Ðức thánh cha ôn lại
nguồn gốc Lễ Giáng Sinh
Ðức thánh cha ôn lại nguồn gốc Lễ Giáng Sinh.
Roma [Asianews 23/12/2009] - Ðức thánh cha Benedicto XVI ôn lại nguồn gốc Lễ Giáng Sinh.
Trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần sáng thứ Tư 23 tháng 12 năm 2009, Ðức thánh cha nhắc lại rằng ở khởi đầu, trọng tâm của năm phụng vụ không phải là ngày sinh của Chúa Giêsu mà là sự phục sinh của Ngài, tức chiến thắng của Ngài trên tử thần.
Ðức thánh cha nói rằng Ðức Tin Kitô đặt nền tảng trên sự phục sinh. Vào đầu thế kỷ thứ hai, khi chú giải về Sách Tiên Tri Daniel, thánh Hippolito thành Roma viết rằng Chúa Giêsu chào đời ngày 25 tháng 12 năm 2009. Ðó là ngày lễ cung hiến đền thờ Gierusalem do Judas Maccabeo thiết lập năm 164 trước công nguyên. Sự trùng hợp của hai biến cố cho thấy rằng với Chúa Giêsu, Ánh Sáng của Thiên Chúa xuất hiện trong đêm tối, việc cung hiến đền thờ mới được thực hiện: Thiên Chúa đi vào trần gian.
Nhưng theo Ðức thánh cha, Lễ Giáng Sinh chỉ thực sự mặc lấy hình thức hiện nay vào thế kỷ thứ 4. Kể từ thế kỷ này, lễ Giáng Sinh thay thế cho lễ Hội có tên là "Sol Invictus" [Mặt Trời vô địch] của đế quốc La mã. Như vậy, với lễ Giáng Sinh,Giáo hội muốn chứng tỏ rằng Ngày Sinh của Chúa Kitô là chiến thắng đích thực của Ánh Sáng trên bóng tối của sự dữ và tội lỗi.
Vào thời Trung cổ, nhờ thánh Phanxico Assisi, bầu khí Giáng Sinh mới trở nên tưng bừng. Toma Celano, người viết tiểu sử của thánh Phanxico, nói rằng thánh nhân cử hành ngày sinh của Chúa Giêsu một cách trang trọng và gọi đây là Lễ của các ngày lễ. Chính do ý thức về mầu nhiệm nhập thể mà thánh nhân đã cho làm hang đá Giáng sinh tại Greccio. Thánh nhân muốn cảm nghiệm được biến cố Chúa Giêsu sinh hạ và chia sẻ niềm vui Giáng Sinh cho mọi người.
Ðức thánh cha giải thích: "Cảnh Giáng Sinh là một trong những truyền thống Giáng Sinh đẹp nhứt. Greccio đã mang lại cho Kitô giáo vẽ đẹp hoành tráng của ngày lễ Giáng Sinh và đã dạy cho dân chúng hiểu được sứ điệp đích thực của Lễ này cũng như nhân tính và tình yêu của Chúa Kitô. Cái nhìn đặc biệt về Lễ Giáng Sinh này mang lại một chiều kích mới cho niềm tin Kitô. Lễ Phục Sinh tập trú vào quyền năng của Thiên Chúa Ðấng chiến thắng sự chết, khai mở sự sống mới và dạy chúng ta hy vọng vào thế giới mai hậu. Nhưng với thánh Phanxico và máng cỏ của ngài, tình yêu bất lực của Thiên Chúa, sự khiêm nhường và lòng quảng đại của Người được mang ra Ánh Sáng: Ánh Sáng ấy được tỏ hiện cho loài người trong sự Nhập Thể của Ngôi Lời để dạy cho loài người một cách sống và yêu thương mới.
Theo Ðức thánh cha, chính nhờ thánh Phanxico mà các tín hữu Kitô mới có thể nhận ra rằng trong lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa thực sự trở thành "Ðấng Emmanuel", Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Không còn một rào cản, không còn một khoảng cách nào nữa. Trong Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa đến gần mỗi người chúng ta đến nổi chúng ta có thể gọi Người bằng tên gọi của Người và truyện vãn với Người một cách thân tình như khi chúng ta nói chuyện với một trẻ thơ.
Trong lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa không có khí giới, không có sức mạnh. Ngài không muốn chinh phục, mà chỉ muốn được con người chấp nhận một cách tự do. Ngài trở thành một trẻ thơ bất lực để thắng vượt tính hung hăng, bạo động và lòng tham của con người. Trong Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận nghèo hèn và vô phương tự vệ để chinh phục chúng ta bằng tình yêu và dẫn đưa chúng ta đến căn tính đích thực của chúng ta.
Hơn nữa, theo Ðức thánh cha, thân phận trẻ thơ của Thiên Chúa cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể gặp gỡ Người và cảm nếm được sự hiện diện của Người. Chính trong ánh sáng của lễ Giáng Sinh mà chúng ta có thể hiểu được lời của Chúa Giêsu: "nếu các ngươi không hoán cãi và trở nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không bao giờ được vào Nước Trời". Ai không hiểu được mầu nhiệm Giáng Sinh thì cũng không hiểu được yếu tố quyết định của đời sống Kitô. Ai không đón nhận Chúa Giêsu với tâm hồn trẻ thơ sẽ không được vào Nước Trời: đây chính là điều thánh Phanxico muốn nhắc nhở các tín hữu Kitô của thời ngài và mọi thời đại.
Ðức thánh cha mời gọi: "Chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha ban cho tâm hồn chúng ta sự đơn sơ để, cũng như thánh Phanxico, chúng ta có thể nhận ra Chúa trong Hài Nhi".
Chu Văn