Cuộc khủng hoảng của Hồi giáo

và cuộc khủng khoảng của thế giới Tây phương

 

Cuộc khủng hoảng của Hồi giáo và cuộc khủng khoảng của thế giới Tây phương.

Một số nhận định của Linh Mục Samir Khalil Samir về cuộc khủng hoảng của Hồi giáo tại Trung Ðông và cuộc khủng hoảng của Tây Phương.

Roma (Asanews 1-12-2009) - Trong các ngày từ mùng 10 đến 24 tháng 10 năm tới 2010 Thượng Hội Ðồng đặc biệt của các Giáo Hội vùng Trung Ðông sẽ diễn ra tại Roma về đề tài: "Giáo Hội công giáo tại Trung Ðông: hiệp thông và chứng tá: "Ðám đông những người đã trở thành Kitô hữu đều một lòng một ý" (Cv 4,32). Ðể chuẩn bị cho biến cố này Linh Mục Samir Khalil Samir, dòng Tên, giáo sư tại đại học công giáo thánh Giuse Beirut bên Libăng, đã cho đăng tải trên địa chỉ của hãng Asianews bài viết tựa đề "Hồi giáo trong sự tê liệt và trong chiến tranh; Tây phương không trí nhớ".

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung bài viết này của cha. Mở đầu cha Samir cho biết mục đích bài viết là để giúp hiểu tình hình của vùng Trung Ðông và các vấn đề gây khổ đau cho các Giáo Hội Kitô vùng này.

Theo cha, tình hình vùng Trung Ðông nói chung xem ra dậm chân tại chỗ, bất động và không đạt kết qủa nào, mặc dù hồi tháng 11 năm 2008 đã có cuộc họp Công giáo Hồi giáo, với sự tham dự của hàng chục giới chức chuyên môn. Kết qủa của cuộc họp là một tuyên ngôn với các cam kết bảo vệ tự do tôn giáo, lên án nạn khủng bố và lựa chọn chung sống. Nhưng một năm đã trôi qua mà không có gì cụ thể được thực hiện. Cũng vào năm 2008 A Rập Sauđi đã đưa ra vài sứ điệp quan trọng liên quan tới việc đối thoại với các tôn giáo khác, nhưng trong nước chính quyền vẫn không cho tự do tôn giáo và tự do thờ tự.

Tình hình Irak đã không khả quan hơn; chiến tranh giữa hai nhóm Sunnít và Shiít vẫn tiếp tục, và trên bình diện cao hơn nó là cuộc chiến giữa Iran và A Rập Sauđi, là hai quốc gia đại diện cho hai khuynh hướng chính của Hồi giáo. Trong các tuần trước đây hai nước đã đe dọa nhau: Iran nói rằng phải dùng dịp hành hương La Mecca để tái phát động thánh chiến Jihad và giải phóng Palestine. Ngày hôm sau A Rập Sauđi trả lời rằng sẽ không chấp nhận bất cứ hành động không có tính cách tôn giáo và tinh thần nào trong cuộc hành hương. Cả cuộc chiến ở biên giới A rập Saudi và Yemen cũng là chiến tranh giữa hai nhóm Sunnít và Shiít.

Trong khi đó Palestine bị tê liệt, vì sự chia rẽ giữa vùng Gaza và vùng Cisgiordani. Libăng gặp khủng hoảng chính trị, vì 4 tháng liên tiếp đã không có chính quyền.

Trong tình trạng tê liệt này chỉ có Israel là tiếp tục chiếm đất và thành lập các làng trên đất của người Palestine. Kiểu chiếm đất này trong tương lai sẽ không cho phép người dân A rập sống tại Giêrusalem liên lạc với vùng Cisgiordani nữa, và sẽ khiến cho nước Palestine với thủ đô là Giêrusalem gặp khó khăn. Tất cả xảy ra trong sự thinh lặng của các nước A rập cũng như các nước Tây âu, kể cả Hoa Kỳ.

Vấn đề tìm chế tạo vũ khí nguyên tử của Iran tiếp tục nóng bỏng, vì một đàng Iran tuyên bố đối thoại, đàng khác vẫn tiếp tục chương trình của mình. Nhưng làm sao có thể kết án Iran, khi các nước khác trong vùng như Israel có khí giới nguyên tử.

Bên cạnh đó người ta ghi nhận một sự tê liệt nghiêm trọng hơn nữa của thế giới Hồi giáo: đó là cuộc khủng hoảng căn tính và giá trị. Các phương tiện truyền thông hồi giáo đưa ra vấn nạn: thế giới hồi đã sản xuất được gì trong bao thế kỷ qua và đã góp phần nào cho nền văn minh nhân loại. Ðiều duy nhất họ có, nhưng không do họ chế ra, là đầu hỏa, và niềm tin nơi Allah. Tình trạng này làm nảy sinh ra sự giận dữ của người hồi chống lại chính mình và chống lại bất cứ ai.

