Ðức Thánh Cha cho công bố
danh sách 57 đề nghị
của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu
Ðức Thánh Cha cho công bố danh sách 57 đề nghị của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu.
Vatican (Vat. 24/10/2009) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cho công bố danh sách 57 đề nghị của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 đã được các nghị phụ thông qua chung kết trong phiên khoáng đại thứ 20 sáng thứ Bảy ngày 24-10-2009.
Trước kia, các đề nghị của Thượng Hội Ðồng Giám Mục không được công bố, nhưng từ khi lên làm Giáo Hoàng, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 cho phép công bố các đề nghị thuộc loại này và ngài vẫn dùng các đề nghị ấy để soạn Tông huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục.
Với việc thông qua 57 đề nghị, công việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 kể như chấm dứt. Sau phiên họp cuối cùng, các nghị phụ, các dự thính viên và chuyên viên, đã dừng bữa trưa huynh đệ với Ðức Thánh Cha tại sảnh đường trước Ðại thính đường Phaolô 6 ở Nội Thành Vatican, và lúc 10 giờ sáng chúa nhật 25-10-2009, các vị sẽ đồng tế thánh lễ bế mạc với Ðức Thánh Cha tại Ðền thờ Thánh Phêrô.
Nội dung 57 đề nghị
- Các nghị phụ bắt đầu bằng cách tái khẳng định tầm quan trọng của sự hiệp thông Giáo Hội và bí tích Hòa Giải, vì sự hòa giải mở đường cho sự phát triển. Vì thế, các nghị phụ kêu gọi tất cả các phe lâm chiến ở Phi châu hãy ngưng mọi hành vi thù địch.
- Tiếp đến là vấn đề đối thoại: đại kết, liên tôn và đối thoại với truyền thống Phi châu. Về đối thoại đại kết Kitô, Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhắc nhớ rằng Kitô giáo chia rẽ là một gương mù, và các nghị phụ mời gọi Giáo Hội hãy nhớ cử hành tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Về đối thoại liên tôn, Thượng Hội Ðồng Giám Mục kêu gọi đừng chính trị hóa tôn giáo, cần phải loại trừ sự bất bao dung và bạo lực. Ðặc biệt Hồi giáo cần vượt thắng những kỳ thị và trào lưu cực đoan, và Giáo Hội nêu bật tự do phụng tự. Cần trả lại cho Giáo Hội các tài sản đã tịch thu. Về các tôn giáo cổ truyền của Phi châu, Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhắc nhở rằng Giáo Hội không phủ nhận những gì là tốt và thánh thiện chứa đựng trong các truyền thống ấy, đồng thời cổ võ sự nghiên cứu khoa học về các tôn giáo cổ truyền Phi châu, cũng như cần có một hoạt động mục vụ để giải thoát Phi châu khỏi tệ nạn phù thủy.
- Thượng Hội Ðồng Giám Mục đề cập tới vấn đề công lý qua nhiều điểm: an ninh của xã hội, kêu gọi các chính quyền hãy ngăn chặn các vụ giết người và bắt cóc người; tái phân phối tài nguyên, và qua đó kiến tạo những điều kiện sống tốt đẹp hơn; ngăn chặn tình trạng "mất chất xám": các nhà trí thức Phi châu chạy sang các nước giàu. Một điểm khác nữa, đó là xóa bỏ đói nghèo, qua việc thành lập một ngân quĩ liên đới đại lục, do Caritas quản lý, vấn đề xóa bỏ nợ nần và nạn cho vay ăn lời "cắt cổ".
- Liên quan đến đề tài rao giảng Tin Mừng tại Phi châu, Thượng Hội Ðồng Giám Mục cổ võ phổ biến giáo huấn xã hội Công Giáo sâu rộng hơn. Các nghị phụ cũng nói đến vấn đề giáo dục, vì Phi châu đang cần được tăng cường cấp thiết về giáo dục. Các vị cũng kêu gọi duy trì và thăng tiến các trường Công Giáo, bảo vệ quyền của các học sinh theo học tại các trường này, và các trường này được sự hỗ trợ của chính quyền.
