Thánh lễ bế mạc Khóa họp
Thượng hội đồng Giám mục về châu Phi
Thánh lễ bế mạc Khóa họp Thượng hội đồng Giám mục về châu Phi.
Vatican (Vat. 25/10/2009) - Sau ba tuần làm việc, khóa họp lần thứ hai của Thượng hội đồng Giám mục bàn về Phi châu đã kết thúc với Thánh Lễ lúc 10 giờ sáng chúa nhật 25 tháng 10 năm 2009 tại đền thánh Phêrô. Cũng như vào dịp khai mạc, đồng tế với Ðức thánh cha Bênêđictô XVI là toàn thể 239 nghị phụ (gồm 33 hồng y, 3 giáo chủ Ðông phương, 75 tổng giám mục, 120 giám mục, 8 linh mục), cộng thêm 55 nhân viên của Văn phòng Tổng thư ký. Các ngài đã nhận được áo lễ và dây stola như món quà lưu niệm. Có một sự khác biệt về phía ca đoàn: vào ngày khai mạc là cộng đoàn liên tu sĩ nước Congo, còn vào ngày bế mạc là cộng đoàn liên tu sĩ Nigeria đảm nhiệm; đây là hai nước Phi châu với số sinh viên đông nhất theo học tại Rôma. Thánh lễ kéo dài cho đến 11 giờ 45 phút, rồi tất cả các vị đồng tế đã tiến ra trước tiền đường của đền thờ, để dự buổi đọc kinh kính Ðức Mẹ. Trong bài huấn dụ dẫn nhập đức Bênêđictô XVI đã giới thiệu những công việc của Thượng hội đồng như sau:
Anh chị em thân mến
Khóa họp đặc biệt lần thứ hai của Thượng hội đồng Giám mục về Phi châu vừa kết thúc với Thánh lễ tại đền thánh Phêrô. Ba tuần lễ cầu nguyện và lắng nghe để nhận định điều gì Chúa Thánh Thần ngày hôm nay muốn nói với Hội thánh đang sống tại châu Phi, và đồng thời cho toàn thể Hội thánh. Các nghị phụ, đến từ các quốc gia châu Phi, đã trình bày thực trạng phong phú của các giáo hội địa phương. Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ những niềm vui của các ngài vì các cộng đoàn Kitô hữu năng động đang tiếp tục tăng gia về lượng và về phẩm. Chúng tôi đã tạ ơn Thiên Chúa vì niềm hăng say truyền giáo đã tìm được mảnh đất trù phú ở nhiều giáo phận và được biểu lộ qua việc phái cử các thừa sai sang các nước khác của châu Phi và sang các đại lục khác. Các nghị phụ đã quan tâm đặc biệt đến gia đình, là một tế bào nòng cốt của xã hội tại châu Phi, nhưng hiện nay đang bị đe doạ bởi những trào lưu ý thức hệ bắt nguồn từ các đại lục khác. Rồi còn phải nói chi đến giới trẻ bị đe doạ bởi áp lực đó, bị ảnh hưởng của những khuôn mẫu tư duy và hành động trái ngược với những giá trị nhân bản và Kitô giáo của các dân tộc châu Phi? Dĩ nhiên là trong khóa họp người ta cũng nói đến những vấn đề hiện tại của châu Phi, và sự cần thiết của việc hòa giải, công lý và hòa bình. Giáo hội muốn đáp ứng điều đó bằng các trưng bày lại việc loan báo Tin mừng và hoạt động để thăng tiến nhân sinh, với một nhiệt khí mới. Ðược thôi thúc nhờ Lời của Chúa và Mình Thánh Chúa, Giáo hội cố gắng làm sao để cho đừng ai phải thiếu điều cần thiết để sinh sống, và để cho tất cả được sống xứng với phẩm giá con người.
Nhắc lại chuyến thăm viếng nước Camerun và nước Angola vào hồi tháng ba vừa rồi (03/2009), với mục tiêu là khai mào công cuộc chuẩn bị trực tiếp của Khóa họp lần thứ hai về châu Phi, hôm nay tôi muốn ngỏ lời với tất cả các dân tộc châu Phi, cách riêng với những ai chia sẻ đức tin Kitô giáo, để trao cho họ sứ điệp kết thúc của Thượng hội đồng. Ðây là một sứ điệp gửi đi từ Rôma, tòa của vị kế nhiệm thánh Phêrô, chủ toạ cộng đoàn Hội thánh toàn thế giới, nhưng theo một nghĩa cũng đúng không kém, nó bắt nguồn từ châu Phi, mang theo vẻ phong phú của một biến cố của tình hiệp thông sâu xa trong Chúa Thánh Thần. Thưa các anh chị em thân mến từ Phi châu đang nghe tôi nói, tôi xin gửi gắm cho lời cầu nguyện của anh chị em những hoa trái của công việc các nghị phụ, và tôi xin dùng lời Chúa để khuyến khích anh chị em rằng: anh chị em hãy là muối và ánh sáng cho đất nước châu Phi thân yêu.
