Vai trò của Giáo hội Công giáo

trong cuộc cách mạng ôn hòa

 

Vai trò của Giáo hội Công giáo trong cuộc cách mạng ôn hòa: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi...

(Radio Veritas Asia 26/11/2009) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cách đây đúng 20 năm, ngày 17 tháng 11 năm 1989, đã diễn ra biến cố thường được gọi là Cuộc Cách Mạng "Êm như nhung": hàng chục ngàn sinh viên Tiệp Khắc đã xuống đường biểu tình đòi tự do dân chủ, giựt sập thành trì cộng sản tại nước này và kéo theo sự cáo chung của các chế độ cộng sản khác tại Ðông Âu.

Cuộc xuống đường diễn ra nhân dịp tưởng niệm ngày một sinh viên Tiệp bị Phát xít Ðức bắn chết vào ngày 17 tháng 11 năm 1938.

Sau buổi lễ, những người sinh viên Tiệp đã không trở về nhà. Họ bắt đầu kéo xuống các ngã đường và đồng thanh hô to những khẩu hiệu đòi tự do dân chủ. Các văn nghệ sĩ bắt đầu nhóm họp; công nhân xuống đường ủng hộ.

Tối hôm đó, chính quyền cộng sản Tiệp Khắc đã ra lệnh cho các gia đình có con em là sinh viên phải khuyên bảo con em mình không được tham gia biểu tình. Nhưng lời loan báo này vô tình đã khiến cho người dân đổ xô ra đường mỗi lúc một đông thêm. Chính phủ ra lệnh đưa quân đội và cảnh sát dã chiến đến để ngăn chặn đoàn người biểu tình. Nhưng cuộc biểu tình ôn hòa của người dân đã khiến cho người lính và công an Tiệp phải mủi lòng: họ buông súng và hòa mình vào đoàn người biểu tình. Cuối cùng, chính quyền cộng sản Tiệp đành phải nhượng bộ và chấp nhận ngồi vào bàn tròn để thương thuyết và chuyển giao vai trò lãnh đạo đất nước qua một cuộc bầu cử tự do.

Nói đến sự thành công của cuộc cách mạng êm như nhung tại Tiệp Khắc, người ta không thể không nhắc đến vai trò của Tổ Chức có tên là Hiến Chương 77. Ðây là nơi quy tụ ba thành phần: văn nghệ sĩ, trí thức - Giáo hội - và những người cộng sản cấp tiến.

Phong Trào Hiến Chương 77 ra đời năm 1976. Một ban nhạc được giới trẻ ưa thích có tên là "Plastic People" bị chính quyền cấm trình diễn, bị bắt giam và đưa ra tòa xét xử, chỉ vì họ đã trình diễn những ca khúc không được chính quyền cho phép.

Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Ngay trong phiên xử, không ít văn nghệ sĩ đã kéo đến tòa để phản đối, để rồi cuối cùng chính quyền cộng sản Tiệp đành phải nhượng bộ. Sau những nhượng bộ của chính quyền, một số văn nghệ sĩ, trí thức và những người cộng sản thất thế đã họp nhau lại và thế là Bản Hiến Chương 77 ra đời vào ngày 1 tháng Giêng năm 1977. Ngay trong ngày đầu tiên khi Hiến Chương 77 ra đời, đã có 242 người ký tên vào, cho dù biết rằng họ sẽ không thoát khỏi cảnh tù đày.

Chính phong trào này đã là con ngựa đầu tàu của cuộc cách mạng êm như nhung năm 1989. Nhưng nói đến cuộc cách mạng Nhung thì không thể không nói đến vai trò của Giáo hội. Mà nói đến Giáo hội là nói đến Ðức tin. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, ở Ðông Âu và Tiệp Khắc, người dân đã hoàn toàn mất niềm tin. Không ít người đã dựa vào Giáo hội như điểm tựa và ánh sáng ở cuối đường hầm.

Ngay từ khởi đầu, ý thức được vai trò quan trọng của Giáo hội, những người sáng lập Phong Trào "Hiến chương 77" đã tạo cho mình một Giáo Hội Thầm Lặng, một tổ chức quy tụ những vị Linh mục không được lòng chế độ, bị chính quyền thu hồi giấy phép hành đạo.

Dưới thời cộng sản, muốn được thi hành chức vụ, các vị Linh mục này phải có giấy phép của chính quyền.

