Giáo Hoàng Học Viện đang và sẽ thi công
để xây dựng Công viên văn hóa
và đô thị thành phố Ðà Lạt
Phỏng vấn Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Ðà Lạt và Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam về cơ sở Giáo Hoàng Học Viện Piô X.
WHÐ (26.11.2009) - Giáo Hoàng Học Viện Piô X (GHHV) là nơi đào tạo linh mục cho các giáo phận của Giáo Hội Công giáo tại miền Nam Việt Nam, trước năm 1975. Tuy nhiên Công viên văn hóa và đô thị thành phố Ðà Lạt lại đang được xây dựng trên phần đất này. Ðể tìm hiểu vấn đề và cung cấp thông tin cho độc giả, trong dịp Lễ Khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện, Hà Nội (24-11-2009), Ban biên tập Trang tin điện tử của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (WHÐ) có dịp gặp Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Giáo phận Ðà Lạt và Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, và đã phỏng vấn ngài về cơ sở Giáo Hoàng Học Viện Piô X.
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn.
WHÐ: Kính thưa Ðức cha, mới đây có dịp đến Ðà Lạt, khi đi ngang qua Giáo Hoàng Học Viện, chúng con thấy rất nhiều công nhân đang thi công trên phần đất này. Hỏi ra thì biết một ngày rất gần đây sẽ đưa Công viên văn hóa và đô thị thành phố Ðà Lạt vào sinh hoạt trên phần đất này.
Xin Ðức cha cho biết ý kiến về vấn đề này. Trước hết, xin Ðức cha cho biết nguồn gốc của Giáo Hoàng Học Viện (GHHV) như thế nào?
Ðức cha Chủ tịch: Cách đây một năm, vào đầu tháng 12 năm 2008, anh em cựu học viên Giáo Hoàng Học Viện đã quy tụ về Ðà Lạt để mừng kỷ niệm 50 năm hiện diện. Chúng tôi vui mừng được gặp mặt và chia sẻ với nhau biết bao kỷ niệm trong tình huynh đệ và thầy trò, vì cũng trong dịp này chúng tôi có cơ may đón tiếp cha linh hướng Paul Deslierres, là người đã hiện diện liên tục từ những năm đầu của Giáo Hoàng Học Viện cho đến ngày rời Việt Nam vào cuối tháng 8/1975. Cơ sở Giáo Hoàng Học Viện vẫn là ký ức sống động trong biết bao tâm hồn.
Các giám mục miền Nam Việt Nam đã xin Tòa Thánh thiết lập một Ðại chủng viện tại Việt Nam, có khả năng cấp văn bằng tương đương với Ðại học. Tòa Thánh chấp nhận và trao cho Dòng Tên thực hiện chương trình này. Ngày 13/9/1958, lớp đầu tiên có 24 chủng sinh thuộc 8 giáo phận đã quy tụ tại một ngôi nhà được Viện Ðại học Ðà Lạt nhường lại và mang tên là Giáo Hoàng Chủng Viện Mẫu Tâm Vô Nhiễm. Ban Giám đốc gồm 4 vị thuộc 4 quốc tịch khác nhau: Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Canada. Năm sau, trường được đổi tên là "Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X".
WHÐ: Vậy từ khi nào cơ sở Giáo Hoàng Học Viện được xây dựng, thưa Ðức cha?
Ðức cha Chủ tịch: Sang thập niên 60, một cơ sở mới được xây dựng với toà nhà cao tầng bề thế, khang trang, do kiến trúc sư Tô Công Văn thiết kế, và được xây dựng dưới sự giám sát của cha De Lauzon sj. Ðức Khâm sứ Mario Brini đặt viên đá đầu tiên ngày 01.8.1961 và được Ðức Ông Francesco De Nittis, Ðại diện Tòa Khâm sứ, khánh thành ngày 23.4.1964.
WHÐ: Xin Ðức cha cho biết tính cách pháp lý khi xây dựng cơ sở này?
Ðức cha Chủ tịch: Ngày 21/9/1964 Nghị định số 604-BCTNG/NÐ/HC.TC.3 đã "cấp quyền sở hữu vĩnh viễn cho Tòa Khâm mạng Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam" trên lô đất số 54, tờ 20 thành phố Ðà Lạt, diện tích cơ sở này là 79,200 m2.
WHÐ: Xin Ðức Cha cho biết sinh hoạt của Giáo Hoàng Học viện từ sau khi khánh thành.
Ðức cha Chủ tịch: Tại đây hằng năm đón nhận các đại chủng sinh được chọn trong các giáo phận miền Nam Việt Nam, để đào tạo trong Phân khoa Thần học. Các chủng sinh phải theo chương trình 8 năm: 1 năm dự bị, 3 năm Triết và 4 năm Thần học. Ðã có 18 khóa được đào tạo và từ năm 1967 hằng năm đều có lớp linh mục ra trường.
WHÐ: Xin Ðức Cha cho biết số giám mục và linh mục xuất thân từ đây?
Ðức cha Chủ tịch: Ðã có 14 linh mục xuất thân từ đây được tấn phong giám mục. Trong số đó, trừ Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nho đã qua đời, còn lại 13 giám mục đang phục vụ cho Giáo Hội Việt Nam và 306 linh mục (227 triều và 79 dòng).
