Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16

viếng thăm các nạn nhân động đất

 

Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 viếng thăm các nạn nhân động đất.

Roma (Vat. 28/04/2009) - Sáng ngày 28-4-2009, ÐTC Biển Ðức 16 đã đến viếng thăm và ủy lạo dân chúng và các tín hữu bị động đất tại thành phố L'Aquila, cách đây 3 tuần lễ. Cuộc viếng thăm được mọi người chào mừng như một hoạt động mang lại hy vọng và khích lệ cho dân chúng, cũng như các giới chức hữu trách trong nỗ lực tái thiết.

L'Aquila, thành phố cổ kính với khoảng 70 ngàn dân, thủ phủ miền Abruzzo, ở cao độ hơn 500 mét so với mặt biển, và cách Roma lối 90 cây số về hướng đông, đã bị động đất lúc 3 giờ rưỡi và 5 giờ sáng ngày 6-4-2009, ở mức độ 5,8 và 6,3 theo thước Richter, làm cho gần 300 người thiệt mạng, hơn 1 ngàn người bị thương và 65 ngàn người phải tản cư, trong đó hơn 35 ngàn người vẫn còn tạm trú dưới gần 5,700 căn lều được dựng lên tại L'Aquila và vùng phụ cận.

Trong thời gian qua, đất tiếp tục rung hầu như hằng ngày, tuy ở mức độ nhẹ hơn, nhưng điều này vẫn làm cho dân chúng sợ hãi không dám về nhà, dù gia cư của họ được xác nhận là có thể cư ngụ được. Chính phủ Italia đã tích cực xúc tiến các công tác cứu trợ và đã quyết định dành 8 tỷ euro cho công trình tái thiết.

Trong 3 tuần qua, nhiều lần ÐTC đã bày tỏ sự chia buồn, cầu nguyện và liên đới bằng nhiều cách với các nạn nhân, kể cả việc cử Ðức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Tarcisio Bertone, đến chủ sự lễ an táng các nạn nhân, và cử Ðức ông bí thư riêng, đến bày tỏ tình liên đới cảm thông đặc biệt của ngài. Và nay tình hình tạm ổn định hơn, ÐTC mới có thể đến viếng thăm dân chúng và các tín hữu như đã hứa.

Hành trình viếng thăm của ÐTC kéo dài 4 tiếng đồng hồ và ngài dừng lại tại những nơi bị thiệt hại nặng nhất trong cuộc động đất. Lẽ ra ÐTC dùng trực thăng để đến L'Aquila, nhưng vì trời xấu nên ngài dùng đường bộ và cũng vì thế chương trình bị trễ 1 tiếng đồng hồ so với dự kiến ban đầu. Thứ trưởng tại Phủ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ông Gianni Letta, đã tháp tùng ÐTC suốt trong cuộc hành trình.

Viếng thăm tại làng Onna

Chặng dừng đầu tiên là làng Onna bé nhỏ. Phần lớn nhà cửa tại đây bị động đất phá hủy và trong số 350 dân cư, có tới 40 người bị thiệt mạng.

Ðến nơi ÐTC đã được Ðức Tổng Giám Mục sở tại Molinari và thứ trưởng bảo vệ dân sự, Ông Bertolaso đón tiếp, và hướng dẫn đi thăm dân chúng. Ngài gặp gỡ nhiều nạn nhân còn tạm trú trong các căn lều màu xanh dương và chào thăm nhiều gia đình. Ngỏ lời với mọi người trong dịp này, ÐTC nói:

