Một sức mạnh không dễ nhận thấy

 

Một sức mạnh không dễ nhận thấy: đây là đề tài của chuyên mục Công giáo và nhân quyền tuần này của chúng tôi.

(Radio Veritas Asia 5/11/2009) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vào ngày thứ Hai 9 tháng 11 năm 2009, thế giới sẽ kỷ niệm đúng 20 năm ngày bức tường ô nhục Berlin sụp đổ, kéo theo sự cáo chung của các chế độ cộng sản tại Ðông Âu và cuối cùng khai tử chủ nghĩa cộng sản tại cái nôi khai sinh ra nó là Nga.

Trong tác phẩm "Bước qua ngưỡng cửa Hy vọng", khi giải thích về lời tiên báo của Ðức Mẹ cho ba trẻ em mục đồng tại Fatima năm 1917, Ðức thánh cha Gioan Phaolo II nhìn nhận rằng "chủ nghĩa cộng sản sụp đổ vì những yếu kém nội tại của nó". Nhưng ngày nay, khi nhìn lại các biến cố diễn ra tại Ðông Âu năm 1989, không ai chối cãi được rằng vị Giáo hoàng này và xuyên qua ngài, Giáo hội Công giáo đã đóng góp nhiều vào việc làm cho thứ chủ nghĩa vô nhân đạo này cáo chung.

Trước khi nhìn lại ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo trong các biến cố này, thiết tưởng chúng ta cũng nên ôn lại sự hình thành của bức tường ô nhục Berlin.

Chiếu theo các điều khoản của Thỏa thuận Yalta ký năm 1945, các nước đồng minh thắng trận sau thế chiến thứ hai chia nước Ðức thành bốn khu vực, hay còn gọi là vùng chiếm đóng, đặt dưới quyền kiểm soát của 4 nước Mỹ, Anh, Pháp, và Liên Xô.

Khoảng 160 cây số bên trong vùng Liên Xô kiểm soát có thủ đô Berlin của Ðức. Thành phố này cũng được chia làm 4 khu vực giống như cả nước Ðức. Một thời gian sau khi chấm dứt thế chiến thứ hai, Liên Xô và các nước đồng minh phương Tây có những căng thẳng.

Vào năm 1949, các khu vực thuộc các nước phương Tây tách khỏi chính phủ cộng sản thân Liên Xô ở miền Ðông, khu vực bao quanh thành phố Berlin.

Nhà sử học Frederick Taylor, tác giả quyển sách có nhan đề "Bức Tường Berlin, Một Thế Giới Phân Chia 1961-1989" nhận định như sau: "Thành phố Berlin, nằm bên trong khu vực Xô-viết, đã bị chính phủ Liên-Xô và Ðông Ðức xem là một con ngựa thành Troie. Sinh hoạt theo kiểu tư bản tại thành phố này tương phản với lối sinh hoạt ngày càng khô cứng và áp bức của khối Xô-viết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh".

Nhà sử học Taylor nói rằng người ta đã lập ra đường biên giới giữa Ðông và Tây Ðức: "Thật vậy, cho đến năm 1952 đã có đường biên giới kiên cố mà ta có thể bị bắn nếu tìm cách đi từ Ðông sang Tây. Nhưng Berlin lại nằm dưới một quy chế đặc biệt do quân đội kiểm soát và tuân theo luật quân đội, cho dù nước Ðức đã chia làm hai. Trong thành phố có những chốt kiểm soát , đại để như vậy, nhưng người ta vẫn có thể qua lại dễ dàng giữa đông và tây Berlin. Ðiều đó có nghĩa là người dân Ðông Ðức có thể ra đi nếu quá chán với cuộc sống nghèo nàn và thiếu tự do dưới chế độ cộng sản Ðông Ðức. Và quả thực là như thế, vì vào năm 1951, Ðông Ðức còn nghèo hơn trước đó ba hoặc bốn năm".

