Ðọc lại Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền

 

Ðọc lại Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi...

(Radio Veritas Asia 19/11/2009) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong xu thế toàn cầu hoá ngày nay, "đóng cửa dạy nhau" hay "đèn nhà ai náy sáng" đã hoàn toàn trở thành chuyện lỗi thời rồi. Ngày nay, một em bé cũng có thể nhắc điện thoại gọi số khẩn cấp để báo cáo hay yêu cầu đến can thiệp vì chuyện bạo động trong gia đình. Một nguời phụ nữ bì chồng áp bức đánh đập cũng không thể "câm lặng" và nhẫn nhục chịu đựng nữa.Quyền Trẻ em, quyền phụ nữ... nói chung quyền của con nguời ngày càng đuợc con người ngày nay ý thức và đòi hỏi phải đuợc tôn trọng. Ý thức, hiểu biết , đòi hỏi và tranh đấu cho quyền con nguời đã trở thành một nghĩa vụ. Với xác tín ấy, hôm nay chúng tôi xin đuợc ôn lại nội dung của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền hay Tuyên Ngôn của toàn thế giới về nhân quyền.

Ngày 10 tháng 12 hằng năm là Ngày Liên Hiệp Quốc hay cũng là Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Chính ngày 10/12/1948 mà Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền. Có thể nói đây là một trong những giây phút lịch sử trọng đại nhứt, nếu không muốn nói là Trọng Ðại Nhứt của thế kỷ 20.

Bản văn gồm ba phần.

Phần thứ nhứt gọi là "mở đầu" đưa ra 7 lý dó tại sao công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền.Phần thứ hai nói lên ý nghĩa và niềm hy vọng của Bản Tuyên Ngôn. Phần thứ ba liệt kê danh sách những quyền đuợc xem là căn bản nhứt của con người.

Chúng ta hãy đọc lại phần mở đầu của Bản Tuyên Ngôn như sau:

"Xét rằng:

- Việc thừa nhận nhân phẩm nội tại, các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của mọi thành viên trong gia đình nhân loại, là nền tảng của tự do, công bằng và hoà bình trên thế giới.

Xét rằng:

- Sự xâm phạm và coi thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động tàn bạo xúc phạm tới lương tâm của nhân loại và việc xây dựng một thế giới, trong đó con nguời được tự do ngôn luận và tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và cùng cực, được coi là nguyện vọng cao cả nhứt của loài người.

Xét rằng:

- Nhân quyền phải được Pháp Luật bảo vệ để mỗi nguời không buộc phải nổi loạn như là biện pháp cuối cùng để chống lại chế độ cường quyền và áp bức.

Xét rằng:

- Cần phải khuyến khích việc phát triển quan hệ bằng hữu giữa các dân tộc

Xét rằng:

- Nhân dân các nước thành viên Liên Hiệp Quốc trong bản Hiến Chương đã một lần nữa khẳng định niềm tin của mình vào những quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm, vào giá trị của mỗi người, vào quyền bình đẳng nam nữ, và đã bảy tỏ quyết tâm thúc đẩy tiến bố xã hội cũng như xây dựng các điều kiện sống tốt hơn, tự do hơn.

Xét rằng:

- Các nuớc thành viên đã cam kết hợp tác với tổ chức Liên Hiệp Quốc để phấn đấu thúc đẩy mọi người tôn trọng và thực hiện các quyền cũng như những tự do cơ bản của con người.

Xét rằng:

- Một nhận thức chung về các quyền và tự do đó của con người là yếu tố quan trọng nhứt cho việc thực hiện đày đủ cam kết này".

Trên đây là nguyên văn của lời mở đầu trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Sau khi đưa ra những nhận định trên đây, Bản Tuyên Ngôn viết như sau:

" Nay, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố:

Bản Tuyên Ngôn quốc tế nhân quyền này là chuẩn mực chung cho tất cả các nước và các dân tộc đánh giá việc thực hiện mục tiêu, mà mọi cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội, luôn dựa trên Bản Tuyên Ngôn này, sẽ phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người thông qua việc truyền bá và giáo dục. Cũng chính dựa trên Bản Tuyên Ngôn này mà mọi cá nhân và mọi tổ chức trong xã hội sẽ bảo đảm cho mọi người dân, ở chính các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc và ở các lãnh thổ thuộc quyền quản lý của mình, công nhận và thực hiện những quyền và tự do đó một cách có hiệu quả, thông qua những biện pháp tích cực, trong phạm vi quốc gia hay quốc tế".

