Vai trò và sự hiện diện của
Giáo Hội công giáo tại Ấn Ðộ
Vai trò và sự hiện diện của Giáo Hội công giáo tại Ấn Ðộ.
Phỏng vấn Ðức Hồng Y Telesphore Placidus Topo, Tổng Giám Mục Ranchi, về vai trò và sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Ðộ.
Vatican (Avvenire 1-12-2009) - Cách đây 150 năm ngày 28 tháng 11 năm 1859 bốn tu sĩ Dòng Tên người Bỉ và hai vị người Anh đã đến Calcutta và bắt đầu công tác rao truyền Tin Mừng trong vùng Bengala, mạn Ðông Ấn Ðộ. Ðây là một trong biết bao nhiêu trang của lịch sử truyền giáo do các tu sĩ nhiều dòng tu khác nhau đã viết ra tại Ấn Ðộ. Nhân dịp này Ðức Tổng Giám Mục Telesphore Placidus Topo, Tổng Giám Mục Ranchi, đã cử hành lễ nghi kỷ niệm biến cố nói trên.
Tổng giáo phận Ranchi nằm trong bang Jharkhand, có tên gọi cũ là Chotanagpur, là một phần của vùng truyền giáo Bengala của các tu sĩ Dòng Tên. Vào giữa thế kỷ XIX linh mục Constant Lievens, dòng Tên người Bỉ, đã rao giảng Tin Mừng cho các bộ lạc sống tại miền Trung Ấn Ðộ, là những thành phần bị xã hội thời đó áp bức và khai thác bóc lột.
Ðức Hồng Y Topo năm nay 70 tuổi, thuộc bộ lạc Kurukh và là vị Hồng Y thổ dân đầu tiên tại Ấn Ðộ. Sinh trưởng trong một gia đình công giáo, người đã theo học tại đại học giáo hoàng Urbaniana ở Roma, và được thụ phong linh mục bên Thụy Sĩ năm 1969. Năm 1978 Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chỉ định cha Topo làm Giám Mục giáo phậm Dumka. Năm 1984 Ðức Cha Topo được chỉ định làm Tổng Giám Mục giáo phận Ranchi, thay thế Ðức Tổng Giám Mục Pius Kerketta.
Ngày 21 tháng 10 năm 2003 Ðức Gioan Phaolô II đã vinh thăng ngài làm Hồng Y. Ðức Hồng Y Topo đã là Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Latinh Ấn Ðộ trong các năm 2003-2005. Và từ năm 2005 tới 2008 ngài cũng đã là Chủ tịch Hội Ðồng GIám Mục toàn Ấn Ðộ, bao gồm cả các Giám Mục của hai lễ nghi Siro-malabar và Siro-malankara. Theo truyền thống tín hữu hai Giáo Hội này là con cháu công cuộc truyền giáo đầu tiên của thánh Toma Tông Ðồ tại Ấn Ðộ.
Ðức Hồng Y Topo cũng thuộc nhóm các Giám Mục bạn của Phong trào Tổ Ấm. Người cũng là thành viên của Bộ Truyền Giáo, của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Hội đồng Tòa Thánh văn hóa.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Tổng Giám Mục Ranchi về lễ nghi kỷ niệm 150 năm rao giảng Tin Mừng của các cha dòng Tên tại miền Ðông Ấn Ðộ.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y ngoài việc kỷ niệm 150 năm công cuộc truyền giáo của các tu sĩ dòng Tên tại Ấn Ðộ, việc cử hành này còn có lý do nào khác nữa không?
Ðáp: Trong 150 năm qua các tu sĩ dòng Tên đã hoạt động và thực hiện rất nhiều công trình cho Giáo Hội và người dân tại đây. Nhờ công sức của các vị Giáo Hội đã lớn lên. Vì thế chúng tôi cử hành lễ nghi kỷ niệm này để cảm tạ Chúa về những điều kỳ diệu Ngài đã làm cho dân Ngài.