Ông Taylor nói rằng từ 1949 đến 1961, dân số 17 triệu người của Ðông Ðức mất đi khoảng 2 triệu rưỡi người chạy sang phía Tây.

Theo tác giả, "cho đến cuối thập niên 1950 và bước sang những năm 1960, 61, Ðông Ðức gặp cảnh mà ta hay gọi là xuất huyết cho đến chết; họ mất đi những người tài giỏi và ưu tú nhất chạy sang phía Tây. Vì vậy, họ phải làm một cái gì để ngăn chặn. Vấn đề ở đây là làm cái gì".

Ông Taylor nói rằng lãnh đạo Ðông Ðức có nhiều chọn lựa: "Họ có thể đưa ra những cải cách, họ có thể làm cho kinh tế khá hơn, họ có thể cho tự do chính trị và tự do di chuyển mà tất cả những người văn minh và có trình độ đều muốn hưởng. Nhưng như ta đã thấy, họ đã không chọn những giải pháp đó. Họ bị lệ thuộc vào mô hình Stalinist về kinh tế chỉ huy, mà bây giờ chẳng còn bao nhiêu nước áp dụng, có lẽ chỉ còn Bắc Triều Tiên hoặc Cuba".

Theo tác giả, lãnh đạo Ðông Ðức nhận thấy cách duy nhất để ngăn chặn người Ðông Ðức ồ ạt kéo nhau bỏ chạy sang Tây Ðức là dựng lên một rào cản thực sự. Và họ đã quyết định xây lên một bức tường để chắn ngang, ngăn cách Ðông và Tây Berlin.

Các sử gia nói rằng vào đêm 12 và 13 tháng Tám năm 1961, đúng ngày cuối tuần, hàng tấn gỗ, khối bêtông rỗng, dây thép gai được chuyển tới Ðông Berlin. Về cơ bản, họ giăng dây thép gai ở mọi nơi, chặn các giao lộ từ phía Ðông sang phía Tây Berlin bằng các khối bê tông kiên cố đến xe tăng cũng không thể húc đổ. Và cứ vài mét lại có lính gác đứng canh chừng các công nhân đang dựng chướng ngại vật, và cơ bản toàn thể rào cản được dựng chỉ trong vòng chưa đầy 12 giờ đồng hồ. Sáng Chủ Nhật ngày 13/8/1961, khi mọi người tỉnh giấc, cả người Berlin ở phía Ðông lẫn phía Tây đều chứng kiến một chướng ngại vật đã được dựng lên. Ðó chưa phải là bức tường hoàn chỉnh mà chỉ là một hàng rào ngăn với các khối bê tông rỗng có giăng dây thép gai để chặn các con đường và ngăn không cho xe cộ vượt qua."

Ông Taylor nói rằng Bức tường Berlin tạm thời với dây thép gai chỉ trong một đêm đã phân chia một cách rõ ràng xóm giềng, gia đình và bè bạn.

Sử gia Taylor nói tiếp: "Bất kể bạn đang ở đâu vào đêm đó, bạn phải quyết định sẽ phải làm gì. Nếu bạn là một người phương Tây sống ở phía Ðông, họ sẽ cho bạn trở lại mà không hỏi han gì. Nếu bạn là người Ðông Ðức tới ở chơi với người thân ở phía Tây, vì là ngày cuối tuần, nên hàng nghìn người tới phía Tây, họ sẽ phải quyết định làm gì: trở lại với gia đình ở phía Ðông hay ở lại phía Tây. Nhiều người trong số đó quyết định ở lại với một sự hy sinh thực lớn. Nhưng cũng có các khu vực, rào cản mới chạy dọc theo ngay chính giữa các con đường."

Sử gia này nói rằng chỉ khoảng một tuần sau đó một bức tường gần như hoàn chỉnh được xây dựng ở phía nam Cổng thành Brandenburg. Khi xây xong, bức tường dài khoảng 43 cây số ở nơi nó cắt ngang qua trung tâm thành phố Berlin, và dài hơn 110 cây số để tách Tây Berlin ra khỏi Ðông Ðức. Ngoài ra, có hơn 300 tháp canh cũng như các bãi mìn, đèn pha và súng bắn tự động.

