Nhận định của

một số cơ quan truyền thông quốc tế

về chuyến viếng thăm Vatican

của chủ tịch nhà nước Việt nam

 

Nhận định của một số cơ quan truyền thông quốc tế về chuyến viếng thăm Vatican của chủ tịch nhà nước Việt nam.

Roma [Tin Tổng hợp 10/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chủ tịch nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Minh Triết đã bắt đầu chuyến công du châu Âu với chặng đầu tiên là nước Ý, nơi mà ông sẽ viếng thăm trong ba ngày. Sau Ý, ông Nguyễn Minh Triết sẽ đi thăm Tây Ban Nha từ 13 đến 16 tháng 12 năm 2009 và Slovaquia từ 17 đến 18 tháng 12 năm 2009. Ðặc biệt vào lúc 11 giờ sáng thứ Sáu, 11 tháng 12 năm 2009, chủ tịch Việt Nam có cuộc hội kiến với Ðức Giáo hoàng Benedicto XVI để thảo luận về việc cải thiện quan hệ giữa Hà nội và Vatican.

Theo ghi nhận của Ðài RFI của Pháp, chiếm 7 phần trăm dân số Việt Nam, tức là khoảng 6 triệu giáo dân, cộng đồng Công giáo Việt Nam là một trong những cộng đồng Công giáo quan trọng nhất châu Á.

Khác với Trung Quốc, ở Việt Nam chỉ có một Giáo hội Công giáo vẫn trung thành với Tòa Thánh Vatican và Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào công việc của Giáo hội. Tuy vậy, chính quyền Việt Nam vẫn đòi quyền chuẩn y việc bổ nhiệm các giám mục Việt Nam và vẫn theo dõi sát các tổ chức tôn giáo.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa hai bên đã được cải thiện dần dần và Tòa Thánh và chính phủ Hà Nội đã có nhiều cuộc thảo luận. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng gặp Ðức giáo Hoàng Benedicto XVI vào đầu năm 2007. Thế nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong số ít các quốc gia chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican.

Trong bối cảnh mà phong trào phản kháng, xuất phát từ tranh chấp đất đai giữa Giáo hội với Nhà nước tại Việt Nam, đang gia tăng, có thể các nhà lãnh đạo Hà Nội thấy rằng thiết lập bang giao với Tòa Thánh sẽ là cách tốt nhất để kiểm soát cộng đồng Công giáo.

Trong một bài phỏng vấn được đăng trên nhật báo Ý "Il Corriere della Sera" [người đưa tin chiều], chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố là Việt Nam muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican. Nhìn từ phía Tòa Thánh, thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam có thể thúc đẩy các nước khác, mà đầu tiên là Trung Quốc, cải thiện bang giao với Vatican.

Theo Ðài RFI, trước mắt, mong muốn của Hội đồng Giám mục và giáo dân là được đón tiếp Ðức Thánh Cha tại Việt Nam vào năm 2010. Hy vọng này có thể trở thành hiện thực với cuộc hội kiến giữa chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Ðức thánh cha Benedicto XVI.

Ðài BBC cũng trích dẫn bài phỏng vấn của chủ tịch Nguyễn Minh Triết trên báo "Il corriere della sera", nhưng cho rằng hiện vẫn còn một số rào cản cần phải vượt qua trước khi Việt nam và Tòa Thánh có thể thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Một cách cụ thể, Giáo hội Công giáo tại Việt nam vẫn còn một số khiếu nại liên quan đến đất đai, bất động sản mà Giáo hội này cho là Nhà nước cộng sản đã "lấy của người Công giáo". Trong khi đó thì giới chức cộng sản Việt nam lại nói rằng Giáo hội trong nước và Tòa thánh cần phải đi "cùng một nhịp" trong các nỗ lực bình thường hóa thông qua việc bày tỏ thiện chí.

Ðài BBC cũng trích dẫn Ðài phát thanh Vatican, theo đó "quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt nam đã được hâm nóng trong những năm gần đây", tuy chính quyền Việt nam vẫn muốn giữ quyền thông qua việc bổ nhiệm giám mục và linh mục và theo dõi các hoạt động tôn giáo một cách chặt chẽ.

Riêng Ðức hồng y Roger Etchegaray, nguyên chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, đã gọi cuộc viếng thăm của chủ tịch Nhà nước Việt nam tại Vatican là một dấu hiệu tích cực.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo I Media hôm 9 tháng 12 năm 2009, đức hồng y Etchegaray nhận định rằng "nguyên sự kiện ông Nguyễn Minh Triết đến đây là một dấu hiệu rất quan trọng về sự xích lại gần nhau giữa Ðông và Tây".

Khi được hỏi "liệu cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một vị giáo hoàng và một vị chủ tịch Việt nam có phải là dịp để đẩy mạnh việc thiết lập quan hệ ngoại giao song phương hay không", Ðức hồng y Etchegary nói rằng "những cuộc tiếp xúc như thế là điều rất cần thiết. Ai cũng biết rằng Việt nam ở xa Roma và toàn thể Âu châu cả về địa lý lẫn tâm lý. Tất cả những gì có thể làm cho Ðông và Tây phương xích lại gần nhau đều là điều rất quan trọng, vì trong thế giới nhỏ bé vẫn còn rất tây phương của chúng ta, chúng ta mới bắt đầu khám phá những lãnh thổ mênh mông ở Ðông phương, trong đó Kitô giáo hầu như ít được biết tới".

Tưởng cũng nên nhắc lại Ðức hồng y Etchegaray là người đầu tiên cầm đầu một phái đoàn Tòa thánh sang Việt nam hồi năm 1989.

Ngài cho rằng quan hệ song phương "chậm chạp và cam go" từ nay được đánh dấu bằng một "tinh thần tín nhiệm lẫn nhau". Ðức hồng y không nhắc đến những hoàn cảnh khó khăn của Giáo hội Công giáo tại Việt nam, nhưng bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với sự can đảm và kiên trì, cần cù làm việc, tháo vát và hiếu khách của dân tộc Việt nam".

Sau cùng về chuyến viếng thăm Vatican của chủ tịch nhà nước Việt nam, Ðức hồng y Etchegaray nói: "Việt nam là một nước trước kia vì nhiều lý do, quá khép kín. Nhưng nay, ngoài sự cởi mở kinh tế và chính trị, người ta cảm thấy rằng tuy vẫn tiếp tục là một nước Viễn Ðông, Việt nam ngày càng có những quan hệ với Tây Phương và chúng ta cũng cần điều đó".

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page