Mặc dù có tên gọi là "Giáo Hội Thầm Lặng", nhưng trên thực tế Giáo hội thầm lặng này nằm trong sự điều hành của Giáo hội Công giáo Tiệp Khắc, chịu ảnh hưởng của Tòa thánh Vatican. Lúc mới ra đời, Giáo Hội Thầm Lặng không những gặp sự phản ứng mạnh từ nhà cầm quyền mà ngay cả Tòa Thánh Vatican cũng không ủng hộ việc ra đời này. Vào thời điểm này, Tòa thánh đang đeo đuổi chính sách thường được mệnh danh là "Ostpolitik", tức chính sách cởi mở và hòa dịu với các chế độ cộng sản Ðông Âu.

Nhưng mọi sự được thông suốt kể từ sau cuộc yết kiến của người đại diện Hiến chương 77 với vị chủ chăn Giáo hội Công giáo Tiệp Khắc lúc bấy giờ là Ðức Hồng Y Frantisek Tomasek. Sau đó không lâu, sự kiện Ðức Hồng Y Karol Jozef Wojtyla, Tổng giám mục Krakow, Ba Lan, được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 1978 đã mở ra một hướng đi mới cho những người Công giáo tại Ðông Âu, trong đó có Tiệp Khắc.

Sự kiện một người Ðông Âu được bầu làm Chủ chăn Giáo hội hoàn vũ đã như một liều thuốc tinh thần mở đường soi lối cho người giáo dân Ðông Âu nói riêng, khi, từ cuối đường hầm, ánh lửa của Ðức tin chợt bừng tỉnh.

Ðiểm thuận lợi của các linh mục hoạt động trong Giáo hội Thầm lặng là các ngài đã có thể đi rao giảng tin mừng hay có thể nói chuyện riêng với từng người dân mà không cần mang danh nghĩa là linh mục.

Một yếu tố không thể thiếu để Giáo hội Thầm lặng hoạt động, đó là sự hậu thuẫn và yểm trợ của Tòa thánh đối với các Linh mục không được chế độ cộng sản Tiệp Khắc chấp thuận. Ðây là giai đoạn có nhiều cuộc truyền chức "chui" nhứt. Việc truyền chức này có thể thực hiện tại nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau thay vì chỉ trong lãnh thổ Tiệp Khắc; có khi các cuộc truyền chức diễn ra ở những quốc gia lân bang nếu điều kiện cho phép.

Sau khi thụ phong Linh mục, các vị Linh mục này có thể hoạt động trong sự điều hành của Giáo hội Thầm lặng: các ngài có thể rao giảng Tin Mừng tới từng nhà mà không cần phải khoác áo dòng, để rồi từ đó trở thành lực lượng chính mang lại tư tưởng tự do cho giáo dân, nhất là tự do tôn giáo.

Tính cho đến thời điểm ngày 17-11-1989, trong suốt 12 năm hoạt động kể từ ngày Phong Trào Hiến Chương 77 ra đời, Giáo Hội Thầm Lặng đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng trong việc nâng đỡ tinh thần cho Phong Trào nhất là khi cuộc đấu tranh bước vào giai đoạn trầm kha nhất.

Không ai có thể chối bỏ được ảnh hưởng của Giáo hội thầm lặng tại Tiệp Khắc trong cuộc cách mạng êm như nhung năm 1989.

Cảnh hàng chục, hàng trăm ngàn người xuống đường trong những ngày cách mạng đã làm cho đảng cộng sản Tiệp Khắc bối rối, lo sợ... bởi vì trong số này giới sinh viên luôn đi đầu.

Trong những ngày cách mạng, trong khi sinh viên bãi khóa đi vận động giới thợ thuyền đình công ủng hộ cuộc cách mạng, giới văn nghệ sĩ - trí thức đồng lòng xuống đường trình diễn, tổ chức các nhóm nhỏ đi nói chuyện ở những nơi đông dân cư. Các vị Linh mục trong Giáo hội thầm lặng công khai tới các xứ đạo rao giảng về đức tin, về quyền tự do tôn giáo, vận động giáo dân xuống đường ủng hộ cuộc cách mạng. Chính nhờ đó mà số người tham gia cuộc xuống đường ngày càng đông, tạo một sức ép mạnh đến độ cuối cùng chính quyền cộng sản đã phải nhượng bộ. Qua các linh mục "thầm lặng" và giáo dân, Giáo hội đã thực sự góp phần vào cuộc cách mạng nhung tại Tiệp khắc vậy.

Chúng tôi xin tạm ngưng mục Công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page