Nhận định về chuyến viếng thăm Tòa Thánh

của chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt nam

 

Nhận định về chuyến viếng thăm Tòa Thánh sắp tới của chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt nam.

Hà nội, Việt Nam [Asianews 4/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chủ tịch Nhà nước cộng sản Việt nam, ông Nguyễn Minh Triết sẽ viếng thăm chính thức Tòa Thánh và sẽ được Ðức thánh cha Beneđitô XVI tiếp kiến vào ngày 11 tháng 12 năm 2009. Tin này đã được bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Việt nam chính thức loan báo hôm 3 tháng 12 năm 2009. Bà Nga nói đến những "biện pháp nhằm củng cố mối quan hệ giữa Việt nam và Tòa Thánh". Câu nói ngoại giao này muốn hiểu như thế nào cũng được. Tuy nhiên nhiều người cho rằng chủ tịch Nhà nước Việt nam đến Vatican để thảo luận về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt nam và Tòa Thánh.

Chuyến viếng thăm của chủ tịch Nguyễn Minh Triết diễn ra gần 3 năm sau chuyến viếng thăm Tòa Thánh của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng đã được Ðức thánh cha tiếp kiến ngày 5 tháng giêng năm 2007. Ông là thủ tướng đầu tiên của Việt nam được một vị giáo hoàng tiếp kiến. Lúc đó, thủ tướng Việt nam nói đến "một bước mới và quan trọng tiến đến việc bình thường hóa quan hệ song phương" giữa Tòa thánh và Việt nam.

Nhưng chuyến đi của chủ tịch Nguyễn Minh Triết lại diễn ra vào một giai đoạn đặc biệt đối với Giáo hội Công giáo tại Việt nam. Ngày 24 tháng 11 năm 2009, Giáo hội tại Việt nam đã khai mạc Năm Thánh 2010 để kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Ðàng Trong và Ðàng Ngoài cũng như đánh dấu 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt nam. Trong chuyến đi viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô dạo tháng 6 năm 2009, các Ðức giám mục Việt nam đã chính thức mời Ðức thánh cha viếng thăm Việt nam vào năm 2010. Ðây là điều mà người Công giáo Việt nam đang mong đợi.

Theo nhận định của hãng thông tấn Công giáo Asianews của Hội truyền giáo hải ngoại Ý gọi tắt là Pime, tình tình Giáo hội Công giáo tại Việt nam đã cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Mặc dù không được hưởng tự do tôn giáo đầy đủ, vì nhiều cản ngại mà chính phủ cộng sản Việt nam đang tiếp tục áp đặt lên Giáo hội như không được tự do trong việc bổ nhiệm giám mục và linh mục hay trong công tác mục vụ, Giáo hội vẫn gia tăng hoạt động mạnh mẽ trong lãnh vực giáo dục và xã hội cũng như trong việc truyền bá đức tin.

Ðây là bức tranh về Giáo hội tại Việt nam được cha Theodore Mascarenhas, một viên chức của Hội đồng Tòa thánh về văn hóa, ghi nhận.

Vị linh mục đặc trách về các Vùng Á Châu, Phi Châu và đại dương châu này, nói với hãng thông tấn Asianews rằng "Giáo hội tại Việt nam đang lớn mạnh. Mặc dù các tín hữu kito không thực sự hưởng được tự do tôn giáo mà lẽ ra họ phải có và mặc dù họ phải đương đầu với nhiều khó khăn, Giáo hội tại Việt nam vẫn đang tiến triển. Quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ trong một nước cộng sản không bao giờ dễ dàng. Nhưng vẫn luôn có những cố gắng cộng tác ở qui mô địa phương và tùy dịp, ngay cả ơ qui mô toàn quốc".

Theo cha Mascarenhas, "tại Việt nam là nơi mà Thiên Chúa "đang khóc", Giáo hội đã làm được những biến bộ nhanh chóng, không những trong những sáng kiến giáo dục và xã hội, mà ngay cả về sự gia tăng nhân số. Trong 7 năm qua, trong khi dân số Việt nam gia tăng 14.59 phần trăm, thì dân số Công giáo gia tăng 15.73 phần trăm. Ðây là một sự gia tăng có ý nghĩa bởi vì Giáo hội Công giáo tại Việt nam chỉ là một thiểu số chiếm khoảng 6.5 phần trăm dân số".

Cha Mascarenhas đặc biệt chú ý đến công cuộc rao giảng Tin Mừng cho các sắc dân thiểu số tại Việt nam. Sau 80 năm rao giảng Tin Mừng, con số các tín hữu thuộc các sắc dân thiểu số gia tăng một cách đáng kể. Ðây là kết quả công sức của các nhà truyền giáo, là những người đã bỏ công ra học các thổ âm và hòa đồng với cuộc sống của họ. Ngày nay toàn bộ Tân Ước và một phần Cựu Ước đều đã được dịch sang các thổ âm. Quan trọng nhứt là sự hiện diện của các nhà truyền giáo giữa những người phung cùi và công tác giáo dục.

Trong bài nói chuyện với hãng thông tấn Asianews, cha Mascarenhas cũng ôn lại các cuộc bách hại đẩm máu trong lịch sử Giáo hội tại Việt nam và những khó khăn mà Giáo hội đã và đang trải qua kể từ năm 1975. Cha Mascarenhas cũng nhắc đến việc nhà nước thành lập Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước theo mô hình Hội công giáo ái quốc Trung Quốc nhằm biến Giáo hội tại Việt nam thành một Giáo hội tự trị. Nhưng tháng 12 năm 1976, Tòa thánh đã gởi cho các Ðức giám mục Việt nam một lá thư để yêu cầu cấm các linh mục không được gia nhập Ủy ban đoàn kết. Cha Mascarenhas nói: "Khi thấy ý đồ của mình thất bại, chính phủ đã tung ra một chính sách đàn áp nhắm vào linh mục và giáo dân cũng như tịch thu tài sản của Giáo hội". Ngày nay, sau nhiều thay đổi, Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước vẫn còn hiện hữu, nhưng theo cha Mascarenhas, "chẳng còn có ảnh hưởng nào".

Tình trạng bắt đầu thay đổi trong thập niên 80. Năm 1980, lần đầu tiên các Ðức giám mục hai miền Nam Bắc được phép gặp nhau. Dĩ nhiên phải có phép của chính phủ và chương trình nghị sự phải được chính phủ duyệt xét; ngay cả các thư chung của Hội đồng Giám mục cũng được chính phủ "điều chỉnh". Cũng năm đó, hai nhóm Giám mục Việt nam được phép về Roma để viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô và tỏ tình hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Năm 1990, lần đầu tiên một phái đoàn Tòa thánh do Ðức hồng y Roger Etchegaray cầm đầu được phép đến viếng thăm Việt nam. Sau đó, diễn ra liên tiếp 15 chuyến đi Việt nam của phái đoàn Tòa Thánh. Năm 1995, phó thủ tướng Việt nam công khai nhìn nhận sự đóng góp vĩ đại của Cha Ðắc Lộ vào công cuộc giáo dục tại Việt nam.

Cuối cùng, cha Mascarenhas đặc biệt ghi nhận việc tham dự thánh lễ đông đảo của người Công giáo Việt nam. Ơn gọi gia tăng, nhứt là tại các vùng quê.

 

Chu Văn

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page