Giáo hội và Nghệ thuật

 

Giáo hội và Nghệ thuật.

Vatican [La Croix 14/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vào ngày 21 tháng 11 năm 2009, tại nguyện đuờng Sistina trong nội thành Vatican, sẽ có cuộc gặp gỡ giữa Ðức thánh cha và khoảng 50 nghệ sĩ tiếng tăm trên thế giới thuộc đủ mọi bộ môn. Cuộc gặp gỡ do Hội đồng Toà Thánh về văn hoá tổ chức để đánh dấu 40 năm cuộc gặp gỡ giữa các nghệ sĩ và đức Phaolô VI tại nhà nguyện Sistina cũng như kỷ niệm đúng 10 năm đức Gioan Phaolô II gởi thư cho các nghệ sĩ.

Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Pháp La Croix, Ðức Cha Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Toà thánh về văn hoá, đã nói rằng: "Giáo hội cần phải chấp nhận đương đầu với nghệ thuật hiện đại."

Ðức Thánh cha Benedicto XVI đã có lần tuyên bố: "Cái đẹp cần phải hài hoà với chân lý và sự thiện." Phải chăng điều này đi ngược lại với sự sáng tạo trong nghệ thuật đương đại? Ðức cha Ravasi cho biết: đã có lần một nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ tuyên bố rằng: "Các nghệ sĩ ngày nay loại bỏ hai điều: một là cái đẹp và hai là sứ điệp". Nếu hiểu như thế về nghệ thuật thì chắc chắn giữa giáo hội và nghệ thuật phải có sự xung đột bởi vì nghệ thuật đương đại đã khai thác tất cả những con đường dẫn đến sự phá huỷ và chủ nghĩa hư vô. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi nghệ sĩ đều có chiều hướng như thế. Chẳng hạn, Ðạo diễn Mỹ Stanley Kubrick, mặc dầu trong những cuốn phim gần đây đã tỏ ra thất vọng nhưng vẫn tiếp tục gởi đi một sứ điệp ngược lại với chủ nghĩa hư vô và huỷ hoại. Ðây cũng là khuynh hướng của đạo diễn Ý Giuseppe Tornatore hay đạo diễn Pháp Bresson.

Cũng thế, đạo diễn Mỹ Bill Viola, người sẽ có mặt trong cuộc gặp gỡ với Ðức thánh cha vào ngày 21 tháng 11 na8m 2009, chuyên khai thác về biểu tượng "nước" và "ánh sáng". Với những biểu tượng này, ông muốn gợi lên những suy nghĩ về sự siêu việt, về cái chết và cuộc sống mai hậu.

Khi được hỏi: "Phải chăng với cuộc gặp gỡ sắp tới, Toà thánh muốn biến các nghệ sĩ thành những "giảng viên giáo lý"? Ðức cha Ravasi trả lời rằng Toà thánh hoàn toàn không có ý như thế. Người nghệ sĩ không nên trực tiếp làm công việc dạy giáo lý. Người nghệ sĩ với óc thẩm mỹ đích thực là người có thể tra vấn chúng ta về ý nghĩa của cuộc sống ngay cả khi người đó không quan tâm đến sứ điệp của tin mừng. Nghệ thuật đích thực tự bản chất đều có tính đạo đức, như văn sĩ Henry Miller đã nói: "Nghệ thuật không có ích gì nếu nó không phô bày ý nghĩa của cuộc sống." Hay như văn sĩ Herman Hesse nói: "Làm nghệ thuật chính là cho thấy Thiên Chúa trong tất cả mọi sự."

Chính Ðức Gioan Phaolô II cũng đã từng nói đến liên minh giữa nghệ thuật và giáo hội. Phải chăng đây là mục đích của cuộc gặp gỡ sắp tới của Ðức thánh cha với các nghệ sĩ trên thế giới?

Ðức cha chủ tịch Hội đồng Toà thánh về văn hoá khẳng định rằng: "Ðức Tin và nghệ thuật có thể gặp gỡ nhau. Tuy nhiên, giáo hội không nên xem nghệ thuật như một công cụ mà trái lại phải chấp nhận đương đầu với nghệ thuật. Ðây là một cuộc đối thoại phong phú và hữu ích cho giáo hội. Trong dòng lịch sử, giáo hội đã không ngừng tự diễn đạt bằng những ngôn ngữ mới. Như thế, giáo hội ngày nay cũng cần phải có ngôn ngữ mới hợp với thời đại để diễn đạt sứ điệp Tin Mừng. Ðiều này có giá trị cách đặc biệt trong nghệ thuật kiến trúc.

Khi được hỏi về phản ứng của Ðức thánh cha đối với cuộc gặp gỡ sắp tới, Ðức cha Ravasi cho biết: Khi ngài đệ trình ý kiến, Ðức thánh cha hoan hỉ đón nhận ngay tức khắc. Ðức thánh cha mong mỏi có một cuộc đối thoại cởi mở giữa giáo hội và nghệ thuật. Ðức cha Ravasi nói như sau: "chúng ta không thể nghe nhạc Stockhausen như nghe nhạc cổ điển của Mozart. Ðiều đó đòi hỏi chúng ta phải cố gắng nhiều. Ðức thánh cha rất muốn biết về thế giới ngày nay."

Về nơi tổ chức cuộc gặp gỡ giữa Ðức thánh cha và các nghệ sĩ, Ðức cha Ravasi giải thích rằng: sở dĩ nguyện đường Sistina được chọn làm nơi gặp gỡ là bởi vì cách đây bốn mươi năm tại đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ðức Phaolô VI và các nghệ sĩ. Mọi người vẫn còn nhớ bài diễn văn của vị Giáo hoàng này. Kế đó, nguyện đường Sistina, với những tác phẩm nghệ thuật vô giá, cũng là một biểu tượng nghệ thuật sống động cuả cuộc gặp gỡ giữa Ðức tin và nghệ thuật. Cuối cùng, đây cũng là nơi mà giáo hội không ngừng tái sinh bởi vì chính nơi này mà đấng kế vị thánh Pherô được bầu chọn.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page