Về việc phong chân phước cho Ðức Pio XII

 

Về việc phong chân phước cho Ðức Pio XII.

Roma [La Croix 20/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sáng thứ Bảy 19 tháng 12 năm 2009, Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã cho công bố các sắc lệnh nhìn nhận phép lạ, các nhân đức anh hùng của 19 vị sẽ được tôn phong hiển thánh hay chân phước. Trong số này, gây nhiều ngạc nhiên hơn cả là trường hợp đức giáo hoàng Pio XII.

Cha Peter Gumpel, Dòng Tên, báo cáo viên của vụ án phong chân phước cho vị giáo hoàng này từ năm 1983 đến nay, nói rằng ngài rất ngạc nhiên trước quyết định của Ðức thánh cha. Theo cha Gumpel, không ai chờ đợi tên tuổi của Ðức Pio XII đứng kề bên 19 vị chân phước và đáng kính, trong số này có nữ chân phước Mary McKillop, sáng lập viên dòng thánh Giuse tại Úc đại lợi, Ðức thánh cha Gioan Phaolô II và cha Jerzy Popieluszko, người bị sát hại dưới thời cộng sản tại Balan.

Như vậy, con đường tôn phong chân phước cho vị giáo hoàng lãnh đạo Giáo hội từ năm 1939 đến năm 1958 đã chính thức được mở ra. Theo nhận định của nhựt báo Công giáo Pháp La Croix, trong số ra hôm Chúa Nhựt 20 tháng 12 năm 2009, "Vì những cuộc tranh luận về vị giáo hoàng này, người có lẽ là nhà ngoại giao hơn là tiên tri, cho nên con đường mở ra sẽ có nguy cơ gặp nhiều chống đối, ngoại trừ có một phép lạ vốn là điều kiện cần thiết cho việc tôn phong chân phước".

Tất cả được bắt đầu vào năm 1965, khi đức Phaolô VI cho mở hồ sơ phong chân phước cho đức Gioan 23. Nhân dịp này, để cho cân bằng, ngài cũng giới thiệu hồ sơ phong chân phước cho đức Pio XII, mặc dù đang có cuộc tranh luận về thái độ của vị giáo hoàng này đối với cuộc sát tế người Do thái, được thổi phồng qua vở kịch có tựa đề "Vị đại diện" của Rolf Hochhuth. Ðức Phaolô VI đã ủy thác cho 4 sử gia Dòng Tên trọng trách sưu tra văn khố của phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh từ năm 1939 đến năm 1945. Kết quả của công tác là 11 pho sách được cha Pierre Blet tổng hợp năm 1997.

Năm 1999, Ðức thánh cha Gioan Phaolô II cho thành lập một ủy ban quốc tế gồm 6 sử gia Do thái và Công giáo. Ngài khẳng định: "Chắc chắn Giáo hội không hề sợ sự thật lịch sử". Nhưng phía các sử gia Do thái đã xin rút lui khỏi ủy ban vào năm 2001, với lý do là vì không được mở hết mọi văn khố của Tòa thánh. Từ đó, danh mục các cuốn sách viết về vấn đề này không ngừng dài ra. Không thiếu những người Do thái bênh vực đức Pio XII và ngược lại cũng có những người Công giáo lên án sự thinh lặng của ngài.

Ngày 8 tháng 5 năm 2007, Bộ phong thánh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của đức Pio XII. Nhưng Ðức thánh cha Benedicto XVI đã không ký tên vào sắc lệnh nhìn nhận điều này. Vấn đề đã tạo ra căng thẳng giữa Tòa Thánh và Israel. Ðức thánh cha đã xin một ủy ban của phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh nghiên cứu vấn đề này một lần nữa.

Một tháng sau, tức tháng Sáu năm 2007, Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, lên tiếng bênh vực đức Pio XII. Ðức hồng y nói rằng vị giáo hoàng này là nạn nhân của một cuộc bôi nhọ trong đó các tài liệu và chứng tá đều mâu thuẫn nhau. Ðức hồng y Quốc vụ khanh Tòa thánh cũng nhắc lại rằng hành động trung gian của đức Pio XII đã được ca ngợi mãi cho đến thời Israel lập quốc. Theo Ðức hồng y Bertone, đức Pio XII đã bắt đầu bị bôi nhọ kể từ khi ngài lên tiếng bênh vực quyền của những người Palestine.