- Thượng Hội Ðồng Giám Mục đưa ra những đề nghị liên quan tới việc bảo vệ môi sinh, các tài nguyên thiên nhiên của Phi châu, các thiện ích thiết yếu như nước và đất đai. Về điểm này, các nghị phụ cảnh giác chống lại sự khai thác bóc lột của các công ty siêu quốc tại Phi châu đối với các tài nguyên thiên nhiên của Phi châu; khuyến khích sử dụng các năng lượng có thể đổi mới, như năng lượng mặt trời. Thượng Hội Ðồng Giám Mục quan tâm bênh vực giới nông dân, lên án thứ văn hóa duy tiêu thụ và cổ võ một nền văn hóa điều độ.
- Về chính trị, Thượng Hội Ðồng Giám Mục cổ võ việc chiến đấu chống nạn tham nhũng, kêu gọi cai trị tốt, thăng tiến chế độ pháp quyền, chống lại nạn con ông cháu cha và các chế độ quân phiệt đang lan tràn. Các nghị phụ cũng cổ võ các cuộc bầu cử tự do, trong sạch và an toàn. Các vị lãnh đạo tôn giáo hãy giữ thái độ trung lập, không thiên vị, Giáo Hội hãy giúp đỡ các tín hữu đại biểu quốc hội.
- Về đề tài hội nhập Tin Mừng vào các nền văn hóa địa phương, rao giảng Tin Mừng, Thượng Hội Ðồng Giám Mục cổ võ tiếp tục công trình này với sự trợ giúp của các nhà thần học, các cộng đoàn Kitô nhỏ, các giáo dân và giáo lý viên được chuẩn bị kỹ lưỡng, có khả năng thắng những thách đố do các phong trào tôn giáo bí truyền. Thượng Hội Ðồng Giám Mục cũng nói đến các Linh Mục, chủng sinh và những người thánh hiến, kêu gọi họ sống sự độc thân như một hồng ân của Chúa, chấp nhận ơn gọi của mình, noi gương thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars.
- Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt quan tâm đến những thành phần dễ bị tổn thương nhất: các gia đình, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật. Các vị cổ võ sự hội nhập lớn hơn của các thành phần này vào xã hội, chấm dứt nạn bạo hành mà họ thường phải chịu, và cần có một nền mục vụ chú ý đến các tầng lớp này. Một điểm quan trọng khác, đó là tôn trọng sự khác biệt chủng tộc, cần nhìn sự khác biệt này như một sự hiệp nhất trong khác biệt, thay vì như một sự đồng nhất.
- Về vấn đề y tế, nhất là bệnh Sida, sốt rét ngã nước, ma túy và rượu, Thượng Hội Ðồng Giám Mục mạnh mẽ chống lại tất cả những tai ương đó. Phi châu phủ nhận lối sống lang chạ, làm gia tăng HIV-Sida, các nghị phụ yêu cầu cho người bệnh HIV-Sida có được những thuốc men giá hạ, và đồng thời kêu gọi sản xuất thuốc chủng ngừa, cũng như khích lệ công việc của Giáo Hội trong lãnh vực này.
- Danh sách các đề nghị cũng có những số nói về người di dân và tị nạn, - tại Phi châu có 15 triệu người tị nạn-. Thượng Hội Ðồng Giám Mục bày tỏ lo âu vì chính sách của một số nước giàu coi di dân là tội ác và các biện pháp hạn chế di dân. Các nghị phụ cũng quan tâm tới các tù nhân, và kêu gọi đừng chà đạp các quyền căn bản của họ. Các nghị phụ mạnh mẽ kêu gọi bãi bỏ án tử hình ở các nơi trên thế giới.
- Có đề nghị nói về Hiệp định Maputo (thủ đô Mozambique), trong đó có khoản số 14 cho phép phá thai để chữa bệnh. Trong thực tế, các điều khoản này hạ giá chức phận làm mẹ. Các nghị phụ coi sự hoàn cầu hóa có tính chất mơ hồ và yêu cầu dựa trên tình liên đới. Một đề nghị khác liên quan tới truyền thông, và cổ võ sao cho Giáo Hội hiện diện nhiều hơn trong các phương tiện truyền thông xã hội, ngành báo chí cần tôn trọng luân lý đạo đức, tránh tìm kiếm những gì là "giật gân" và bóp méo sự thật. Sau cùng, Thượng Hội Ðồng Giám Mục phó thác Giáo Hội tại Phi châu cho Mẹ Maria, là mẫu gương đích thực của hòa giải, công lý và hòa bình.
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)