Ðể cho Chúa Kitô sinh ra chết đi và sống lại

mỗi ngày trong chúng ta là Thân Mình của Người

 

Ðể cho Chúa Kitô sinh ra chết đi và sống lại mỗi ngày trong chúng ta là Thân Mình của Người.

Vatican (Vat. 22/04/2009) Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khích lệ hơn 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu như trên trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 22-4-2009. Trong số hàng ngàn đoàn hành hương hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng có phái đoàn hơn 50 tín hữu Việt Nam thuộc cộng đoàn Oslo do Linh Mục Huynh Tấn Hải hướng dẫn. Ðặc biệt hôm qua đã có rất nhiều phải đoàn sinh viên học sinh các nước tây âu. Ðến từ xa nhất là mấy đoàn hành hương Australia.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu một tác giả Kitô khác sống vào thế kỷ thứ VIII: đó là Linh Mục Ambrogio Autperto, người Pháp, tu sĩ dòng Biển Ðức. Sinh tại Provence miền nam nước Pháp, Ambrogio Autperto đã từng là sĩ quan trong triều đình vua Pépin le Bref và góp phần vào việc giáo dục Charlemagne, hoàng đế tương lai của Pháp. Năm 753-754 khi Ðức Giáo Hoàng Stefano II viếng thăm nước Pháp, sĩ quan Ambrogio theo Ðức Giáo Hoàng sang Italia và có địp viếng thăm tu viện biển đức thánh Vincenzo trong tỉnh Benevento Nam Italia. Tu viện này do ba tu huynh Paldone, Tatone và Tasone thành lập, và nổi tiếng là ốc đảo của nền văn hóa cổ điển Kitô. Sau khi gia nhập tu viện, thầy Ambrogio đã được thụ phong linh mục năm 761, và năm 777 được bầu làm viện phụ với sự ủng hộ của các đan sĩ gốc Pháp, nhưng cha gặp sự chống đối của các đan sĩ gốc Longobardi muốn bầu tu sĩ Potone làm viện phụ. Năm 782 sau khi vị viện phụ kế vị cha Ambrogio qua đời, các tu sĩ bầu cha Potone lên thay, nhưng vụ tranh chấp giữa hai nhóm lại bùng nổ và vị viện phụ mới bị tố cáo lên hoàng đế Charlemagne. Hoàng đế giao cho Ðức Giáo Hoàng nhiệm vụ phân xử. Cha Ambrogio cũng được triệu về Roma như là chứng nhân, nhưng qua đời đột ngột ngày 30 tháng giêng năm 784, có lẽ là bị sát hại. Ðề cập tới ảnh hưởng của các căng thẳng chính trị trên cuộc sống của các tu sĩ thời đó Ðức Thánh Cha nói:

Ambrogio Autperto đã là đan sĩ và viện phụ trong một thời đại ghi dấu các căng thẳng chính trị nặng nề ảnh hưởng trên cả cuộc sống bên trong các đan viện. Nó thường xuyên vang vọng trong các bút tích của người. Chẳng hạn cha tố cáo sự mâu thuẫn giữa vẻ rạng ngời bề ngoài của các đan viện và cuộc sống hâm hẩm của các đan sĩ, và chắc chắn qua đó cũng nhắm đan viện của mình. Vì thế cha viết lại cuộc đời của ba đan sĩ thành lập đan viện nhằm cống hiến cho thế hệ đan sĩ mới điểm quy chiếu. Khảo luận khổ chế "Xung khắc giữa các nhân đức và các tật xấu" cũng nhắm cùng mục đích đó. Cuốn sách này đã thành công lớn vào thời trung cổ và được in năm 1473 tại Utrecht bên Hòa Lan dưới tên Gregorio Cả, rồi tại Strasbourg bên Pháp dưới tên Agostino.

