Những khó khăn của

Giáo hội Công giáo thầm lặng tại Trung Quốc

 

Những khó khăn của Giáo hội Công giáo thầm lặng tại Trung Quốc.

Hong Kong [Chiesa 3/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chỉ trong hai ngày, các tín hữu Công giáo thuộc Giáo hội thầm lặng phải đứng trước một chọn lựa khó khăn: hoặc theo chỉ đạo của Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh hoặc nghe những hướng dẫn của Ðức hồng y Joseph Zen Ze Kiun (Trần Nhật Quân), cựu Giám mục Hongkong.

Cả hai vị Hồng y này đều có lý để quan tâm đến Giáo hội tại Trung Quốc. Ðức hồng y Bertone hiện đang là Quốc vụ khanh Tòa Thánh và như vậy là người chịu trách nhiệm về "địa lý chính trị" của Giáo hội hoàn vũ. Ðức hồng y Zen, cựu Giám mục Hongkong và Ủy ban được Tòa thánh thiết lập, được trao trách nhiệm theo dõi việc thực thi những chỉ thị mà Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã đề ra trong lá thư gởi cho người Công giáo trung quốc dạo tháng 6 năm 2007.

Cả hai vị Hồng y đều thuộc dòng Salesien Don Bosco và biết nhau trong nhiều năm. Nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự kiện hai vị thường có cái nhìn khác nhau về Giáo hội tại Trung Quốc. Trong khi Ðức hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh có cái nhìn "thực tế" thì Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong lại là người thích nói thẳng nói thật. Cả hai vị đều cho rằng mình là người giải thích đúng đắn lá thư của Ðức Thánh Cha.

Trong những tuần lễ gần đây, sự việc xảy đến cho một vị Giám mục thuộc Giáo hội thầm lặng tại Trung Quốc cho thấy cái nhìn khác biệt của hai vị Hồng y này.

Vị Giám mục được nhắc đến là Ðức cha Francis An Shuxin, 60 tuổi, Giám mục phó giáo phận Baoding, mà Giám mục chính tòa là Ðức cha James Su Zhimin, 75 tuổi, đã bị giám giữ tại một nơi không ai biết được từ năm 1996. Chính Ðức cha An cũng đã trải qua 10 năm trong tù. Ngài được trả tự do ngày 24 tháng 8 năm 2009 nhưng phải trả một giá đắt: để được tự do thi hành chức vụ, ngài phải gia nhập Hội công giáo ái quốc Trung Quốc, một tổ chức do chính phủ cộng sản Trung Quốc thành lập và điều động nhằm biến Giáo hội tại Trung Quốc thành Giáo hội tự trị. Trong lá thư gởi cho người Công giáo Trung Quốc, Ðức thánh cha đã khẳng định rằng sự hiện hữu của tổ chức này là điều hoàn toàn không phù hợp với Giáo lý Công giáo.

Quyết định của Ðức cha An đã khiến cho nhiều linh mục và giáo dân thất vọng. Baodinh là một giáo phận thuộc tỉnh Hebei. Ðây là vùng có đông người Công giáo nhứt tại Trung Quốc. Người ta ước tính trong vùng này có ít nhứt một triệu rưởi người Công giáo mà phần lớn thuộc Giáo hội thầm lặng, nghĩa là không được nhà nước nhìn nhận. Ngoài Ðức giám mục phó của giáo phận Baoding, còn có hai vị Giám mục khác tại Hebei hiện cũng đang bị giam tù. Ðức cha Cosmas Shi Enxiang, Giám mục Yixian, 85 tuổi, đã biệt vô âm tín kể từ khi bị bắt giữ ngày 13 tháng 4 năm 2001 và Ðức cha Julius Jia Zhiguo, Giám mục Zhengding, 74 tuổi, bị bắt lại hồi cuối tháng 3 năm 2009.

Cùng với Ðức cha An, còn có hai linh mục khác trong giáo phận cũng được trả tự do, cũng với điều kiện là họ phải gia nhập Hội công giáo ái quốc. Ðối với một số Giám mục, linh mục và giáo dân, hành động của Ðức cha An và hai vị linh mục nói trên chẳng khác nào một sự phản bội, tức chạy theo kẻ thù. Nhưng trong cái nhìn của một số khác, thì đây là một bước cần thiết để ra khỏi tình trạng "hầm trú". Ðây là một tình trạng mà Ðức thánh cha đã mô tả trong lá thư gởi cho người Công giáo Trung Quốc như một "nét không bình thường trong đời sống của Giáo hội".

Nhưng sự kiện không chỉ dừng lại trong ranh giới tỉnh Hebei, mà lôi kéo cả Tòa thánh vào cuộc. Có dư luận rộng rãi cho rằng Giáo triều Roma đang thúc đẩy các Giám mục và linh mục thuộc Giáo hội thầm lặng ra trình diện với chính quyền để được nhìn nhận và để cho sinh hoạt của các giáo phận được bình thường, cho dẫu ngay cả phải cúi đầu chấp nhận một số mệnh lệnh của nhà nước. Trong trường hợp của Ðức cha An, người ta cho rằng có bộ truyền giáo đứng đằng sau. Nhưng trong một tuyên ngôn được cho công bố ngày 3 tháng 11 năm 2009, bộ này đã khẳng định rằng bộ không hề tạo bất cứ áp lực nào lên vị Giám mục này.

