Nhận định về nội dung và hình thức

cuộc gặp gỡ giữa Ðức Thánh Cha

và chủ tịch nhà nước cộng sản Việt nam

qua báo chí Việt nam

 

Nhận định về nội dung và hình thức cuộc gặp gỡ giữa Ðức Thánh Cha và chủ tịch nhà nước cộng sản Việt nam qua báo chí Việt nam.

Hà nội, Việt Nam [dựa theo bài viết: Cuộc gặp của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với Giáo Hoàng - Cảm nhận qua bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam của JB Nguyễn Hữu Vinh ngày 12/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Theo các hãng tin quốc tế, Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã tiếp chủ tịch nhà nước cộng Sản Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết, trong gần 40 phút, thời lượng gần gấp đôi các cuộc tiếp nguyên thủ quốc gia khác. Hãng thông tấn AP ghi nhận rằng thời gian nhiều hơn gấp hai lần như đã dự trù là 20 phút.

Như vậy, những người chú ý có thể mừng vì có thể giữa hai bên có nhiều vấn đề đáng được bàn luận, đặc biệt là sự chiếu cố ngoại thường của Ðức Giáo hoàng đối với Chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ có nhiều nội dung phong phú và chân thành giữa hai bên.

Ngày 11/12/2009, khi truyền thông quốc tế đã đưa tin từ lâu thì báo chí Việt nam mới bắt đầu đưa tin trên bản tin Vietnam và trang tin của thông tấn xã Việt nam. Sau đó, các báo "lề phải" tức công cụ của nhà nước, có nhiệm vụ chép lại.

Sau đây là ghi nhận của tác giả Nguyễn Hữu Vinh mà chúng tôi đã có dịp trích đọc một phần trong chương trình lần trước.

Theo báo chí Việt nam "hầu như trong suốt cuộc gặp gỡ đó, ông Triết nói gấp 4 lần Ðức Giáo Hoàng, trong khi ông đang là khách và Giáo hoàng là chủ nhà".

Về nội dung: Hầu hết những lời phát biểu của ông Triết với Giáo Hoàng được bản tin đưa ra là: "Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định (2 lần)... Chủ tịch nước nêu rõ... Chủ tịch nước thông báo... Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ... Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng ghi nhận... Ông Triết cũng bày tỏ mong muốn... Chủ tịch nước nhấn mạnh...".

Ông Triết còn nhắc đến tinh thần Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt nam năm 1980 "sống Phúc âm giữa lòng dân tộc" mà không nói rõ khái niệm "dân tộc" ở đây là gì? Có đồng nghĩa với đảng và nhà nước không, hay đồng nghĩa với dân tộc Việt nam đang tụt hậu, nghèo đói, những người cùng khổ mà Giáo hội Việt nam đang muốn tham gia xóa bớt nỗi đau của họ về từ thiện, y tế, giáo dục mà đã bao năm đề nghị vẫn chưa được nhà nước cho phép?

Còn Giáo Hoàng thì chỉ có: "cảm ơn Nhà nước Việt Nam... Giáo hoàng bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của chủ tịch... nêu mong muốn...". Chỉ có thế là hết."

Tác giả Nguyễn Hữu Vinh nhận định:

"Tôi cứ nghĩ mãi: Chẳng lẽ nào ông Triết lặn lội đi từ Việt nam sang đến tận Vatican chỉ để "khẳng định, nêu rõ, thông báo, bày tỏ, ghi nhận, nhấn mạnh..." đều những thứ thuộc nội bộ Việt nam? Và "khẳng định Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh Vatican..." Nghĩa là Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ, còn muốn có quan hệ hay không là ở Vatican. Còn Giáo Hoàng chỉ có ngồi nghe, rồi "cảm ơn và đồng tình"?

Tác giả nhận định tiếp:

"Ðọc lại nội dung của bản tin, tôi không tin vào mắt mình nữa: "Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng ghi nhận và hoan nghênh Sứ điệp của Giáo hoàng gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam dịp khai mạc Năm Thánh 2010 trong đó Vatican nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ lẫn hiện tại và xin tha thứ".

