Việc hội nhập của các tín hữu Anh giáo
vào Giáo hội Công giáo
Việc hội nhập của các tín hữu Anh giáo vào Giáo hội Công giáo.
Roma [Zenit 3/11/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cách đây hai tuần, Tòa thánh đã loan báo rằng Ðức thánh cha Beneđitô XVI sẽ ban hành một tông hiến cho phép thiết lập một cơ cấu đặc biệt dành cho các tín hữu Anh giáo muốn trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, mà vẫn bảo tồn truyền thống Anh giáo của họ.
Theo giải thích của Ðức hồng y Williams Levada, người đứng đầu bộ giáo lý đức tin, cơ cấu đặc biệt dành cho các tín hữu Anh giáo trở lại công giáo này cũng giống như cơ cấu dành cho giáo hạt quân đội hay Hội Opus Dei.
Mới đây đức ông William Stetson, thuộc Hội Opus Dei, hiện đang đứng đầu một văn phòng đặc trách về những vấn đề mục vụ tại giáo xứ Notre Dame, Walsingham, một cộng đồng Công giáo gốc Anh giáo tại Tổng giáo phận Galveston Houston, bang Texas, Hoa kỳ, đã dành cho hãng thông tấn Công giáo Zenit một cuộc phỏng vấn, qua đó ngài giải thích về bản chất của giáo phận "tòng nhân" dành riêng cho các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo.
Theo đức ông Stetson, "giáo hạt tòng nhân là một cơ cấu "tài phán" gồm có một vị Giám mục đứng đầu, hàng giáo sĩ trợ giúp ngài trong công tác mục vụ và các tín hữu được ủy thác cho ngài coi sóc. Tại nhiều nước, có giáo phận quân đội để chăm sóc mục vụ cho các binh sĩ và gia đình họ. Tại Hoa kỳ, giáo phận này được gọi là "Tổng giáo phận quân đội".
Năm 1980, khi có một số tín hữu Anh giáo tại Hoa kỳ xin trở về hiệp thông với Giáo hội Công giáo, bộ giáo lý đức tin đã cho công bố một văn kiện hướng dẫn có tựa đề "Tiên liệu mục vụ". Theo giải thích của đức ông Stetson, văn kiện này không có nội dung "pháp lý" và cũng không đặt vấn đề quyền bính và cai trị. Trái lại, tông hiến mà Ðức thánh cha sẽ ban hành qui định những nguyên tắc tổng quát có giá trị cho từng quốc gia. Theo các qui định này, mỗi giáo phận tòng nhân sẽ có quyền can thiệp trực tiếp trên mọi thành phần trong giáo phận và các vấn đề liên hệ.
Liệu các qui định mà Ðức thánh cha sẽ đề ra trong tông hiến có được áp dụng cho các giáo xứ gốc Anh giáo hiện hành không, đức ông Stetson cho biết: cho đến nay, tại Hoa kỳ, các giáo xứ gọi là "theo truyền thống Anh giáo" đều là những giáo xứ tòng nhân của giáo phận, trong đó các cộng đồng này được thành lập. Rất có thể, một khi giáo phận tòng nhân dành cho các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo được thành lập tại Hoa kỳ, thì các giáo xứ hiện hành này sẽ gia nhập vào giáo phận ấy.
Năm 1980, khi cho công bố văn kiện "tiên liệu mục vụ", bộ giáo lý đức tin chỉ nhắm giải quyết trường hợp các linh mục Anh giáo có gia đình xin được phong chức lại trong Giáo hội Công giáo. Nay với những nguyên tắc được Ðức thánh cha qui định trong tông hiến mới, giáo phận tòng nhân dành cho các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo, sẽ có cơ cấu như một giáo phận và sẽ đảm trách mục vụ cho các tín hữu theo truyền thống Anh giáo.
Nhận định về Liên hiệp Anh Giáo truyền thống, tức Liên hiệp đã xin trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo, đức ông Stetson nói rằng Liên hiệp này qui tụ nhiều giáo phận Anh giáo rải rác tại nhiều nước trên thế giới. Liên hiệp này có nhiều Giám mục, linh mục và tín hữu Anh giáo vốn tách lìa khỏi Liên Hiệp Anh Giáo Thế Giới vì không chấp nhận việc truyền chức thánh cho phụ nữ và nhìn nhận hôn phối của những người đồng tính. Trong thực tế, Liên hiệp này chưa bao giờ là thành phần của Liên Hiệp Anh Giáo thế giới dưới quyền thủ lãnh tinh thần của Ðức tổng giám mục Canterbury. Hiện nay liên hiệp này có khoảng 400 ngàn tín hữu trên khắp thế giới, mà phần lớn sinh sống tại Phi châu và Á Châu.
Vấn đề thường được đặt ra trong thời gian gần đây là việc huấn luyện chủng sinh. Ðức ông Stetson nói rằng hiện có một số chủng sinh Anh giáo đã có gia đình và đang theo học trong một chủng viện Anh giáo. Một khi trở về hiệp thông với Giáo hội Công giáo, họ có thể tiếp tục theo học trong một chủng viện Công giáo và được chuẩn khỏi luật độc thân. Nhưng như Ðức hồng y Levada đã giải thích, đây là vấn đề chỉ được giải quyết theo từng trường hợp. Riêng trong tương lai, các tín hữu gốc Anh giáo nào muốn làm linh mục cũng đều phải tuân giữ luật độc thân như giáo luật hiện hành buộc.
Ðược hỏi: tại sao Tòa thánh chỉ "ưu đãi" các tín hữu Anh Giáo, mà không đối xứ như thế với các tín hữu Tin lành Luther hay Presbyterian muốn trở lại Công giáo, đức ông Stetson giải thích như sau: sau khi sự hiệp nhứt Kitô giáo tại Tây Phương bị phá vỡ vào thế kỷ thứ 16, người Công giáo vẫn luôn có một cái nhìn đặc biệt về Anh Giáo. Thật vậy, mặc dù tuyên bố ly khai với Giáo hội Công giáo, Giáo hội Anh Giáo vẫn bảo tồn nhiều yếu tố của truyền thống Công giáo.
Nhiều người cho rằng quyết định của Tòa thánh về việc đón nhận các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo sẽ gây phương hại cho cuộc đối thoại đại kết, nhưng đức ông Stetson nói rằng các phản ứng của các vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo và Anh giáo tại Anh cũng như tại nhiều nước đang dấn thân vào đối thoại đại kết cho thấy: quyết định của Tòa Thánh không hề ảnh hưởng đến phong trào đại kết.
Chu Văn