Lương tâm Công giáo và nhân quyền
Lương tâm Công giáo và nhân quyền: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi...
(Radio Veritas Asia 3/12/2009) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Nếu có một người xứng đáng là điển hình của lương tâm Công giáo trong chính trị, thì người đó hẳn phải là ông Cao Quang Ánh, dân biểu gốc Việt nam duy nhứt trong Hạ Viện Liên Bang Hoa Kỳ.
Tối thứ Bảy 7 tháng 11 năm 2009, Hạ Viện Liên Bang Hoa kỳ đã thông qua dự luật về cải tổ y tế do chính phủ của tổng thống Barack Obama đề nghị. Người duy nhứt thuộc Ðảng Cộng Hòa trong Hạ Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật là dân biểu Cao Quang Án.
Vài phút sau cuộc bỏ phiếu, dân biểu Ánh cho biết lý do về quyết định của ông: "Hai mươi phần trăm người dân địa phương của tôi không có bảo hiểm sức khoẻ và chúng tôi đang gặp những vấn nạn to lớn về y tế. Tôi tin rằng dự luật là một điều tốt cho họ."
Khi có người cho rằng ông đã làm một hành động thiếu khôn ngoan cho một chính khách mới ra lò khi dám một mình đi ngược lại với chủ trương chung của Ðảng, ông Ánh đã dỏng dạc tuyên bố: "Tôi là một người còn non tay nghề, nhưng tôi phải làm theo lương tâm của tôi".
Tưởng cũng nên nhắc lại, vị dân biểu gốc Việt nam duy nhứt trong Hạ Viện Liên Bang Hoa Kỳ đã từng là một su sĩ Dòng Tên. Những năm tu học trong Dòng này đã rèn luyện cho ông một lương tâm "Công giáo" luôn đặt sự thật, công lý và công ích lên trên quyền lợi cá nhân và phe đảng.
Ông Ánh nói với đài CNN rằng Tổng thống Barack Obama đã đích thân gọi điện thoại cho ông để yêu cầu ông ủng hộ dự luật. Ðó là một cú điện thoại vào trưa thứ Bảy 7/11/2009, chỉ vài giờ trước khi tu chính án về phá thai "Stupak-Pitts" được thêm vào trong dự luật. Ðược biết dự luật về cải tổ y tế do tổng thống Obama đề nghị có chứa đựng hai điều khoản mà Giáo hội Công giáo tại Hoa kỳ không chấp nhận: một là cho phép xử dụng Quỹ Liên Bang để tài trợ cho việc phá thai, hai là không nhìn nhận quyền tự do lương tâm của các nhân viên y tế khi họ phải đứng trước nan đề phá thai. Tu chính án "Stupak-Pitts" chính là tu chính án tháo gỡ hai điều khoản trên đây ra khỏi dự luật.
Ông Ánh trình bày với tổng thống rằng nếu Hạ Viện không chấp nhận tu chính án trên đây, ông sẽ không bỏ phiếu ủng hộ dự luật.
Lúc người ta còn tranh cãi về Dự luật, nhiều dân cử lão thành cho rằng đó là dự luật quan trọng nhất trong cuộc đời chính khách của họ. Ông Ánh biết rõ nếu ông bỏ phiếu chống lại dự luật quan trọng hàng đầu của tổng thống thì cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình vì nơi ông ở là một vùng rất đông người thuộc đảng Dân Chủ.
Thế nhưng khi thấy việc phá thai được dự luật ủng hộ thì ông nhất định chống lại. Ông nói: "Tôi phải sống với lương tâm của mình, và tôi luôn nhớ lời kinh Tân Ước: "Ðược cả thế gian này mà mất linh hồn thì có ích chi".
Vào tháng Giêng 2009, dân biểu Ánh cũng là đảng viên Cộng Hòa duy nhất tỏ ý ủng hộ Chương trình Cứu nguy Kinh tế nhưng sau đó ông đã đổi ý. Chương trình 819 tỷ mỹ kim của Tổng thống Obama, dù không được dân biểu Cộng Hòa nào ủng hộ, cuối cùng vẫn thắng ở Hạ Viện.
Lần này, dù không có lá phiếu của dân biểu Ánh thì Dự luật Y tế vẫn thắng, nhưng sự xé rào của ông của đã phá hỏng dự tính của phe Cộng Hòa về việc đoàn kết nhất trí tẩy chay chương trình cải tổ y tế.
