Nhận định về việc công bố Tông Hiến

liên quan đến việc thiết lập cơ chế pháp lý

cho các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo

 

Nhận định về việc công bố Tông Hiến liên quan đến việc thiết lập cơ chế pháp lý cho các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo.

Roma [La Croix 9/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tông hiến "Anglicanorum coetibus" được Ðức thánh cha Beneđitô XVI ký ban hành ngày 4 tháng 11 năm 2009 và được Tòa thánh cho công bố hôm thứ Hai 9 tháng 11 năm 2009, đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong đó có vấn đề độc thân linh mục: không hề có chuyện tái hội nhập các linh mục Công giáo đã rời bỏ chức vụ và lập gia đình.

Ðây là văn kiện được chờ đợi rất lâu. Trước hết là những người Anh giáo trên khắp thế giới, mà một số muốn biết những điều kiện chính xác, theo đó họ có thể được đón nhận vào trong lòng Giáo hội Công giáo. Kế đó là các phương tiện truyền thông. Hôm 20 tháng 10 năm 2009, một số đã thất vọng khi được Ðức hồng y William Levada, bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, triệu tập đến chỉ để nghe ngài nói đến một tông hiến mà bản văn còn đang được soạn thảo. Phải đợi cho đến hôm thứ Hai 9 tháng 11 năm 2009, bản văn của tông hiến mới được chính thức công bố.

Mỗi chữ, mỗi chấm phết của văn kiện đều đã được cân nhắc thật kỹ và nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ.

Trước hết, liệu có thay đổi nào trong luật độc thân của Giáo hội Công giáo không? Hôm thứ Hai 9 tháng 11 năm 2009, cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã đưa ra một câu trả lời minh bạch và dứt khoát. Ðược cha Gianfranco Ghirlanda, viện trưởng viện đại học Gregoriana của Dòng Tên ở Roma lập lại với báo chí, phát ngôn viên của Tòa thánh khẳng định: "Ðây không phải là một nghi lễ mới, một Giáo hội mới. Hoàn toàn không có bất cứ liên hệ nào với các Giáo hội Ðông phương. Ðây chỉ là một "biến tấu" mới mà thôi".

Câu trả lời trên đây của cha Lombardi không khiến cho ai phải ngạc nhiên. Như đã được loan báo, tông hiến "Anglicanorum coetibus" dự liệu việc thiết lập một cơ chế pháp lý, tức Giáo hạt tòng nhân để cho phép các tín hữu Anh giáo được hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo mà vẫn giữ một số yếu tố trong truyền thống anh giáo của mình.

Trong cuộc họp báo để giải thích về tông hiến của Ðức thánh cha, cha Lombardi nhấn mạnh 3 điểm như sau: văn kiện này không phải là một sáng kiến của Tòa Thánh nhằm để "thu hút người Anh giáo", mà chỉ là một "đáp trả quảng đại" của Ðức thánh cha trước những thỉnh cầu của người Anh giáo. Thứ đến, văn kiện này hoàn toàn nằm trong đường hướng đối thoại đại kết vốn là một ưu tiên hàng đầu của Giáo hội Công giáo. Cuối cùng, văn kiện này không hề là một thay đổi gi về luật độc thân linh mục trong Giáo hội Công giáo.

Trong những điểm cần được nhấn mạnh, người ta không thấy có nhiều mới mẽ so với những gì đã được loan báo. Theo tông hiến, "các giáo hạt tòng nhân sẽ được thiết lập trong giới hạn lãnh thổ của một Hội đồng Giám mục và có sự tham khảo với Hội đồng Giám mục này". Tùy theo hoàn cảnh, có thể có nhiều giáo hạt tòng nhân trong một nước. Các vị bản quyền của các giáo hạt tòng nhân này chỉ đón nhận làm ứng viên linh mục những người độc thân. Các phép chuẩn cho luật độc thân chỉ được cứu xét theo từng trường hợp theo những tiêu chuẩn khách quan được Tòa thánh chuẩn y. Các linh mục của giáo hạt tòng nhân được khuyến khích thắt chặt giây hiệp nhứt với các linh mục của các giáo phận Công giáo khác trong nước.

Về phần các Giám mục Anh giáo trở lại Công giáo, tông hiến của Ðức thánh cha khẳng định: các Giám mục đã có gia đình không thể được phong chức giám mục lại. Các vị này có thể được bổ nhiệm làm "bản quyền" của giáo hạt tòng nhân và cần phải được truyền chức linh mục lại trong Giáo hội Công giáo, nhưng không thể được tái phong chức Giám mục.

Một trong những vấn đề khác được chính các linh mục Anh giáo thuộc Liên Hiệp Anh Giáo truyền thống đặt ra là giá trị của các gia đình các linh mục. Trong một cuộc phỏng vấn trên báo "Tablet" phát hành tại Anh Quốc, Ðức cha John Hepworth, thủ lãnh của Liên Hiệp Anh Giáo Truyền Thống, tức Liên Hiệp xin trở về hiệp thông với Giáo hội Công giáo, nhấn mạnh đến "giá trị của các gia đình các linh mục trong cộng đồng giáo xứ Anh giáo từ 5 thế kỷ qua". Vị Giám mục Anh giáo này cho biết đã viết thư về Roma để kêu gọi "quan tâm một cách đặc biệt đến đặc sủng của gia đình các linh mục".

Tưởng cũng nên nhắc lại: vào ngày 21 tháng 11 năm 2009, Ðức tổng giám mục Rowan Williams, Tổng giám mục Canterbury, kiêm thủ lãnh tinh thần của Liên Hiệp Anh Giáo Thế Giới, sẽ đến Roma để hội kiến với Ðức thánh cha. Tuy đã cùng với Ðức cha Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster ký tên vào một tuyên ngôn chung bày tỏ lập trường trước quyết định của Ðức Thánh Cha, nhà lãnh đạo Anh giáo này cũng cảm thấy "không thoải mái" với sáng kiến của Tòa Thánh liên quan đến việc tiếp nhận những người Anh giáo muốn trở về hiệp thông với Giáo hội Công giáo. Ngoài ra, Ðức tổng giám mục Williams cũng chẳng hài lòng với những "diễn tiến" trong nội bộ Liên Hiệp Anh Giáo Thế Giới.

Về phần đức Benedicto XVI, ngài cũng sẽ xác nhận chuyến viếng thăm Anh Quốc mà ngài sẽ thực hiện vào mùa thu năm 2010. Lúc đó người ta sẽ biết có bao nhiêu người Anh giáo đã vượt qua ngưỡng cửa được Tòa thánh mở ra.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page