Qui chế dành cho
các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo
Qui chế dành cho các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo.
Vatican [La Croix 20/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba 20 tháng 10 năm 2009, Ðức hồng y William Joseph Levada, người đứng đầu bộ giáo lý đức tin, đã trình bày những trục chính của tông hiến mà Ðức thánh cha Beneđitô XVI sẽ ban hành trong vòng một hai tuần lễ sắp tới. Tông hiến quy định những nguyên tắc về việc hội nhập của các tín hữu Anh Giáo vào Giáo hội Công giáo.
Trả lời các ký giả tại sao Giáo hội làm cử chỉ này, Ðức hồng y Levada nói rằng "mục đích của Giáo hội Công giáo là để đáp ứng lại nhiều thỉnh cầu và sáng kiến của hàng giáo sĩ Anh giáo cũng như một số tín hữu của Giáo hội này". Theo Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, các tín hữu Anh giáo này đã "bày tỏ sự hiệp thông trọn vẹn của họ với đức tin Công giáo được diễn tả trong Sách Giáo Lý của Giáo hội Công giáo cũng như chấp nhận quyền tối thượng của người kế vị thánh Phêrô".
Ðức hồng y Levada giải thích rằng "Ðức thánh cha đã muốn đáp trả lại nguyện vọng của nhiều tín hữu Anh giáo muốn quay về với Giáo hội Công giáo mà vẫn được tiếp tục bảo tồn gia sản Anh giáo của mình". Ðức hồng y khẳng định: "sự hiệp nhứt của Giáo hội, như lịch sử Giáo hội luôn chứng minh, không đòi hỏi sự đồng bộ, nhưng trái lại luôn quan tâm tới sự khác biệt văn hóa".
Cuối cùng, Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo lý đức tin xác định rằng việc ban hành qui chế mới dành cho các tín hữu Anh Giáo "không ăn nhập gì với cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Ủy Ban "Ecclesia Dei" [Giáo hội của Chúa] và các nhà lãnh đạo Huynh đoàn Pio X vào ngày thứ Hai 26 tháng 10 năm 2009".
Người đứng đầu bộ giáo lý đức tin cho biết: tông hiến mà Ðức thánh cha sẽ ban hành sẽ cho phép các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo được qui tu thành những giáo phận tòng nhân, nghĩa là những giáo phận qui tụ các tín hữu và linh mục không dựa trên lãnh thổ, mà trên liên hệ cá nhân của họ với một truyền thống tôn giáo đặc thù nào đó. Trong trường hợp này, truyền thống đó chính là Giáo hội Anh giáo. Các giáo phận tòng nhân mà tông hiến sẽ cho thành lập với sự đồng ý của các Ðức giám mục địa phương cũng giống như các giáo phận quân đội. Với mô thức này, các tín hữu Anh giáo trở lại Công giáo "sẽ hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo mà vẫn duy trì được những yếu tố riêng của di sản thiêng liêng và phụng vụ của Anh giáo".
Ðấng bản quyền, tức vị Giám mục cai quản giáo phận tòng nhân này sẽ được chọn từ hàng giáo sĩ Anh giáo trở lại Công giáo với điều kiện họ không có gia đình. Sở dĩ Giáo hội đòi hỏi điều kiện này là để phù hợp với truyền thống của Giáo hội Tây phương và Ðông phương. Vị giám mục này sẽ là thành viên của Hội đồng Giám mục địa phương. Các cựu linh mục Anh giáo có gia đình sẽ được phong chức thành Linh mục Công giáo.
Ðức hồng y Levada cũng giải thích rằng qui chế này chỉ dành cho các Linh mục Anh giáo trở lại Công giáo. Trường hợp của họ hoàn toàn khác với các linh mục Công giáo hồi tục để lập gia đình.
Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo lý đức tin nhắc lại rằng năm 1982, thời Ðức thánh cha Beneđitô XVI còn làm bộ trưởng, bộ này đã chuẩn cho các linh mục thuộc giáo phận Anh Giáo tại Amritsar, bang Punjab, Ấn độ khỏi luật độc thân khi họ xin trở lại Công giáo. Phép chuẩn này cũng có giá trị cho các cựu linh mục Anh giáo tại Hoa kỳ.
Cuối cùng, các chủng sinh trực thuộc các giáo phận tòng nhân gốc Anh giáo có thể được huấn luyện trong các chủng viện Công giáo hay trong các chủng viện riêng đáp ứng với nhu cầu huấn luyện riêng của truyền thống Anh giáo.
Liệu quy chế mới dành cho những người Anh giáo trở lại Công giáo có ảnh hưởng đến công cuộc đối thoại đại kết không? Ðức hồng y Levada nói rằng cử chỉ quảng đại của Ðức thánh cha hoàn toàn phù hợp với cuộc đối thoại đại kết nhằm tiến tới hiệp nhứt Giáo hội. Ðây chính là ưu tiên hàng đầu của Giáo hội Công giáo, cách riêng xuyên qua hoạt động của Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo dưới sự lãnh đạo của Ðức hồng y Walter Kasper.
Vị Hồng y này hiện đang tham dự cuộc gặp gỡ của Ủy ban thần học hỗn hợp Công giáo và Chính thống diễn ra tại đảo Chypre. Hôm 15 tháng 10 năm 2009, trong cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách tổng kết những thành quả của cuộc đối thoại hiệp nhứt trong 40 năm qua, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo khẳng định: "chúng tôi không "thả câu" trong "các ao hồ" của Giáo hội Anh giáo". Ngài có ý nói rằng việc đón nhận một nhóm Anh giáo vào Giáo hội Công giáo sẽ không ảnh hưởng đến cuộc đối thoại giữa Công giáo và Anh giáo.
Nhóm Anh giáo mới nhứt xin trở về hiệp thông với Giáo hội Công giáo là "Liên hiệp Anh giáo truyền thống". Ðược linh mục Anh giáo Louis Falk thuộc Giáo hội Episcopal thành lập năm 1991 để chống lại việc phong chức linh mục cho phụ nữ, nhóm Anh Giáo này tách khỏi Liên hiệp Anh giáo thế giới.
Theo Ðức cha Pierre Whalon, Giám mục đặc trách các tín hữu Anh giáo Episcopal tại Âu châu, "ngay từ thập niên 60, sau những cải tổ phụng vụ trong Anh Giáo, các tín hữu Anh giáo truyền thống đã tách khỏi Liên Hiệp Anh Giáo. Về mặt thần học, "Liên hiệp Anh giáo truyền thống" rất gắn bó với Phong Trào Oxford được thành lập bởi Ðức hồng y Henry Newman, linh mục Anh giáo trở lại Công giáo năm 1854 và sẽ được tôn phong Chân phước vào tháng 5 năm 2010 tại Birmingham.
Hiện diện tại 44 quốc gia, "Liên hiệp Anh Giáo truyền thống" hiện có khoảng 4 trăm ngàn tín hữu, rải rác trong 33 giáo phận. Kể từ năm 2002, giáo chủ của Liên hiệp này là Ðức tổng giám mục Anh giáo John Hepworth, người Úc đại lợi. Năm 2007, chính vị Tổng giám mục này đã xin Ðức thánh cha cho trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo.
Ngoài ra, theo Ðức hồng y Levada, trong những năm vừa qua cũng có khoảng từ 20 đến 30 Giám mục Anh Giáo đã liên lạc với Roma để xin trở lại Công giáo, tiếp theo việc một số Giáo hội Anh giáo chuẩn y việc chúc hôn cho các cặp đồng tính và phong chức cho phụ nữ hay những người đồng tính.
Chu Văn