Nạn bạo lực bắt nguồn từ đó giữa các nhóm hồi trong cùng một nước với nhau như xảy ra tại: Irak, Sudan, Somalia, Pakistan, Afghanistan và Iran. Trận đấu túc cầu giữa Algerie và Ai Cập cũng kết thúc bằng bạo lực. Tất cả đều cho người ta cảm tưởng điều duy nhất mà Hồi giáo biết sản xuất là tàn sát và bạo lực. Chúng minh chứng cho thấy tình trạng bất ổn sâu thắm của Hồi giáo tại Trung Ðông, Bắc Phi và vùng Sừng Phi châu vv... Và không thể đổ tội cho qúa khứ thực dân được, vì các quốc gia hồi đã chiếm hữu được các cơ cấu vững chắc ít nhiều dân chủ. Nghĩa là không thể che dấu được cuộc khủng hoảng văn hóa xã hội và chính trị của thế giới hồi giáo nữa. Ðiều duy nhất còn lại là khuynh hướng tôn giáo cứng nhắc, với các dấu chỉ bề ngoài: khăn trùm đầu, râu và các bó buộc khác... Tất cả những người hồi trở lại Ai Cập sau nhiều năm vắng mặt không còn nhận ra quê hương đất nước nữa. Trong các cuộc hội họp cầu nguyện tại đền thờ người ta khích động hận thù chống lại các người khác và chống lại cả các người hồi hòa hoãn.

Theo cha Samir điều đáng buồn đó là các vị lãnh đạo Hồi giáo, các Imam đã không có khả năng giải quyết các vấn đề, lại còn khiến cho chúng gia tăng và trở thành trầm trọng hơn. Ða số các imam đã được đào tạo tại đại học Al Azhar là đại học hồi giáo cổ xưa nhất thế giới, trong đó mỗi năm có 150,000 imam nhập học. Nhưng kiểu đào tạo rất lỗi thời, vì chỉ lập lại những gì đã có hồi thế kỷ thứ VII. Do đó nó không giúp các imam có khả năng và óc phân định các giá trị để đối phó với xã hội tân tiến hiện nay. Các imam xiềng xích tín hữu vào những gì mà Hồi giáo đã dậy trong các thế kỷ đầu. Không có một quyền bính luân lý giúp tín đồ hồi đối diện với tình trạng sống thường ngày của họ. Khi có vấn đề, họ trả cho các imam 1.2 Euros và hôm sau có câu trả lời sẵn sàng. Tình trạng này khiến cho tín hữu thụ động, không cần phải suy nghĩ. Liên quan tới cùng một vần đề, ý kiến của các imam cũng thường trái nghịch nhau, người nói được phép kẻ nói không được phép.

Giữa cuộc khủng hoảng này có một vài dấu chỉ hy vọng tuy bé nhỏ: đó là phản ứng ngược lại của những người không muốn bị lèo lái và sử dụng như bậc tiến thân của hàng lãnh đạo nữa. Tại Iran có các cuộc biểu tình "xanh", tại Ai Cập với đảng có tên gọi là "Ðủ rồi - Kefâya". Bên Algerie và Senegal cũng có các nhóm tương tự. Trên các địa chỉ Internet và trên báo chí cũng có các nhóm hồi tự do hay cải cách, nhưng họ không được ai trợ lực nên mệt mỏi và quay vào thinh lặng. Cũng có vài đại hội của những người Hồi "cấp tiến" như đại hội Berlin hay của các người hồi tự do, trong đó cũng có một nhóm các chuyên viên chú giải kinh Coran, các chính trị gia và cả thành viên phong trào nữ quyền hồi. Nhưng sau khi đại hội kết thúc họ không làm gì cả. Và tất cả chỉ là một giọt nước giữa đại dương: vài chục ngàn người trên 1 tỷ 200 triệu người hồi trên thế giới.

Trước cuộc khủng hoảng trầm trọng này của thế giới hồi giáo, theo cha Samir, thế giới Tây phương cũng không khá hơn, vì ngày càng đánh mất đi ý thức rõ ràng và quân bình về căn tính của mình. Sự kiện tòa án nhân quyền Âu châu Strasbourg ra phán quyết bắt tháo gỡ Thánh Giá trong các trường công lập tại Italia, lấy cớ nó vi phạm tự do của học sinh và phụ huynh, và không tôn trọng tính cách trung lập và tính cách đời của Âu châu, là một bằng chứng hiển nhiên nhất.

Không kể yếu tố tôn giáo, đối với đại đa số dân Italia, kể cả những người không tin, Thánh Giá là biểu tượng văn hóa của Italia. Khi đưa ra phán quyết chối bỏ Thánh Giá, tòa án Âu châu chối bỏ chính mình. Nếu chối bỏ cuộc diệt chủng do thái là chối bỏ sự thật lịch sử, thì chối bỏ Thánh Giá cũng là chối bỏ chính nền văn hóa của mình. Ðây là một sự kiện rất trầm trọng, nhưng rất tiếc đã không có quốc gia Âu châu nào phản ứng, ngoại trừ Italia.

