Nhiệm vụ duy nhất của con người

là học yêu thương Thiên Chúa

và yêu thương tha nhân

 

Nhiệm vụ duy nhất của con người là học yêu thương Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Vatican (Vat. 2/12/2009) - Nhiệm vụ duy nhất của con người là học yêu thương Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 17,000 tín hữu và du khách năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ Tư 2 tháng 12 năm 2009.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của Guillaume de Saint Thierry, là bạn và là người viết tiểu sử thánh Bernard de Clairveaux. Người sinh giữa các năm 1075-1080 tại Liège bên Bỉ, thuộc gia đình quyền qúy, có trí thông minh sắc sảo yêu thích học hỏi và theo học các trường nổi tiếng thời đó, rồi gia nhập tu viện biển đức tại Reims bên Pháp năm 1113. Vài năm sau đó người trở thành viện phụ tu viện Saint Thierry. Vào thời bấy gìơ nhu cầu thanh tẩy và canh tân đời sống đan tu lan rộng nhằm mục đích làm cho nó đúng với tinh thần phúc âm hơn. Viện phụ Guillaume đã hoạt động theo ý hướng canh cải này, nhưng gặp nhiều chống đối từ phía các tu sĩ nên năm 1135, mặc dù có lời can gián của thánh Bernard, người bỏ đan viện biển đức và gia nhập tu viện Xitô Signy. Từ đó cho tới khi qua đời năm 1148, Guillaume dành thời giờ cho việc chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và biên soạn các tác phẩm tu đức quan trọng trong lịch sử thần học đan tu.

Ðức Thánh Cha giới thiệu một trong các tác phẩm đầu tiên của đan sĩ Guillaime như sau:

Một trong các tác phẩm đầu tiên của người tựa đề "Bản chất và phẩm giá của tình yêu", trong đó có một tư tưởng nền tảng của đan sĩ Guillaume còn có giá trị đối với chúng ta ngày nay. Ðó là năng lực chính di động tân hồn con người là tình yêu. Bản chất con người trong nòng cốt sâu thẳm nhất của nó hệ tại yêu thương. Chỉ có một nhiệm vụ được trao phó cho từng người: đó là học yêu thương một cách chân thành, đích thật và nhưng không. Chỉ theo học trường của Chúa con người mới chu toàn nhiệm vụ này và đạt mục đích cuộc sống của mình. Thật thế đan sĩ Guillaume viết: "Nghệ thuật của các nghệ thuật là nghệ thuật của tình yêu... Tình yêu do Ðấng Tạo Hóa khơi dậy. Tình yêu là sức mạnh của linh hồn, dẫn đưa linh hồn như bởi một sức nặng tự nhiên tới nơi và mục đích riêng của nó" (La natura e la dignità dell'amore 1, PL 184,379). Học yêu thương là một lộ trình dài được Guillaume chia làm 4 chặng: thời thơ ấu, thanh niên, trưởng thành và tuổi già. Trên con đường đó con người phải áp đặt cho mình một khổ chế hữu hiệu, một kiểm soát mạnh mẽ chính mình để loại trừ mọi yêu thương vô trật tự, mọi nhượng bộ ích kỷ, và kết hiệp cuộc sống mình với Thiên Chúa, là suối nguồn, cùng đích và sức mạnh của tình yêu, cho tới khi đạt đỉnh cuộc sống thiêng liêng mà Guillaume gọi là sự "khôn ngoan". Kết thúc con đường khổ hạnh ấy người ta sống kinh nghiệm một sự thanh bình và dịu ngọt lớn. Tất cả mọi khả năng của con người trí tuệ, ý chí và tình cảm nghỉ yên trong Thiên Chúa, được nhận biết và yêu thương nơi Chúa Kitô.

