Những chờ đợi của người Công giáo Việt nam

về cuộc gặp gỡ giữa

chủ tịch nhà nước Việt nam và Ðức Thánh Cha

 

Những chờ đợi của người Công giáo Việt nam về cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch nhà nước Việt nam và Ðức Thánh Cha.

(Radio Veritas Asia 11/09/2009) - [theo  bản tin Vietcatholic 8/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Theo chương trình, ngày 11 tháng 12 năm 2009, chủ tịch nhà nước Việt nam, ông Nguyễn Minh Triết có cuộc gặp gỡ với Ðức thánh cha Beneđitô XVI tại Vatican.

Nhân dịp này, Ðức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục Sài Gòn, đã dành cho hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo một cuộc phỏng vấn trong đó ngài nói đến những chờ đợi của người công giáo Việt nam về biến cố này.

Ðược hỏi về những hy vọng và nhận định của ngài về cuộc gặp gỡ của Chủ Tịch Việt Nam với Ðức Giáo Hoàng, Ðức tổng giám mục Sài Gòn trả lời: "Thế giới toàn cầu hoá hôm nay đang thu hẹp thành một ngôi làng, nơi đó các quốc gia trở thành những gia đình sống thân cận với nhau. Theo truyền thống văn hoá Việt Nam, các gia đình đó thường ứng xử với nhau theo tình làng nghĩa xóm. Ðiều tôi cảm nhận là Vatican và Việt Nam xem ra đều có thiện chí muốn xây dựng một mối quan hệ tương tự như thế. Và tôi hy vọng hoàn cảnh hôm nay có những thuận lợi cho đôi bên hình thành mối quan hệ đó."

Về những vấn đề chính được bàn tới trong cuộc gặp gỡ, Ðức hồng y Mẫn giải thích: "Tôi nghĩ rằng mối quan hệ nào cũng có thể có những bất đồng. Nhưng tôi hy vọng rằng qua đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự thật, dần dần đôi bên hiểu nhau hơn, và cùng nhau vượt qua những bất đồng trong tình làng nghĩa xóm."

Riêng về những kỳ vọng của Cộng Ðồng Công Giáo tại Việt Nam về cuộc gặp gỡ này, vị chủ chăn Giáo hội tại Sài gòn cho biết: "Cộng đồng Công giáo tại Việt Nam, nói chung, mong đợi những người chủ gia đình trong ngôi làng toàn cầu hoá này mỗi ngày đồng cảm với nhau hơn, cùng nhau đem lại hoà khí cho các gia đình trong ngôi làng, chung sức giúp cho các gia đình đó phát triển toàn diện và vững bền, xây dựng ngôi làng thành một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình yêu, trong công lý và hoà bình".

Khi được hỏi về tình trạng Giáo hội tại Việt nam hiện nay, Ðức hồng y Mẫn đã gởi đến hãng thông tấn Fides bản tường trình về tình hình Tổng giáo phận Sài Gòn sau năm 1975 và nhấn mạnh đến nhu cầu phải cầu nguyện và yêu thương phục vụ. Bản tường trình sinh hoạt của Tổng giáo phận Sài Gòn viết như sau: "chính nhờ đón nhận Chúa Thánh Thần cùng tình yêu của Chúa Kitô và nhờ đời sống kiên trì cầu nguyện trong mọi gian truân mà Phaolô đã cống hiến cuộc đời và mạng sống mình cho sứ vụ Phúc Âm và xây dựng Giáo hội theo đường lối yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô."

Trả lời cho câu hỏi liên quan đến những vấn đề chính được bàn tới trong cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch nhà nước Việt nam và Ðức thánh cha, Ðức hồng y Tổng giám mục Sài Gòn cho biết ngày 4 tháng 12 năm 2009, ngài có cho phổ biến bản tin "tìm hiểu dư luận, bình luận, nhận định về Ðức giáo hoàng Benedicto XVI và thông điệp "Bác ái trong sự thật" (Caritas in Veritate).

