Nhận định về triều đại Giáo hoàng

của đức Benedicto XVI

 

Nhận định về triều đại Giáo hoàng của đức Benedicto XVI.

Roma [Catholic on line 12/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Lịch sử chứng minh rằng những ngày đầu của một triều đại Giáo hoàng thường gói ghém chương trình hành động của vị Giáo hoàng này. Thật vậy, những sứ điệp đầu tiên của Ðức Thánh Cha và danh hiệu "Benedicto XVI" của ngài có một ý nghĩa đặc biệt.

Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, Ðức hồng y Josef Ratzinger đã viếng thăm Subiaco. Subiaco là trung tâm của phong trào canh tân dòng tu của thánh Biển Ðức. Ðịa danh này tượng trung cho Kitô giáo tại Âu Châu trong thiên niên kỷ thứ nhứt.

Thánh Benedicto hay Biển Ðức sinh vào khoảng năm 480 tại Umbria, Ý. Ngài là cha đẻ của đời sống viện tu tại Tây Phương và cùng với hai thánh Cyrillo và Metodio là quan thầy của Âu Châu. Lúc còn trẻ, thánh Benedicto đã bỏ trốn khỏi một kinh thành Roma sa đọa để ghép mình vào việc học tập, cầu nguyện và suy tư. Ngài hiến thân trọn vẹn cho Chúa như một người con của Giáo hội Công giáo hiệp nhứt.

Thánh nhân đã đến Subiaco. Hang động này đã trở thành nơi cư trú, nơi ngài kết hiệp thâm sâu với Chúa. Hiện nay nơi này được gọi là "Sacro Speco", nghĩa là "hang động thánh". Ðây là nơi hành hương cho nhiều người, trong đó có đức Benedicto XVI, người đã đến đây trước khi được bầu làm Giáo hoàng.

Thánh Benedicto đã sống một cuộc sống cầu nguyện và cô tịch trong ba năm và nghiên cứu học hỏi dưới sự hướng dẫn của một tu sĩ tên là Romanus. Sự thánh thiện của ngài đã thu hút nhiều người. Không bao lâu sau đó, 12 tu viện được thành lập. Sau đó thánh nhân đến Núi Cassino. Tại đây ngài hoàn tất "Luật Dòng". Từ các tu viện Biển đức này phát sinh một phong trào dòng tu và thế giới đã biến đổi xuyên qua phong trào này. Chính phong trào này đã đẩy mạnh công cuộc phúc âm hóa Âu Châu và khai sinh một nền văn hóa thực sự Kitô. Nền văn hóa này là mãnh đất mầu mỡ làm phát sinh hàn lâm, đại học, nghệ thuật và "thế giới Kitô giáo".

Tháng 4 năm 2005, Ðức hồng y Joseph Ratzinger, một giáo sư thần học, một học giả uyên thâm về lịch sử Giáo hội đã được bầu làm Giáo hoàng và lấy danh hiệu là Benedicto XVI. Lên kế vị thánh Phêroô vào thời điểm Âu Châu ngày càng bị tục hóa, đức Benedicto XVI đã không ngần ngại gọi Giáo hội là một "thiểu số có tính sáng tạo". Ðứng trước một Kitô giáo đang "suy sụp" tại lục địa âu châu, đức Benedicto XVI đã thẳng thừng kêu gọi "tái sinh" Kitô giáo tại Âu Châu. Trong một thời đại có sự chia rẽ trong hàng ngũ những người mang danh hiệu "Kitô", ngài bắt tay vào một sứ mệnh phi thường là tái tạo sự Hiệp Nhứt của Giáo hội.

Một trong những nỗ lực của ngài trong sứ mệnh ấy là ban hành tông hiến "Anglicanorum coetibus" để đón nhận các tín hữu Anh giáo trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo.

Trước đó, ngài đã đưa cánh tay hòa giải ra với những người Công giáo thủ cựu thuộc huynh đoàn Pio X, khi cho phép họ được cử hành thánh lễ theo nghi thức có trước thời công đồng Vatican và đặc biệt hơn, dạo đầu năm 2009, ngài đã rút lại vạ tuyệt thông cho 4 vị Giám mục thủ cựu.