WHÐ: Xin Ðức cha cho biết cơ sở này ngưng hoạt động khi nào và tại sao?
Ðức cha Chủ tịch: Trong bối cảnh chính trị chung của Ðất Nước sau ngày 30/4/1975 cũng như hoàn cảnh chung của các Ðại chủng viện tại Việt Nam, Giáo Hoàng Học Viện ngưng hoạt động vào mùa hè năm 1977 và vào đầu năm 1980, cơ sở này được bàn giao cho Nhà Nước.
WHÐ: Nhưng trong thời kỳ Việt Nam gia nhập WTO, khối ASEAN và đang có những tiến trình bang giao giữa Vatican và Nhà Nước Việt Nam, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam có dự phóng gì?
Ðức cha Chủ tịch: Khi Ðất Nước đi vào thời kỳ đổi mới và để đáp ứng nhu cầu đào tạo hàng linh mục có trình độ cao trong Giáo Hội, thì từ cuối năm 1993 Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã có kiến nghị đề nghị Nhà Nước Việt Nam trao lại cơ sở Giáo Hoàng Học Viện cho Giáo Hội, và từ đó mỗi khi có dịp, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng như giáo phận Ðà Lạt vẫn nhắc lại với Chính quyền về đề nghị trên.
WHÐ: Phản ứng của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam khi thấy một phần diện tích của cơ sở này đang biến thành Công viên văn hóa và đô thị?
Ðức cha Chủ tịch: Khi thấy một phần diện tích thuộc Giáo Hoàng Học Viện đang và sẽ thi công để xây dựng Công viên văn hóa và đô thị thành phố Ðà Lạt, ngày 22/11/2008, thay mặt Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Tòa giám mục Ðà Lạt gửi kiến nghị lên các cấp chính quyền tỉnh Lâm Ðồng đề nghị dừng lại công việc. Sau đó, Tịa giám mục Ðà Lạt nhận được Văn thư số 8860/UBND-ÐC ngày 4/12/2008 của UBND Tỉnh Lâm Ðồng đề nghị Tòa giám mục ủng hộ công trình xây dựng công viên văn hóa và đô thị thành phố Ðà Lạt.
Tiếp theo, thay mặt HÐGMVN, ngày 19/12/2008, tôi đã gửi thư đến Cụ Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ để nói lên nhu cầu của Giáo Hội và báo cho Ban Tôn giáo biết về Kiến nghị ngày 22/11/2008 của Tòa giám mục Ðà Lạt gửi các cấp chính quyền tỉnh Lâm Ðồng đề nghị dừng lại công việc đang và sẽ thi công để xây dựng Công viên văn hóa và đô thị thành phố Ðà Lạt trên phần đất thuộc Giáo Hoàng Học Viện và Văn thư số 8860/UBND-ÐC ngày 4/12/2008 của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Lâm Ðồng đề nghị Tòa giám mục ủng hộ công trình xây dựng Công viên văn hóa và đô thị thành phố Ðà Lạt.
Mới đây, khi thấy có việc thi công rầm rộ trên diện tích cơ sở Giáo Hoàng Học Viện thì, thay mặt Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, ngày 02/11/2009, tôi đã gửi Kiến nghị lên Thủ Tướng Chính Phủ để đề nghị Thủ Tướng xem xét một lần nữa nguyện vọng của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam là được sử dụng lại cơ sở này cho việc đào tạo linh mục. Và vì cơ sở Giáo Hoàng Học Viện nằm trên phần đất Tỉnh Lâm Ðồng, nên tôi cũng đã gửi thư đến ông Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Lâm Ðồng nói về Kiến nghị trên để ông Chủ tịch quan tâm đến nguyện vọng chính đáng này.
Chúng tôi rất tha thiết đến việc đào tạo linh mục tương lai cho Giáo Hội. Trong những năm qua, Chính quyền đã tạo điều kiện để các Ðại chủng viện trên toàn quốc được sinh hoạt bình thường trở lại. Chúng tôi trân trọng những nỗ lực đó. Tuy nhiên, ngoài các Ðại chủng viện, một cơ sở như Giáo Hoàng Học Viện vẫn rất cần thiết cho Giáo Hội, vì theo ý hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nơi đây sẽ là nơi nâng cao mức độ nghiên cứu chuyên môn ngang tầm với các đại học lớn của Giáo Hội trên toàn thế giới. Tôi thiết nghĩ khi đất nước chúng ta chuyển mình, mở rộng cánh cửa ra thế giới với ước mong phát triển về mọi mặt, thì việc tạo điều kiện cho Giáo Hội phát triển cũng là điều hoàn toàn hợp lý.
Chính vì thế, theo đề nghị của Ban Thường vụ Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và ba Tổng giám mục Hà Nội, Huế, Saigòn, chúng tôi sẽ tiếp tục đệ trình lên Thủ tướng Chính Phủ nguyện vọng rất tha thiết này của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.
Tôi hy vọng đã trả lời câu hỏi của Ban biên tập.
WHÐ: Xin cám ơn Ðức Cha.
WHÐ
(nguồn: bản tin điện tử của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam http://hdgmvietnam.org)