Tình trạng các tín hữu Kitô tại Bắc Hàn
Tình trạng các tín hữu Kitô tại Bắc Hàn.
Bắc Triều Tiên [La Croix 11/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hội đồng đại kết các Giáo hội vừa đưa ra lời kêu gọi thống nhứt Giáo hội hai miền Nam Bắc Triều Tiên, thì nhà nước cộng sản Bắc Hàn lại tiếp tục chính sách "săn đuổi các tín hữu Kitô" mà họ đã đeo đuổi từ 60 năm nay.
Bản phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới được Quốc Hội Hoa kỳ cho công bố hồi cuối tháng 10 năm 2009, ghi nhận tình trạng thiếu tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng tại Bắc Hàn. Bản phúc trình nói đến nhiều trường hợp bị bắt giữ và lưu đày. Thật vậy, chế độ cộng sản toàn trị Bắc Hàn không nhìn nhận bất cứ một tôn giáo nào ngoài sự "tôn thờ" mà mọi công dân buộc phải có đối với lãnh tụ kính yêu "Kim Il Sung" và con trai ông là đương kiêm lãnh tụ Kim Jong Il.
Do đó, cuối tháng 6 năm 2009, nhiều thông tin được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tại Nam Hàn tường thuật việc một người phụ nữ Bắc Hàn, 33 tuổi, bị xử tử công khai gần biên giới Trung Quốc. Người phụ nữ này bị tố cáo phân phát Kinh Thánh và làm giám điệp cho Hoa Kỳ. Chồng chị và các con chị cũng bị bắt giam.
Trước kia, Bình Nhưỡng được mệnh danh là "Gierusalem của Ðông phương". Tính cho đến giữa thế kỷ 20, có đến 30 phần trăm tín hữu Kitô sống tại đây, trong khi đó tại những nơi khác chỉ có một phần trăm. Những cuộc bách hại tôn giáo mà chế độ cộng sản Bắc Hàn đã tiến hành trong thập niên 50 đặc biệt nhắm vào các tín hữu Kitô. Theo Hiến Pháp, Bắc hàn cho phép tự do "thờ phượng" và tại nước này cũng có các liên đoàn Kitô chính thức, dĩ nhiên được nhà nước kiểm soát. Hiện nay trên toàn quốc có khoảng 15 ngàn tín hữu Kitô" công khai" thuộc nhiều Giáo hội khác nhau.
Tuy nhiên, có nhiều điều cần phân biệt đằng sau con số ấy. Chẳng hạn, Giáo hội Công giáo tại Jangchung, phía đông thủ đô, không có linh mục. Vào thập niên 80, Tòa Thánh đã từ chối không chịu phong chức cho một ứng viên được chế độ gởi sang Roma. Chúa Nhựt nào cũng có "cử hành". Những người tham dự đều là những người đã được chính quyền "nhìn nhận". Người ta không hề thấy có bóng dáng trẻ em trong các buổi cử hành.
Một người Công giáo ngoại quốc đã từng viếng thăm Jangchung khẳng định rằng đây chỉ là một cuộc cử hành "trá hình". Người ta đến nhà thờ như đến một văn phòng làm việc. Các lời cầu nguyện luôn có nội dung chống Mỹ và những người tham dự các buổi cử hành không có bất cứ lòng đạo đức nào. Hồi năm 2008, một phái đoàn Công giáo Nam Hàn viếng thăm Bình Nhưỡng, nhưng không được phép cử hành thánh lễ tại Jangchung.
Một điều tương tự cũng diễn ra trong một nhà thờ Chính thống cách đó vài cây số. Hai linh mục Chính thống, tốt nghiệp từ phân khoa "tôn giáo" của trường đại học Kim Il Sung, đã được gởi đến chủng viện tại Mascova. Bốn năm sau, hai vị này hồi hương, nhưng nhà thờ của họ đều trống vắng. Riêng nhà thờ Tin lành Bong Su, mỗi chúa nhựt đều đón tiếp các tín hữu mà một số là người Tây Phương cư ngụ tại Bình Nhưỡng.
Vài nhà thờ bị nhà nước kiểm soát trên đây thật ra chỉ là một thứ bình phong để chế độ cộng sản rêu rao với thế giới rằng họ vẫn tôn trọng tự do tôn giáo. Kỳ thực khắp nơi trong nước, họ vẫn "săn đuổi các tín hữu Kitô". Sự hiện hữu của các tín hữu Kitô cũng là một nguồn lợi lớn đối với chính phủ cộng sản: họ lôi kéo sự trợ giúp của các tổ chức tôn giáo trên thế giới. Ðây là một nguồn tư bản đáng kể đối với một quốc gia đang bị Liên hiệp quốc trừng phạt kinh tế.
Chẳng hạn để có thể tài trợ cho việc trùng tu nhà thờ ở Jangchung, Giáo hội tại Nam Hàn phải xây một nhà máy làm mì sợi bên cạnh. Các tổ chức tôn giáo khác cũng cung cấp thức ăn hay y cụ: đây là một sự trợ giúp quý báu cho một quốc gia đang thiếu thốn mọi sự.
Theo du khách được trích dẫn trên đây, cần phải dè dặt về những số liệu được cho công bố đó đây về Bắc Hàn. Nhiều mục sư Nam Hàn "đóng chốt" tại biên giới Trung Hoa và Bắc Hàn, muốn thổi phồng những con số ấy.
Hoạt động của các mục sư này nhằm cải đạo những người tỵ nạn Bắc Hàn tại Trung Quốc và gởi họ về Bắc Hàn để mang Kinh Thánh về cho các nhóm Kitô khác. Ðây là một hoạt động đã từng bị chỉ trích.
Du khách nói trên nói rằng "các vị mục sư này cố tình đặt những người tỵ nạn Bắc hàn và gia đình họ vào tình trạng nguy hiểm. Nếu bị bắt, họ có thể bị lưu đày hay tử hình. Tại Bắc Hàn, một tín hữu Kitô có thể bị nghi ngờ về hai tội: một là phản bội chế độ, hai là liên lạc với Trung Quốc.
Chu Văn