"Các bạn thân mến,

"Tôi đích thân đến phần đất tươi đẹp và bị thương này của các bạn, phần đất đang trải qua những ngày rất đau thương và bấp bênh, để bày tỏ với các bạn một cách trực tiếp hơn sự gần gũi nồng nhiệt của tôi. Tôi gần gũi với các bạn ngay từ lúc đầu tiên, từ khi tôi được tin về cuộc động đất dữ dội, trong đêm 6-4-2009, đã làm cho gần 300 người thiệt mạng, nhiều người bị thương và thiệt hại vật chất rất lớn lao cho nhà cửa của các bạn. Tôi lo lắng theo dõi những tin tức, cảm thông nỗi kinh hoàng và những giọt lệ của các bạn cho những người quá cố, cùng với những lo âu hồi hộp vì những gì các bạn bị mất đi trong giây lát. Toàn thể Giáo Hội ở đây với tôi, cạnh những đau khổ của các bạn, chia sẻ những đau khổ vì mất những người thân yêu và ban hữu, Giáo Hội muốn giúp đỡ cac bạn trong việc tái thiết nhà cửa, thánh đường, công xưởng bị sụp đổ hay bị hư hại nặng vì động đất. Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm, phẩm giá và niềm tin qua đó các bạn đương đầu với thử thách cam go này, biểu lộ ý chí cương quyết không nản chí trước nghịch cảnh. Thực vậy, đây không phải là trận động đất đầu tiên tại miền của các bạn, và giờ đây, như trong quá khứ, các bạn không đầu hàng, không nhụt chí. Trong các bạn có một sức mạnh nội tâm khơi dậy hy vọng. Về vấn đề này, thật là điều ý nghĩa câu tục ngữ vẫn được các tiền nhân của các bạn quí chuộng: 'Vẫn còn bao nhiêu ngày đàng sau ngọn núi Gran Sasso".

"Khi đến Onna này, một trong những trung tâm bị thiệt hại nặng về nhân mạng, tôi có thể tưởng tượng được đất cả những đau buồn đổ ập trên các bạn trong những tuần lễ này. Giả sử có thể, tôi muốn đến từng làng, từng khu xóm, đến thăm tất cả các căn lều và gặp gỡ tất cả mọi người. Tôi nhận thấy mặc dù có sự dấn thân liên đới được biểu lộ tứ mọi phía, nhưng những cơ cực hằng ngày của các bạn vẫn còn rất nhiều, phải sống ngoài gia cư, hoặc trong các xe hơi, hay trong những căn lều, và hơn nữa phải chịu lạnh và mưa. Tôi cũng nghĩ đến bao nhiêu người trẻ phải ngưng việc học với những quan hệ kèm theo, tôi nghĩ tới những người già không còn được sống theo các thói quen của mình.

ÐTC nói thêm rằng:

"Các bạn thân mến, người ta có thể nói các bạn cũng đang ở trong tình trạng tâm hồn của hai môn đệ làng Emmaus, mà Phúc âm theo thánh Luca đã nói tới. Sau biến cố thập giá thê thảm, hai ông trở về nhà lòng đầy thất vọng và cay đắng, vì cái chết của Chúa Giêsu; dường như chẳng còn hy vọng gì nữa, Thiên Chúa ẩn khuất và không hiện diện trong thế giới này nữa; nhưng dọc đường, Chúa đến gần và nói chuyện với hai ông. Dù họ không nhận ra Chúa bằng đôi mắt, nhưng có một cái gì đó đánh thức trong tâm hồn hai ông: những lời của Người Khách Lạ ấy khơi dậy trong tâm hồn lòng nhiệt thành và tín thác mà kinh nghiệm về đồi Canvê đã dập tắt trước đó.

