Sứ mệnh hòa bình và hòa giải
của Ðức Thánh Cha tại Thánh Ðịa
Sứ mệnh hòa bình và hòa giải của Ðức Thánh Cha tại Thánh Ðịa.
Vatican [Asianews 5/5/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Ngày thứ Sáu mùng 8 tháng 5 năm 2009, Ðức Thánh Cha sẽ lên đường viếng thăm Thánh Ðịa. Ngài là vị giáo hoàng thứ 3 đến Thánh Ðịa. Ðức Phaolo VI đến đây hồi năm 1964 và đức Gioan Phaolo II năm 2000.
Chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của Ðức Benedicto XVI diễn ra vào một thời điểm rất tế nhị trong lịch sử Trung Ðông. Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã xác nhận: "Ðây là một chuyến đi quan trọng nhưng phức tạp". Riêng cha Pierbattista Pizzabella, quản thủ Thánh Ðịa thì cho rằng chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha có nguy cơ bị khai thác. Theo kiểu nói của đức cha Fouad Twal, thượng phụ công giáo Latinh tại Gierusalem, "mỗi người đều tìm cách xẻ một miếng từ tấm bánh".
Về phương diện chính trị, trước hết phải nói rằng việc ông Benjamin Netanyahu trở lại làm thủ tướng Israel đã gia tăng các mối căng thẳng trong vùng. Chịu ảnh hưởng nặng nề của phe cực hữu, chính phủ mới đã phong tỏa mọi cuộc đối thoại trực tiếp với Syria, gia tăng sự chia rẽ với người Palestine, ngay cả những người thuộc phong trào Fatah ôn hòa, làm thất vọng nhiều người Á rập vốn tưởng rằng hòa bình đã đến gần và dĩ nhiên tạo ra một không gian mới cho những người Palestine cực đoan đang ủng hộ tổng thống Iran, ông Mahmoud Ahmadinejad. Hơn nữa, chuyến viếng thăm của đặc sứ Hoa kỳ George Mitchell tại Trung đông cách đây hai tuần cũng cho thấy khoảng cách giữa tổng thống Obama và tân chính phủ Israel.
Thế giới Á rập cũng chia rẽ hơn bao giờ hết. Các phiên tòa xét xử những thành phần cực đoan của hệ phái hồi giáo Shiite tại Ai Cập và Jordan chỉ diễn ra vài tháng trước các cuộc bầu cử tại Liban và Iran.
Dĩ nhiên, đây không phải là những lý do đằng sau chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của Ðức thánh Cha.Tuy nhiên, sẽ không thực tế mấy nếu không nhìn nhận những kỳ vọng chính trị mà nhiều người đang chờ đợi từ chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha.
Trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Ðàng tại quảng trường thánh Phero trưa Chúa Nhựt 3 tháng 5 năm 2009, chính Ðức thánh cha đã kêu gọi các tín hữu hãy cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài được thành công. Ðức thánh cha khẳng định: "Tôi sẽ là một người hành hương vì hòa bình nhân danh Thiên Chúa độc nhứt, là Cha của mọi người. Tôi sẽ làm chứng cho cam kết của Giáo hội Công giáo nhằm ủng hộ những ai thực thi đối thoại và hòa giải để đạt được một nền hòa bình bền vững và lâu dài, trong công lý và tương kính".
Một cách đặc biệt, ngài xin mọi người hãy cầu nguyện cho dân tộc Palestine là dân tộc đã trải qua nhiều thử thách và khổ đau.
Gần đây, nhiều người Palestine nêu lên vấn đề Dãi Gaza không nằm trong chương trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha. An ninh là lý do duy nhứt khiến đức thánh cha không thể đến nơi này. Tuy nhiên, hằng trăm tín hữu kito từ Dãi Gaza sẽ có mặt trong Thánh Lễ do Ðức thánh cha cử hành tại Bethlehem vào ngày thứ Tư 13 tháng 5 năm 2009. Theo dự trù, các lãnh tụ chính trị tại Dãi Gaza cũng sẽ có cuộc gặp gỡ với chính quyền Palestine vào cuối buổi viếng thăm của đức thánh cha tại nơi sinh hạ của Chúa Giêsu.
Muốn hay không, thì trong các cuộc gặp gỡ với quốc vương Jordan, tổng thống và thủ tướng Israel cũng như chủ tịch Palestine, Ðức thánh cha không thể không đề cập đến tình hình tại Trung Ðông. Sự hiện diện của ngài tại đây tự nó cũng mang mầu sắc chính trị. Nhiều dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của ngài bị bên này hay bên kia "xử dụng" cho mục đích chính trị của họ. Chẳng hạn, tại Nazareth, khán đài nơi ngài sẽ đứng nói chuyện được dựng lên trước bức tường an ninh do Israel thiết lập. Sở mật vụ "Shin Bet" của Israel tung tin rằng Ðức thánh cha có thể bị tấn công tại Nazareth là nơi sẽ có đông tín hữu kitô tham dự cuộc gặp gỡ nhứt.
Dù không tránh khỏi những âm hưởng chính trị, Ðức thánh cha vẫn khẳng định rằng chuyến viếng thăm Thánh địa của ngài thiết yếu là một cuộc hành hương tôn giáo và số phận của các tín hữu kitô tại Thánh Ðịa là mối quan tâm hàng đầu của ngài. Con số các tín hữu kitô tiếp tục sút giảm tại Trung Ðông, ngay cả tại Liban là nơi mà cách đây vài thập niên, họ vẫn còn là số đông. Một số tín hữu tại Syria là những người đã bị bách hại và đẩy ra bên lề tại Iraq. Những người tỵ nạn Iraq này sẽ tham dự Thánh Lễ mà Ðức thánh cha sẽ cử hành tại Amman, Jordan vào Chúa Nhựt mùng 10/05/2009.
Tại Israel, không những người ta không biết đến mà còn tỏ ra bất khoan nhượng đối với người công giáo. Và trong khi chính phủ Israel phải bỏ ra 10 triệu mỹ kim để tổ chức đón tiếp Ðức thánh cha và cho in một loạt tem đặc biệt về chuyến viếng thăm như "là một cuộc hành hương vì hòa bình và hòa giải", thì vấn đề qui chế pháp lý của Giáo hội và vấn đề tài sản và thuế má của Giáo hội lại vẫn tiếp tục trì trệ.
Dù sao, chuyến viếng thăm này cũng đã gây được ý thức về sự hiện diện của cộng đồng tín hữu tại Israel. Trên báo chí Israel, người ta thấy xuất hiện nhiều bài viết về kito giáo hơn. Báo Haaretz chẳng hạn, trong số ra vào giữa tháng Tư năm 2009, đã nói đến cộng đồng công giáo nhỏ bé tại nhà thờ thánh Simeon và thánh Anna tại Gierusalem. Theo báo này, đây là cộng đồng "nói tiếng do thái và trong đó có những người sống sót từ cuộc sát tế do đức quốc xã chủ trương".
Tuy nhiên, Ðức thánh cha sẽ không đến nhà thờ này. Chuyến viếng thăm với một chương trình dày đặc chỉ cho phép Ðức thánh cha đến những nơi chính như sông Jordan, Nazareth, Gierusalem, Thánh Mộ và Phòng tiệc ly.
(Chu Văn)