Qua đó cha Ambrogio Autperto muốn dậy cho các đan sĩ biết phải đương đầu một cách cụ thể với cuộc chiến tinh thần hàng ngày như thế nào. Ðó không phải là cuộc chiến chống lại các bách hại từ bên ngoài, mà là cuộc chiến chống lại sự tấn kích của các lực lượng sự dữ từ bên trong. Tác phẩm trình bầy 24 cặp chiến sĩ: mỗi tính xấu tìm cách cám dỗ linh hồn với các lý luận tinh tế, trong khi nhân đức đối nghịch dùng Kinh Thánh để đối đáp với các lời cám dỗ đường mật ấy. Auperto đối chọi lại sự ham hố bằng sự khinh rẻ thế gian. Ðây không phải là sự khinh rẻ thụ tạo, vẻ đẹp và sự tốt lành của tạo vật và của Ðấng Tạo Hóa, mà là sự khinh chê cái thế gian giả tạo do sự ham muốn đưa ra để cám dỗ các đan sĩ. Nó rỉ tai rằng chiếm hữu là giá trị cao nhất của sống con người, và sống ngoài đời là điều quan trọng nhất. Vì nhận thấy sự thèm muốn chiếm hữu của các người giầu và kẻ quyền thế ngoài xã hội cũng hiện diện trong tâm hồn các đan sĩ, cha Auperto cũng viết khảo luận về "Lòng ham muốn" và tố cáo nó như là nguồn gốc của mọi sự dữ. Cha viết: "Từ lòng đất nhô lên các gai nhọn từ các gốc rễ khác nhau; trái lại trong trái tim con người mọi gai nhọn đều bắt nguồn từ một gốc rễ duy nhất là sự ham muốn" (De cupiditate 1: CCCM 27B, tr.963). Và Ðức Thánh Cha khẳng định rằng đây là điều thật thời sự trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Cuộc khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ sự ham muốn. Cha Ambrogio tưởng tượng ra lời phản bác của các người giầu và kẻ quyền thế. Họ nói: "Chúng tôi đâu có phải là các đan sĩ, nên một số các đòi hỏi khổ chế không có giá trị đối với chúng tôi". Cha trả lời: "Qúy vị nói đúng, nhưng trong cách thức của giai tầng và theo mức độ sức lực của qúy vị, con đường dốc và hẹp cũng có giá trị, vì Chúa đã chỉ đề nghị có hai cửa và hai lối đi thôi: đó là cửa hẹp và cửa rộng, đường dốc và đường dễ dãi, chứ Chúa đã không chỉ cho chúng ta cửa và con đường thứ ba" (l.c., tr.978). Như thế cả người giầu có và quyền thế cũng phải chiến đấu chống lại lòng ham muốn chiếm hữu, ham muốn phô trương, chống lại ý niệm sai lầm về tự do như là khả năng sắp xếp tất cả theo ý riêng mình. Người giầu có cũng phải tìm ra con đường của sự thật, tình yêu thương và cuộc sống ngay thẳng.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã nói về tác phẩm quan trọng nhất của cha Ambrogio như sau:

