Không thừa nhận luật lệ tự nhiên
con người rơi vào sự độc tài
của chủ trương duy tương đối
Không thừa nhận luật lệ tự nhiên con người rơi vào sự độc tài của chủ trương duy tương đối.
Vatican (Vat. 16/12/2009) - Có một chân lý khách quan và bất biến, bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà lý trí con người có thể đạt tới và nó liên quan tới hành động cụ thể và xã hội. Ðây là một quyền tự nhiên mà các luật lệ nhân loại, càc quyền bính chính trị và tôn giáo phải lấy hứng, để thăng tiến thiện ích chung. Khi không thừa nhận giá trị của luật lệ tự nhiên con người rơi vào sự độc tài của chủ duy trương tương đối.
Ðức Thánh Cha Biển Ðức đã khẳng định như trên trước gần 9,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung trong đại thính đường Phaolo VI sáng thứ Tư 16 tháng 12 năm 2009.
Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của Giovanni thành Salisbury thuộc trường Chartres, là một trong các trường triết và thần học quan trọng nhất của thời Trung Cổ, trong đó các nhà triết học và thần học cho thấy đức tin, trong sự hòa hợp với các khát vọng chính đáng của lý trí, thúc đẩy tư tưởng hướng tới chân lý mạc khải, trong đó ta tìm thấy thiện ích đích thực của con người. Ðức Thánh Cha giới thiệu tiểu sử của Giovanni như sau:
Giovanni sinh tại Salisbury bên Anh quốc giữa các năm 1100-1120. Khi đọc các tác phẩm nhất là các thư chúng ta biết được các sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời người. Trong 12 năm giữa năm 1136-1148 người theo học các trường chuyên môn có các bậc thầy nổi tiếng nhất thời đó dậy học, nhất là tại Paris và Chatres là hai nơi đã ghi dấu việc đào tạo khiến cho Giovanni hấp thụ được nền văn hóa rộng rãi, ưa thích các vấn đề chuyên biệt và nền văn chương. Theo thói quen thời ấy các sinh viên giỏi nhất thường được các chức sắc giáo hội và các vua chúa tuyển chọn làm cộng sự viên. Giovanni được thánh Bernard de Claiveaux là bạn, giới thiệu với Teobaldo là Tổng Giám Mục Canterbury và được tiếp nhận vào hàng giáo sĩ. Trong 11 năm Giovanni là thư ký và tuyên úy của vị Tổng Giám Mục già. Giovanni vừa hăng say tiếp tục nghiên cứu vừa hoạt động ngoai giao mạnh mẽ, và đã qua Italia 10 lần để củng cố các liên hệ giữa Anh quốc và Ðức Giáo Hoàng. Giovanni trở thành bạn của Ðức Giáo Hoàng Adriano IV. Trong các năm sau khi Ðức Adriano IV qua đời bên Anh quốc xảy ra căng thẳng giữa Giáo Hội và triều đình. Vua Enrico II muốn khẳng định quyền bính của mình trong lòng Giáo Hội nên hạn chế sự tự do của Giáo Hội. Sự kiện này gây ra phản ứng mạnh nơi Giovanni, nhất là sự kháng cự can đảm của Ðức Tổng Giám Mục Thomas Becket người kế vị Ðức Cha Teobaldo. Do đó Ðức Tổng Giám Mục Thomas Becket bị đi đầy, và Giovanni theo người sang Pháp nhưng tiếp tục hoạt động cho việc hòa giải. Sau khi trở lại Anh quốc, năm 1170 Ðức Tổng Giám Mục Becket bị tấn công và bị ám sát trong nhà thờ chính tòa Canterbury. Người đã được dân chúng tốn kính như là vị tử đạo. Giovanni tiếp tục giúp việc cho người kế vị thánh Thomas Becket cho tới khi được chỉ định làm GM thành Chartres năm 1176 và qua đời tại đây năm 1180.
Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã nhắc tới hai tác phẩm quan trọng nhất của Ðức Cha Giovanni thành Salisbury có tựa đề tiếng hy lạp là "Metaloghicon - Bênh vực luận lý", và "Polycráticus - Con người của chính quyền". Trong tác phẩm thứ nhất Giovanni bác bỏ lập trường của những người có ý niệm giản lược coi văn hóa như là sự hùng biện trống rỗng lắm lời vô ích. Giovanni ca ngơi văn hóa, triết lý đích thực, nghĩa là sự gặp gỡ giữa tư tưởng mạnh mẽ và việc truyền thông, lời nói hữu hiệu. Người viết: "Hùng biện mà không được lý trí soi sáng thì không chỉ táo bạo mà còn mù quáng nữa, cũng thế sự khôn ngoan mà không dùng lời nói chẳng những yếu kém mà trong một cách thế nào đó còn què cụt nữa: Thật vậy cả khi một sự khôn ngoan không lời nói có ích lợi cho việc đối chiếu lương tâm, nó hiếm và ít ích lợi cho xã hội" (Metaloghicon 1,1 PL, 199,327). Giáo huấn của Giovanni cũng rất thời sự đối với ngày nay. Ðiều mà Giovanni định nghĩa là hùng biện, tức là khả thể truyền thông ngày nay gia tăng rất nhiều với các dụng cụ ngày càng tân tiến phổ biến hơn. Nhưng sự cần thiết truyền thông các sứ điệp chứa đựng sự khôn ngoan, nghĩa là được gợi hứng bởi chân, thiện, mỹ vẫn luôn khẩn thiết. Ðây là một trách nhiệm lớn, đặc biệt mời gọi các người hoạt động trong lãnh vực đa đạng và phức tạp của văn hóa và truyền thông đại chúng. Chính trong lãnh vực này có thể loan báo Tin Mừng với sức mạnh truyền giáo.