Ngoài ra tại Âu châu còn có một thái độ khác nữa: đó là thái độ của phong trào tân đức quốc xã: chối bỏ căn tính của người khác. Cả hai thái độ đi chung với nhau và lôi kéo nhau. Ðiều này xảy ra vì con người ngày càng có ít ý thức về chính mình.

Như thế chúng ta đang đứng trước hai cuộc khủng hoảng: cuộc khủng hoảng văn hóa của thế giới hồi giáo và cuộc khủng hoảng của thế giới Tây phương, cả hai thế giới đều bị tê liệt. Tương quan duy nhất có thể có giữa hai cơ cấu bất động và khép kín là tương quan sức mạnh hay loại trừ.

Tây phương tìm ra khỏi tình trạng bất động này kể cả bằng ý tưởng của sự khoan nhượng và chủ trương đa văn hóa. Căn tính của tôi là tất cả mọi nền văn hóa. Nhưng đó là một thái độ ý niệm: Tôi chỉ có thể qúy trọng các nền văn hóa khác, nếu tôi hiểu nền văn hóa của chính mình và biết mình là ai. Và chỉ như thế mới có thể đối thoại. Nếu không có gì hết, thì người to tiếng nhất hay có nhiều quyền vật chất hơn sẽ thắng thế.

Tuy nhiên cha Samir cho rằng bên Tây phương cũng có các dấu chỉ hy vọng, vì có nhiều người lên tiếng chỉ trích khuynh hướng bất động của thế giới Tây âu. Nhiều người khác tranh đấu cho một nền luân lý tự do hơn, đôi khi gần như tới chỗ chủ trương cho phép mọi sự. Trên mọi bình diện đã có việc thảo luận liên quan tới các giá trị và các vấn đề của xã hội. Một trong những dấu chỉ này là sự hiện diện của người di cư tại các quốc gia Âu châu. Có nhiều người dân Âu châu tranh đấu cho quyền của người di cư có giấy phép cư trú, có công ăn việc làm, đươc nhập quốc tịch và bỏ phiếu, nhưng cũng có nhiều người khác tìm cách cản ngăn. Vào ngày mùng 1 tháng 3 năm tới đây các người di cư tại Pháp sẽ tổ chức tổng đình công để đòi hỏi các quyền lợi của mình và chứng minh cho thấy sự hiện diện của họ cần thiết cho nền kinh tế của Pháp.

Trong khi tại các nước vùng Trung Ðông người di cư tị nạn bị đối xử tàn tệ như thú vật, không có quyền lợi nào và cũng không có ai bênh vực họ. Bên Tây phương mỗi khi thảo luận vấn đề gì người ta tìm đào sâu các giá trị triết lý và tinh thần của các vấn đề đó. Nhưng bên Trung Ðông chỉ có các thảo luận loại chính trị, còn lại là sự thinh lặng.

Vẫn theo cha Samir cho tới nay hầu như đã không có sự đối thoại nào giữa thế giới Tây phương và thế giới hồi giáo. Nhưng không thể chối cãi được sự kiện hai thế giới cần thiết cho nhau trên bình diện văn hóa cũng như kinh tế. Do đó cuộc khủng hoảng của cả hai là dịp giúp suy tư sâu rộng hơn, với điều kiện là mỗi bên phải ý thức rõ ràng về chính mình và nhận thức được những gì có thể cùng làm chung với nhau.

Thật vậy, riêng rẽ một mình, thế giới hồi giáo không thể đứng vững vì có nguy cơ ở bên lề xã hội tân tiến và bị nạn bạo lực nuốt trửng. Thế giới Tây phương cũng không thể tự lực, vì tuy được đào tạo nhiều hơn trên bình diện trí thức, nhưng lại thiếu nhân lực làm việc, vì số sinh giảm sút qúa nhiều. Giải pháp ở đây là điều thánh Phaolô nói tới trong chương 12 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô: mọi cơ phận trong thân thể đều cần tới nhau.

Việc toàn cầu hóa hay cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh bên Hoa Kỳ đều tạo ra âm hưởng trên toàn thế giới. Và điều xảy ra trên bình diện kinh tế cũng xảy ra trên bình diện văn hóa, ý thức hệ và đức tin. Chúng ta tất cả đều ở chung trên một con tầu. Nếu tầu chìm, thì mọi người đều chết.

Vì thế thái độ khôn ngoan của cả hai thế giới là chú ý tới những ý kiến và than phiền của nhau để hiểu các đề nghị hay đẹp ích lợi của cả hai phía.

Do đó việc đối thoại là điều nền tảng trong tình hình hiện nay tại Âu châu, nơi càng ngày càng có nhiều cộng đoàn di cư hồi sinh sống. Ðây cũng là dịp để các người hồi sống bên Âu châu suy tư trở lại sự hiện diện của mình, được xã hội Âu châu tiếp đón, nhưng vẫn là thiểu số, và vì thế không thể có cung cách hành xử như trong các nước hồi giáo nơi có đa số dân là tín hữu hồi.

(Asanews 1-12-2009)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page