Phát biểu của một vài vị lãnh đạo tại Tòa Thánh
trong các phiên khoáng đại của
Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2
Phát biểu của một vài vị lãnh đạo tại Tòa Thánh trong các phiên khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2.
Vatican (Vat. 17/10/2009) - Hôm 17-10-2009, Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 đã tiến hành được 2 phần 3 chương trình, và chuẩn bị tiến vào tuần lễ kết thúc.
Sáng thứ Bẩy, 17-10-2009, Ðức Thánh Cha Biển Ðức và 212 nghị phụ đã tham dự phiên khoáng đại thứ 16 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục, và đã nghe trình bày dự thảo Sứ điệp gửi Cộng đồng dân Chúa sẽ được công bố vào cuối tuần tới. Văn bản đã được ÐTC và các nghị phụ vỗ tay tán thưởng, trong đó có phần lên án những nguy hiểm của chế độ thực dân mới và kêu gọi Phi châu hãy đứng lên, đồng thời sứ điệp cũng nói đến những con đường qua đó Giáo Hội có thể đóng góp vào sự hòa giải và hòa bình tại Ðại lục này. Dự thảo sứ điệp còn được "mài dũa" trước khi mang ra biểu quyết chung kết. Một vài nghị phụ đề nghị thu ngắn sứ điệp vì dự thảo quá dài mà tại Phi châu có nạn "thiếu giấy".
Cũng trong phiên khoáng đại thứ 16, có phần bầu cử 12 thành viên của Hội đồng hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu, nhưng có ứng viên nào hội đủ túc số để đắc cử.
Ban chiều thứ Bẩy, 17-10-2009, vào lúc 6 giờ, có buổi hòa nhạc dương cầm do Học viện quốc tế về dương cầm tại Imola tổ chức để tặng ÐTC và các nghị phụ Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 tại Ðại thính đường Phaolô 6.
Nhiều bản nhạc của các nhạc sư thời danh như Beethovens, Peter Tschaikowski, Frederic Chopin, v.v. đã được nữ nhạc sĩ dương cầm người Hoa, Cư Cận (Ju Jin), trình diễn. Bà sinh tại Thượng Hải và đã được nhiều giải thưởng quốc tế. Bà thuộc Học viện quốc tế về dương cầm tại thành phố Imola, bắc Italia. Trong buổi trình diễn, bà đã dùng những nhạc cụ lịch sử như đàn dương cầm của Bá tước Conrad được chế tạo tại Vienne hồi năm 1825, và các đàn khác hồi thế kỷ 19 do Johann Schantz chế tạo.
Trong tuần lễ tới đây, là tuần chót của công nghị Giám Mục Phi châu, các đề nghị do 12 nhóm nghị phụ đề ra sẽ được đúc kết, sửa chữa, và sau cùng sẽ mang ra bỏ phiếu chung kết vào cuối khóa họp.
Ý kiến của một số vị lãnh đạo tại Tòa Thánh
Trong số các nghị phụ tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu, có 25 vị Tổng trưởng và Chủ tịch các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Theo luật, các vị đương nhiên có quyền tham dự. Với kinh nghiệm về tình hình Giáo Hội hoàn vũ cũng như có cái nhìn từ trung ương Giáo Hội, đóng góp và nhận xét của các vị về các vấn đề của Giáo Hội tại Phi châu và quan hệ giữa Tòa Thánh và các Giáo Hội địa phương thật là quí giá.
Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung bài phát biểu của một vài vị lãnh đạo tại Tòa Thánh trong các phiên khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Phi châu hiện nay.
1) Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone , Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trong bài phát biểu đã nói đến vai trò của các vị Sứ Thần Tòa Thánh và khẳng định rằng:
"Trong Tông huấn hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục "Giáo Hội tại Phi châu", Ðức Gioan Phaolô 2 đã muốn nhấn mạnh rằng Thượng Hội Ðồng Giám Mục là "một dụng cụ rất thích hợp để tạo điều kiện cho tình hiệp thông Giáo Hội" (n.15). Sự hiệp thông này, trong tâm tình và trong hoạt động của các Giáo Hội địa phương với Giáo Hội hoàn vũ, tìm được nơi hoạt động của các vị Sứ Thần Tòa Thánh một mấu chốt không thể thay thế được và đặc biệt quan trọng trong thực tại của Phi châu. Ðây là một mạng hiện diện phong phú, không phải chỉ nhắm cổ võ và nâng đỡ những quan hệ giữa Tòa Thánh và các chính quyền quốc gia, nhưng trước tiên nhắm "làm cho các mối giây hiệp thông giữa Tòa Thánh và mỗi Giáo Hội địa phương thêm vững chắc và hữu hiệu hơn" (Can 364), nhờ sự trợ giúp và tư vấn mà các Vị Ðại Diện Ðức Giáo Hoàng dành cho các Giám Mục. Vì thế, cần phải đặt sứ vụ ngoại giao của Tòa Thánh trong nhãn giới hiệp thông ấy, nhất là trong thập niên vừa qua, các vị Sứ Thần Tòa Thánh đã giúp thiết lập các Hiệp định và các hiệp ước với các chính quyền quốc gia".
