Chỗ đứng của Hồi Giáo tại Âu Châu

 

Chỗ đứng của Hồi Giáo tại Âu Châu.

Roma [La Croix 7/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sau chuyến viếng thăm Indonesia, quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhứt trên thế giới, Ðức hồng y Jean Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, đã dành cho nhựt báo Công giáo Pháp "La Croix" một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài nói rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc cấm xây tháp chuông Hồi giáo tại Thụy sĩ vừa qua đặt ra vấn đề "chỗ đứng của Hồi giáo tại Âu Châu".

Nhắc lại chuyến viếng thăm Indonesia, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn cho biết Hồi giáo tại nước này chiếm đến 88 phần trăm dân số; trong số này có đến 98 phần trăm theo hệ phái Sunni. Theo vị Hồng y người Pháp này, mặc dù cũng có một vài nhóm cực đoan, nhưng nhìn chung, Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni có khuynh hướng "ôn hòa". Nhờ 5 nguyên tắc gọi là Pancasila được ghi vào hiến pháp, xã hội Indonesia rất hài hòa; các tôn giáo khác được nhìn nhận và tôn trọng. Riêng Công giáo, mặc dù chỉ chiếm 3 phần trăm dân số, hiện đang điều khiển 15 Ðại học Công giáo và có đến 16 Ðại chủng viện. Người Hồi giáo Indonesia duy trì một cuộc đối thoại đầy tôn trọng đối với các tổ chức Công giáo. Dù vậy, họ vẫn sợ các hoạt động chiêu mộ tín đồ của Giáo hội Công giáo. Chính vì vậy mà để xây cất một nhà thờ mới, luật đòi hỏi phải có sự tham khảo ý kiến với dân chúng địa phương. Thường thì dân chúng chống lại việc xây cất nhà thờ mới. Do đó, Sứ thần Tòa thánh và các Ðức giám mục Indoneisa phải không ngừng thương lượng với chính phủ.

Nhưng nhìn chung, Ðức hồng y Tauran nói rằng ngài có một ấn tượng tốt về tình hình tại Indonesia. Ngài nói rằng Công giáo và Hồi giáo đều có những xác tín giống nhau về một số vấn đề như tính thánh thiêng của sự sống con người, phẩm giá của gia đình, cuộc chiến chống lại nghèo đói.

Ðức hồng y Tauran nói rằng tại Indonesia ngài đã đưa ra một sứ điệp rất đơn giản: cần phải củng cố tinh thần của 5 nguyên tắc Pancasila của Indonesia, nghĩa là bảo đảm quyền của các nhóm thiểu số được xây cất các nơi thờ phượng của họ; trong thế giới Hồi giáo, khuyến khích tất cả những khuynh hướng cởi mở với cuộc đối thoại; cổ võ những sáng kiến chống lại nghèo đói và thăng tiến giáo dục. Riêng với các Giáo xứ Công giáo tại Indonesia, Ðức hồng y khuyên mỗi năm nên dành một ngày chúa nhựt để cổ võ cuộc đối thoại liên tôn.

Nhận định về kết quả cuộc trưng cầu dân ý mới đây tại Thụy sĩ về việc cấm xây tháp chuông Hồi giáo tại nước này, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý "nêu lên vấn đề chỗ đứng của Hồi giáo tại Âu Châu ngày nay và trong tương lai". Ngài nói: "Ðối với tôi, sự thiếu hiểu biết là mẹ của mọi thứ lệch lạc, là nguyên nhân của mọi khó khăn. Cần phải hiểu biết nhau nhiều hơn; cần phải nhìn nhận giá trị của nhau và nhìn thấy những gì mình có thể cùng làm với nhau. Con người chưa gặp gỡ nhau đủ".

Theo Ðức hồng y Tauran, cũng cần phải "tái khăng định tự do tôn giáo hiểu theo nghĩa rộng nhứt", nghĩa là mọi người phải có nơi thờ phượng đàng hoàng tại Âu châu cũng như tại Trung đông. Dĩ nhiên, các đền thờ Hồi giáo cũng như các nhà thờ phải tôn trọng quang cảnh của thành phố và bối cảnh văn hóa. Không thể có chuyện xây một nhà thờ chính tòa trước Ðền Thờ Lớn tại thủ đô Ryad hay một đền thờ Hồi giáo ngay trước Nhà Thờ Ðức Bà Paris. Cái lẽ thường đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng người khác. Như một số nhân vật cấp cao Hồi giáo đã nhìn nhận, tháp chuông Hồi giáo không phải là điều thiết yếu đối với một đền thờ."

Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn, mặc dù quốc vương Abdallah của Á rập Saudi đã thực hiện một chuyến viếng thăm lịch sử tại Vatican ngày 7 tháng 11 năm 2007, người ta vẫn chưa thấy có gì mới mẽ. Ðức hồng y Tauran nói rằng ngài rất cảm kích khi thấy các sinh viên Hồi giáo tại đại học New York được tự do cầu nguyện trong một khu dành riêng cho họ. Ðây là điều mà vị Hồng y này cũng muốn thấy tại Á rập Saudi. Ngài mong có được một bàn thờ đơn sơ trong khách sạn tại nước này để dâng thánh lễ. Theo ngài, đây là một cách cư xử "có qua có lại" đơn giản nhứt!

Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về đối thoại liên tôn nói rằng có thể đứng trên cơ sở pháp lý để giải quyết những vấn đề này, mà không cần phải đối đầu với nhau. Theo ngài, các cơ sở pháp lý đó là các văn kiện của công pháp quốc tế. Cần phải yêu cầu áp dụng những văn kiện ấy. Chỉ có thể giải quyết vấn đề xuyên qua đối thoại và luật pháp, nhưng dĩ nhiên cũng phải quan tâm đến những điểm đặc thù trong lịch sử của mỗi địa phương.

Ðức hồng y khẳng định: "Chúng ta bị "kết án" phải đối thoại với nhau. Theo tôi, phương thuốc cho mọi khó khăn chính là giáo dục; cần phải luôn luôn giáo dục thêm".

Ðức hồng y Tauran nói đùa: "Tôi không bao giờ thất nghiệp. Cuộc đối thoại liên tôn cần hơn bao giờ hết. Trong những năm gần đây, tôi đã có dịp gặp gỡ với nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo. Phải nhìn nhận rằng các quan hệ giữa chúng tôi ngày càng tốt đẹp... Vấn đề là: làm thế nào để các mối quan hệ này không chỉ diễn ra một cách tốt đẹp giữa những nhà lãnh đạo, mà còn phải được ngày càng cải thiện trong mọi tầng lớp dân chúng".

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page