Hỏi: 150 năm đã trôi qua kể từ khi các tu sĩ dòng Tên đặt chân đến Calcutta. Công tác truyền giáo tại Ấn Ðộ hiện gặp các khó khăn nào thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Ấn Ðộ giống như một thế giới nhỏ, với biết bao nhiêu nhóm chủng tộc, tiếng nói và văn hóa khác nhau. Vì thế rao giảng Tin Mừng trong một môi trường như vậy không phải là điều dễ dàng. Ðây là một thách đố rất lớn. Nó cũng giống như thách đố lớn mà các tông đồ Toma và Bartolomeo đã đương đầu cách đây 2,000 năm, khi các vị đến truyền giáo tại Ấn Ðộ, như truyền thống kể lại. Ngày nay các Kitô hữu chiếm 2.3% tổng số dân. Không dễ gì mà có thể biến Ấn Ðộ thành một quốc gia Kitô hay một quốc gia công giáo. Thật thế vì Ấn Ðộ là một nước có một truyền thống tinh thần, tôn giáo và triết lý rất lớn. Tuy có các khó khăn nhưng Giáo Hội đang lớn lên.
Hỏi: Một trong những dấu chỉ sức sinh động của Giáo Hội tại Ấn Ðộ đó là đại hội truyền giáo mới được cử hành tại Mumbai hồi tháng 10 vừa qua, có đúng thế không thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Vâng, đại hội được cử hành trùng với ngày tín hữu Ấn giáo mừng lễ Ánh Sáng Diwali. Ðề tài của đại hội đã là "Hãy để cho ánh sáng của các con chiếu soi". Tôi rất hài lòng về các bài phát biểu của các linh mục và giám mục trong đại hội. Nó đã là một chứng tá khác nữa cho thấy sự lớn mạnh của Giáo Hội tại Ấn Ðộ, một Giáo Hội cổ xưa như Kitô giáo, được đâm rễ sâu, và có cấu trúc vững vàng. Có lẽ nhiều người không biết điều này nhưng Hội Ðồng Giám Mục Ấn Ðộ là Hội Ðồng Giám Mục có đông đảo các Giám Mục vào hàng thứ tư trên thế giới, sau Hội Ðồng GIám Mục các nước Brasil, Hoa Kỳ, và Italia.
Hỏi: Trên đây Ðức Hồng Y đã nói Ấn Ðộ là một quốc gia đa văn hóa và đa tôn giáo. Nhưng vào các năm sau này xem ra phong trào quốc gia Ấn qúa khích muốn áp đặt một mẫu văn hóa và tôn giáo duy nhất cho tất cả mọi người, đến độ chủ trương bách hại các Kitô hữu dưới các hình thức khác nhau, một cách đặc biệt tàn ác trong bang Orissa. Ðức Hồng Y nghĩ sao?
Ðáp: Dĩ nhiên, các tín hữu Ấn giáo cuồng tín muốn áp đặt mô thức của họ. Nhưng cho dù có thế đi nữa, Ấn Ðộ vẫn là một quốc gia hiệp nhất. Ðây là một hiện tượng gây chú ý. Nó đã có thể rơi vào cảnh của Phi châu bị chia thành nhiều quốc gia nhỏ, nhưng không Ấn Ðộ vẫn hiệp nhất.
Hỏi: Như thế thì đâu là yếu tố khiến cho Ấn Ðộ hợp nhất và không bị chia rẽ, thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Nó là một sự kiện mầu nhiệm. Tôi nghĩ rằng Giáo Hội đã nắm giữ một vai trò trong sự hiệp nhất ấy ngay từ ban đầu. Sau ngày Ấn Ðộ được độc lập, trong quốc hội lập hiến đã có một tu sĩ dòng Tên. Vì thế Giáo Hội đã nắm giữ một vai trò. Ðó là chưa kể tới sự kiện mọi nhân vật chính trị quan trọng tại Ấn Ðộ đều có một thư ký riêng là người công giáo, hay ít nhất là Kitô hữu.