Các vị Ðại Diện Tòa Thánh mang lại tiếng nói cho ÐTC trong việc bảo vệ phẩm giá và các quyền căn bản của con người, cũng như trong sự cộng tác với hàng Giám Mục, để bênh vực tự do tôn giáo và thăng tiến một cuộc đối thoại đích thực với các Giáo Hội Kitô và các cộng đồng Giáo Hội khác, cũng như với tín đồ các tôn giáo khác, và dĩ nhiên là với các chính quyền dân sự. Lòng yêu mến ấy đối với con người, hòa bình và công lý, muốn nhìn Phi châu dưới ánh sáng của Thiên Chúa, càng thúc đẩy các vị Ðại diện Tòa Thánh làm chứng về mối quan tâm ân cần của ÐTC, cũng như của Giáo Hội hoàn vũ, đối với công ích của mỗi nước.
2) Ðức Hồng Y Zenon Grocholewski , Tổng trưởng Bộ giáo dục Công Giáo, trong bài phát biểu, đã khẳng định rằng "Các trung tâm giáo dục Công Giáo giữ một vai trò rất quan trọng trong việc rao giảng Tin Mừng và góp phần rất nhiều vào sự phát triển xã hội và văn hóa của đại lục Phi châu. Chính trên bình diện giảng dạy và giáo dục mà Giáo Hội tại Phi châu đang phải đương đầu với thách đố lớn nhất.
a. Việc giáo dục quan trọng nhất là huấn luyện các chủng sinh. Về các chủng viện, tại các miền truyền giáo, Bộ giáo dục Công Giáo chỉ có thẩm quyền "về những gì liên quan tới chương trình học nói chung", chứ không có thẩm quyền về việc "đào tạo". Về việc giảng dạy trong các chủng viện, cần phải nhấn mạnh rằng đã có 70 chủng viện ở Phi châu được tháp nhập vào một phân khoa của Giáo Hội, nhất là với Ðại Học Giáo Hoàng Urbaniana. Ðại học này chiếm 1 phần 6 tổng số các chủng viện được tháp nhập trên thế giới. Phân khoa của Giáo Hội có nghĩa vụ phải kiểm soát thường xuyên việc giảng dạy. Nhưng về vấn đề này, điều đáng lo âu là nhiều khi thiếu sự liên hệ mật thiết giữa việc giảng dạy triết học với việc giảng dạy thần học, lý do vì nhiều khi triết học được dạy tại một nơi khác với chủng viện hoặc dựa vào một học viện không thích hợp.
Dầu sao thì trong những vấn đề trầm trọng nhất liên quan tới việc đào tạo giáo sĩ tại Phi châu, có việc phân định thích hợp, việc huấn luyện về tu đức và tình cảm, v.v., Ðó là điều vượt ra ngoài thẩm quyền của Bộ giáo dục Công Giáo, dù rằng việc giảng dạy và đào tạo linh mục là những yếu tố có liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong viễn tượng đào tạo, cần phải đặc biệt yêu cầu mỗi nước soạn "chương trình thích hợp cho việc đào tạo linh mục". Ðây là điều Công đồng chung Vatican 2 đã yêu cầu trong Sắc lệnh Optatam totius (1). Chương trình này cần được Cơ quan có thẩm quyền của Tòa Thánh phê chuẩn. Cơ quan này phải soạn qui luật tổng quát như Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới đầu tiên năm 1976 đã yêu cầu. Ngoài ra, cần phải có những cuộc kinh lý đều đặn của Tòa Thánh, cũng như cần liên lỷ quan tâm đến việc huấn luyện các nhà đào tạo, đặc biệt là huấn luyện vững chắc về tu đức cho các linh mục học tại Roma, xét vì phần lớn các linh mục này sẽ trở thành giáo sư và thành nhà đào tạo trong các chủng viện.
