Lịch sử bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền

 

Lịch sử bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi...

(Radio Veritas Asia 10/12/2009) -Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Hôm nay ngày 10 tháng 12 kỷ niệm ngày Liên Hiệp Quốc công bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.

Ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, Liên Hiệp Quốc đã công bố "Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền", khẳng định phẩm giá cao qúy và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã là một chinh phục pháp lý của thế giới tân tiến ngày nay. Nó có gốc rễ trong tư tưởng Kitô và tư tưởng cổ điển. Nhưng trên thực tế, khát vọng công lý và hòa bình vẫn chưa được đáp ứng tại rất nhiều vùng trên thế giới này. Nghĩa là giữa lý thuyết và thực hành vẫn còn có khoảng cách rất xa.

Ngoài phần dẫn nhập, Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền gồm 36 khoản đã được soạn thảo trong vòng 2 năm, và được chấp nhận ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, với nghị quyết 217, được 51 quốc gia thành viên hiện diện thông qua tại Paris. Lá phiếu chấp thuận của năm 1948 này đã là nền tảng cho hiệp định về các quyền con người - được thừa nhận hoàn toàn hay một phần - bởi 192 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Có thể ví nó như là một bản "Hiến Pháp Quốc Tế", nảy sinh từ các tàn phá đổ vỡ chết chóc thê lương của thế chiến thứ II, và nhằm vạch ra các nguyên tắc của một cuộc sống chung dựa trên hòa bình, công lý và sự tôn trọng các quyền tự do và sự sống con người. Ủy ban soạn thảo gồm 18 thành viên do bà Eleanor Roosevelt, góa phụ của tổng thống Franklin Delano Roosevelt, làm chủ tịch. Trong số các thành viên có ông René Cassin, người Pháp, ông Charles Malik, người Libăng và ông Trần Bành Xuân, người Trung Hoa.

Tuy nhiên khi đi ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể ghi nhận nhiều bản tuyên ngôn nhân quyền khác nữa. Chẳng hạn bản tuyên ngôn về các quyền con người, công bố vào năm 1689, sau khi chấm dứt cuộc nội chiến tại Anh quốc, diễn tả khát vọng dân chủ của người dân Anh. Một thế kỷ sau đó, cuộc Cách Mạng Pháp đã gợi hứng cho Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Hiến Pháp Hoa Kỳ. Tuy nhiên có một số người cho rằng tài liệu về nhân quyền cổ xưa nhất là tài liệu khắc trên "Ống Ðồng" do Ciro, vua Ba Tư, ban hành vào năm 539 trước công nguyên. Tiếp đến là "Thỏa hiệp của những người đạo đức", ký kết năm 590 sau công nguyên giữa các bộ lạc Á rập, như liên minh đầu tiên giữa các dân tộc, dựa trên việc tôn trọng các nguyên tắc chung.

Năm 1942, triết gia Jacques Maritain, người Pháp, khẳng định rằng gia phả dài và phức tạp của các quyền con người "là một gia tài của tư tưởng Kitô và của tư tưởng cổ điển", chứ không chỉ là của nền triết lý "thiên quang luận" hay còn gọi là "Thời Ánh Sáng" mà thôi. Chính nền triết lý này rốt cuộc đã làm cho gia tài đó bị méo mó đi". Sợi chỉ đỏ dẫn đường gắn liền với Kitô giáo đã xuyên qua cuộc tranh đấu cho quyền của các bộ lạc da đỏ châu Mỹ Latinh, do các tu sĩ Bartolomeo de Las Casas và Francisco de Victoria khởi xướng hồi thế kỷ XVI, chống lại các lực lượng thuộc địa Tây Ban Nha ngược đãi và tàn sát các thổ dân bên châu Mỹ. Sợi chỉ đỏ ấy còn xuyên suốt lên cho tới thánh Toma Aquino, thánh Augustino, các Giáo Phụ, thánh Phaolô và cả triết gia Ciceron, các triết gia khắc kỷ và triết gia Sofocle.

Một cách đặc biệt, chính các thảm cảnh, do các thể chế độc tài và thế chiến thứ II gây ra, đã thúc đẩy suy tư và định nghĩa các quyền con người trên bình diện quốc tế. Cuộc khủng hoảng của nền văn minh giữa các năm 1940-1945 đã khiến cho các tín hữu Công giáo và Tin lành, các người theo khuynh hướng tự do và các người dân chủ xã hội xích lại gần nhau và bước vào cuộc đối thoại với các trào lưu tôn giáo khác, cho tới chỗ thắng vượt được các chống đối nhau. Chiến tranh, chế độ Ðức quốc xã và chế độ cộng sản cũng nhanh chóng giúp thắng vượt các dè dặt đối với thuyết thiên quang luận vô thần. Chủ thuyết thiên quang luận vô thần đã nhúng tay vào tất cả mọi tuyên ngôn âu châu về nhân quyền, nhưng lại không gây được ảnh hưởng nào trên các tuyên ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ, lấy Thiên Chúa làm nền tảng. Chính vì thế trong sứ điệp truyền thanh dịp lễ Giáng Sinh năm 1942, Ðức Piô XII đã ám chỉ sự kiện này và khẩn cầu "ngôi sao hòa bình" trao ban trở lại cho con người phẩm giá, mà Thiên Chúa đã ban cho nó ngay từ ban đầu". Thật vậy, qua Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, các nguyên tắc của cuộc Cách Mạng Pháp và Hoa Kỳ đạt được chiều kích đại đồng của chúng. Giáo Hôi Công Giáo cũng góp phần một cách mạnh mẽ với các tài liệu của Công Ðồng Chung Vatican II và các thông điệp, điển hình như thông điệp "Hòa Bình Dưới Thế" của Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, cũng như rất nhiều thông điệp và giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II và các chuyến viếng thăm mục vụ của ngài. Tất cả đều giúp minh giải chiều kích nòng cốt của sứ mệnh Giáo Hội là "bảo vệ phẩm giá siêu việt của con người" như được nêu bật trong Hiến Chế "Vui Mừng và Hy Vọng" về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Ngày 18-4-2008, nhân kỷ niệm 60 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Ðức Thánh Cha Benedicto XVI đã viếng thăm tổ chức Liên Hiệp Quốc và phát biểu trước đại diện của các quốc gia trên thế giới. Ngài nhắc lại rằng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Liên Hiệp Quốc công bố năm 1948 là kết qủa sự hội tụ của các truyền thống tôn giáo và văn hóa khác nhau, coi hạnh phúc con người là trung tâm mọi hoạt động. Các quyền được ghi trong Bản Tuyên Ngôn này dựa trên luật tự nhiên được khắc ghi trong con tim của từng người, và luật tự nhiên đó là điểm tột đỉnh của chương trình tạo dựng của Thiên Chúa đối với thế giới và lịch sử. Ðức Thánh Cha cũng kêu gọi chống lại sự thắng thế của một quan niệm duy tương đối, cho rằng ý nghĩa và việc giải thích các quyền con người có thể thay đổi, và vì thế không thừa nhận tính cách đại đồng của chúng nhân danh các bối cảnh văn hóa, chính tri, xã hội và cả tôn giáo khác nhau. Ngoài ra còn có nguy cơ chối bỏ nền tảng của các giá trị được khẳng định trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và khiến cho quyền con người tùy thuộc các trào lưu tư tưởng thắng thế trong một xã hội.

Với những nhận định trên đây của Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI, chúng tôi xin tạm ngưng mục Công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quí vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page