Vào lúc bế mạc Thượng hội đồng này, tôi muốn nhắc nhở rằng vào năm tới (2010) sẽ có một khóa họp đặc biệt bàn về miền Trung đông. Nhân chuyến viếng thăm nước Chypre, tôi sẽ hân hạnh trao Tài liệu làm việc của khóa họp này. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa là Ðấng không ngừng xây dựng Hội thánh của Người trong tình thông hiệp, và chúng ta hãy tin tưởng khẩn xin Ðức Trinh nữ Maria là mẹ chuyển cầu cho chúng ta.
Sau khi ban phép lành Tòa thánh, Ðức Thánh Cha đã thêm những lời chào các phái đoàn hành hương bằng các tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây ban nha, Bồ đào nha, Ba lan.
Trở lại với Thánh lễ cử hành lúc 10 giờ sáng, đức Bênêđictô XVI đã dựa theo các bài đọc Sách Thánh của chúa nhựt XXX Mùa Thường niên, để gửi đến sứ điệp hy vọng cho châu Phi. Thực vậy, bài đọc thứ nhất được trích trong phần được mệnh danh là "sách An ủi" của ông Giêrêmia, để phấn khích nhân dân Israel đang lâm cảnh thất trận và lưu đày. Ngôn sứ nhắc nhở đồng bào rằng Thiên Chúa xưa kia đã giải thoát dân tộc khỏi cảnh nô lệ bên Ai cập thì cũng sẽ tiếp tục bày tỏ tình thương, cứu vớt những người đang lâm cảnh lầm than. Thực vậy, trải qua dòng lịch sử, Thiên Chúa không ngừng đến bên cạnh những người khao khát tự do, công lý và hoà bình. Bài Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người mù ở cửa thành Giêricô đã chứng tỏ điều đó. Chúa Giêsu đã đến gần anh ta khi Người lên đường về Giêrusalem, nơi mà mình sẽ hoàn tất công trình cứu độ. Người đã gặp anh ta trên đường đi của mình, con đường dẫn đến giải thoát. Người đã hỏi anh ta: "anh muốn tôi làm gì cho anh?". Người muốn mang lại ánh sáng cho anh, nhưng Người muốn cho anh bày tỏ lòng tin và yêu mến. Người muốn cho anh ta chỗi dậy, can đảm yêu cầu điều cần thiết cho phẩm giá của mình. Người đã chữa lành cho anh, theo như nguyện vọng của anh: "Này anh, hãy lên đường, lòng tin của anh đã cứu anh". Chúng ta cũng có thể áp dụng điều này cho các dân tộc châu Phi: nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu là ánh sáng, các tín hữu lấy can đảm để làm chứng cho hoà giải, công lý và hoà bình, trở nên muối và ánh sáng cho xã hội.
Bài đọc thứ hai nói đến Chúa Kitô là Thượng tế. Tác giả của thư gửi Hipri nêu bật đặc trưng của Chúa Kitô ở chỗ Người biết cảm thông với nỗi khổ của anh em đồng loại. Ðức Kitô đã mở ra một viễn tượng mới về chức vụ tư tế: một chức vụ không đặt ưu tiên vào việc tế tự nhưng là vào việc phục vụ. Hội thánh được mời gọi tiếp tục con đường đó. Công tác truyền giáo của Hội thánh luôn đi kèm với việc thăng tiến con người. Ðó là một hình thức tư tế của Kitô giáo: nhờ tình yêu, Hội thánh tìm hết mọi hình thức để cổ động cuộc phát triển toàn diện cho con người: không những giúp cho họ vượt qua cảnh nghèo đói bệnh tật, nhưng còn giúp cho họ phát triển các giá trị tinh thần thuộc văn hoá của họ.
Trong phần kết luận, Ðức thánh cha đã trích dẫn những lời của sứ điệp bế mạc Thượng hội đồng để khuyến khích các giáo hội châu Phi hãy can đảm, đứng dậy và lên đường, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Công tác truyền giản Tin mừng thật là khẩn trương để thiết lập những mối quan hệ hòa giải, công lý, hoà bình trong xã hội. Ước mong rằng Giáo hội sẽ mang Chúa Kitô đến với mọi người, mang lại cho họ sự sống xứng hợp với phẩm giá của họ, sao cho không còn ai phải chịu cảnh đói khổ nữa.
Bình Hòa
(Radio Vatican)