Tác phẩm quan trọng nhất của cha Ambrogio chắc chắn là bộ chú giải sách Khải Huyền gồm 10 cuốn: nó là bộ chú giải sâu rộng đầu tiên trong thế giới latinh về cuốn sách cuối cùng trong Kinh Thánh. Nó là hoa trái nhiều năm trời làm việc trong hai giai đoạn 758 và 767 tức trước khi cha được bầu làm viện phụ. Trong phần tiền đề cha kê khai ra các nguồn tài liệu, đây là điều tuyệt đối bất thường trong thời trung cổ. Ý nghĩa nhất là cuốn chú giải của Ðức Giám Mục Primario Adrumetano biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ VI. Cha Autperto tiếp xúc với cuốn chú giải do Ticonio, tác giả người Phi châu sống trước thánh Agostino một thế kỷ, để lại. Ticonio không phải là tín hữu công giáo vì thuộc bè phái lạc giáo Donatismo, nhưng là một thần học gia lớn. Ông cho rằng Giáo Hội là một thân mình có hai phần: một phần thuộc Chúa Kitô, phần kia thuộc ma qủy. Thánh Agostino cũng đọc tác phẩm này nhưng nhấn mạnh rằng: Giáo Hội ở trong tay Chúa Kitô và là thân mình của Chúa, chỉ là một với Chúa và tham dự vào ơn thánh Chúa. Khi chú giải sách Khải huyền cha Ambrogio không chú ý tới biến cố Chúa Kitô quang lâm cho bằng các hậu qủa của lần đến thứ nhất, tức của biến cố nhập thể đối với cuộc sống Giáo Hội. Cha nói một câu rất quan trọng: "Chúa Kitô phải sinh ra, chết đi và sống lại mỗi ngày trong chúng ta, là Thân Mình của Người" (in Apoc. III: CCCM 27, tr.205). Trong chiều kích thần bí bao trùm mọi Kitô hữu cha nhìn Mẹ Maria như là mẫu gương của Giáo Hội và của tất cả chúng ta, vì Chúa Kitô cũng phải sinh ra trong chúng ta và qua chúng ta. Theo gương các giáo phụ coi Người đàn bà mặc áo mặt trời là hình ảnh của Giáo Hội cha Autperto lý luận rằng:"Ðức Trinh Nữ phúc đức... hằng ngày sinh ra các dân tộc mới, từ đó làm thành Thân Mình chung của Ðấng Trung Gian. Vì thế không là điều gây kinh ngạc, nếu đấng, trong cung lòng có phúc của người chính Giáo Hội được kết hợp với Ðầu, diễn tả kiểu mẫu của Giáo Hội. Trong nghĩa đó cha Autperto nhìn thấy vai trò định đoạt của Ðức Trinh Nữ Maria trong công trình cứu chuộc. Lòng sùng kính và tình yêu sâu thẳm đối với Mẹ Thiên Chúa khiến cho cha có các kiểu nói diễn tả trước các kiểu nói của thánh Bernardo và nền thần bí Phan Sinh, mà không rơi vào chủ trương duy tình cảm, vì cha đã không bao giờ tách Ðức Maria khỏi mầu nhiệm Giáo Hội.

Cùng với lòng đạo đức và thái độ sống không dính bén các thú vui trần gian mau qua, cha Ambrogio coi trọng việc học hiểu các khoa học thánh, nhất là suy niệm Kinh Thánh là "tầng trời thăm thẳm và vực sâu không đo lường được" (In Apoc. IX). Cha đã là người sống trong một thời đại, trong đó Giáo Hội bị lạm dụng cho chính trị, và khuynh hướng duy quốc gia và duy bộ tộc bóp méo gương mặt của Giáo Hội. Nhưng giữa các khó khăn mà chúng ta cũng biết ngày nay, cha đã biết khám phá ra gương mặt của Giáo Hội nơi Mẹ Maria và hiểu là tín hữu công giáo, là Kitô hữu có nghĩa là gì: đó là sống vì Lời Chúa, bước vào vực sâu Lời Chúa và sống mầu nhiệm của Mẹ Thiên Chúa, tái trao ban sự sống cho Lời Chúa, dâng hiến thịt xác cho Lời Chúa trong hiện tại.

Ðức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Ba Lan, Hungari, Tchèque, Slovac, Sloveni, Croat và Ý. Ðức Thánh Cha đã chào nhiều đoàn hành hương Ý do các Tổng Giám Mục và Giám Mục hướng dẫn. Ngài đặc biệt chào các bạn trẻ của Trung Tâm Giới Trẻ Quốc tế Thánh Lorenzo trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày Ðức Gioan Phaolô II trao Thánh Giá Quốc Tế Giới Trẻ cho họ vào cuối năm Thánh Cứu Ðộ, ngày 22 tháng 4 năm 1984. Từ đó đến nay Thánh Giá này được giữ tại Trung Tâm và được rước đi hành hương khắp nơi trên thế giới trong các Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Ðức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ đem Thánh Giá Chúa đi khắp nơi trên trái đất này, để cho các thế hệ mới cũng khám phá ra lòng Thương Xót của Thiên Chúa và làm sống dậy trong con tim họ niềm hy vọng nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh và phục sinh.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành Tòa Thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page