Ðọc qua phần mở đầu của Bản Tuyên Ngôn và lời tuyên bố trên đây của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc về ý nghĩa và những niềm hy vọng mà Bản Tuyên Ngôn có thể mang lại cho nhân loại, chúng ta có thể ghi nhận vài điểm nổi bật như sau:

Trước hết, nhân phẩm và những quyền bất khả xâm phạm không thể tách rời với nhân phẩm, là một giá trị nội tại của con người. Ðã là nguời thì đương nhiên con nguời có một nhân phẩm cao cả và những quyền gắn liền với nhân phẩm ấy chứ không phải là một ân huệ hay một quà tặng của một quyền lực nào trên trần gian này. Với người có niềm tin, như Ðức hồng y Phạm Minh Mẫn đã viết trong Lời Chủ Chăn tháng 9 năm 2009, nhân phẩm và những quyền cơ bản này là quà tặng của Thiên Chúa dành cho con nguời. Ðiều đó có nghĩa là không một quyền lực, không một nhà nước, không một ai trên trần gian này đuợc quyền đứng trên những quyền cơ bản của con người.

Ðiểm đáng chú ý thứ hai trong phần mở đầu của bản tuyên ngôn và lời tuyên bố của Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc chính là: nhân loại là một gia đình. Hình ảnh này ngày càng rõ nét hơn với xu thế toàn cầu hóa ngày nay. Trong một gia đình, trước khi nói đến tình huynh đệ, chúng ta hãy dừng lại ở mối giây liên kết nền tảng nhứt là tình liên đới. Trong gia đình nhân loại, mọi người đều liên kết với nhau đến nổi người này không thể dửng dưng một cách vô trách nhiệm trước nỗi khổ đau của nguời khác. Khi một thành viên trong gia đình nhân loại bị xúc phạm thì toàn thể gia đình này, nghĩa là mọi thành viên khác cũng đều bị xúc phạm. Thế giới ngày nay ngày càng ý thức về tình liên đới ấy. Ngày nay, cộng đồng thế giới sẽ là một gia đình thiếu trách nhiệm nếu, trong cùng một gia đình có những thành viên bị chà đạp, áp bức và tước đoạt các quyền cơ bản của con người, mà gia đình ấy vẫn nhắm mắt làm ngơ. Sẽ cũng là một thái độ thiếu trách nhiệm nếu không muốn nói là "vô nhân đạo", nghĩa là "đứng bên ngoài gia đình nhân loại", khi dửng dưng hay còn khuyến khích cho những hành vi bạo hành xúc phạm đến nhân phẩm đang diễn ra trong gia đình.

Cuối cùng, Bản tuyên ngôn nhấn mạnh đến sự nhận thức chung về nhân quyền và tự do. Tất cả các nuớc hội viên của Liên Hiệp Quốc hay những quốc gia nào muốn gia nhập Liên Hiệp cũng đều mặc nhiên chấp nhận điều đó. Ðược gọi là Tuyên Ngôn Quốc Tế, điều đó có nghĩa là đuợc cả thế giới hay đúng hơn đươc mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc hiểu và chấp nhận. Bản Tuyên Ngôn quốc tế nhân quyền khẳng định rằng "nhận thức chung về các quyền cơ bản và tự do là yếu tố quan trọng nhứt cho việc thực hiện đầy đủ cam kết". Ðã đặt bút ký tên vào Bản Tuyên Ngôn và chấp nhận làm thành viên của Liên Hiệp Quốc là mặc nhiên chấp nhận ý nghĩa của các quyền con người như được Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc hiểu và công bố. Nói cách khác, nhân phẩm và các quyền cơ bản của con người là như nhau cho mọi thành viên của gia đình nhân loại. Không thể có nhân quyền đen hay nhân quyền trắng, nhân quyền Tây phương hay nhân quyền Á Châu, nhân quyền dân chủ hay nhân quyền cọng sản. Chỉ có một nhân quyền chung cho mọi người và mỗi người, không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, màu da, phái tính, văn hoá, tín ngưỡng hay chính kiến.

Ðó là nhận thức cơ bản nhứt mà chúng ta cần phải có khi nói đến nhân quyền vậy.

Chúng tôi xin tạm ngưng mục Công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quí vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page