Tình trạng các Giáo hội Tin lành

tại Trung Quốc

 

Tình trạng các Giáo hội Tin lành tại Trung Quốc.

Hong kong [La Croix 1/12/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Con số các tín hữu Tin lành tại Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Giải thích về sự bùng nổ này, mục sư Chan Kim Kwong, Tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Kitô Hong kong, đã nói với nhựt báo Công giáo Pháp La Croix trong số ra ngày 1 tháng 12 năm 2009 như sau: "Theo thống kê chính thức, vào năm 1949, tại Trung quốc có gần một triệu tín hữu Tin lành; trong khi số người Công giáo là 3 triệu. Năm 1980, sau 30 năm xây dựng chủ nghĩa Mao, chính phủ Trung Quốc ước tính con số tín hữu Tin lành hiện nay là 3 triệu; chính phủ chỉ dựa vào sự gia tăng dân số để phỏng đoán về số người Tin lành".

Theo mục sư Chan, vì một chủ nghĩa tư bản "cuồng loạn", ý thức hệ cộng sản đã biến mất; ngày càng có nhiều người Trung Quốc đi tìm kiếm một ý nghĩa mới cho cuộc sống của họ xuyên qua niềm tin tôn giáo. Trong thập niên 90, người ta chứng kiến sự bùng nổ trong việc xây cất nhà thờ và các nơi thờ phượng tại Trung Quốc. Ðây là một hiện tượng đặc biệt quan trọng tại thôn quê: nhiều làng mạc hay cộng đồng khẳng định rằng họ đã cảm nghiệm được những hiện tượng siêu nhiên, những cuộc chữa lành bệnh tật, những cuộc hiện ra v.v...

Trong những năm gần đây, nỗi khao khát "thiêng liêng" ấy lại trải rộng đến mọi giai tầng xã hội và khắp nơi: trí thức, giáo sư cũng như sinh viên, mặc dù chính thức không được theo tôn giáo, đã tìm về với tôn giáo.

Mục sư Chan ước tính rằng hiện nay con số người Tin lành Trung quốc có thể lên đến từ 20 đến 25 triệu người. Riêng Công giáo có từ 12 đến 14 triệu.

Theo Mục sư Tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Kitô Hongkong, nếu vào thập niên 50, chính phủ cộng sản Trung Quốc buộc người Tin lành phải gia nhập vào Tổ Chức Tam Tự, tức tổ chức Giáo hội ái quốc do Nhà nước thành lập, để có thể thực hành đạo, thì nay người có đạo thực hành tôn giáo của mình dễ dàng hơn. Hiện tại Trung Quốc có nhiều Giáo hội Tin lành. Chính quyền cộng sản không thể kiểm soát hết được, nhứt là những Giáo hội không chính thức "đăng ký". Các Giáo hội này có thể thuê một nơi qui tụ được trên 2 ngàn người. Người tín hữu Tin lành có thể đi nhà thờ nào họ thích.

Mục sư Chan nói rằng người trẻ trung quốc hiện nay xem Kitô giáo như một sức mạnh hiện đại. Ngoài ra, công bình và bác ái, hai ý niệm gắn liền với Kitô giáo, luôn thu hút sinh viên và giới kinh doanh. Martin Luther King, Desmond Tutu hay Mẹ Terexa Calcutta là hiện thân của những gì có thể xoa dịu tâm hồn và lương tâm cá nhân. Mục sư Chan khẳng định: "Ðảng cộng sản Trung Quốc có một phần trách nhiệm, bởi vì hình ảnh và giáo điều của họ đã đẩy dân chúng đến những hình mẫu khác".

Ðứng trước sự bùng nổ của Tin Lành, một số chính quyền địa phương có chủ trương đàn áp. Nhưng tại nhiều nơi khác, chính phủ vẫn để cho người dân một khoảng không gian tự do.

Về trường hợp các Giáo hội tại gia: trong thập niên 80, vì thiếu nơi thờ phượng, các tín hữu Tin lành thường tập trung thờ phượng trong nhà riêng. Nhưng trong những năm gần đây, vì con số tín hữu gia tăng nhanh, các nhà thờ không có đủ chỗ cho mọi người, nên truyền thống "các giáo hội tại gia" sống lại. Hiện có 20 chủng viện Tin lành được đăng ký và trên khắp nước, nhiều trường Kinh Thánh được mở cửa. Chính phủ cộng sản Trung Quốc muốn giới hạn sự bành trướng của Tin Lành cho nên giới hạn con số chủng viện. Nhưng các chủng viện "chui" không ngừng gia tăng, thường là với sự nâng đỡ của các chính quyền địa phương.

Mục sư Chan giải thích rằng sở dĩ có hiện tượng này là vì các tín hữu Tin lành dùng tiền để mua chuộc các cán bộ địa phương. Ông nói: "Sở dĩ bạn có thể mua tự do tôn giáo là nhờ chính quyền địa phương bán quyền lực".

Mục sư Chan cho biết: một số tín hữu Tin lành Trung Quốc là những người rất giàu có. Là những người rất quảng đại, họ dâng cúng tiền của để xin phép xây cất nhà thờ. Tại Hangzhou, trong tỉnh Zhejiang, miền Nam Thượng Hải, những người giàu có đã đóng góp để xây ngôi nhà thờ Tin lành lớn nhứt tại Trung Quốc, có sức chứa trên 8 ngàn người. Tại Dalian, trong tỉnh Liaoning, miền Bắc Trung Quốc, người ta cũng đang xây một nhà thờ với trên 10 ngàn chỗ ngồi.

Nhưng phần lớn tiền bạc đều đến từ nước ngoài. Nhiều tổ chức truyền giáo Tin Lành ngoại quốc muốn có chân đứng tại Trung Quốc. Trong các tổ chức đó đặc biệt có các nhà truyền giáo Tin lành Hàn Quốc, Ðài Loan, Singapore, Nigeria và Hoa Kỳ. Chính những tổ chức này tài trợ cho các Giáo hội Tin lành tại Trung Quốc. Họ xem Trung quốc như quốc gia lớn nhứt trên thế giới chưa được "Kitô hóa".

Một cách cụ thể, các tổ chức truyền giáo này tài trợ cho các dự án giáo dục và núp sau các dự án ấy, họ mở các chủng viện hay các trung tâm đào tạo cho Giáo hội.

Mục sư Chan kết luận: "Trung Quốc đã trở thành một thị trường tôn giáo lớn để người ngoại quốc đầu tư vào".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page