Ngày 18 tháng 9 năm 2008, khi tiếp kiến một phái đoàn của Sáng Hội có tên là "Pave the Way" [mở ra con đường] của người Do thái, Ðức thánh cha nhắc lại rất nhiều cuộc can thiệp của đức Pio XII: tất cả đều diễn ra một cách âm thầm và bí mật, vì ngài biết rằng, do hoàn cảnh lịch sử phức tạp, đó là cách thế duy nhứt để tránh điều tệ hại nhứt và có thể cứu thoát nhiều người Do thái nhứt.

Ngày 9 tháng 10 cũng năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày qua đời của đức Pio XII, Ðức thánh cha khẳng định rằng sứ điệp truyền thanh Giáng Sinh năm 1942 của vị giáo hoàng này "là một bằng chứng rõ ràng nhứt về việc ngài lên án việc đức quốc xã lưu đày và tiêu diệt người Do thái". Cũng năm đó, khi được mời đến phát biểu tại thượng hội đồng giám mục thế giới, ông Shear Yashuv Cohen, đại giáo trưởng Do thái tại Gierusalem, đã lên án sự thinh lặng của đức Pio XII trước cuộc sát tế người Do thái.

Ðức thánh cha Benedicto XVI nhắc lại rằng không nên chối bỏ toàn bộ hành động của đức Pio XII. Cha Gumpel đã xác nhận với báo La Croix rằng Ðức thánh cha xem đức Pio XII như một nhà thần học vĩ đại, tiền phong của Công đồng Vatican II. Nếu ngài đã không triệu tập công đồng là vì ngài muốn chuẩn bị dư luận về những diễn tiến mới, vào giữa lúc các Ðức giám mục trên thế giới đang xây dựng lại các giáo phận đổ nát của mình.

Ðối với Tòa thánh, phong chân phước là một chuyện nội bộ của Giáo hội nằm bên ngoài mọi phê phán lịch sử và chính trị.

Dạo tháng 5 năm 2009, khi viếng thăm bảo tàng viện Yad Vashem tại Gierusalem, Ðức thánh cha đã không đi qua trước tấm hình của Ðức Pio XII, bởi vì bên dưới tấm hình có ghi chú một dòng chữ viết rằng vị giáo hoàng này đã thinh lặng trước cuộc sát tế người Do thái.

Trong những tháng vừa qua, Ðức thánh cha đã ủy thác cho cha Ambrosius Eszer, một linh mục dòng Ða minh người Ðức, công tác nghiên cứu các văn khố của Tòa thánh chưa được mở ra. Cha Eszer đã đệ trình lên Ðức thánh cha kết quả nghiên cứu vào mùa hè năm 2009.

Hôm thứ Bảy 19 tháng 12 năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập bộ phong thánh, Ðức thánh cha nhấn mạnh về những tiêu chuẩn của việc phong thánh như "liên tục tìm kiếm sự thánh thiện, khước từ sự tầm thường và hướng về việc trọn vẹn thuộc về Chúa Kitô".

Vào ngày 17 tháng Giêng năm 2009, nối gót vị tiền nhiệm của ngài, đức Benedicto XVI sẽ đến viếng thăm hội đường Do thái tại Roma. Hôm thứ Bảy 19 tháng 12 năm 2009, giới hữu trách Do thái tại Ý nhắc lại rằng "ngày 16 tháng 10 năm 1943, chuyến xe lửa chở 1021 người Do thái đến trại tập trung Auschwitz đã khởi hành tại nhà ga Roma, trước sự thinh lặng của đức Pio XII."

Trong tình thế này, nhiều người tự hỏi: liệu các cánh cửa của hội đường Do thái tại Roma có mở ra để đón tiếp đức Benedicto XVI không?

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page