Ðức thánh cha gợi lại

những cảm xúc của ngài

khi viếng thăm Ðài tưởng niệm Yad Vashem

 

Ðức thánh cha gợi lại những cảm xúc của ngài khi viếng thăm Ðài tưởng niệm Yad Vashem.

Vatican [AFP 21/12/2009] - Ðức thánh cha Beneđitô XVI gợi lại những cảm xúc của ngài khi viếng thăm Ðài Tưởng Niệm Yad Vashem tại Gierusalem. Ðây là nơi tưởng nhớ 6 triệu người Do thái bị đức quốc xã sát tế trong thời đệ nhị thế chiến.

Hôm thứ Hai 21 tháng 12 năm 2009, khi tiếp kiến giáo triều đến chúc mừng Giáng Sinh, Ðức thánh cha ôn lại chuyến viếng thăm Thánh Ðịa dạo tháng 5 năm 2009. Nhân dịp này, ngài đã đến mặc niệm tại đài tưởng niệm Yad Vashem. Ðức thánh cha nói rằng những giây phút dừng chân trước đài tưởng niệm này là "một cuộc giáp mặt khủng khiếp với sự tàn bạo của con người, do hận thù được một ý thức hệ mù quáng gây ra khiến cho hằng triệu con người phải chết".

Tưởng cũng nên nhắc lại sáng thứ Bảy 19 tháng 12 năm 2009, Ðức thánh cha đã nhìn nhận các nhân đức anh hùng của đức Pio XII, vị giáo hoàng mà nhiều người Do thái cho là đã "thinh lặng" trước cuộc sát tế người Do thái. Nhiều cộng đồng Do thái trên thế giới đã lên tiếng phản đối về quyết định phong chân phước cho vị giáo hoàng này.

Nhắc lại đức quốc xã, Ðức thánh cha nói rằng "xét cho cùng, đây là một ý thức hệ tìm cách xua đuổi Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacob, của Chúa Giêsu Kitô ra khỏi trái đất".

Tại Ðài tưởng niệm Yad Vashem có treo hình của đức Pio XII nhưng với lời chú thích rằng ngài là người đã không lên tiếng tố cáo cuộc sát tế người Do thái.

Tòa thánh và Ðức thánh cha luôn xác tín rằng đức Pio XII đã cứu vớt rất nhiều người Do thái tại Âu Châu khi ra lệnh cho các dòng tu mở cửa đón tiếp họ và nếu ngài có giữ thinh lặng là chỉ để tránh cho số phận của họ ít bi đát hơn mà thôi. Theo Tòa thánh, có đủ bằng chứng về những can thiệp âm thầm của đức Pio XII trong các văn khố mà Tòa Thánh đang cho mở ra và xếp loại.

Ðược đức Phaolo VI cho mở ra vào năm 1967, hồ sơ phong chân phước cho đức Pio XII đã tạo ra nhiều phản ứng tiêu cực trong các cộng đồng Do thái tại nhiều nơi trên thế giới.

Về phần mình, quốc gia Israel khẳng định rằng việc phong chân phước là chuyện nội bộ của Giáo hội. Tuy nhiên quốc gia này yêu cầu Tòa thánh cho mở ra các văn khố có liên quan đến thời đệ nhị thế chiến. Theo Israel, chính các sử gia mới có thể thẩm định được cách cư xử của đức Pio XII trong thời đệ nhị thế chiến.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page