b. Các trường Công Giáo tại Phi châu thật là đáng kể với gần 12,500 trường mẫu giáo với hơn 1,260 ngàn học sinh, hơn 33,250 trường tiểu học với 14 triệu học sinh và gần 10 ngàn trường trung học với khoảng 4 triệu học sinh. Cơ sở đông đảo này mang lại cho Giáo Hội một phương tiện quí giá để rao giảng Tin Mừng, đối thoại và phục vụ dân chúng tại Phi châu. Ðiều quan trọng là các trường Công Giáo bảo tồn và củng cố căn tính Công Giáo rõ rệt của mình. Ðiều này đòi hỏi việc huấn luyện các giáo chức không phải chỉ được thực hiện về phương diện nghề nghiệp mà thôi, nhưng cả về linh đạo nữa, để họ coi công việc của mình như một hoạt động tông đồ phải chu toàn.
c. Về các học viện cao đẳng: con số các cơ sở này gia tăng trong những thập niên gần đây tại Phi châu. Hiện nay có 23 đại học Công Giáo, 5 phân khoa thần học và 3 phân khoa triết học. Tất cả các cơ sở này là nơi ưu tiên để rao giảng Tin Mừng cho các nền văn hóa và huấn luyện những con người ngay chính, những người xây dựng hòa bình, hòa giải và chứng nhân đức tin. Về vấn đề này tôi muốn đề nghị một vài nhận xét hữu ích:
- Nên nhấn mạnh những cố gắng của các phân khoa Giáo Hội dành cho vấn đề hội nhập văn hóa: điều này đòi phải có một sự khôn ngoan sâu sắc theo tinh thần Tin Mừng và phải nghiêm túc tiến hành việc này dưới ánh sáng giáo huấn của Giáo Hội.
- Trong tất cả các đại hoc Công Giáo, cần có sự hiện diện của tư tưởng thần học, ít là với các ghế giáo sư dạy thần học cho giáo dân, đạo lý xã hội Công Giáo, v.v.
- Thời nay cần phải dành một tầm quan trọng cho việc huấn luyện các tín hữu Công Giáo có khả năng cao đối với các phương tiện truyền thông, vốn là diễn trường mới trong thời đại chúng ta.
- Sau cùng cũng cần tăng cường việc mục vụ tại các đại học công lập.
3) Ðức Hồng Y Walter Kasper , Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô nói đến những thách đố đại kết và các giáo phái ở Phi châu. Ngài nói:
"Nhờ ơn Chúa, có sự tăng trưởng mau lẹ của Giáo Hội tại Phi châu, nhưng rất tiếc là người ta cũng thấy có sự phân hóa ngày càng sâu rộng giữa các tín hữu Ktiô. Tình trạng này, tuy không phải là riêng biệt tại Phi châu, nhưng người ta rất dễ cho rằng những chia rẽ ấy xuất phát từ gia sản Kitô giáo bị chia rẽ mà Phi châu đã nhận được, bởi vì thật ra tại Phi châu cũng có nhiều chia rẽ mới, chỉ cần nghĩ đến các cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh và Pentecostal, các Giáo Hội gọi là độc lập và các giáo phái. Sự bành trướng của các cộng đoàn này trên bình diện thế giới thật là lớn rộng và sức sinh động của họ tại Phi châu cũng phản ánh qua sự gia tăng các Giáo Hội Phi châu độc lập. Các Giáo Hội này nay đã thành lập một cơ chế chính thức gọi là OAIC với trụ sở tại Nairobi. Hiện nay có một cuộc đối thoại ở mức độ nào đó qua Diễn Ðàn Kitô thế giới (Global Christian Forum), mới nhóm tại Nairobi.
Ở các cấp độ khác, cuộc đối thoại với các nhóm này không dễ dàng và nhiều khi không thể tiến hành được vì thái độ gây hấn của họ, và vì trình độ thần học thấp kém của họ. Chúng ta phải đương đầu với thách đố cấp thiết này với một thái độ tự phê bình. Thực vậy, nếu chỉ nói đến những điều sai lầm nơi họ thì không đủ. Chúng ta còn cần phải tự do đâu là điều ta sai lầm và đâu là điều thiếu sót trong việc mục vụ của chúng ta. Tại sao bao nhiêu tín hữu rời bỏ Giáo Hội chúng ta? Họ cảm thấy thiếu điều gì nơi Giáo Hội chúng ta và họ tìm kiếm cái gì ở nơi khác? Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đã tìm cách cung cấp vài câu trả lời qua hai hội nghị dành cho các Giám Mục và các nhà thần học, một tại Nairobi và một tại Dakar bên Sénégal. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục trợ giúp trong tương lai. Trong bối cảnh này tôi chỉ muốn nhắc đến hai điểm quan trọng: thứ nhất là huấn giáo về đại kết và thứ hai là thành lập những cộng đoàn Kitô nhỏ trong các giáo xứ chúng ta. Giờ đây xin anh em cho phép tôi nói về nhiều thách đố khác và các nghĩa vụ.