Ông Taylor miêu tả cảm giác của nhiều người Ðông Ðức: "Ðó là một bi kịch của thời đại này. Ðiều gây ấn tượng mạnh nhất khi tôi nói chuyện với những người từng trải qua thời kỳ đó là niềm hy vọng tan vỡ, sự thất vọng, nỗi lo sợ bị giam hãm; không được thở hít hay cảm nhận không khí tự do. Tôi nghĩ đó là điều khó hiểu đối với chúng ta."

Trong suốt mấy thập kỷ sau đó, người Ðông Ðức vẫn cố tìm tới tự do bằng nhiều cách, từ trèo tường tới đào hầm xuyên qua bức tường chia cắt. Cơ hội vượt thoát được rất hiếm hoi. Nhưng ông Taylor cho biết người ta sẵn sàng liều mạng để tìm tới một cuộc sống tốt đẹp hơn ở ngay phía bên kia Bức tường Berlin.

Ðầu tháng 11 năm 1989, gần một triệu người dân Ðông Ðức đã tuần hành một cách ôn hòa xuyên qua Ðông Berlin. Chủ tịch nhà nước Ðông Ðức, ông Erich Honecker đã từ chức. Công an và cảnh sát không chịu nổ súng vào những người biểu tình. Ðêm 9 tháng 11 năm 1989, xảy ra một điều mà không ai dám nghĩ là có thể xảy ra: một vết rạn đã được mở ra trong bức tường ô nhục. Người dân Ðông Ðức tràn qua các trạm kiểm soát, trước sự chứng kiến bất động của các binh sĩ vốn luôn được lệnh bắn bỏ bất cứ ai đến gần bức tường. Không một người nào đã bị sát hại khi đoàn người cầm nến cháy sáng trong tay vượt qua bức tường ô nhục và đạp đổ một chế độ độc tài. Biến cố ấy là khúc dạo đầu đã kéo theo những cuộc cách mạng ôn hòa khác tại 10 quốc gia Ðông Âu và Liên Xô.

Mặc dù giải thích rằng các biến cố này đã diễn ra như một hệ quả tất yếu của một thứ chủ nghĩa tự nó có nhiều yếu kém nội tại, nhưng đức Gioan Phaolo II vẫn tin rằng đây là một phép lạ, một phép lạ đã từng được Ðức Mẹ báo trước khi hiện ra với ba trẻ em mục đồng Fatima.

Cùng với vị Giáo hoàng này, nhiều người cũng tin ở phép lạ. Cho đến nay, nhiều người Ðông Ðức vẫn nói đến những ngày đầu tháng 11 năm 1989 như một phép lạ. Không cần biết "lời cầu nguyện có sức chuyển núi dời non hay không", chỉ biết rằng chính sự cầu nguyện đã động viên người dân Ðông Ðức, nhứt là người dân thành phố Leipzig, để họ tuôn ra các ngã đường, thắp nến và tuần hành trong ôn hòa.

Vài tuần sau biến cố ấy, người ta thấy xuất hiện tại một đường phố ở Leipzig một biểu ngữ với nội dung như sau: "Chúng tôi cám ơn Giáo hội".

Quả thật, muốn hay không, Giáo hội đã đóng một vai trò lớn lao trong việc đánh đổ các chế độ cộng sản độc tài tại Ðông Âu và Liên Xô, bởi vì tự do tôn giáo, như Giáo hội vẫn khẳng định, là cột trụ của tòa nhà nhân quyền. Giáo hội không thể đòi hỏi tự do tôn giáo mà đồng thời không góp phần tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ vậy.

Chúng tôi xin tạm ngưng mục Công giáo và nhân quyền tuần này tại đây. Xin thân ái chào quý vị và các bạn và hẹn gặp lại vào thứ Năm tuần sau.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page