Sau đây là nguyên văn nhận định của Ðức hồng y Tổng giám mục Sài Gòn:

"Qua truyền thông, tôi thấy một số đông lãnh đạo các tôn giáo có lời kêu gọi mọi người, mọi giới quan tâm học hỏi, nghiên cứu Thông điệp "Tình yêu trong chân lý" nhằm cùng nhau khám phá định hướng và động lực xây dựng một thế giới an lành hơn, tốt đẹp hơn cho nhân loại đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng cùng khủng hoảng trong tình hình xã hội hôm nay.

Gần đây, tân Thủ Tướng Nhật Bản có đưa ra nhận định rằng phát triển một xã hội tự do, bình đẳng, dân chủ, mà thiếu tình huynh đệ, thì sự phát triển để lại nhiều khó khăn nan giải.

Nhà bình luận Michael Winters của tuần báo "The America" bình luận rằng, qua Thông điệp "Tình yêu trong chân lý", Ðức Giáo Hoàng Bêneđitô XVI đóng góp một phần quan trọng trong việc xây dựng một nền nhân bản toàn diện. Nền nhân bản mới nầy đòi hỏi một con đường phát triển mới, với những cơ cấu tổ chức mới và luật lệ mới, cho thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

Nội dung của Thông điệp cho thấy nền nhân bản toàn diện không những bao quát các phương diện của cuộc sống, như văn hoá và xã hội, kinh tế và chính trị, song còn bao gồm phương diện vật chất và tinh thần, khoa học và đức tin, tâm lý và luân lý, lý trí và tâm linh, tiến hoá và phát triển, tình huynh đệ đại đồng và tinh thần trách nhiệm liên đới. Tất cả các phương diện đó không tách biệt nhau, song liên kết mật thiết và tạo nên một thể thống nhất trong nền nhân bản mới. Ðó là một nền nhân bản vừa toàn diện, vừa mở ra với siêu việt.

Ngoài ra, ý nghĩa nội dung của Thông điệp cho người chú tâm nghiên cứu thấy Ðức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI có một cái nhìn toàn diện, một thái độ mở đường, và một phong cách phục vụ cho sự sống và sự phát triển con người cùng nhân loại trong thế giới hôm nay.

Ý nghĩa nội dung của Thông điệp cho thấy toàn diện ở đây không những bao gồm các chiều kích nêu trên, song còn bao gồm chiều rộng và chiều dài, chiều cao và chiều sâu của khoa xã hội học và lịch sử, của khoa học kỹ thuật và thần học, của lý trí và đức tin, của tự nhiên và siên nhiên. Nói theo lý Thiền, đó là cái nhìn từ đỉnh Thái Hoà. Nói theo lẽ đạo, đó là cái nhìn dưới ánh sáng Thượng Trí của Ðấng Chí Tôn. Ðó là cái nhìn theo sự khôn ngoan của Ðấng Tạo Hoá và là Người Chủ của lịch sử nhân loại, vượt lên trên sự khôn ngoan hạn hẹp của thụ tạo trong thế gian.

Trong Thông điệp, khi đề cập đến những vấn đề nghiêm trọng cùng khủng hoảng trong cuộc sống thế giới ngày nay, Ðức Giáo Hoàng không có thái độ chỉ trích hay kết án, song coi đó là cơ hội để soi sáng và mở đường cho các giới hữu trách vượt qua chướng ngại và tiến bước trên con đường phát triển đích thực, toàn diện và vững bền. Rõ ràng đó là thái độ đối thoại và hợp tác xây dựng cùng phát triển một cộng đồng nhân loại mới sống trong chân lý và tình yêu của Ðức Kitô Ðấng cứu độ.

Qua Thông điệp, Ðức Giáo Hoàng thể hiện một phong cách giống như phong cách của Chủ chiên nhân hậu, quảng đại và hy sinh, tận tình chăm lo cho đoàn chiên, - chiên trong đàn và ngoài đàn, chiên lạc và chiên đau yếu cùng bị thương tích. Ðó cũng là phong cách của Chúa nhập thể làm người, đồng cảm và đồng hành với nhân loại, quảng đại yêu thương và khiêm tốn phục vụ cho sự sống và sự phát triển của họ cho đến cùng."

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page