Các bạn thân mến, sự hiện diện của tôi nơi các bạn cũng muốn là một dấu chỉ cụ thể về sự kiện Chúa chịu đóng đanh đã sống lại, Chúa không bỏ rơi các bạn; Ngài không để cho những lời cầu xin của các bạn về tương lai không được lắng nghe, Chúa không điếc trước tiếng kêu lo âu của bao nhiêu gia đình đã mất mát tất cả: nhà cửa, tiền tiết kiệm, công ăn việc làm và nhiều khi cả mạng sống nữa. Dĩ nhiên câu trả lời cụ thể của Chúa được thể hiện qua tình liên đới của chúng ta, tình liên đới này không thể chỉ giới hạn vào giai đoạn cứu trợ cấp thiết khởi đầu, nhưng phải trở thành một dự án lâu dài và cụ thể với thời gian. Tôi khích lệ tất cả mọi người, các tổ chức và xí nghiệp, để thành phố và phần đất này được hồi sinh. Ngày hôm nay tôi đến đây giữa các bạn cũng để nói lên một an ủi về những người qua đời của các bạn: họ đang sống trong Thiên Chúa và mong đợi nơi các bạn chứng tá can đảm và hy vọng. Họ mong đợi được thấy phần đất của các bạn được hồi sinh, với những nhà cửa và thánh đường, đẹp đẽ và vững chắc. Nhân danh các anh chị em đã qua đời ấy, cần phải tái dấn thân sống và sử dụng tất cả những gì không chết được, và những gì trận động đất này không phá hủy, đó là tình thương. Tình thương cũng tồn tại vượt quá giới hạn cuộc sống trần thế bấp bênh này của chúng ta, vì Tình Thương đích thực chính là Thiên Chúa. Ai yêu thương, thì trong Thiên Chúa, họ chiến thắng sự chết và họ biết rằng mình không nất những người mình yêu thương.

ÐTC kết thúc huấn từ ngắn với lời nguyện dâng lên Thiên Chúa cho các nạn nhân động đất và ngài ban phép lành cho mọi người, trước khi giã từ làng Onna, tiếp tục cuộc viếng thăm tại thành phố L'Aquila.

Viếng thăm thành L'Aquila

ÐTC dừng lại tại Vương cung thánh đường Ðức Mẹ Collemaggio, được kiến thiết cách đây hơn 720 năm (1287) và bị hư hại nặng trong trận động đất.

Tại một góc thánh đường không bị hư hại, ÐTC đã tôn kính di hài cốt thánh Celestino V (1294-1296) vị Giáo Hoàng dòng Biển Ðức đã thoái vị. ÐTC đã quì cầu nguyện rồi đặt dây pallium trên hòm đựng hài cốt thánh nhân. Ðây là dây mà ngài đã nhận lãnh trong thánh lễ khai mạc sứ vụ chủ chăn Giáo Hội hoàn vũ ngày 24-4 năm 2005.

Tiếp đến, ngài đi qua cư xá sinh viên đại học L'Aquila, ngôi nhà này bị sụp đổ thảm thương "như một tòa nhà giấy" trong trận động đất. Thành phố này có rất đông sinh viên đến theo học. Ðến nơi, ÐTC đã chào thăm 12 sinh viên đại diễn những người sống sót trong căn nhà bị sập. Ngài hỏi han từng người.

Hoạt động chính của ÐTC diễn ra vào lúc gần 12 giờ tại doanh trại lính quan thuế ở L'Aquila, nơi đã diễn ra lễ an táng hơn 200 nạn nhân ngày 10-4-2009 vừa qua. Ðây cũng sẽ là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh của 8 cường quốc kinh tế, quen gọi là G-8 vào tháng 7 (năm 2009) tới đây.

Ðến nơi, vào quân trường, ÐTC đã chào thăm 72 cha sở tại các xứ đạo bị thiệt hại nặng nhất cùng với các vị lý trưởng xã trưởng, trước khi tiến ra lễ đài đơn sơ để gặp gỡ 3 ngàn người, mặc áo mưa nhiều mày đã chờ đợi ÐTC ở sân quân trường. Hàng chục Giám Mục miền Abruzzo cùng với chính quyền cũng có mặt tại đây.