Trong sứ điệp đó, Giáo Hoàng kêu gọi tất cả mọi Giáo hữu Kitô, từ Giáo Hoàng đến giáo dân tự hạ mình để Sám hối, để nhìn nhận những tội lỗi của mình đối với "anh em đồng đạo và đồng bào" chứ đâu phải với ông Triết mà ông vội vàng "ghi nhận"?

Chắc chắn ông Triết và báo chí Việt Nam không thể biết rằng, việc sám hối, ăn năn là chuyện thường xuyên phải làm của bất cứ tín hữu Kitô nào hàng ngày, trong các Thánh lễ, trong các công việc... Ðó không có gì là lạ lùng đối với người Công giáo. Vì vậy việc nhìn nhận các sai lỗi của mình là việc của mọi tín hữu Kitô chứ không phải của Vatican như ông Triết đã nhầm tưởng... bở.

Trong cuộc sống của mỗi con người và xã hội, ------ có ai không có sai lầm, vì vậy mỗi người luôn cần phải sám hối, ăn năn tự xét mình.

Ðó là luật Chúa từ mấy ngàn năm nay đâu phải điều gì mới mẻ.

Ðiều cần nói thêm để cho nhà nước, ông Triết và hệ thống báo chí rõ hơn là: Việc sám hối của Kitô hữu với những sai sai lỗi của mình, là để "hòa giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại", đâu phải với hệ thống công quyền do ông đứng đầu mà ông vội mừng để rồi ghi nhận?

Vì vậy khi nhìn thấy Sứ điệp có nhắc đến việc Sám hối của mỗi người, ông vội vàng cho rằng: đó là "Vatican đã nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và hiện tại và xin tha thứ"? Chắc ông nghĩ là xin lỗi với ông chăng?

Trong Sứ điệp, Ðức Giáo Hoàng viết: "chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm." hoàn toàn không có chữ "sai lầm".

Nên nhớ rằng hai khái niệm ngôn ngữ này khác nhau. Theo từ điển Tiếng Việt thì: "sai lầm" là: "Trái với yêu cầu khách quan hoặc với lẽ phải, dẫn đến hậu quả không hay". Còn "sai lỗi" là: "Chỗ sai sót do không thực hiện đúng quy tắc. Ðiều sai sót, không nên, không phải trong cách cư xử, trong hành động. Có chỗ sai sót về mặt kĩ thuật. Có điều sai, trái, không theo đúng đạo lí".

Thực ra, mọi người đều biết, người cần "xin lỗi" để được "ghi nhận" trong cuộc gặp gỡ hiếm hoi hôm đó lẽ ra lại chính là ông Nguyễn Minh Triết. Vì ít nhất là vì đã có lần ông Triết phát biểu: "Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi" khi được hỏi về vụ bắt bớ linh mục Nguyễn Văn Lý. Sau đó Hội đồng Giám mục Việt nam đã phải lịch sự phản đối rằng "Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết "Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi "là không đúng sự thật."

Nhưng, đó chỉ là suy nghĩ của người bình thường, bởi nếu người Cộng sản như ông Triết biết Sám hối như người Công giáo, thì đâu còn là Cộng sản."

Theo tác giả Nguyễn Hữu Vinh, "cũng trong Huấn từ của Ðức thánh cha có một câu hết sức quan trọng mà ông Triết không nhắc đến. Câu đó là "...xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng, bằng con đường đối thoại chính thực, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cách lành mạnh với nhau".

Tác giả nêu lên câu hỏi: "Có phải việc đó là điều không cần thiết bằng việc Vatican đã nhìn nhận những "sai lầm"...? Hay những điều này là điều không thể thực hiện được hoặc không đúng đường hướng Việt nam nên không được hoan nghênh, ghi nhận?"

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page