Cả trong các tác phẩm khác đan sĩ Guillaume cũng nói về ơn gọi triệt để yêu thương Thiên Chúa, là bí quyết của một cuộc sống thành công và hạnh phúc, mà đan sĩ miêu tả như là một ước muốn không ngừng và gia tăng, được chính Thiên Chúa linh hứng trong trái tim con người. Trong một bài suy niệm đan sĩ nói đối tương của tình yêu này là Tình Yêu viết hoa, nghĩa là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa tự rót mình vào trái tim của kẻ yêu Ngài và khiến cho nó có khả năng tiếp nhận Ngài. Thiên Chúa tự trao ban no nê trong một cách thế mà ước muốn đối với sự no nê đó không bao giờ giảm. Tình yêu nồng nhiệt ấy là việc thành toàn của con người" (De cemtemplando Deo 6, SC 61 bis, pp.79-83).

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói khi đề cập tới tình yêu đối với Thiên Chúa đan sĩ Guillaume chú ý tới tầm quan trọng của chiều kích tình cảm. Nói cho cùng trái tim của chúng ta bằng thịt, và khi yêu mến Thiên Chúa là Tình Yêu thì làm sao chúng ta lại không diễn tả trong tương quan đó với Chúa cả các tâm tình rất nhân bản của chúng ta nữa như sự hiền dịu, nhậy cảm, và tế nhị? Chính Chúa khi làm người đã muốn yêu thương chúng ta với con tim bằng thịt!

Tiếp đến Ðức Thánh Cha khai triển một tính chất khác của tình yêu như sau:

Theo Guillaume tình yêu còn có một tính chất quan trọng khác nữa: nó soi sáng trí tuệ và cho phép hiểu biết Thiên Chúa một cách tột đẹp và sâu đậm hơn, và trong Thiên Chúa hiểu biết con người và các biến cố. Sự hiểu biết phát xuất từ giác quan và trí thông minh, giảm bớt nhưng không loại bỏ khoảng cách giữa chủ thể và đối tượng, giữa tôi và bạn. Tình yệu trái lại tạo ra sự lôi cuốn và hiệp thông cho tới chỗ biến đổi và đồng hóa giữa chủ thể yêu và đối tượng được yêu. Sự trao đổi yêu thương và cảm tình cho phép hiểu biết một cách sâu xa hơn là sự hiểu biết chỉ do lý trí. Và chúng ta hiểu kiểu nói của Guillaume "Amor ipse intellectus est - trong chính nó tình yêu là khởi đầu hiểu biết.

Trong "Bức thư vàng" gửi các tu sĩ Chartreux de Mont Dieu, đan sĩ Guillaume đã đưa ra các giáo huấn về đời sống thiêng liêng có nội dung rất qúy báu đối với tất cả những ai ước muốn lớn lên trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, trong sự thánh thiện. Ðan sĩ Guillaume đề nghị một lộ trình 3 chặng: từ con người "thú vật" sang con người "lý trí" để đến con người "thiêng liêng". Nó có nghĩa là ban đầu một người chấp nhận quan điểm cuộc sống đươc gợi hứng bởi đức tin với một cử chỉ vâng lời và tin tưởng. Rồi với tiến trình nội tâm hóa, trong đó lý trí và ý chí có vai trò quan trọng, lòng tin nơi Chúa Kitô được tiếp nhận với xác tín sâu xa, và ta kinh nghiệm được một sự tương xứng hài hòa giữa điều ta tin và hy vọng và các khát vọng thầm kín nhất của linh hồn, lý trí và tình cảm. Và như thế ta đạt tới sự toàn thiện của cuộc sống thiêng liêng, khi các thực tại của đức tin là nguồn vui sâu thẳm và hiệp thông thực sự và thỏa mãn với Thiên Chúa. Ta chỉ sống trong tình yêu và vì tình yêu.

