Nhận định về Hồi Giáo hiện nay
Nhận định về Hồi Giáo hiện nay.
Thụy sĩ [Asianews 1/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Việc dân chúng Thụy Sĩ bỏ phiếu tán thành luật ngăn cấm xây tháp chuông Hồi giáo tại nước này đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi tại Âu Châu. Sự kiện cũng gợi lên mối quan hệ đày sóng gió giữa Kitô giáo và Hồi giáo tại nhiều nơi trên thế giới. Nhân dịp này, chúng tôi xin được trích đọc bài phân tách của linh mục Samir Khalil Samir, một chuyên gia về Hồi giáo, được hãng thông tấn Công giáo Asianews đăng tải.
Ðức thánh cha đã loan báo sẽ triệu tập một Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông vào tháng 10 năm 2010. Nói chung, tình hình trại Trung Ðông xem ra vẫn "dậm chân tại chỗ". Dạo tháng 11 năm 2008, một cuộc hội thảo Công giáo và Hồi giáo đã được tổ chức tại Vatican, với sự tham dự của khoảng một chục chuyên viên Hồi giáo và Kitô giáo. Kết thúc cuộc hội thảo, hai bên đã cho công bố một tuyên ngôn về một số điểm như: bênh vực tự do tôn giáo, lên án khủng bố, sống chung hòa bình. Nhưng hơn một năm qua, chúng ta vẫn chưa thấy có kết quả cụ thể nào. Ngay cả hồi năm 2008, Á rập Saudi cũng đã tung ra một số tín hiệu quan trọng bày tỏ thiện chí muốn đối thoại với những tôn giáo khác, nhưng tình trạng tự do tôn giáo tại nước này vẫn không thay đổi.
Theo cha Samir, thế giới Hồi giáo đang trong tình trạng "tê liệt" vì chia rẽ. Thế giới Hồi giáo chia rẽ vì vấn đề Israel và Palestine. Một số nước Hồi giáo luôn tin rằng đối thoại là con đường duy nhứt để tiến tới. Nhưng Israel vẫn một mực từ chối mọi cuộc đối thoại.
Tình hình tại Iraq cũng không khá hơn. Hiện nay hệ phái Sunni và hệ phái Shiite vẫn còn kình chống nhau. Nhìn rộng ra, sự chia rẽ giữa hai hệ phái này tại Iraq cũng được phản ánh trong cuộc xung đột giữa Iran và Á Rập Saudi là hai nước đại diện cho hai hệ phái chính của Hồi giáo.
Palestine thì lại bị tê liệt vì sự chia rẽ giữa Gaza và Tây Ngạn; trong 4 tháng liền, Liban rơi vào tình trạng không có chính phủ: đây là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử nước này.
Một trong những vấn đề cơ bản của thế giới Hồi giáo là nạn bạo động. Trên báo chí cũng như trên mạng Internet, người Hồi giáo vẫn không ngừng tự hỏi: "chúng ta đã làm được gì trong hằng bao thế kỷ qua? Ðâu là sự đóng góp của Hồi giáo cho nền văn minh của nhân loại? Ðiều duy nhứt chúng ta đang có là dầu hỏa lại không phải là điều chúng ta làm ra".
Một số khác trả lời: "chúng ta có niềm tin nơi Thượng Ðế. Ðây là một thiện ích, nhưng lại là một thiện ích rất khó thẩm định."
Cha Samir viết: "người Hồi giáo phẩn nộ với nhau và phẩn nộ với mọi người. Nhìn vào thế giới Hồi giáo, tôi có cảm tưởng rằng chỉ có những biến cố đáng chú ý là bạo động". Bạo động xảy ra mới đây tại miền Nam Phi luật tân trong cuộc chiến giữa hai nhà lãnh đạo Hồi giáo. Tại Iraq, người ta không còn ném bom vào người Mỹ, mà là ném vào nhau. Tại Sudan, Somalia, Pakistan, Afghanistan, Iran... người Hồi giáo đặt bom sát hại nhau. Ngay cả một trận túc cầu giữa Algeria và Ai cập cũng kết thúc bằng bạo động. Cha Samir viết: "Cuối cùng, xem ra điều duy nhứt mà Hồi giáo có thể sản xuất được là giết chóc và bạo động". Ðiều duy nhứt có tiến triển trong thế giới Hồi giáo không phải là lòng đạo đức mà là chủ nghĩa cực đoan được thể hiện qua những hình thức thấy được như: chiếc khăn trùm đầu, hàm râu và những luật lệ bó buộc.
Niềm hy vọng duy nhứt mà linh mục Samir thấy được trong thế giới Hồi giáo là thái độ của những người mong muốn chấm dứt tình trạng bạo động hiện nay. Ðây là điều mà người ta có thể thấy được qua các cuộc biểu tình tại Iran và Ai Cập trong thời gian gần đây. Tại Ai cập đã hình thành một đảng có tên là "Kefaya". Kefaya có nghĩa là "thôi đủ rồi". Ðảng này phát sinh như một phản ứng chống lại triều đại đã kéo dài 28 năm của tổng thống Mubarak. Người ta cũng thấy một phản ứng như thế tại Algeria, Senegal.
Theo cha Samir, phản ứng này ngày càng lan rộng và có thể tạo ra một cuộc bùng nổ như đã từng xảy ra trong thế giới cộng sản. Giữa đông và Tây âu có bức tường Berlin. Trong thế giới Hồi giáo, nếu có một bức tường thì có lẽ đó là bức tường của sự ngu dốt. Ðiều đáng buồn là các nhà lãnh đạo Hồi giáo không thể giải quyết được các vấn đề, mà trái lại còn tạo thêm vấn đề. Hầu hết đều được đào tạo tại Al Azhar, trường đại học Hồi giáo cổ xưa nhứt. Tại đây mỗi năm có đến 150 ngàn giáo sĩ Hồi giáo ghi danh học. Nhưng họ theo học chỉ để lập lại giáo điều sáo ngữ chứ không phải để đương đầu với những vấn đề của thời đại tân tiến. Ðiều duy nhứt họ đề nghị là trở về với thế kỷ thứ 7.
Cha Samir khẳng định rằng hiện nay giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây hầu như không có đối thoại. Thế giới Hồi giáo và Tây Phương cần nhau: đây là điều ngày càng được thấy rõ trong lãnh vực văn hóa và kinh tế.
Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng là cơ hội để đào sâu những suy tư. Thế giới Hồi giáo không thể đứng vững một mình, bởi vì nó có nguy cơ bị "tính tân tiến" của thời đại bỏ lại đằng sau và nhận chìm trong bạo động. Tây phương cũng không thể một mình có thể đứng vững: cho dẫu có được trang bị về mặt trí thức, Tây Phương vẫn cần có những bàn tay để làm việc. Ðây là điều mà Tây Phương đang thiếu vì tình trạng dân số giảm sút.
Linh mục Samir đưa ra kết luận như sau: "Ðối thoại là điều nền tảng cho tình hình âu châu hiện nay. Tại đây ngày càng có thêm những cộng đồng Hồi giáo. Nhưng đây cũng là cơ hội để người Hồi giáo suy nghĩ lại thế nào là sống tại Tây phương, với tư cách là một thiểu số trong một môi trường mở rộng vòng tay để đón nhận mình. Là một thiểu số, họ không thể cư xử như thể đang sống trong một nước Hồi giáo, là nơi họ chiếm đa số."
Chu Văn