Nhận định của

một số sử gia về đức Pio XII

 

Nhận định của một số sử gia về đức Pio XII.

Roma [La Croix 21/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Bảy 19 tháng 12 năm 2009, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã cho công bố sắc lệnh để nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Ðức giáo hoàng Pio XII. Ðây là một bước quyết định trong tiến trình phong chân phước cho vị giáo hoàng này. Quyết định của Ðức thánh cha đã tạo ra nhiều phản ứng tiêu cực nơi một số cộng đồng Do thái trên thế giới.

Nhựt báo Công giáo Pháp La Croix đã hỏi ý kiến một số sử gia về triều đại của đức Pio XII.

Trước hết là giáo sư Philippe Chenaux, tác giả của quyển "Ðức Pio XII, nhà ngoại giao và mục tử", hiện đang là giáo sư về lịch sử Giáo hội hiện đại và đương đại, tại đại học Công giáo Laterano ở Roma.

Nhận định về triều đại của vị giáo hoàng này, giáo sư Chenaux nói rằng kể từ sau công đồng Vatican II, thế giới bắt đầu làm quen với các vị giáo hoàng thường xuyên lên tiếng bênh vực nhân quyền và xuất hiện như phát ngôn viên của lương tâm nhân loại. Nhưng trước công đồng thì khác. Xét dưới khía cạnh truyền thông, Ðức Pio XII đã được xem là một vị giáo hoàng rất "tân thời". Thiết tưởng cũng cần phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo huấn của ngài, vốn đã đóng góp rất nhiều cho việc chuẩn bị công đồng Vatican II. Ngài là vị giáo hoàng được trích dẫn nhiều nhứt trong các văn kiện của công đồng này. Hơn nữa, đối với tất cả những người thuộc Ðảng Dân Chủ Kitô, sứ điệp truyền thanh của ngài dịp Giáng Sinh năm 1944 là một điểm quy chiếu cho sự dấn thân tái thiết một xã hội dân chủ từ sự sụp đổ của đức quốc xã và chủ nghĩa phát xít. Ngài là một vị giáo hoàng rất tích cực cổ võ việc xây dựng một liên bang Âu Châu.

Tuy nhiên, theo giáo sư Chenaux, chúng ta không thể so sánh ngài với các đức giáo hoàng của thời hậu công đồng. Ðức Pio XII trước tiên là một nhà ngoại giao được đào luyện trong truyền thống ngoại giao của Tòa Thánh, mà chủ trương nổi bật nhứt là phân biệt giữa các quốc gia và các ý thức hệ. Nói cách khác, vào thời ngài, Tòa thánh mạnh mẽ lên án các ý thức hệ nếu chúng ngược lại với đức tin Kitô. Ðây là trường hợp của đức quốc xã. Nhưng đối với các quốc gia, trong trường hợp cụ thể là Ðức, Tòa thánh lại tìm cách giữ một hình thức quan hệ nào đó để bảo đảm sự sống còn của Giáo hội. Ðây là một chọn lựa mà Giáo hội vào thời đức Pio XII đã làm.

Ngoài đường lối ngoại giao của Tòa thánh, còn có cá tính của Ðức Pio XII. Ngài vốn là một người khôn ngoan và cẩn trọng. Ðứng trước những áp lực của phe đồng minh buộc ngài phải tỏ rõ lập trường, ngài đã tự đặt ra câu hỏi là phải lên tiếng hay không lên tiếng. Quyết định không lên tiếng trong thời chiến tranh quả là một quyết định đau đớn của vị giáo hoàng này. Với tư cách là chủ chăn Giáo hội hoàn vũ, ngài cảm thấy có trách nhiệm đối với tất cả mọi người Công giáo, trong đó có người Ðức. Chính vì thế mà ngài đã muốn tránh bày tỏ lập trường, bởi vì một hành động như thế có thể tạo ra nhiều nạn nhân hơn mà thôi.

Theo giáo sư Chenaux, chính nhờ thái độ thinh lặng này mà nhiều người Do thái tại Roma đã được cứu thoát. Tại Hòa Lan, các Ðức giám mục nước này đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và hậu quả là tất cả mọi người Do thái tại nước này đều bị đày vào các trại tập trung. Trong khi đó, tại Roma, một phần lớn cộng đồng Do thái đều được cứu thoát.

Giáo sư Chenaux kết luận: "Một trong những nhân đức của đức Pio XII chính là sự "khôn ngoan", hiểu theo nghĩa cao quý chứ không phải là yếu nhược.

Nếu giáo sư Chenaux đề cao sự khôn ngoan của đức Pio XII thì giáo sư Giovanni Miccoli, giáo sư lịch sử Giáo hội tại đại học Trieste, Bắc Ý, lại nói đến sự "phân biện" của vị giáo hoàng này.

Giáo sư Miccoli nói rằng có hai ý kiến trái ngược nhau về đức Pio XII: người thì cho rằng ngài đã làm tất cả những gì ngài phải làm, người thì bảo rằng ngài chưa làm hết những gì mà lẽ ra phải làm. Nhưng theo giáo sư Miccoli, cần phải xem những gì vị giáo hoàng này đã thực sự làm được và tại sao ngài đã làm. Ngài đã nhiều lần dọa sẽ lên tiếng tố cáo Ðức quốc xã về vấn đề Do thái, nhưng ngài đã không làm. Ngài cũng đã từng liên lạc với Phong Trào Kháng Chiến Ðức, nhưng tất cả đều vô ích.

Theo giáo sư Miccoli, điều được gọi là "vấn đề Do thái" không phải là "bận tâm" hàng đầu của vị giáo hoàng này. Dĩ nhiên với vô số lý do. Trước ngài, đức Pio XI đã có ý định cho công bố một thông điệp lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do thái. Khi được bầu làm giáo hoàng, đức Pio XII đã không thực hiện "ý định" của vị tiền nhiệm, là Ðức Piô XI, với lý do rất đơn giản là một thông điệp như thế có thể tạo ra đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Ðức và những vấn đề nghiêm trọng với Phát Xít Ý.

Ðức Pio XII đã tìm cách duy trì quan hệ với Ðệ Tam Thế Chế. Thế rồi chiến tranh đã bùng nổ. Ngài muốn đứng bên trên cuộc xung đột, đồng thời bảo vệ người Công giáo Ðức. Khi chiến tranh kết liễu, ngài đã không có một tiếng về người Do thái. Ðây không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu của ngài.

Một số người cho rằng Ðức Pio XII là một "vị giáo hoàng của Hitler". Giáo sư Miccoli trả lời rằng nói như thế là một điều ngu xuẩn. Ðức Pio XII không hề có bất cứ thiện cảm nào đối với Ðức quốc xã. Ðối với ngài, Ðức là một vùng đất có truyền thống Kitô giáo, cần phải bảo vệ sau khi Hitler rời khỏi quyền lực.

Giáo sư Miccoli kết luận: khả năng "phân biện" cũng là một nhân đức anh hùng.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page