Chiến dịch vận động bãi bỏ

luật chống phạm thượng tại Pakistan

 

Chiến dịch vận động bãi bỏ luật chống phạm thượng tại Pakistan.

Roma [Asianews 10/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm thứ Ba 10 tháng 11 năm 2009, đại diện của Ủy ban Công Lý và Hòa Bình Pakistan tại Roma đã mở chiến dịch gây ý thức tại Âu Châu về số phận và sự đàn áp của các cộng đồng thiểu số tại Pakistan, nhứt là các cộng đồng Kitô, nạn nhân của điều thường được gọi là "Luật chống phạm thượng".

Với khoảng 4 triệu người, cộng đồng tín hữu Kitô chỉ là một thiểu số nhỏ trong một quốc gia có trên 160 triệu người theo Hồi giáo. Trong nhiều thập niên vừa qua, cộng đồng Kitô đã phải chịu nhiều bất công vì luật chống phạm thượng này.

Luật này, được nhà độc tài Zia Ul Haq ban hành năm 1986, phạt tù hay ngay cả tử hình tất cả những ai xúc phạm đến Kinh Coran hay tiên tri Mahomet. Trong 23 năm vừa qua, đã có gần một ngàn người là nạn nhân của luật này. Trong số này nhiều người bị giết chết. Trong những năm gần đây, có ít nhứt 50 tín hữu Kitô bị tra tấn và loại trừ vì luật này và nhiều làng và nhà thờ Kitô bị phá hủy và đốt phá. Những biến cố mới nhứt diễn ra tại Koriyan và Gojra trong bang Punjab. Tại đây, hàng ngàn người Hồi giáo tấn công vào nhà cửa và nhà thờ của các tín hữu Kitô, vì bị tố cáo vi phạm luật chống phạm thượng. Ðã có 7 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, bị thiêu sống. Những hành vi giết người này được các giáo trưởng Hồi giáo xúi giục, với sự cộng tác của các cai tù vốn cũng đồng lõa vì được hối lộ.

Luật chống phạm thượng hiện đang được xử dụng như một khí cụ để loài trừ các đối thủ trong chính trị, trong kinh doanh, những người láng giềng và nhứt là để bịt miệng các tín hữu Kitô, người Ấn giáo, tín đồ đạo Sikh, người theo đạo Ahmadi và ngay cả thiểu số Hồi giáo theo hệ phái Shiite. Luật này hiện đang là một thứ bom nổ chậm đe dọa toàn bộ xã hội Pakistan, gây chia rẽ giữa các nhóm và phản đội những lý tưởng cao đẹp của quốc gia được khai sinh năm 1948. Thật vậy, khi mới được thành lập, Pakistan bày tỏ ý chí loại trừ mọi kỳ thị tôn giáo, đánh giá cao sự đóng góp của mỗi cộng đồng thành viên.

Luật chống phạm thượng, cũng như nhiều luật khác xuất phát từ luật hồi giáo Sharia, là một dấu chỉ cho thấy có hiện tượng "Hồi giáo hóa" ngày càng gia tăng tại Pakistan. Nước này hiện đang chịu áp lực nặng về quân sự và văn hóa của phong trào Taliban, vốn rất gần gũi với các giáo trưởng Hồi giáo.

Ðang mỏi mệt vì cuộc chiến tại Afghanistan, các nước Tây Phương ngày càng ý thức rằng họ không thể chiến thắng duy chỉ bằng hành động quân sự, mà còn cần phải quan tâm đến mối quan hệ giữa Hồi giáo và thế giới hiện đại, giữa Hồi giáo và sự chung sống với các tôn giáo và các nhóm thiểu số khác.

Trong một giải pháp rộng rãi hơn, một nước Pakistan được "hòa giải" cũng ảnh hưởng đến tình trạng của nước láng giềng Afghanistan.

Chiến dịch gây ý thức về luật chống phạm thượng tại Pakistan mà đại diện của Ủy ban công lý và hòa bình của nước này tại Roma vừa tung ra tại Âu Châu, chỉ diễn ra vài ngày sau khi Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu đưa ra phán quyết yêu cầu nhà nước Ý không được treo Thánh Giá trong các trường công lập, vì Tòa này cho rằng sự hiện diện của thánh giá tại những nơi như thế phủ nhận quyền của cha mẹ được giáo dục con cái theo xác tín tôn giáo của mình và nhứt là xúc phạm tự do tôn giáo của học sinh.

Cách đây không lâu, một người Hồi giáo cực đoan cũng đã đưa ra một yêu cầu như thế với chính phủ Ý. Ðiều đáng suy nghĩ là thái độ được xem là "khoan nhượng" của các thẩm phán Tòa án nhân quyền Âu Châu và chủ trương của Hồi Giáo cực đoan lại hướng đến cùng một mục đích: đó là loại bỏ mọi dấu tích của các biểu trưng và hình tượng Kitô giáo trong xã hội. Ðây cũng chính là mục tiêu của luật chống phạm thượng tại Pakistan. Có thể nói, tại Âu Châu người ta cũng đưa ra một thứ luật chống phạm thượng như thế khi loại trừ các biểu tượng Kitô giáo để tránh làm tổn thương các niềm tin tôn giáo khác.

Theo nhận định của hãng thông tấn Asianews của hội giáo hoàng truyền giáo hải ngoại Ý gọi tắt là PIME, sở dĩ có sự tương hợp giữa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa duy tương đối bài Kitô giáo, là vì cả hai đều có chung một mối hận thù đối với các cội rễ Kitô giáo và những quyền lợi kinh tế. Làm sao có thể giải thích khác hơn việc nhiều nước Tây phương muốn cho áp dụng luật Sharia của Hồi giáo trong các cộng đồng hồi giáo tại Âu Châu hay việc Liên hiệp quốc thông qua một nghị quyết, vốn do các nước hồi giáo đề nghị, nhằm đề ra một luật chống phạm thượng trên quy mô thế giới? Nếu được đem ra áp dụng, chắc chắn những nghị quyết như thế sẽ gây phương hại cho cuộc sống chung giữa các cộng đồng trên thế giới.

Hãng thông tấn Asianews kết luận: "một lần nữa, chúng ta phải khẳng định giá trị "tiên tri" của bài diễn văn mà đức thánh cha đã đọc tại đại học Regensburg, Ðức hồi năm 2006.Trong bài diễn văn này, Ðức thánh cha đã yêu cầu các tôn giáo, cách riêng Hồi giáo cực đoan, hãy từ bỏ bạo động bởi vì đây là một thái độ phi lý và nghịch lại với Chúa. Ðức thánh cha cũng yêu cầu thế giới Tây Phương hãy nhìn về Chúa và tôn giáo không phải như một cản ngại cho lý trí, mà là bổ túc cho lý trí.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page