Ðại hội về

Thiên Chúa trong thế giới ngày nay

 

Ðại hội về "Thiên Chúa trong thế giới ngày nay".

Phỏng vấn sử gia Ernesto Galli della Loggia và triết gia Salvatore Natoli, về đại hội "Thiên Chúa ngày nay: với Ngài hay không có Ngài thay đổi tất cả"

Roma (RG 12-12-2009; Avvenire 12-12-2009) - Trong các ngày từ mùng 10 tới 12 tháng 12 năm 2009 đại hội liên ngành về đề tài "Thiên Chúa ngày nay: với Ngài hay không có Ngài thay đổi tất cả" đã diễn ra tại Roma. Ðại hội do Hội Ðồng Tòa Thánh Văn Hóa tổ chức với sự tham dự của hàng trăm người gồm nhiều chuyên viên thuộc nhiều ngành khác nhau.

Trong sứ điệp gửi các tham dự viên đại hội Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI khẳng định rằng: "Vấn đề Thiên Chúa là vấn đề trung tâm đối với cả thời đại chúng ta ngày nay, trong đó người ta thường giản lược con người vào một chiều kích duy nhất là chiều kích "hàng ngang", và cho rằng việc rộng mở cho Ðấng siêu việt không quan trọng. Trái lại tương quan với Thiên Chúa là điều nòng cốt đối với con đường của nhân loại. Giáo Hội và mọi Kitô hữu đều có bổn phận làm cho Thiên Chúa hiện diện trong thế giới này, và tìm mở lối cho con người đến với Thiên Chúa. Trong tình trạng văn hóa và tinh thần như tình trạng chúng ta đang sống, khuynh hướng gạt bỏ Thiên Chúa vào lãnh vực riêng tư, coi Ngài như không quan trọng và thừa thãi hay chối bỏ Ngài một cách tỏ tường, gia tăng. Vì thế Ðức Thánh Cha cầu mong đại hội về vấn đề Thiên Chúa ít nhất có thể góp phần đánh tan bóng mờ khiến cho việc rộng mở cho Thiên Chúa trở thành bấp bênh và lo sợ đối với con người thời đại, mặc dù Thiên Chúa không bao giờ ngừng gõ cửa cuộc sống chúng ta. Các kinh nghiệm qúa khứ - cả các kinh nghiệm không xa chúng ta - dậy cho chúng ta biết rằng khi Thiên Chúa biến mất khỏi chân trời của con người, thì nhân loại mất hướng và gặp nguy cơ có những bước đi dẫn tới chỗ tự hủy hoại chính mình. Niềm tin nơi Thiên Chúa mở ra cho con người chân trời của một niềm hy vọng chắc chắn, không gây thất vọng; nó chỉ cho thấy một nền tảng vững chắc để cuộc sống có thể dựa vào đó mà không sợ hãi và mời gọi con người tin tưởng phó mình cho bàn tay của Tình Yêu đỡ nâng thế giới".

Thuyết trình khai mạc đại hội chiều mùng 10-12-2009 Ðức Hồng Y Camillo Ruini, nguyêm Giám Quản Roma, kiêm Chủ tịch Ủy ban đặc trách dự án văn hóa của Hội Ðồng Giám Mục Italia, đã khẳng định rằng "Vấn đề Thiên Chúa lôi cuốn người nêu lên câu hỏi, vì nó liên quan tới ý nghĩa và hướng đi của cuộc sống chúng ta... Thật ra có sự khác biệt lớn giữa người tin và người không tin. Ðối với những người tin, Thiên Chúa là nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích của con người và của vũ trụ. Vì thế đối với tín hữu không thể đề cập vấn đề Thiên Chúa một cách trung lập và thuần túy khoa học".

Trong buổi thảo luận bàn tròn về "Thiên Chúa và cuôc sống con người", Ðức Hồng Y Carlo Caffara, Tổng Giám Mục Bologna, nêu bật sự cần thiết của ý nghĩa cuộc sống hiện hữu trong chính con người mà không thể dập tắt được. "Thiên Chúa không hiện hữu, bởi vì con người kiếm tìm một ý nghĩa, mà con người tìm kiếm một ý nghĩa, bởi vì Thiên Chúa hiện hữu". Triết gia Robert Spaemann người Ðức thì khẳng định: "Việc tạo dựng định nghĩa tương quan giữa vũ trụ và ý muốn của Thiên Chúa, Khả năng cho phép chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa là lý trí và chúng ta là dấu vết của Ngài trong thế giới".

