Cuộc triển lãm về

các vị thánh quan thầy của Âu Châu

 

Cuộc triển lãm về các vị thánh quan thầy của Âu Châu.

Roma [Chiesa 19/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày thứ hai 19 tháng 10 năm 2009, trong bài diễn văn đáp từ ông Yves Gasso, tân đại sứ của Liên Âu bên cạnh Tòa Thánh đến trình ủy nhiệm thư, Ðức thánh cha Beneđitô XVI đã nhắc lại các cội rễ Kitô của nền văn minh Âu Châu.

Nói đến các cội rễ Kitô của lục địa Âu Châu cũng có nghĩa là nhắc đến những người đã sáng lập lục địa, một cách đặc biệt các vị thánh quan thầy của lục địa này.

Chính với mục đích nhắc nhớ về cội rễ Kitô đó mà chính phủ Ý đã phối họp với Tòa thánh để tổ chức một cuộc triển lãm với chủ đề "Quyền lực và ân sủng" được khai trương hôm 7 tháng 10 năm 2009 và kéo dài cho đến ngày 31 tháng Giêng năm 2010.

Chủ đề của cuộc triển lãm gợi nhớ tức khắc đến Vua thánh Louis của nước Pháp. Ðược danh họa El Greco vẽ vào năm 1585 và được cất giữ tại bảo tàng viện Louvre ở Paris, bức tranh "Thánh Louis, vua nước Pháp và một người hầu cận" đã được trưng bày cùng với hàng chục tác phẩm của các danh họa nổi tiếng khác của Âu Châu.

Là một vị vua và tín hữu Kitô gương mẫu, thánh Louis được danh họa El Greco họa lại là biểu tượng của một cuộc gặp gỡ có khi tốt đẹp, có lúc đày sóng gió giữa thế tục và Giáo hội, giữa quyền lực và ân sủng.Có lẽ cuộc đời của vị thánh này đã gợi hứng cho chủ đề của cuộc triển lãm: "quyền lực và ân sủng: các vị thánh quan thầy của Âu Châu".

Ðược biết cuộc triển lãm đã nẩy sinh từ cuộc hội kiến của thủ tướng Ý, ông Silvio Berlusconi và Ðức thánh Cha dạo tháng 6 năm 2009. Thủ tướng Ý đã gợi ý và Ðức thánh cha đã tán thành sáng kiến này.

Nhưng kiến trúc sư thật sự của cuộc triển lãm lại là một linh mục trẻ đang là quản nhiệm của một giáo xứ chỉ có vỏn vẹn ba trăm giáo dân tại một làng quê hẽo lánh ở Illegio, nằm trong vùng núi Alpes, thuộc Ý. Tên của vị linh mục là Alessio Geretti. Cuộc triển lãm về các vị thánh quan thầy của Âu Châu qua các tác phẩm thời danh là sáng kiến cuối cùng của cha Geretti trong một loạt chủ đề như Mạc Khải, Sách Sáng Thế Ký, Sách Khải Huyền. Các cuộc triển lãm này cho thấy sự phong phú của sứ điệp Kitô giáo được mô tả trong các tác phẩm nghệ thuật.

Riêng trong cuộc triển lãm đang được trưng bày tại Roma, cha Geretti muốn cho Âu Châu nhìn lại các vị thánh quan thầy của mình. Mục đích của cuộc triển lãm không chỉ là cống hiến một cái nhìn về Âu Châu như đã từng có từ hai ngàn năm nay trong một lịch sử đã được ghi đậm dấu ấn của Kitô giáo. Cuộc triển lãm còn muốn nhắn gởi với lục địa này rằng nó đã quên các cội rễ Kitô của mình và đang bị lôi kéo vào trào lưu dửng dưng về tôn giáo.

Cha Geretti giải thích rằng "trong một Âu châu của đa nguyên và dân chủ, sự thánh thiện là hình thức thuyết phục nhứt mà một tôn giáo có thể có. Cuộc sống của các vị thánh có tính khuyến dụ chứ không cưỡng bách." Trích lời của Ðức cố giáo hoàng Phaolô VI trong tông huấn về rao giảng Tin Mừng, cha Geretti nói rằng thời đại này không cần nhiều thầy dạy cho bằng các chứng nhân. Theo cha, "các vị thánh vẫn còn là khuôn mặt của một Giáo hội có khả năng nói với trái tim con người và phơi bày bộ mặt "thiếu nhân bản" của nền văn hóa thống trị".

Nhưng cuộc triển lãm không chỉ nhắm đến việc khơi dậy ký úc của người Âu Châu về cội rễ Kitô của họ, mà còn là một sứ điệp dành riêng cho Giáo hội. Theo cha Geretti, cuộc canh tân thời hậu công đồng đã khiến cho các nhà thờ trở nên trống rỗng: hình ảnh các vị thánh đã hằng bao thế kỷ nuôi dưỡng cảm nghiệm đức tin của các tín hữu bị cất đi!

Chính vì vậy mà Ðức Gioan Phaolô II đã muốn tái lập chỗ đứng của các thánh trong đời sống đức tin của người tín hữu: con số các vị thánh và chân phước được vị giáo hoàng này tôn phong nhiều hơn tổng số các vị thánh và chân phước được các vị tiền nhiệm của ngài tôn phong kể từ sau công đồng Trento.

Với đức đương kim giáo hoàng, tầm quan trọng và ảnh hưởng của các vị thánh trong đời sống đức tin của các tín hữu cũng không hề bị giảm sút. Hiện nay tại bộ phong thánh vẫn còn 2,000 vụ án tôn phong chân phước và hiển thánh đang chờ đợi được Ðức thánh cha duyệt xét.

Cao điểm của chuyến viếng thăm Cộng Hòa Tiệp mà Ðức thánh cha đã thực hiện hồi cuối tháng 9 năm 2009 là chặng dừng chân tại thành phố Stara Boleslav. Ðức Benedicto XVI đến tại nơi và đúng vào ngày thánh Wenceslaus, quan thầy cộng hòa Tiệp, chịu tử đạo. Sự có mặt của Ðức thánh cha trong ngày kính thánh Wenceslaus và đồng thời cũng là ngày quốc khánh của Cộng Hòa Tiệp có một ý nghĩa đặc biệt: sau thời gian dài sống dưới chế độ cộng sản vô thần, nay có đến 2 phần 3 người dân Tiệp tuyên bố mình không theo tôn giáo nào; Cộng hòa Tiệp là quốc gia có tỷ lệ thực hành đạo thấp nhứt tại Âu Châu. Xuyên qua một đất nước đã từng là trung tâm của Âu Châu về địa lý và lịch sử, Ðức thánh cha đã nhắc lại cho lục địa Âu Châu về cội rễ Kitô của nó.

Ðây cũng chính là chủ đề của các bài huấn dụ của Ðức thánh cha trong các buổi tiếp kiến chung vào mỗi thứ Tư hằng tuần. Khởi đi từ các thánh tông đồ, rồi qua các thánh giáo phụ Ðông Tây và nay các bậc thầy của nền tu đức thời Trung Cổ ở Âu châu, Ðức thánh cha cho mọi người thấy được bản sắc của Giáo hội xuyên qua gương mặt của các vị thánh.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page