Anh giáo hiệp thông với Công giáo
qua việc thiết lập Tông Tòa Hiến Chế riêng
Anh giáo hiệp thông với Công giáo qua việc thiết lập "Tông Tòa Hiến Chế riêng" sắp công bố.
Tông Tòa Hiến Chế thiết lập các "Giáo phận Tòng Nhân".
Vatican
(Zenit 20/10/2009) - Các nhóm Anh giáo giờ đây có thể hiệp
thông đầy đủ và trọn vẹn với Giáo hội Công giáo trong
khi vẫn bảo tồn những căn tính riêng biệt và đảm bảo duy
trì tinh thần Anh giáo cũng như truyền thống phụng vụ.
Trong cuộc họp báo sáng 20-10-2009, Ðức Hồng Y William Levada (phải), Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cho biết tin sắp công bố Tông Hiến cho phép thành lập các Giáo Hạt tòng nhân (Ordinariato personale) dành cho các giáo sĩ và giáo dân cựu Anh giáo trở về hiệp nhất với Công Giáo. |
Chính sách mới này sẽ được thiết lập trong một Tông Tòa Hiến Chế (Constitutio Apostolica) sắp được ban hành mà Tòa Thánh Vatican hôm 20 tháng 10 năm 2009 đã loan báo.
Trước đó vài ngày, giới báo chí Italia đã đồng loạt đăng tin về việc Vatican sẽ công bố vào thứ Ba (20-10-2009) tông hiến liên quan đến việc đón nhận nhiều nhóm khổng lồ các tín hữu Anh giáo.
Tông Hiến sẽ là câu trả lời cho các thỉnh cầu từ phía Anh giáo, những ai bày tỏ ao ước muốn trở thành người Công giáo, cách đặc biệt vì hiện nay Anh giáo đang tiến những bước nguy hiểm cho phép phụ nữ cũng như người đồng tính công khai được chịu chức linh mục và giám mục, bên cạnh đó còn chúc hôn cho các cặp đồng giới.
Có từ 20 đến 30 Giám mục Anh giáo đã thỉnh cầu Giáo hội Công giáo xin được hiệp thông.
Nội dung Tông Tòa Hiến Chế đã được Ðức Hồng Y William Levada, Tổng trưởng Bộ Giáo lý - Ðức tin, công bố trong một cuộc họp báo hôm 20 tháng 10 năm 2009 tại Vatican.
Một thông cáo từ thánh bộ trên đã giải thích rằng với Tông Hiến mới, "Ðức Thánh Cha giới thiệu một mô hình Giáo hội, cung cấp sự tái hiệp thông bằng cách thiết lập các Giáo phận tòng nhân (Personal Ordinariate), cho phép các cựu giáo hữu Anh giáo hiệp thông đầy đủ với Giáo hội Công giáo trong khi vẫn bảo tồn những căn tính riêng và duy trì tinh thần Anh giáo cũng như truyền thống phụng vụ."
Những nhóm Anh giáo này sẽ được chăm sóc và hướng dẫn qua hạt tòng nhân, vị chủ chăn của hạt tòng nhân sẽ được chọn từ một cựu giáo sĩ Anh giáo.
Những linh mục đã kết hôn
Thông cáo từ Vatican giải thích rằng Tông Hiến mới sẽ "cho phép cựu giáo sĩ Anh giáo đã kết hôn được thụ phong và trở thành linh mục Công giáo."
Nhưng đồng thời Vatican cũng làm rõ "vì lý do đại kết và lịch sử, việc tấn phong giám mục đối với những người đã kết hôn là điều bị ngăn cấm, đây là điểm chung giữa hai Giáo hội Công giáo và Chính thống."
Vì thế, tông hiến quy định rằng chủ chăn của các hạt tòng nhân phải là "một linh mục hoặc một giám mục chưa kết hôn."
Về việc đào tạo linh mục trong tương lai, thông cáo giải thích: "Các chủng sinh trong hạt đại diện sẽ được chuẩn bị để theo học với các chủng sinh Công giáo, nhưng hạt tòng nhân có thể thiết lập một nơi riêng để dạy những truyền thống Anh giáo cho các chủng sinh đó. Bằng cách này, tông hiến tìm kiếm sự cân bằng giữa một bên là mối quan tâm duy trì những di sản tinh thần và phụng vụ Anh giáo truyền thống, một bên là mối ưu tư những nhóm Anh giáo này và giáo sĩ của họ sẽ được hợp nhất vào Giáo hội Công giáo."
Toàn cầu
Thông cáo của Vatican nói, tông hiến sẽ cung cấp một "trả lời hợp lý và thậm chí là cần thiết" cho một điều được gọi là "hiện tượng toàn cầu" đang nổi lên.
Nó mang đến "một mô hình kiểu mẫu cho Giáo hội hoàn vũ nhằm thích ứng với những tình hình khác nhau ở mỗi địa phương mà theo đó có thể linh hoạt áp dụng, đảm bảo tính công bằng cho các cựu giáo hữu Anh giáo khi thỉnh cầu gia nhập Giáo hội Công giáo."
Nhìn chung, "Giáo phận tòng nhân" cũng tương tự với "Tông Tòa đặc trách cộng đồng tín hữu riêng nào đó" (Personal Prelature). Hiện nay chỉ có một Tông tòa cộng đoàn riêng duy nhất là 'Opus Dei'. Giáo phận tòng nhân riêng cũng tương tự như các Giáo phận quân đội (Military Ordinariate), nơi mà một vị Giám mục có quyền tài phán trên những người trong đơn vị quân đội và gia đình của họ, bất kể vị trí địa lý của họ là ở nơi đâu.
Hiện nay, nhiều tín hữu Anh giáo đã có sự hiệp thông trọn vẹn với Công giáo.
Ðôi khi có nhiều nhóm Anh giáo gia nhập Công giáo nhưng vẫn duy trì hình thức "đoàn thể", thông cáo ghi thêm. Vatican còn đưa ra ví dụ về một giáo phận Anh giáo ở Ấn Ðộ và nhiều giáo xứ ở Hoa Kỳ.
"Trong những trường hợp như vậy, Giáo hội Công giáo thường chấp nhận truyền chức cho các giáo sĩ Anh giáo đã kết hôn ao ước lãnh nhận thánh chức để tiếp tục phục vụ trong sứ vụ tư tế là linh mục Công giáo", thông cáo giải thích.
Phong phú
Theo Ðức Hồng Y Levada: "Ðức Thánh Cha, Giáo hoàng Benedict XVI, hy vọng rằng giáo sĩ và các tín hữu Anh giáo nào ao ước tái hiệp nhất với Giáo hội Công giáo sẽ tìm thấy trong cơ cấu mới này một cơ hội bảo tồn những truyền thống Anh giáo quý báu của họ và phù hợp với đức tin Công giáo."
"Trong phạm vi những truyền thống đó, nó sẽ diễn tả một đức tin chung theo một đường lối riêng, là quà tặng được chia sẻ trong một Giáo hội rộng lớn hơn. Tính hiệp nhất của Giáo hội không đòi hỏi phải có sự đồng nhất tuyệt đối mà bỏ qua những đa dạng văn hóa, như lịch sử Kitô giáo đã cho thấy. [...]"
"Sự hiệp thông của chúng ta vì thế được củng cố nhờ những đa dạng về văn hóa hợp pháp như vậy. Cũng vì lẽ ấy, chúng ta vui mừng khi thấy những người đàn ông và phụ nữ đến với Giáo hội và mang theo họ sự đóng góp đặc biệt cho đời sống đức tin chung."
Peter Nguyễn Minh Trung
(VietCatholic News)