Vài nét về Cuộc biểu tình
chống phá thai tại Tây Ban Nha
Vài nét về Cuộc biểu tình chống phá thai tại Tây Ban Nha.
Madrid, Tây Ban Nha [La Croix 18/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cuộc biểu tình chống phá thai tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, chiều thứ Bảy 17 tháng 10 năm 2009 là một trong những cuộc biểu dương vĩ đại nhứt do Giáo hội Công giáo tại nước này huy động.
Theo ban tổ chức, có đến 2 triệu người tham gia cuộc biểu tình. Chính quyền địa phương tại Madrid ước tính con số người tham dự lên đến 1 triệu 2 trăm ngàn người. Nhưng chính phủ thuộc cánh tả tại Tây Ban Nha thì cho rằng số người tham dự tối đa chỉ có khoảng 250 ngàn người. Nhưng dù số người tham dự cuộc biểu tình có được ước tính bao nhiêu đi nữa, cuộc tập trung chống lại dự luật nới lỏng việc cho phép phá thai hôm thứ Bảy 17 tháng 10 năm 2009 vẫn được xem là một trong những cuộc biểu dương quan trọng nhứt dưới thời thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero, thuộc Ðảng Xã hội.
Những người thuộc đảng xã hội đang cầm quyền muốn cải tổ luật đã được ban hành hồi năm 1985 và cho phép được hoàn toàn tự do phá thai cho đến tuần lễ thứ 14 của thời kỳ mang thai. Dự luật được đảng xã hội đề nghị cũng cho phép được phá thai cho đến tuần lễ thứ 22 trong trường hợp tính mệnh người mẹ bị đe dọa, thai nhi bị dị hình hay bị bệnh bất trị. Các trẻ em vị thành niên trên 16 tuổi được quyền phá thai mà không cần sự đồng ý của cha mẹ.
Với cuộc biểu tình hôm thứ Bảy 17 tháng 10 năm 2009, Diễn Ðàn Gia Ðình là tổ chức đã cùng với 40 tổ chức khác huy động cuộc biểu tình, đã thật sự hài lòng về cuộc biểu dương. Cuộc tập trung đã diễn ra trong bầu khí lễ lạc. Ðám đông tham gia cuộc biểu tình thuộc đủ mọi lứa tuổi: người ta đặc biệt ghi nhận sự hiện diện đông đảo của trẻ em đi bên cạnh cha mẹ, các nữ tu và linh mục tuần hành với khẩu hiệu được trương cao: "Quyền Sống". Một số nhân vật chính trị như ông Jose Maria Arnaz, cựu thủ tướng hay bà Maria Dolores, tổng thư ký đảng Bình Dân đã tham gia cuộc biểu tình.
Phản ứng trước biến cố, mặc dù tuyên bố tôn trọng những người biểu tình, chính phủ thuộc đảng xã hội cũng không bỏ lỡ cơ hội để tấn công cánh hữu. Bà Bibiana Aido, bộ trưởng bộ Bình Ðẳng, người khởi xướng dự luật, khẳng định rằng "không ai được độc quyền về luân lý". Bà còn cho rằng "Lúc còn cầm quyền, Ðảng Bình Dân đã không làm được gì" để hạn chế các vụ phá thai.
Nạn phá thai tại Tây Ban Nha vẫn còn cao. Trong năm 2008, con số các vụ phá thai lên đến 122 ngàn vụ, trong số này 90 phần trăm được thực hiện là vì sức khỏe của người mẹ và diễn ra trong các bệnh viện tư. Nhiều phụ nữ ngoại quốc cũng đến Tây Ban Nha để phá thai. Chính vì vậy mà nhiều thành viên của hội đồng nội các đã tố cáo phe đối lập là giả hình và theo cơ hội chủ nghĩa.
Liệu cuộc biểu tình vừa qua có làm cho chính phủ xã hội thay đổi ý định không? Cho tới nay, không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ sẽ lắng nghe tiếng nói của người dân. Hồi năm 2005, Diễn Ðàn Gia Ðình cũng đã huy động được hàng trăm ngàn người xuống đường chống lại dự luật về hôn phối của những người đồng tính. Vậy mà cuối cùng Quốc hội vẫn thông qua dự luật này.
Nhưng phá thai là một vấn đề "nhậy cảm" hơn nhiều và liên hệ đến nhiều người hơn.
Theo kết quả cuộc một cuộc thăm dò mới nhứt, sự ủng hộ của dân chúng dành cho dự luật nới lỏng việc phá thai đã giảm bớt. Hiện nay có khoảng 46 phần trăm người Tây Ban Nha tuyên bố chống lại dự luật, trong khi đó chỉ có 44 phần trăm ủng hộ cuộc cải tổ. Việc dự luật cho phép các trẻ em vị thành niên được tự do phá thai mà không cần có sự ưng thuận của cha mẹ là điểm gây nhiều tranh cải và chống đối nhứt.
Ðảng xã hội đang cầm quyền hiện được sự ủng hộ của những người Catalan tự trị, Ðảng Xanh và những người cộng sản. Họ còn phải thương lượng với đảng quốc gia Basque và đảng Catalan. Vì nguồn gốc Kitô của mình, hai đảng này, tuy không hoàn toàn bác bỏ dự luật, không chấp nhận điều khoản cho phép vị thành niên được tự do phá thai mà không cần sự ưng thuận của cha mẹ. Trong khi đó Ðảng đối lập, tức Ðảng Bình Dân, sẽ chống lại dự luật cho đến cùng.
Ðược biết, dự luật sẽ được Quốc hội mang ra thảo luận vào tháng 11 năm 2009.
Hôm thứ Bảy 17 tháng 10 năm 2009, Ðảng Bình Dân cho biết đã yêu cầu Quốc hội rút lại dự luật. Thủ lãnh của Ðảng đối lập là ông Rajoy đã nói trong một cuộc họp báo rằng ông sẽ yêu Quốc hội đừng thông qua dự luật. Theo ông, dự luật này chia rẽ người Tây Ban Nha. Ông nói rằng thủ tướng Zapatreo "nên chấm dứt cư xử một cách hung hãn như ông đã tỏ ra trong thời gian gần đây; trái lại ông hãy biết lắng nghe ý kiến của dân chúng và rút lại một dự luật chỉ gây chia rẽ nơi người Tây Ban Nha mà thôi".
Chu Văn