Ngày thứ hai của đại hội có đề tài "Thiên Chúa của văn hóa và vẻ đẹp". Phát biểu trong dịp này Ðức Hồng Y Angelo Scola, Thượng Phụ Venezia, cho rằng để có thể thắng vượt thuyết duy đời và việc che lấp Thiên Chúa, cần phải suy tư trở lại một cách thống nhất lịch sử, bản thể học và kinh nghiệm, để có được tương quan mới với Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô... Nguy cơ ngày nay không phải là sự suy đồi tôn giáo không thể tránh được và việc tư nhân hóa tôn giáo không thể trở lại đàng sau nữa như luận thuyết của sự tục hóa đề ra. Nguy cơ ngày nay một đàng là việc chủ thể hóa thái qúa kinh nghiệm tôn giáo hay sự qúa khích của vài trào lưu tôn giáo, đặc hiệt các trào lưu gắn liền với Hồi giáo; đàng khác là chủ thuyết duy đời gạt bỏ và loại trừ tôn giáo. Triết gia Roger Scruton người Mỹ thì tố cáo việc tôn thờ vẻ xấu xa và triệt hạ sự thánh thiêng đang lan tràn trên thế giới.

Cuộc thảo luận bàn tròn do Ðức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về văn hóa, và ông Antonio Paolucci, Giám đốc viện bảo tàng Vaticăng, điều hợp, đã xoay quanh đề tài "Thiên Chúa trong nghệ thuật tượng hình hôm qua và ngày nay". Ðức Cha Ravasi nói: "Gương mặt con người là hình vẽ icone hữu hiệu và thực tế của Thiên Chúa, cả khi nó không diễn tả hết được thực tại tràn đầy. Thiên Chúa duy trì sự siêu việt của Ngài bằng cách khiến cho mình hữu hình đối với con người. Nghệ thuật là việc trình thuật kinh nghiệm gặp gỡ với một gương mặt, một lời nói, một hình ảnh thực sự hữu hình bởi vì đã nhập thể. Gương mặt đó là Ðức Giêsu Kitô".

Trong số các thuyết trình viên chiều ngày 11-12-2009 có Ðức Cha Bruno Forte, Tổng Giám Mục Chieti Vasto, các triết gia Massimo Cacciari, Emmanuele Severino, và Salvatore Natoli, sử gia Ernesto Galli della Loggia và chính trị gia Angelo Panebianco. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một vài nhận định của sử gia Ernesto Galli della Loggia và triết gia Salvatore Natoli về đại hội này.

Hỏi: Thưa giáo sư Galli della Loggia, như là giáo sư sử học hiện đại có điều gì nơi Kitô giáo đã đánh động giáo nhất?

Ðáp: Ðiều Kitô giáo đánh động tôi nhất là sự va chạm mà hai cực của đức tin Kitô giáo gây ra: đó là niềm tin nơi biến cố nhập thể của Thiên Chúa và niềm tin nơi sự thành toàn cánh chung vào thời sau hết. Nó đã tạo ra một biện chứng mạnh mẽ: một đàng là sự chờ đợi Nước Thiên Chúa, đàng khác là sự cần thiết phải nhập thể vài giá trị và biến đổi thực tại, Kitô hóa thế giới.

Biện chứng này đã thay đổi tất cả. Nó giống như ý niệm về con người đã ghi dấu sâu đậm trên việc khai sinh và trưởng thành của chính trị bên Tây Phương. Thế rồi các Kitô hữu thời Giáo Hội khai sinh đã có khả năng đương đầu với các thách đố khổng lồ, như khả năng đọ sức với một việc xây dựng chính trị quốc gia như đế quốc Roma. Ban đầu các Kitô hữu bị bách hại, nhưng sau đó được đưa vào trong lòng đế quốc, bắt đầu với nữ giới. Chúng ta không được quên rằng các phụ nữ thượng lưu của xã hội Roma đã là những người đầu tiên bị sứ điệp Kitô chinh phục. Ðiển hình là thánh hoàng hậu Elena mẹ của hoàng đế Costantino.

Hồi giáo cũng đã chinh phục chính trị, nhưng với bạo lực và cuộc xâm lăng quân sự toàn vùng bắc Phi cho tới Tây Ban Nha và đã hủy diệt chứ không chinh phục chính trị như Kitô giáo. Còn có sự kiện khác nữa đó là Kitô giáo đã chinh phục được các quân rợ, các dân tộc Ðức, khi các Kitô hữu không có quyền bính nào trong tay. Bởi vì vào thế kỷ thứ V khi Alarcio cướp phá Roma, Ðế quốc Roma đã hầu như tan rã không còn gì hết, không còn có các cơ cấu hành chánh, bàn giấy, chính trị và quân sự. Sức mạnh quân sự hoàn toàn ở trong tay các dân rợ. Thế mà họ lại theo Kitô giáo: đây đã là công trình có một không hai trong lịch sử.

Hỏi: Giáo sư có nghĩ rằng sứ điệp Kitô có thể lập lại các thành công như thế đối với thế giới đời tự do ngày nay hay không: nghĩa là một sự thấm nhập mới và cũng hữu hiệu của đức tin trong Âu châu đang đánh mất đi căn tính Kitô giáo của mình?

