Nhận định về cuộc gặp gỡ

giữa chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt nam

và Ðức Thánh Cha

 

Nhận định về cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt nam và Ðức Thánh Cha.

Hà nội, Việt Nam [dựa theo bài viết: Cuộc gặp của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với Giáo Hoàng - Cảm nhận qua bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam của JB Nguyễn Hữu Vinh ngày 12/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cuộc gặp gỡ giữa Ðức Giáo Hoàng Beneđitô XVI và Chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt nam, ông Nguyễn Minh Triết, sáng thứ Sáu 11 tháng 12 năm 2009 đã được dư luận chú ý. Nhiều người đã suy đoán về mục đích và diễn biến của cuộc gặp gỡ lịch sử này với nhiều chính kiến và cách nhìn khác nhau.

Sau đây là nhận định của tác giả Nguyễn Hữu Vinh từ trong nước:

"Là một công dân Việt nam, là giáo dân, chúng tôi chờ đợi và hi vọng về cuộc gặp gỡ này từ lâu với nhiều suy nghĩ vì đây là một cuộc gặp lịch sử đầu tiên của quan chức đứng đầu đất nước cộng sản Việt nam đặt chân đến điện Vatican.

Chúng tôi mong muốn có một cuộc gặp gỡ thật chân thành, thẳng thắn trong tinh thần Sám hối, Hòa giải và Hi vọng như tinh thần của Sứ điệp Ðức Thánh Cha đã gửi và Hội đồng Giám mục Việt nam đã ghi rõ trong dịp Khai mạc Năm Thánh vừa qua để hai bên có những bước tiến bộ mới nhằm đưa lại cho đất nước Việt nam sự hội nhập đầy đủ với thế giới bên ngoài và có những tiến bộ trong đất nước vốn đã tụt hậu sau gần 35 năm kết thúc chiến tranh.

Trước cuộc gặp gỡ, đã có nhiều sự đồn đoán. Có người cho rằng đây là một bước đi thiện chí của Nhà nước Việt nam trên bước đường hội nhập quốc tế. Có người cho rằng đây là thiện chí của Vatican trên con đường hòa hợp, hòa giải để mưu cầu những điều kiện tốt hơn cho thế giới và nhân dân Việt nam nói chung, nhất là đối với giáo dân."

Ám chỉ đến một số phát biểu mới đây của chủ tịch nhà nước Việt nam sau khi viếng thăm Cuba và nhứt là sau khi gặp gỡ tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, tác giả Nguyễn Hữu Vinh viết:

"Có người lo lắng: Nhỡ đâu Chủ tịch lại tiếp tục "chém gió tấu hài" về hai nước như "một anh ở châu Á, một anh ở Châu Âu" "thay nhau gìn giữ hòa bình thế giới" như ở Cuba hoặc "phân hóa nội bộ Vatican" như ông đã từng làm với Tổng thống Mỹ... thì chắc cuộc gặp gỡ chỉ làm nhân dân Việt nam thêm xấu hổ.

Cũng có người hi vọng: Sau những thiện chí của Vatican đối với Việt nam qua những sự kiện vừa qua, đặc biệt là qua những động thái đầy tính hòa bình đã được khởi động và nhất là trong điều kiện Việt nam đang đứng trước những khó khăn thách thức khi "các thế lực thù địch" bên ngoài và bên trong không hiểu vì sao cứ mọc lên nhan nhản chống phá, như đảng và nhà nước từng cảnh báo. Vì vậy, nhà nước Việt nam sẽ chân thành để có những cuộc đối thoại tốt đẹp tìm kiếm sự hợp tác chân thành mưu cầu lợi ích chung, có như thế mới có cơ may loại bỏ dần "các thế lực thù địch".

Trước khi bước chân đến điện Vatican, ông Nguyễn Minh Triết đã nói: "Chúng tôi đang tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh."

Và rồi cuộc gặp cũng đã diễn ra đúng lộ trình. Những chi tiết của cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa hai bên thực chất như thế nào, có lẽ chưa ai biết được ngoài Vatican và Hà Nội.

Nhưng theo dõi trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, một số vấn đề chính mà người ta có thể đọc được rằng:

- Hai bên đã gặp gỡ, và phía Vatican đã đánh giá là có tiến bộ mới trên bước đường quan hệ giữa hai bên.

- Phía Việt nam ông Triết "tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm của hai bên, quan hệ giữa Việt nam và Tòa Thánh Vatican sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với mong muốn của hai bên".

Tiến bộ như thế nào theo đánh giá của Vatican là điều dễ nhìn thấy, từ chỗ đuổi bằng được Sứ thần Tòa Thánh đi khỏi Việt nam, nay Thủ tướng, rồi Chủ tịch nước đến tận Vatican để "tìm cách thiết lập quan hệ" thì đó không là tiến bộ thì là gì.

Còn việc phía Việt Nam cho rằng với thiện chí và quyết tâm, thì cần phải xem xét. Thiện chí và quyết tâm của Vatican thì đã rõ, còn phía Việt nam?

Nội dung cuộc gặp gỡ chưa được tiết lộ, nhưng qua những gì truyền thông Việt nam đưa tin có thể nhận xét:

Theo các hãng tin quốc tế, Giáo hoàng đã tiếp chủ tịch Triết trong gần 40 phút, thời lượng gần gấp đôi các cuộc tiếp nguyên thủ quốc gia khác. Theo hãng thông tấn AP, thời gian nhiều hơn gấp hai lần như đã dự trù là 20 phút.

Như vậy, những người chú ý có thể mừng vì có thể giữa hai bên có nhiều vấn đề đáng được bàn luận, đặc biệt là sự chiếu cố ngoại thường của Ðức Giáo hoàng đối với Chủ tịch Việt nam sẽ có nhiều nội dung phong phú và chân thành giữa hai bên.

Ngày 11/12/2009, khi truyền thông quốc tế đã đưa tin từ lâu, thì báo chí Việt nam mới bắt đầu đưa tin trên bản tin Vietnam và Trang tin của Thông Tấn Xã Việt Nam. Sau đó, các báo "lề phải" có nhiệm vụ copy lại."

Trong chương trình lần tới, chúng tôi sẽ đọc tiếp ghi nhận của tác giả Nguyễn Hữu Vinh về những gì được báo chí Việt nam viết về cuộc gặp gỡ.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page