Trước những dư luận từ nhiều phía như thế, hôm 16 tháng 11 năm 2009, Ðức hồng y Bertone đã gởi cho các linh mục trung quốc một lá thư mà ngài xem như một lời nhắn nhủ nhân năm linh mục. Trong lá thư, Ðức hồng y Quốc vụ khanh Tòa thánh không nêu đích danh trường hợp Ðức giám mục phó giáo phận Baoding. Nhưng theo nhận định của tác giả Sandro Magister, trên trang mạng "Chiesa", người ta có thể đoán được ngài muốn ám chỉ đến vị Giám mục này khi kêu gọi "hòa giải bên trong cộng đồng Công giáo và đối thoại một cách xây dựng và trong tinh thần tôn trọng với chính quyền dân sự, mà không từ bỏ những nguyên tắc của đức tin Công giáo".

Kêu gọi các linh mục Trung quốc trau dồi nhân đức, sống khó nghèo và hăng say truyền giáo, Ðức hồng y Quốc vụ khanh Tòa thánh cũng đề cập đến một số "thói hư tật xấu" của hàng giáo sĩ trung quốc hiện nay như không trung thành với lời khấn độc thân, biếng nhác trong công tác mục vụ, không chịu học hỏi, không quan tâm đến việc cổ võ ơn gọi... Có lẽ Ðức hồng y Bertone muốn ám chỉ đến tình trạng của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc hiện nay. Từ 10 năm qua, dân số Công giáo tại nước này không thay đổi. Ơn gọi linh mục và tu dòng sút giảm. Các linh mục và giám mục hoặc là quá già nua hoặc là quá trẻ. Chính vì Giáo hội đang rơi vào tình trạng yếu kém ấy mà chính quyền cộng sản muốn tìm cách tạo áp lực lên Giáo hội để dễ bề điều khiển. Trong hai năm qua, Tòa Thánh đã không tiến hành được một vụ bổ nhiệm Giám mục mới nào.

Về phần Ðức hồng y Zen, cứ đọc tập tài liệu hướng dẫn dài 23 trang được ngài cho công bố hôm 18 tháng 11 năm 2009, người ta thấy rõ ngài muốn quy trách cho giáo triều về tình trạng hiện nay của Giáo hội tại Trung Quốc.

Trong cái nhìn của Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong, cho rằng tình trạng của Giáo hội thầm lặng đã chấm dứt và các Giám mục và linh mục thuộc Giáo hội này phải ra công khai để được Nhà nước nhìn nhận là bắt Giáo hội phải lệ thuộc vào Nhà nước. Ðây là một tình trạng còn tồi tệ hơn tình trạng Giáo hội thầm lặng và trái ngược với tinh thần của lá thư Ðức thánh cha gởi người Công giáo trung quốc.

Theo Ðức hồng y Zen, khi viết rằng tình trạng của Giáo hội thầm lặng là "một nét không bình thường trong đời sống Giáo hội", Ðức thánh cha không hề ra lệnh cho các cộng đồng giáo hội thầm lặng phải "đầu hàng" trước những yêu sách của nhà cầm quyền cộng sản, mà trái lại phải kháng cự bao lâu tình trạng bất thường này còn tiếp tục.

Theo Ðức hồng y cựu Giám mục Hongkong, Ðức thánh cha không ngăn cấm các cộng đồng thầm lặng tìm cách để được "thừa nhận", nhưng ngài cũng không khuyến khích họ hãy làm điều đó một cách ngây ngô. Trái lại là khác. Ngài cảnh cáo rằng chế độ cộng sản "hầu như luôn luôn nhìn nhận" giám mục và linh mục với điều kiện là phải làm những điều không phù hợp với Giáo lý Công giáo. Theo Ðức hồng y Zen, gia nhập hội công giáo ái quốc là một trong những việc làm mà một vị Giám mục thầm lặng không bao giờ nên làm, ngay cả để được tự do.

Tại Vatican, tài liệu hướng dẫn của Ðức hồng y Zen được xem như một lời cáo buộc về "chủ trương ngoại giao" của giáo triều.

Cho tới cách đây vài tháng, người thi hành chính sách ngoại giao của Vatican là Ðức ông Pietro Parolin, thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh. Ðức ông Parolin cũng đã từng là người cầm đầu phái đoàn Tòa thánh sang làm việc tại Việt nam. Nhưng mùa hè năm 2009, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa thánh tại Venezuela.

Trong khi đó thì tại Bắc Kinh, trong hai ngày 25 và 26 tháng 11 năm 2009, khoảng một trăm "đại biểu công giáo" được chính quyền cộng sản Trung Quốc chọn, trong đó có 40 Giám mục, đã tuyên bố đình hoãn vô thời hạn "Hội Nghị Ðại Biểu Công giáo toàn quốc". Hội nghị này có thẩm quyền trên Hội đồng Giám mục và ngay cả Hội công giáo ái quốc.

Trong những tháng vừa qua, Ðức hồng y Zen đã nỗ lực tối đa để thuyết phục các Ðức giám mục được chính phủ nhìn nhận hãy tẩy chay Hội nghị.

Theo nhận định của tác giả Sandro Magister, có lẽ nhà nước cộng sản Trung Quốc muốn đình hoãn Hội Nghị nói trên để tìm một thỏa hiệp với Tòa thánh.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page