Cả ngày nay nữa vị thư ký của tổng thống Ấn Ðộ là một tín hữu công giáo. Ðó là chưa nói đến vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực giáo dục, và y tế. Trong hai lãnh vực này sự hiện diện của Giáo Hội là sự hiện diện lớn nhất sau sự hiện diện của chính quyền.
Hỏi: Ðức Hồng Y có sẵn sàng đương đầu với tình trạng đã xảy ra cho các Giám Mục bang Orissa nằm cạnh bang Jharkhand trong có đó có giáo phận Ranchi của Ðức Hồng Y hay không?
Ðáp: Ðây cũng đã là câu hỏi mà phu nhân của một vị đại sứ đã hỏi tôi. Và tôi đã trả lời bà rằng chắc chắn là chúng tôi sẵn sàng. Nhưng mà không phải là do công lao của chúng tôi. Chính Chúa đã vượt thắng các người Ấn cuồng tín bằng cách để cho tôi trở thành Hồng Y. Như là một Giám Mục thường tôi sẽ không quan trọng như vậy. Nhưng như là Hồng Y thì các nhóm ấn giáo cuồng tín đó phải suy nghĩ 10 lần trước khi làm điều gì đó đối với tôi.
Hỏi: Có lẽ cũng vì vậy mà các người ấn giáo cuồng tín này đã không hài lòng chấp nhận tin Ðức Cha được chỉ định làm Hồng Y chăng?
Ðáp: Vâng, họ đã tố cáo tôi là đã chấp nhận một tước hiệu "ngoại lai". Và một trong các lãnh tụ của họ đã yêu cầu tôi rời khỏi nước, vì tôi không phải là một người ấn độ đích thật. Nhưng tôi đã trả lời ông ta rằng tôi là người ấn độ đích thật hơn ông ta, vì tôi là một thổ dân của Ấn Ðộ. Nếu có ai đó phải rời Ấn độ thì đó chính là ông ta, chứ không phải là tôi.
Hỏi: Nhưng mà các nhóm này cứ lập đi lập lại các lời tố cáo Giáo Hội là muốn làm băng hoại người ấn, thưa Ðức Hồng Y...
Ðáp: Chỉ có một nhóm xác định đưa ra các lời tố cáo này mà thôi. Và tôi là chứng nhân sống động cho sự sai trái của các lời tố cáo ấy.
Hỏi: Ngoài ra tại Ấn Ðộ cũng có các bang chấp thuận luật cấm không được cải đạo để ngăn ngừa các tín hữu ấn muốn theo Kitô giáo....
Ðáp: Chúng tôi không lo lắng đối với các luật đó. Họ cứ việc làm. Không quan trọng. Chúng tôi có Hiến Pháp bảo vệ tự do tôn giáo của công dân.
Hỏi: Trong các cuộc tranh cử vừa qua, các người ấn giáo qúa khích đã thất bại, Ðức Hồng Y nghĩ sao?
Ðáp: Các người ấn giáo cuồng tín đang gặp khó khăn trên toàn nước Ấn. Cả sự kiện này cũng có ý nghĩa đối với chúng tôi. Chúa đang trợ giúp Giáo Hội.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y cách đây 150 năm các thừa sai Tây âu đã rao giảng Tin Mừng cho người dân Ấn. Ngày nay trên các nẻo đường Tây âu người ta lại trông thấy các linh mục đến từ Ấn Ðộ. Ðiều này có ý nghĩa gì thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Công tác rao truyền Tin Mừng không thể làm được nếu không có các gia đình công giáo đích thật. Âu châu đã gửi biết bao nhiêu nhà truyền giáo đi khắp nơi trên thế giới, vì đã có biết bao nhiêu là giáo hội tại gia. Giờ đây trong bầu khí công giáo mà chúng tôi hít thở trong các cộng đoàn của chúng tôi, chúng tôi có nhiệm vụ trả lại trong mức độ có thể những gì chúng tôi đã nhận lãnh.
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)