Ngoài ra ngài không ngừng cổ võ các phong trào giáo dân và các cộng đồng giáo hội, nhứt là "Phong Trào viện tu" trong thiên niên kỷ mới này. Ngài cũng chìa bàn tay "thông hiệp" ra với Giáo hội Chính thống với mục đích tái lập sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội mà không phủ nhận những khác biệt. Với đức Benedicto XVI, Giáo hội là niềm hy vọng duy nhứt cho sự phục hồi của một Phương Tây đã bị tàn phá. Thật ra, Giáo hội cũng là niềm hy vọng duy nhứt cho toàn thế giới bởi vì Giáo hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của thủ lãnh mình là Chúa Giesu Kitô.

Ðức Thánh Cha sẽ lần lượt viếng thăm mọi nước Âu Châu.

Năm 669, Ðức giáo hoàng Gregorio Cả đã sai thánh Augustino thành Canterbury mang Tin Mừng đến nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Anh Quốc. Ngày nay, trong thiên niên kỷ thứ ba, người kế vị thánh Gregorio sẽ đích thân đến viếng thăm nước này vào tháng 5 năm 2010. Thời điểm ngài chọn để công bố tông hiến "Anglicanorum coetibus" không phải là ngẫu nhiên.

Ðức Benedicto XVI đã từng là một chuyên gia thần học tham dự công đồng Vatican II. Ngài không những hiểu được giáo huấn đích thực của Công Ðồng này, mà còn mở đường thực thi giáo huấn của công đồng này trong nhiều lãnh vực của cuộc sống, trong nội bộ Giáo hội lẫn trong sứ mệnh của Giáo hội trong thời đại này. Ngài cũng ý thức rằng Công đồng này đã bị mọt số người lèo lái, khinh thường hay giải thích sai.

Trong bài giảng trước khi triệu tập công nghị hồng y bầu giáo hoàng, với tư cách là niên trưởng hồng y đoàn, ngài đã nói đến những thách đố của thời đại như sau: "Biết bao nhiêu luồng tư tưởng chúng ta đã trải qua trong những thập niên gần đây. Biết bao nhiêu trào lưu ý thức hệ, biết bao nhiêu lối suy nghĩ... Con thuyền "tư tưởng" của nhiều tín hữu Kitô thường chao đảo bởi những ngọn sóng ấy, bị ném từ thái cực này sang thái cực khác: từ chủ nghĩa Marxit sang chủ nghĩa tự do, ngay cả chủ nghĩa phóng đảng, từ chủ nghĩa tập thể hóa sang cá nhân chủ nghĩa cực đoan, từ chủ nghĩa vô thần sang một thứ tôn giáo thần bí mơ hồ, từ chủ nghĩa vô tín sang chủ nghĩa "tổng hợp hổn loạn. v.v... Mỗi ngày có thêm những giáo phái mới ra đời... Chúng ta đang tiến tới nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối là chủ nghĩa không nhìn nhận bất cứ điều gì là chắc chắn, mà chỉ có một mục đích là cái tôi và những khát vọng của cái tôi".

Trong tình thế ấy, đức Benedicto XVI tin rằng chỉ có sự Tái Sinh của Giáo hội mới có thể mang lại sự giải phóng đích thực cho nhân loại. Với ngài, Tin Mừng là chân lý cứu rỗi duy nhứt có thể cứu thoát và mang lại tự do đích thực cho nhân loại.

Ðể công bố Tin Mừng này, Giáo hội cần phải thở bằng hai buồng phổi là Ðông và Tây. Chính vì thế mà Ðức Benedicto XVI quyết tâm thực hiện sự hiệp nhứt của Giáo hội Ðông và Tây.

Ngài là vị Giáo hoàng của hiệp nhứt Kitô giáo và của thời đại truyền giáo mới của Giáo hội vậy.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page