Ðan sĩ Guillaume dựa trên quan niệm về con người lấy hứng từ giáo huấn của các giáo phụ hy lạp cổ xưa, nhất là của Origene. Với thứ ngôn ngữ táo bạo các vị dậy rằng ơn gọi của con người là trở nên như Thiên Chúa, là Ðấng đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người thúc đẩy nó trở nên giống Thiên Chúa, nghĩa là đạt tới căn tính ngày càng tràn đầy giữa ý muốn riêng và ý muốn của Thiên Chúa. Sự toàn thiện đó Guillaume gọi là "sự kết hiệp thần trí". Không thể đạt tới nó với cố gắng riêng, mà cần có hoạt động của Chúa Thánh Thần ngự trong linh hồn thanh tẩy nó, thấm hút nó, và biến đổi thành tình mến mọi hăng say và ước muốn yêu thương hiện diện trong con người. Còn có một sự giống Thiên Chúa khác được gọi là sự kết hiệp thần trí, khi con người trở thành một với Thiên Chúa, một thần trí, không phải chỉ do sự kết hiệp cùng ý muốn, mà do việc không thể muốn khác đi. Như thế con người xứng đáng không phải trở thành Thiên Chúa mà trở thành điều mà Thiên Chúa là: con người trở thành do ơn thánh điều mà Thiên Chúa là bởi bản tính" (Epistola aurea 262-263, SC 223, pp. 353-355).

Kết thúc bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói Ðan sĩ Guillaume, "người ca hát tình yêu, tình mến" dậy chúng ta biết thực thi trong cuộc sống một lựa chọn nền tảng trao ban ý nghĩa và gía trị cho tất cả mọi lựa chọn khác: đó là yêu mến Thiên Chúa và vì tình yêu đối với Ngài. yêu mến tha nhân. Chỉ như thế chúng ta mới có thể gặp gỡ niềm vui đích thật diễn tả trước hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Chúng ta hãy noi gương các thánh, đặc biệt là thánh nữ Terexa Hài đồng Giêsu học yêu mến đích thật và hoàn toàn để bước vào trong lộ trình của cuôc đời chỉ sống vì tình yêu. Và ngài kết thúc với lời cầu của thánh nữ Terexa: "Lậy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, Chúa biết đấy! Xin Thần Khí tình yêu thiêu đốt con với ngọn lửa của Người. Khi yêu Chúa con lôi kéo Thiên Chúa Cha, mà trái tim yếu đuối của con giử gìn, không thoát được. Ôi lậy Chúa Ba Ngôi, Chúa là người tù tình yêu của con. Sồng vì tình yêu dưới thế này là một cho đi vô chừng mực, không đòi lương... khi yêu người ta không tính toán. Con đã trao tất cả cho Trái Tim Chúa là Ðấng tràn đầy dịu hiền và con chạy nhẹ nhàng. Con không còn gì cả và sự giầu có duy nhất của con là sống vì tình yêu".

Chào giới trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Ðức Thánh Cha nói hôm qua là ngày kỷ niệm 25 năm Ðức Gioan Phaolô II ban bố tông huấn "Hòa giải và sám hối" đề cao tầm quan trọng của bí tích giải tội. Ngài nhắc tới các "tông đồ của tòa giải tội" như thánh Gioan Maria Vianney, Giuseppe Cafasso, Leopoldo Mandic và Pio da Pietrelcina. Ðức Thánh Cha cầu mong chứng tá đức tin và lòng mến của các ngài khích lệ các bạn trẻ tránh xa tội lỗi và đưa ra dự án tương ai như một việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân; giúp các anh chị em đau yếu cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Kitô chiu đóng đanh trong khổ đau; và khích lệ các cặp vợ chồng mới cưới tạo ra bầu khí đức tin và hiểu biết nhau trong gia đình. Ðức Thánh Cha cũng cầu mong gương của các thánh kiên trì và trung thành trong chức thừa tác sự tha thứ của Chúa là lời mời gọi các linh mục - đặc biệt trong Năm Linh Mục này - và tất cả các tín hữu luôn tín thác nơi lòng lành của Thiên Chúa, khi đến lãnh nhận và cử hành bí tích hòa giải.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page