Diễn văn

Sau lời chào mừng của Ðức Cha Molinari, Tổng Giám Mục L'Aquila sở tại, cùng với ông chủ tịch chính quyền miền Abruzzo và thị trưởng thành L'Aquila, ÐTC đã ngỏ lời cám ơn và chào thăm tất cả mọi người và ca ngợi sự tận tâm cứu trợ của chính quyền, cũng như các tổ chức cứu hỏa, hội chữ thập tỏ và những người thiện nguyện. Ngài nhắc đến bao nhiêu đổ vỡ tang thương đã đích thân chứng kiến trong cuộc viếng thăm này, đồng thời đề cao quyết tâm tái thiết của người dân trong vùng. ÐTC nói:

"Như Ðức Tổng Giám Mục vừa nhắc lại, cuộc viếng thăm của tôi nơi anh chị em, mà tôi mong muốn thực hiện ngay từ đầu, muốn nói lên sự gần gũi của tôi với mỗi người trong anh chị em và tình liên đới huynh đệ của toàn thể Giáo Hội. Thực vậy, trong cộng đồng Kitô, chúng ta họp thành một thân mình thiêng liêng duy nhất, và nếu một phần bị đau, thì tất cả các phần khác cùng chịu đau khổ với phần ấy. Tôi phải nói với anh chị em rằng từ các nơi trên thế giới tôi đã nhận được những biểu lộ tình liên đới với anh chị em. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Chính Thống giáo cũng viết thư cho tôi cam kết cầu nguyện và bày tỏ sự gần gũi tinh thần, cũng như gửi những trợ giúp kinh tế cho anh chị em.

Tôi muốn nhấn mạnh giá trị và tầm quan trọng của tình liên đới, tuy được biểu lộ đặc biệt trong những lúc khủng hoảng, nó cũng giống như một ngọn lửa được che giấu dưới đống tro. Tình liên đới là một tâm tình cao thượng về phương diện dân sự và Kitô giáo, nó đo lường mức độ trưởng thành của một xã hội. Trong thực tế, tình liên đới ấy được biểu lộ qua hoạt động cứu trợ, nhưng không phải chỉ là một bộ máy tổ chức hữu hiệu, vì còn có một cái hồn, một sự hăng say, xuất phát từ lịch sử lâu dài về dân sự và về phương diện Kitô của dân tộc chúng ta, nó được biểu lộ qua những hình thức cơ chế cũng như qua các hoạt động tự nguyện.

"Vụ động đất bi thảm mời gọi cộng đoàn dân sự và Giáo Hội suy tư sâu xa. Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta phải tự hỏi: "Chúa muốn nói gì với chúng ta qua biến cố đau buồn này?". Chúng ta đã mừng lễ Phục Sinh, đối chiếu với biến cố đau thương ày, tìm hiểu về Lời Chúa và đón nhận ánh sáng mới từ cuộc đóng đanh và phục sinh của Chúa. Chúng ta đã cử hành cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô, mang trong tâm trí sự đau khổ của anh chị em, cầu nguyện để những người bị tổn thương không bị giảm bớt lòng tín thác nơi Thiên Chúa và niềm hy vọng. Nhưng cả cộng đồng dân sự cũng cần phải nghiêm túc xét mình, để mức độ trách nhiệm trong mọi lúc không bao giờ bị giảm suy. Với điều kiện ấy, L'Aquila có thể tái bay bổng, cho dù bị thương.

Sau cùng, ÐTC mời gọi tất cả mọi người hướng nhìn lên Ðức Mẹ Roio, rất được dân chúng tại miền Abruzzo này tôn kính, phó thác cho Mệ thành phố và tất cả những làng mạc bị thương tổn vì động đất. Ngài nói: "Tôi để lại, dâng cho Ðức Mẹ đóa hoa hồng vàng, như biểu hiệu lời cầu nguyện của tôi cho anh chị em, đồng thời tôi phó thác tất cả những nơi bị tổn thương cho sự bảo vệ từ mẫu của Mẹ Thiên Quốc".

ÐTC đã cùng mọi người đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng, và Ngài đặt đóa hoa hồng vàng trước tượng Ðức Mẹ Thánh Giá rất được tôn kính tại làng Roio bên cạnh.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ÐTC đã rời L'Aquila lúc 1 giờ rưỡi trưa để trở về và tới Vatican lúc 14 giờ 40.

 

Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page