Trong tác phẩm Metaloghicon Giovanni đương đầu với các vấn đế của luận lý đặt ra các câu hỏi như lý trí con người có thể biết đươc những gì? Cho tới mức độ nào nó có thể đáp lại khát vọng kiếm tím chân lý nơi mỗi người? Giovanni theo một lập trường hòa hoãn dựa trên vài giáo huấn của Aristotele và Cicerone. Theo Giovanni bình thường lý trí con người đạt tới các sự hiểu biết có lẽ đúng, có thể lựa chọn, chứ không phải chắc chắn đến độ không thể thảo luận được. Sự hiểu biết của con người bất toàn, vì con người có tận, bất toàn và hạn hẹp. Nhưng nó có thể lớn lên và tự hoàn hảo nhờ kinh nghiệm và việc soạn ra các lý luận đúng đắn trung thực giúp thiệt lập các tương quan giữa các ý niệm và thực tại, nhờ việc thảo luận đối chiếu với sự hiểu biết ngày càng thêm phong phú từ thế hệ này sang thế hệ kia. Chỉ trong Thiên Chúa mới có một khoa học toàn hảo, được thông truyền cho con người, ít nhất là một phần, qua sự Mạc khải được tiếp nhận bởi đức tin, mà khoa học đức tin là thần học, trình bầy các tiềm năng của lý trí và với sự khiêm tốn giúp tiến vào việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ như sau: tín hữu và thần học gia đào sâu kho tàng đức tin cũng rộng mở cho sự hiểu biết thực tiễn hướng dẫn các hành động thường ngày, nghĩa là các luật lệ luân lý và viêc thực hành các nhân đức. Giovanni nói vì lòng từ bi Thiên Chúa ban cho chúng ta luật của Người cho biết ý muốn của Thiên Chúa để mỗi người biết phải làm gì. Ðức Thánh Cha khai triển điểm này như sau:
Theo Giovanni thành Salisbury cũng có một chân lý khách quan và bất biến, có nguồn gốc nơi Thiên chúa, và các luật lệ nhân loại, càc quyền bính chính trị và tôn giáo phải lấy hứng, để thăng tiến thiện ích chung. Luật lệ tự nhiên này được định tính bởi điều mà Giovanni gọi là sự bình đẳng, nghĩa là cho mỗi người các quyền của họ. Từ đó bắt nguồn các luật lệ hợp pháo nơi tất cả mọi dân tộc, và không thể hủy bỏ được trong bất cứ trường hợp nào. Ðó là luận thuyết chính của tác phẩm Polycráticus, là khảo luận triết học và thần học chính trị, trong đó Giovanni thành Salisbury suy tư về các điều kiện khiến cho hành động của các người cầm quyền được công bằng và được phép.
Tương quan giữa luật tự nhiên và trật tự pháp lý tích cực qua sự bình đẳng ngày nay vẫn có tầm quan trong lớn. Thật vậy trong thời đại chúng ta, tại một vài nước, chúng ta đang chứng kiến sự tách rời gây lo âu giữa lý trí, có nhiệm vụ khám phá ra các giá trị luân lý cho phẩm gia con người, và sự tự do có trách nhiệm tiếp nhận và thăng tiến các giá trị đó. Giovanni thành Salisbury nhắc cho chúng ta biết rằng chỉ phù hợp với sự binh đẳng các luật lệ bảo vệ tính chất thánh thiêng của sự sống con người và khước từ sự hợp pháp của việc phá thai, của trợ tự và các thí nghiệm truyền sinh học, chỉ phù hợp với sự bình đẳng các luật lệ tôn trọng phẩm giá của hôn nhận giữa một người nam và một người nữ, các luật lệ lấy hứng từ một tính cách đời đúng đắn của nhà nước luôn bao gồm việc bảo vệ tự do tôn giáo, theo đuổi sự phụ đới và liên đới trên bình diện quốc gia và quốc tế. Nếu làm khác đi là sẽ rơi vào chỗ mà Giovani định nghĩa là "độc tài nguyên tắc" hay chúng ta gọi là "sự độc tài của chủ trương duy tương đối", không thừa nhận bất cứ gì như là vĩnh viễn và chỉ coi cái tôi và các ước muốn của nó là mực thước cuối cùng.
Kết thúc bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã lập lại điều ngài viết trong thông điệp "Bác ái trong chân lý" (Caritas in Veritate) khẳng định rằng chân lý và tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, Ðấng là Chân Lý và Tình Yêu chứ không do con người sản xuất ra. Nguyên tắc này quan trọng đối với xã hội và sự phát triển. Ơn gọi phát triển con người và các dân tộc không dựa trên một quyết định đơn sơ của con người mà được ghi trong chương trình có trước và là một bổn phận đối với tất cả mọi người, phải được tiếp nhận một cách tự do (s. 52).
Trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người, Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và cầu chúc việc chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh giúp mọi người tiếp nhận Chúa Chúa Kitô đến sống tràn đầy trong họ.
Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới, Ðức Thánh Cha nói trong mùa Vọng này qua miệng ngôn sứ Isaia Chúa nói với chúng ta rằng: " Hãy hướng về Ta và các ngươi sẽ được cứu tỗi" (Is 45,22). Ngài mời gọi người trẻ dành chỗ trong tim cho Chúa Chúa Giêsu đang đến, để làm chứng cho niềm vui và hòa bình của Chúa. Ðức Thánh Cha khuyến khích các người đau yếu đón nhận Chúa vào trong cuộc sống để tìm thấy sự khích lệ và ủi an trong cuộc gặp gỡ với Chúa. Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biến sứ điệp tình yệu của lễ Giáng Sinh làm luật sống của gia đình họ.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)