Cuộc chiến Thánh Giá tại Ý
Cuộc chiến "Thánh Giá" tại Ý.
Roma [La Croix 4/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như chúng tôi đã đưa tin: hôm thứ Ba 3 tháng 11 năm 2009, Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu có trụ sở tại Strasbourg, Pháp, đã đưa ra phán quyết yêu cầu chính phủ Ý phải tháo gỡ Thánh Giá khỏi mọi phòng lớp trong các trường công lập.
Phán quyết này đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội. Tất cả các cơ quan truyền thông tại Ý đều đưa bản tin lên trang nhứt. Riêng Nhựt báo "Avvenire", cơ quan ngôn luận của Hội đồng Giám mục Ý, đã dành bài xã luận và nguyên hai trang để phê bình phán quyết này. Tòa thánh, xuyên qua tiếng nói của Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và phát ngôn viên của Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, cũng đã gay gắt lên án một phán quyết bị xem là "sai lầm" và "thiển cận".
Một nhựt báo kinh tế phát hành tại Ý là tờ "Il Sole 24 ore" [dưới ánh mặt trời 24 tiếng đồng hồ], bày tỏ lập trường một cách rõ ràng. Báo này viết: "Nếu đọc kỷ phán quyết của Tòa án này, theo đó Thánh Giá trong các trường công lập là một vi phạm quyền của cha mẹ được giáo dục con cái theo những xác tín của mình, người ta sẽ thấy rằng tinh thần khoan nhượng, vốn rất được trân quý vào thời Ánh Sáng, nay đã bị "đông cứng" vào thế kỷ 21".
Báo này nêu lên câu hỏi: "Liệu trong tương lai chúng ta có nên loại trừ nhau, bằng cách buộc các nhóm thiểu số phải câm miệng và xem thường các nhóm đa số, chỉ vì, dù là tín hữu Kitô, tín đồ Hồi giáo, vô thần hay Phật giáo, họ làm tổn thương ai đó một cách nào đó?"
Ðể hiểu lý do tại sao Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu đưa ra phán quyết trên đây, thiết tưởng chúng ta cần trở về khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Lúc đó có một bác sĩ tên là Massimo Albertin và vợ ông là bà Soile Lautsi, gốc Phần lan, cả hai đều là thành viên của Liên Hiệp vô thần duy lý, gởi con học tại trường Vittorino da Feltre, ở Abano Terma, tại thành phố Padova. Nại đến tính thế tục của Nhà nước, hai vợ chồng này yêu cầu ban giám đốc của trường phải tháo gỡ Thánh Giá khỏi phòng học.
Giám đốc trường không chấp thuận yêu cầu trên. Và đây là khởi đầu của một cuộc chiến pháp lý kéo dài mãi cho đến năm 2006, khi vấn đề được đưa lên chính phủ trung ương. Tại đây, nại đến "tính cách tượng trưng và giáo dục cao độ của biểu tượng đức tin Kitô giáo, ngay cả trong một nơi công cộng," chính phủ Ý bác bỏ yêu cầu của cặp vợ chồng vô thần nói trên. Chính vì thế mà cặp vợ chồng này mới kiện lên Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu. Và hôm thứ Ba 3 tháng 11 năm 2009, Tòa này yêu cầu chính phủ Ý phải tháo gỡ Thánh Giá khỏi các phòng lớp trong các trường công lập cũng như bồi thường 5 ngàn Âu kim cho cặp vợ chồng này vì những thiệt hại tinh thần.
Phán quyết của Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu được những người tranh đấu cho tính "thế tục" của Nhà nước và cánh tả cực đoan xem như một chiến thắng.
Báo chí Ý có nhiều phản ứng khác nhau. Một số tờ báo lớn tại nước này lên án phán quyết. Riêng báo "La Stampa di Torino" lại ủng hộ phán quyết. Trong bài xã luận trên số báo ra ngày 4 tháng 11 năm 2009, báo này cho rằng phán quyết của tòa án nhân quyền Âu châu tại Strasbourg "giải phóng nước Ý khỏi một tình trạng "mập mờ" vốn đã kéo dài hơn 70 năm nay; phán quyết này giúp phân biệt trắng đen rõ ràng: Thánh Giá là một biểu tượng tôn giáo chứ không phải chính trị hay thể thao; Thánh Giá là biểu tượng của một tôn giáo, do đó trưng bày Thánh Giá trong các trường học làm tổn thương các tín đồ của những tôn giáo khác hay những người vô thần".
Tác giả của bài xã luận trên báo "La Stampa di Torino" nhắc lại rằng không có bất cứ luật nào của Cộng Hòa Ý áp đặt việc treo Thánh Giá trong các trường học và nhứt là trong các tòa án, bệnh viện hay các phòng bầu cử. Theo báo này, luật buộc treo Thánh Giá chỉ có từ thời Phát xít và vẫn tồn tại ngay cả sau khi chế độ này sụp đổ.
Thật ra, như thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi và bộ trưởng giáo dục Ý cũng như Ðức hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh và giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh đã khẳng định, Thánh Giá là một phần của văn hóa và bản sắc Ý. Ðối với tuyệt đại đa số giới chính trị gia Ý, Thánh Giá được xem trước tiên như biểu tượng của một truyền thống, một văn hóa, một bản sắc thuộc về lịch sử Ý. Như bà Marisa Gelmini, bộ trưởng giáo dục Ý đã tuyên bố: "Thánh Giá là một biểu tượng tôn giáo, nhưng sự hiện diện của Thánh Giá trong các trường học không hề có nghĩa là buộc phải theo Công giáo. Cội rễ của nước Ý cũng nằm trong các biểu tượng; loại bỏ những biểu tượng ấy là dẹp bỏ một phần của chính mình".
Và bà bộ trưởng giáo dục Ý cảnh cáo rằng nếu kháng cáo của nước bà không được đón nhận, thì nước này sẽ phải đương đầu với một vấn đề trầm trọng. Ngay cả ông Pier Luigi, tân tổng thư ký của đảng Dân Chủ, người đã từng lớn lên trong hàng ngũ đảng Cộng Sản Ý, cũng nói rằng Thánh Giá trong các trường cộng lập là một truyền thống không làm tổn thương bất cứ ai.
Hôm thứ Ba 3 tháng 11 năm 2009, tất cả các bà mẹ, khi đến trường đón con, đều tuyên bố rằng Thánh Giá được trưng bày trong các lớp học là "một biểu tượng thánh thiêng, bình dân và quen thuộc".
Ðiều mà các thẩm phán của Tòa án nhân quyền Âu châu tại Strasbourg xem ra không hiểu được, đó là tại Ý Thánh Giá là một phần của cuộc sống hằng ngày của người Ý, cũng như tượng Ðức Mẹ và các nơi cầu nguyện mà người ta thấy nhan nhản ở mọi góc đường.
Chu Văn