a. Ngày nay chúng ta có thể nhìn lại gần 50 năm đối thoại đại kết. Từ công đồng chung Vatican 2 đến nay đã có nhiều tiến bộ đại kết quan trọng, nhưng còn đường tiến đến sự hiệp nhất hoàn toàn của Giáo Hội có lẽ vẫn còn dài và cam go vì những khó khăn vẫn còn trong các cuộc đối thoại thần học của chúng ta. Giờ đây cần phải thực hiện những bước thích hợp để cùng nhau dấn thân với những người đối thoại với chúng ta trong tiến trình đón nhận những thành quả của đối thoại. Sự dấn thân của Giáo Hội trên bình diện hoàn vũ phải được đưa vào và đón nhận trong các Giáo Hội địa phương. Ðiều này phải diễn ra trong việc huấn giáo và huấn luyện thần học, ở cấp độ giáo phận và giáo xứ.
b. Trong khi Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu theo thói quen vẫn duy trì một cuộc đối thoại liên tục với các truyền thống Tin Lành lịch sử và ngày nay với các những Giáo Hội trẻ hơn, sự phổ biến mau lẹ gần đây của Chính Thống giáo tại đại lúc này làm cho Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu phải dấn thân đối thoại và có quan hệ tích cực với cả các anh chị em Chính Thống giáo nữa.
c. Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu phải đẩy mạnh quan hệ đại kết với các phong trào Tin Lành, canh tân trong thánh linh và Pentecostal tại Phi châu, cũngvì tầm quan trọng của họ trong các thành nữ bản xứ và sự gần gũi của họ với vụ trụ quan văn hóa truyền thống của Phi châu. Sự dấn thân đại kết như thế đòi phải trung thành với các nguyên tắc của Giáo Hội về đại kết, và đàng khác cần hiểu rõ những lối diễn tả đặc thù của văn hóa Phi châu (UR 2-4). Ðối thoại và tìm kiếm hiệp nhất phải để ý đến bối cảnh căn cội văn hóa Phi châu. Thực vậy, các gốc rễ của cây khác nhau tuy xa cách nhưng gần gũi và quyện lấy nhau, tuy chúng vẫn khác biệt trong cuộc chiến đấu để tiến đến cùng những nguồn sống là đất và nước.
d. Sự tìm kiếm hiệp nhất của chúng ta trong sự thật và tình thương không bao giờ được quên nhận thức rằng sự hiệp nhất của Giáo Hội là công trình và là hồng ân của Chúa Thánh Linh, vượt lên trên những cố gắng của chúng ta. Nhưng đại kết kinh thần, nhất là cầu nguyện, chính là trọng tâm nỗ lực đại kết (UR 8). Tuy nhiên đại kết sẽ không mang lại kết quả lâu bền nếu không có những cử chỉ cụ thể hoán cải, đánh động lương tâm, và giúp chữa lành những ký ức và quan hệ. Như Sắc lệnh về Hiệp nhất đã quả quyết: "Không có đại kết đích thực nếu không có hoán cải nội tâm" (UR 7). Sự hoán cải ấy đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, là trung tâm đời sống chúng ta, để có thể đến gần nhau hơn. Vì thế, đề tài Thượng Hội Ðồng Giám Mục này là một thách đố đối với Giáo Hội tại Phi châu vì nó tăng cường quan niệm đại kết và mang lại cho các dân tộc Phi châu sự tìm kiếm hiệp nhất như một kho tàng đích thực của Tin Mừng. Giáo Hội Công Giáo tại Phi châu được khích lệ tiếp tục kiến tạo những nhịp cầu thân hữu, và qua phong trào đại kết linh đạo, cầu nguyện, qua sự phân định ý Chúa, dấn thân trong thừa tác vụ hòa giải (2 Cor 5,18) đã được ủy thác cho chúng ta qua Chúa Kitô. Ðó chính là nền tảng sự dấn thân đại kết của chúng ta. Canh tân đời sống nội tâm, của tâm trí, chính là điểm nòng cốt trong mọi cuộc đối thoại, hòa giải, và biến đại kết thành một sự dấn thân cảm thông, tôn trọng và yêu thương nhau để thế giới tin".
G. Trần Ðức Anh, OP
(Radio Vatican)