Cuộc triển lãm về cha Matteo Ricci

nhà truyền giáo người Ý tại Trung Quốc

vào thế kỷ 17

 

Cuộc triển lãm về cha Matteo Ricci, nhà truyền giáo người Ý tại Trung Quốc vào thế kỷ 17.

Roma [Chiesa on line 13/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Một cuộc triển lãm về cha Matteo Ricci, nhà truyền giáo người Ý tại Trung Quốc trong hai thế kỷ 16 và 17 hiện đang diễn ra tại Roma. Từ tháng 11 cho đến ngày 24 tháng Giêng năm 2010, khách thưởng lãm sẽ thấy trưng bày tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma một bức tranh lớn có hai gương mặt lớn: một là nhà truyền giáo dòng tên Matteo Ricci, sinh năm 1552 và qua đời năm 1610, hai là ông Xu Guangqi, một quan chức lớn trong triều đình Trung Hoa được cha Ricci rửa tội. Cả hai đều mặc sắc phục trung hoa.

Ðể kỷ niệm 400 năm ngày qua đời của nhà truyền giáo vĩ đại này, ngoài cuộc triển lãm ở Roma, cũng sẽ có những cuộc triển lãm khác được lần lượt tổ chức tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Macau và Seoul vào tháng Hai năm 2010.

Cha Matteo Ricci, được biết với tên Trung Hoa là "Li Madou", là một trong rất ít những người ngoại quốc có một chỗ đứng quan trọng hàng ngũ những nhà lập quốc của Trung Hoa. Tại Trung Tâm "Thiên Niên Kỷ" ở Bắc Kinh, tòa nhà vĩ đại ghi lại lịch sử của Trung Quốc, từ vị hoàng đế đầu tiên của dân tộc cho đến những nhân vật lịch sử của thế kỷ 20, người ta chỉ thấy có hai người ngoại quốc, cả hai đều là người Ý: một là ông Marco Polo và hai là cha Matteo Ricci.

Dạo cuối tháng 10 năm 2009, tại Ðại học quốc gia Bắc Kinh, cha Matteo Ricci cũng là trọng tâm của một hội nghị quốc tế về "Trung hoa học". Nhà truyền giáo này cũng được xem là cha đẻ của bộ môn nghiên cứu này. Người đứng ra tổ chức Hội Nghị là ông Yang Huilin, phó viện trưởng Ðại học Bắc Kinh và là một trong những học giả nổi bật nhứt về kito giáo tại Trung Quốc. Trong số các diễn giả tại Hội nghị, người ta thấy có cha Hans Kung, tác giả của những nghiên cứu về các tôn giáo tại Trung Quốc và cha Gianni Criveller, thuộc Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại Ý.

Hội Nghị đã kết thúc với một bữa ăn có tính trượng trung cao độ diễn ra ngay trong "Cấm Thành", tức khu nội cấm của thời vua chúa ngày xưa và đồng thời cũng là nơi hoạt động của nhiều nhà truyền giáo vào thế kỷ 16 và 17. Cha Matteo Ricci được chôn cất cách đó không bao xa.

Cuộc triển lãm về cha Matteo Ricci tại Roma gồm hai phần: một phần với phong mầu xanh ôn lại lịch sử của Roma và Âu châu trong hai thế kỷ 16 và 17, một phần với phong màu đỏ trưng bày các tác phẩm và tài liệu tại Trung Quốc cũng trong thời kỳ đó. Khách thưởng lãm làm lại cuộc hành trình mà chính cha Matteo Ricci đã thực hiện trong suốt cuộc đời của ngài.

Trong phần đầu cuộc hành trình, khách thưởng lãm sẽ chú mục vào một kiệt tác của danh họa Rubens: đây là bức tranh họa lại vinh quang của thánh Inhaxio Loyola và các đệ tử của ngài.

Trong phần hai của cuộc hành trình, du khách sẽ dừng lại trước một bàn thờ với hai bức tượng lớn: một của Ðức Khổng Tử và một của Ðức Phật. Ðây là biểu tượng của những truyền thống tôn giáo và văn hóa lớn của Trung Quốc.

Cha Matteo Ricci vào dòng tên năm 1571, tức năm diễn ra trận chiến Lepanto, trong đó các chiến hạm Kitô giáo đã chận đứng được bước tiến của người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ vào Âu Châu.

Ðây chính là động lực thúc đẩy vị tu sĩ Dòng Tên trẻ lên đường đi Trung Quốc. Tại buổi lễ khai trương cuộc triển lãm, ông Antonio Paolucci, giám đốc Bảo Tàng Viện Vatican, đã mô tả lòng nhiệt thành truyền giáo của cha Matteo Ricci như sau: "Cùng với Tin Mừng, cha Li Madou cũng mang đến Trung Quốc hình học của Euclide, thiên văn học, động cơ học và khoa vẽ bản đồ. Cha cũng mang đến tác phẩm "Về Tình Bạn" của nhà hùng biện La mã Cicero mà cha đã dịch sang tiếng Trung Hoa và tặng cho một quan chức triều đình vừa theo khổng giáo, vừa "thờ vật linh", vừa theo Kitô giáo".

Theo ông giám đốc Bảo Tàng Viện Vatican, cha Matteo Ricci đã mang đến Trung Quốc văn hóa Tây phương và dĩ nhiên Kitô giáo. Nhưng cha mang Tin Mừng đến nước này xuyên qua khoa học và kỹ thuật, xuyên qua gia sản chung của Ðông và Tây và nhứt là bằng cách tôn trọng văn hóa và truyền thống của đất nước mà muốn xem như của chính mình.

Cha đã trở thành một người Trung Hoa giữa những người trung hoa. Theo ông Paolucci, nếu không cư xử như thế, cha đã không hưởng được danh dự mà Trung quốc ngày nay dành cho cha.

Cũng tại buổi khai mạc cuộc triển lãm, Ðức cha Claudio Giuliodori, Giám mục Macerata, sinh quán của cha Matteo Ricci, đã nhấn mạnh đến tính cách "toàn cầu" của hoạt động của ngài như sau: "Cha đã sáng chế một bản đồ thế giới nhờ đó người Trung Hao được giới thiệu với toàn thế giới, vốn cho tới lúc đó vẫn còn xa lạ đối với họ. Trên bản đồ ấy, cha đã đánh dấu những điểm quan trọng nhứt của Kitô giáo. Ngài đã dịch sang tiếng Trung Hoa các tác phẩm triết học, toán học và thiên văn, đồng thời giới thiệu với Tây phương các tư tưởng của Khổng Tử. Cha đã mở ra cuộc đối thoại với những nhà văn hóa và văn chương nổi tiếng nhứt của Trung Quốc: những cuộc nói chuyện được ghi lại thành sách để chuẩn bị đất đai cho hạt giống Tin Mừng. Kết quả của những cuộc đối thoại này được ghi lại trong tác phẩm có tựa đề "Ý nghĩa đích thực của Chúa Trời", xuất bản tại Bắc Kinh năm 1603".

Theo Ðức cha Giuliodori, cha Matteo Ricci đã đặt nền móng cho Tin Mừng được đi vào Trung Quốc và đồng thời tạo ra sự cảm thông giữa Ðông và Tây, giữa Trung Quốc và Âu Châu, giữa Bắc Kinh và Roma, mở ra một trang mới trong lịch sử nhân loại không khác gì trang sử đã được Crisoforo Colombo mở ra trước đó một thế kỷ ở đầu bên kia thế giới.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page