Vì thế ngay sau cuộc bầu cử, những lời công kích dữ dội, thậm chí chửi rủa, đã tới tấp tung ra. Có người gọi ông là "kẻ phản bội", có người bảo ông "hãy cút về Việt Nam"... Hai cuộc vận động gây quỹ bị hủy bỏ, và nhiều người ủng hộ đã đòi tiền về.
Khi được hỏi cảm nghĩ trước lời cảnh báo đầy đe dọa của ông Michael Steele, chủ tịch khối cộng hòa tại Hạ Viện, ông Ánh đáp:
"Nếu ông chủ tịch nghĩ rằng tôi không có tính bảo thủ đủ để làm một đảng viên Cộng Hòa thì đó là quyền của ông ấy. Tôi hy vọng ông ta vẫn tiếp tục làm việc với tôi để cùng đưa ra những giải pháp tốt cho đất nước. Việc tạo những rạn nứt giữa các đảng viên Cộng hòa trung dung và Cộng hòa bảo thủ là điều không có lợi cho đảng".
Ông Ánh bác bỏ những đồn đải cho rằng ông sẽ ra khỏi đảng Cộng Hòa. Còn lãnh tụ Ðảng cộng hòa, ông Eric Cantor, thì nói rằng dù không vui nhưng đảng của ông vẫn tiếp tục ủng hộ ông Ánh. Ông Cantor còn nói, "Ông Ánh là một nhà lập pháp có suy nghĩ. Ông ta đã cân nhắc lợi hại trong quyết định của mình."
Quả thật, lá phiếu của dân biểu Ánh không phải là không có kèm điều kiện. Trong cuộc điện đàm ngày thứ Bảy 7/11/2009 với Tổng thống Obama, ông Ánh đã đưa ra những đề nghị khôi phục kinh tế cho khu vực của ông, một nơi vẫn còn mang những di hại nặng nề của trận bão Katrina. Ông Ánh nói tới việc xây dựng các bệnh viện cho dân nghèo, xóa nợ cho các chương trình cho vay tiền vì thiên tai và tài khoản cần thiết cho bảo hiểm y tế của bang Louisiana. Ông Ánh cho biết tổng thống đã hứa sẽ làm việc với ông về những vấn đề đó.
Nhiều người cho rằng việc ông Ánh ủng hộ Dự luật Y tế chỉ là một cách để kiếm phiếu cho lần tái ứng cử tháng 11 năm 2010.
Nhưng cũng có nhiều người ủng hộ dân biểu Ánh. Một nhân viên của ông cho biết, "Tôi nghĩ ông ấy làm việc rất chuyên chú. Tôi nghĩ ông ấy nghiên cứu mọi việc kỹ lưỡng, và tôi nghĩ ông ấy cố gắng làm điều đúng. Những người trong ban điều hành thường tìm đến ông vì ông ấy sẵn sàng nói về mọi thứ mà không mang nặng thành kiến này nọ."
Ông Paul Rainwater, giám đốc Ủy ban Phục hồi bang Louisiana, nhận xét, "Tôi thường cảm phục cách ông ấy giải quyết vấn đề. Bạn không thể không ưa thích ông ấy. Bạn không thể không bị ấn tượng về nhiệt tình của ông ấy, và bạn sẽ phải mến mộ sự thẳng thắn của ông ấy."
Còn đối với dân biểu Cao Quang Ánh thì sao? Liệu ông có hối hận về việc làm của mình nếu Dự luật Y tế thất bại khi đến Thượng Viện? Lá phiếu ngày hôm nay của ông chẳng bảo đảm gì cho việc đắc cử lần sau.
Trả lời phỏng vấn trên đài CNN, ông Cao Quang Ánh khẳng định: "Tôi luôn luôn chú trọng đến việc có được những quyết định đúng đắn cho người dân địa phương mình dù điều đó có phương hại tới tương lai chính trị của tôi."
Quả thật, không một người dân cử dù thuộc Cộng Hòa, hay Dân Chủ, hay bất kỳ đảng phái nào có thể thể tồn tại nếu không có sự tín nhiệm của người dân.
Dân biểu Cao Quang Ánh đã không theo đúng chỉ thị của đảng ông, bởi vì như ông nói: "Cuối cùng thì chúng tôi vẫn phải là đại diện cho người dân của đơn vị mình."
Và còn hơn thế nữa,ông đã thực hành đúng lời của thánh Phêrô: "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Ông đã đặt lương tâm, nhân quyền, quyền lợi của dân chúng lên trên quyền lợi cá nhân và của phe nhóm.
Chúng tôi xin tạm ngưng mục Công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.
Chu Văn