Bộ Thương mại, đã viết trong số ra ngày 20 tháng 12 năm 2009 như sau: "chỉ còn 4 ngày nữa là đến Noel. Các đường phố Hà nội, được trang hoàng bằng đèn chiếu sáng bằng muôn nghìn ánh lửa, các nhà thờ rực sáng và mọi người vội vã đổ xô về các công viên để chụp hình và giữ làm kỷ niệm".

Theo tờ báo, trái với không khí ơ hờ của các tụ điểm bình dân, ngay từ đầu tháng 12 năm 2009, không khí Noel đã rộn ràng từ sảnh các khách sạn lớn. Khách Việt vẫn chiếm số lượng áp đảo tới 80 phần trăm tại dạ tiệc mừng Giáng Sinh năm 2009 của các khách sạn 5 sao, nơi mỗi vé được tính bằng mỹ kim.

Trong khi đó, các điểm vui chơi, giải trí bình dân không có nhiều hứa hẹn đột biến. Ra đường, đồ về nhà thờ xem lưng người khác hoặc la cà ăn uống, xem phim cho hết đêm Noel vẫn là lựa chọn chủ yếu của đa số người dân."

Bài báo viết tiếp: "Còn vài ngày nữa là đến Noel, người Hà nội bắt đầu xôn xao hỏi nhau "ăn gì, chơi đâu?" Lựa chọn của một số các bạn trẻ vẫn là đổ ra đường đón Giáng sinh vì cũng không biết làm gì, đi chơi ở đâu. Ưu tiên số một vẫn là các khu phố trung tâm quanh hồ Hoàn Kiếm và quanh nhà thờ Lớn."

Ngày hôm sau, cũng trên báo của bộ thương mại, dưới nhan đề "Noel trở lại trên đường phố Hà nội", người ta có thể đọc được một đoạn như sau: "Lâu rồi lễ Noel không còn thuộc riêng các nước Tây Phương và các tín đồ của đạo Công giáo trên thế giới nữa. Thật vậy, Noel đã trở thành lễ chung của mọi người". Tờ báo này viết tiếp: "Tại Việt nam, việc cử hành lễ Noel ngày càng trở thành một thói quen ăn sâu trong cuộc sống của mỗi gia đình. Tại Hà nội, các cuộc lễ không bắt đầu sớm như ở thành phố Saigòn, tuy vậy các chuẩn bị cũng bắt đầu ngay từ đầu tháng 12". Theo tờ báo, bầu khi của thủ đô thuận lợi cho việc cử hành Noel hơn Sài Gòn. " Cơn gió lạnh như cắt của tháng 12 năm 2009 làm cho lễ Noel hiện diện trong trái tim của người dân Hà nội hơn".

Những con đường quen thuộc và có đông người đi lại nhứt tại thủ đô Hà nội được trang hoàng đủ mọi mầu sắc của Noel như mầu đỏ của ông già Noel, mầu bạc của chuông và đèn, mầu trắng của tuyết, mầu xanh của cây thông... Tại các cửa tiệm có bán đủ thứ để trang hoàng cho ngày lễ: giá một cây thông từ 150 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng. Ngoài ra, còn phải trả thêm một số tiền tương đương để mua thêm các thứ phụ tùng khác để trang hoàng cây giáng sinh. Nhiều công ty đảm nhận việc trang hoàng các khách sạn và tiệm ăn cũng như các cửa tiệm trong dịp lễ. Các khách sạn quốc tế như Sheraton, Sofitel Plazza, Ha nội Horizon .v.v còn chuẩn bị đêm Noel một cách "tích cực" hơn. Các khách sạn này cóng hiến cho khách hàng của mình những buổi trình diễn với giá một đầu người 60 mỹ kim và những buổi tiệc Reveillon với giá 79 mỹ kim.

Các siêu thị lớn như Metro, Big C, Fivimart v. v cũng chuẩn bị các gian hàng Noel của mình một cách rất chu đáo. Theo đánh giá chung của khách hàng, trung tâm thương mại có tên là Vincom là nơi hấp dẫn nhứt. Lối đi vào trung tâm được trang hoàng bằng những cây thông có tuyết phủ đày và dân chúng được các nhân viên mặc đồng phục ông già Noel niềm nở đón tiếp. Cũng như tại hầu hết các nơi khác trên thế giới, trẻ con cũng được ông già Noel ôm vào lòng để chụp hình.

Tuy nhiên báo Kinh Tế và Ðô Thị nhìn nhận rằng lễ Noel không chỉ giản lược vào những biểu hiện hoàn toàn bên ngoài. Tinh thần của ngày lễ nằm trong những lời trao đổi yêu thương trong khung cảnh ấm cúng của gia đình.

Tác giả của bài báo cũng nói đến việc trang hoàng của các ngôi thánh đường tại Sài gon. Tuy nhiên, ông không đá động đến các thánh lễ Giáng Sinh, những cuộc tập trung của các tín hữu cũng như cảm xúc của họ trước mầu nhiệm của Thiên Chúa nhập thể làm người.

Tuy có thiếu sót ấy, nhưng phải nhìn nhận rằng cho đến nay hiếm khi đọc được trên báo chí được Nhà nước và Ðảng kiểm soát những bài viết cố gắng trình bày và phân tách tâm trạng của người đang bị lôi cuốn vào mầu nhiệm Giáng Sinh do tác động của kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page