Ðáp: Không thể so sánh hai tình trạng với nhau được. Sự khác biệt giữa hai thời đại xưa và nay qúa rõ ràng. Nếu trong các thế kỷ đầu Kitô giáo đã thành công trong việc thực hiện những điều quan trọng đối với các dân rợ mà không có hậu thuẫn của sức mạnh chính trị quân sự, thì bên cạnh sức mạnh tinh thần, còn có uy tín của truyền thống Roma, mà Giáo Hội đã là tổ chức duy nhất nhập thể được. Kitô giáo nói tiếng latinh, hàng giáo phẩm Kitô và lễ nghi Kitô đã lấy lại nhiều yếu tố của đế quốc Roma. Và điều này đã gây ấn tượng rất mạnh trên các dân rợ. Ngày nay tình hình như bị lật đổ. Nếu có thì uy tín văn hóa ở phía bên kia.

 

Sau đây là vài nhận định của ông Salvatore Natoli giáo sư triết học.

Hỏi: Thưa giáo sư, ngày nay có thể lại nói tới việc đặt để Thiên Chúa vào trung tâm cuộc thảo luận hay không?

Ðáp: Có thể nói tới điều đó chứ, vì chúng ta có thể đề cập tới một tâm tình của sự thánh thiêng phổ quát được diễn tả ra trong các hình thái rất khác nhau, kể cả qua các khuynh hướng trộn lẫn tôn giáo. Thường khi chúng ta kinh nghiệm được việc quy chiếu không phải hướng tới sự siêu việt, nhưng hướng tới mầu nhiệm, hướng tới cái bí ẩn lớn của cuộc sống. Một cách cụ thể chúng ta chứng kiến việc trở lại của các truyền thống tôn giáo trong hình thái bị ô nhiễm: tín hữu không Giáo Hội, đồng tác, tự quản, trộn lẫn giữa triết lý và tôn giáo. Ðây là phong trào phổ biến trong xã hội hiện đại. Vấn đề là phải duyệt xét xem đó có phải là hiện tượng bấp bênh hay là một sự chắc chắn.

Hỏi: Giáo Hội có vai trò nào trong tiến trình này không thưa giáo sư?

Ðáp: Tôi xin trả lời câu hỏi này như là một người không tin, trong nghĩa không theo một tôn giáo tích cực nào. Giáo Hội phải làm điều mà Giáo Hội đã làm cho tới nay: đó là đề nghị trở lại tính cách đặc thù của Kitô giáo, nhấn mạnh đề tài bác ái, mà tôi tin rằng nó là yếu tố có ý nghĩa nhất của Kitô giáo. Thông điệp cuối cùng của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI "Bác ái trong chân lý" là dấu chỉ mạnh mẽ trong chiều hướng này. Dĩ nhiên nó là một tình bác ái bao giờ cũng quy chiếu về sự siêu việt. Nghĩa là nhấn mạnh trên các điều mới mẻ nhất, trung tâm của Kitô giáo hơn là trên các đề tài luân lý hành xử, với các lập trường có thể chia sẻ được theo lương tri, nhưng không phải là trọng tâm duy nhất của lòng tin.

Hỏi: Nhưng mà Kitô giáo cũng là tôn giáo lớn của Thiên Chúa của lịch sử mà thưa giáo sư...

Ðáp: Chắc chắn Kitô giáo là như thế rồi, nhưng tôi muốn nói chung là biến cố tôn giáo độc thần đã ghi dấu một cách ý nghĩa lịch sử của Tây Phương. Ðây đã là các tế bào mầm giống của lịch sử trong nghĩa tích cực, vì nó đã khai mào cho thời gian của tinh thần trách nhiệm và sự tự do - cũng như trong nghĩa tiêu cực, vì chính sự tự do mà Kitô giáo đã đặt vào trong lòng lịch sử đã bị hạn chế bởi các yếu tố bắt buộc trong sự đong đưa nền tảng giữa truyền thống và sự phản bội đã định tính sứ điệp Kitô trong lịch sử.

Hỏi: Cả trong lịch sử hiện đại nữa hay sao thưa giáo sư?

Ðáp: Ngày nay nói chung Giáo Hội cho thấy có các kinh nghiệm lớn về tự do tôn giáo, tình cảm và đam mê đối với con người, cũng như cho thấy khả năng thảo luận phong phú và biện chứng giữa linh hứng và cơ cầu.

Hỏi: Như thế thì Giáo Hội tạo ra tương quan nào với các người không tin trong cuộc thảo luận công cộng thưa giáo sư?

Ðáp: Dĩ nhiên là không thiếu các đề tài giống nhau và có giá trị đối với tất cả mọi người như công bằng và bác ái, là đề tài đã định tính cho tất cả các triều đại giáo hoàng, từ Ðức Gioan XXIII với thông điệp "Hòa bình dưới thế" và "Mẹ và Thầy" trở đi. Nghĩa là sự gặp gỡ có thể xảy ra trên vùng đất hướng tới chỗ cứu chuộc nhân loại và hướng tới sự công bằng trong việc phân chia của cải và tài nguyên.

(RG 12-12-2009; Avvenire 12-12-2009)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page