Những người tỵ nạn Palestine
đang chờ đón Ðức Thánh Cha đến viếng thăm
Những người tỵ nạn Palestine đang chờ đón Ðức Thánh Cha đến viếng thăm.
Aida, Palestine [Asianews 4/5/2009] - Kính thưa quí vị, các bạn thân mến. Một trong những chặng dừng chân, tuy ngắn ngũi, nhưng không kém quan trọng trong chuyến viếng thăm Thánh Ðịa sắp tới của Ðức Thánh Cha là trại tỵ nạn Aida.
Theo chương trình, đức thánh cha sẽ đến Bethlehem vào ngày 13 tháng 5 năm 2009. Tại đây, ngài sẽ dâng thánh lễ tại Quảng Trường Máng Cỏ, trước nhà thờ Giáng Sinh. Buổi chiều cùng ngày, ngài sẽ đến thăm trại tỵ nạn Aida, như vị tiền nhiệm của ngài là đức Gioan Phaolo II đã làm trong chuyến viếng thăm Thánh địa hồi năm 2000.
Người Palestine không ngừng bàn tán về mục đích và ý nghĩa của chuyến viếng thăm Thánh Ðịa của Ðức Thánh Cha. Nhiều người Palestine lo sợ rằng Israel sẽ khai thác chuyến viếng thăm có lợi cho ý đồ của họ. Một số khác thất vọng vì Dải Gaza không nằm trong lộ trình viếng thăm của Ðức Thánh Cha. Vùng này đã bị tàn phá bởi cuộc tấn công của Israel dạo cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Từ nhiều năm qua, vùng này phải quằn quại vì bị cấm vận.
Nhưng tại Bethlehem và tại trại tỵ nạn Aida, người Palestine rất sung sướng vì được đức thánh cha viếng thăm. Tất cả đều nói rằng khi đến thăm trại tỵ nạn, đức giáo hoàng sẽ biết rõ tình hình thực tế của người Palestine; ngài sẽ đi dọc theo "bức tường ngăn cách" và vì là người Ðức, ngài sẽ hiểu được những tình cảm của họ, bởi vì đất nước của ngài cũng đã từng bị chia cắt bởi một bức tường như thế.
Trại tỵ nạn Aida được thành lập vào khoảng đầu thập niên 50 nhằm tiếp đón người dân Palestine từ phía Tây Ngạn tràn đến sau khi Israel tuyên bố lập quốc. Nằm ở phía bắc thành phố Bethlehem, trại này hiện chứa khoảng 5 ngàn người.Trong số này chỉ có khoảng 14 gia đình theo kito giáo.
Chặng dừng chân tại trại tỵ nạn được xếp vào cuối chương trình viếng thăm Thánh Ðịa của Ðức Thánh Cha. Theo dự trù, đức thánh cha sẽ dừng chân tại đây khoảng 1 tiếng đồng hồ và cuộc đón tiếp sẽ diễn ra dọc theo "bức tường an ninh" do Israel dựng lên xung quanh các nơi cư trú của người Palestine để đề phòng các cuộc tấn công khủng bố. Với bức tường này, người dân Palestine gặp không biết bao nhiêu khó khăn trong vấn đề đi lại.
Nhân chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha, người dân trong trại sẽ tổ chức một cuộc triển lãm trưng bày những hình ảnh nhằm làm nổi bật lịch sử và hiện tình của người Palestine. Nhân dịp này, chủ tịch chính quyền Palestine, ông Mahmoud Abbas sẽ đọc diễn văn chào mừng đức thánh cha và đức thánh cha cũng sẽ có bài đáp từ.
Người dân trong trại Aida muốn dâng tặng đức thánh cha hai món quà: trước hết là một giây chuyền có gắn một chìa khóa. Với tặng vật này, người dân trong trại Aida muốn nói lên sự liên hệ chặt chẽ giữa chìa khóa của thánh Phero và sự trở về của những người tỵ nạn. Nhiều người vẫn còn giữ chìa khóa nhà của họ là nơi mà họ đã bị trục xuất hay buộc phải đi lánh nạn. Quà tặng thứ hai mà những người tỵ nạn Aida muốn dâng lên đức thánh cha là một bản đồ Palestine được ghi khắc trên một hòn đá của Hồ Tiberia.
Nhân chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha tại Bethlehem, thị trưởng thành phố này là ông Batarseh, vốn là một tín hữu kitô, đã nhờ một nghệ nhân Hồi giáo viết lại một ấn bản Sách Tin Mừng theo thánh Luca để dâng tặng cho Ðức Thánh Cha. Nghệ nhân hồi giáo này là ông Abu Sima, 54 tuổi, vốn là một người tỵ nạn đã trốn khỏi Iraq, chạy qua Jordan và hiện nay đang sống tại Bethlehem.
Ông Sima nói: "với công việc khiêm tốn này, tôi muốn nhắn gởi một thông điệp là: nghệ nhân hồi giáo là người yêu chuộng hòa bình. Và tôi gởi thông điệp này đi mặc dù tại nhiều nơi trên thế giới có những người cực đoan khai thác tôn giáo của chúng tôi cho ý đồ của họ, để mở những cuộc tấn công khủng bố".
Từ hai tháng nay, với sự giúp đỡ của một linh mục địa phương, ông Abu Sima đã nắn nót viết lại từng chữ trong Tin Mừng theo thánh Luca. Sở dĩ thị trưởng Bethlehem chọn sách Tin Mừng theo thánh Luca là bởi vì vị thánh sử này kể lại việc Chúa Giesu sinh hạ tại Bethlehem.
Ông Batarseh giải thích rằng quà tặng này là một sứ điệp kêu gọi sự chung sống hòa bình giữa hai tôn giáo. Ông nói: "đây là một thông điệp gởi cho thế giới để nhớ rằng thành phố Bethlehem, nơi sinh hạ của Kito giáo, ngày nay vẫn còn là một nơi của các mối quan hệ huynh đệ giữa người hồi giáo và tín hữu kitô".
Vì cuộc xung đột giữa Israel và Palestine và sự hổn loạn vẫn còn ngự trị trong thành phố, dân số Kito giáo tại Bethlehem ngày càng giảm sút.
Cho đến năm 1989, 85 phần trăm dân số tại đây là tín hữu kito. Năm 2005, trong tổng số dân 25 ngàn người, chỉ có khoảng 20 phần trăm là tín hữu kitô.
(Chu Văn)