Rừng luật và luật rừng tại Việt Nam

 

Rừng luật và luật rừng: đây là đề tài của chuyện tử tế tuần này của chúng tôi...

(Radio Veritas Asia 17/10/2009) - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Theo tin của hãng thông tấn AP, mới đây, phu nhân của thống đốc bang California, Hoa kỳ, ông Arnold Schwarzenegger, bị bắt quả tang phạm luật do chính ông ký.

Một trang mạng đã cho công bố 2 tấm ảnh của bà Shriver khi bà đang lái xe mà tay lại cầm điện thoại di động. Tấm ảnh đầu được chụp trong tháng 7 năm 2009 còn tấm ảnh thứ nhì mới hôm chúa nhựt 11 tháng 10 năm 2009.

Chưa hết, cách đây vài hôm, trang mạng này lại phổ biến thêm bức ảnh thứ ba được biết chụp tại Brentwood, nơi gia đình Thống Ðốc Cali đang cư ngụ. Lần này bà Shriver cũng bị bắt quả tang đang nói chuyện bằng điện thoại cầm tay lúc lái xe.

Trong khi văn phòng của bà không đưa ra lời bình luận nào thì ông Thống Ðốc đã viết thư cho Harvey Levin, người sáng lập ra trang mạng nói trên như sau: "Xin cám ơn đã cho tôi biết bà nhà tôi phạm luật. Sẽ có hành động cấp thời".

Aaron McLear, phát ngôn nhân của ông Schwarzenegger cho hay "hành động cấp thời" có nghĩa là ông Thống Ðốc sẽ yêu cầu vợ mình không được nói chuyện bằng điện thoại di động trong lúc lái xe nữa.

Ðược biết bang California đã ban hành một luật được áp dụng từ tháng 7 năm 2008, theo đó tất cả tài xế khi lái xe, nếu muốn nói chuyện qua điện thoại phải dùng thiết bị nghe, để hai tay được rảnh rang đặt trên tay lái. Từ hơn 1 năm nay, cơ quan Tuần Tra Xa lộ của Bang đã biên ra trên 150,000 giấy phạt cho những ai phạm luật này, đó là chưa kể do cảnh sát địa phương cũng phạt như thế. Lần đầu phạt 20 mỹ kim, các lần sau từ 50 mỹ kim trở lên.

Theo tin mới nhất, bà Shriver đã hiến tặng chiếc điện thoại di động yêu qúy của bà để gây quỹ giúp cho chương trình phụ nữ bị bạo hành. Trong lúc họp kỹ thuật tại San Francisco, bà nói đùa rằng "chồng bà đang gặp rắc rối lớn". Ý bà muốn nói rằng ông cũng phải áp dụng luật cho chính vợ mình, bởi vì trong một nước dân chủ tự do thật sự, không ai có quyền đứng trên luật pháp, ngay cả người ban hành luật pháp.

Chuyện của bà Shriver không khỏi làm cho chúng ta liên tưởng đến chuyện của nhà đạo diễn nổi tiếng Roman Polanski. Câu chuyện của nhà đạo diễn gốc Balan này đã được đăng trên báo The New York Times số ra ngày 30 tháng 9 năm 2009 và trên báo The Washington Post số ra ngày 1 tháng 10 năm 2009. Cả hai tờ báo lớn nhứt của Hoa kỳ này đều nhắc đến việc ông Polanski đã tấn công tình dục một thiếu nữ 13 tuổi tại bang California, Hoa kỳ, hồi năm 1977, nghĩa là đã cách đây 32 năm. Sau khi bị truy tố, nhà đạo diễn này đã trốn sang Thụy Sĩ và sinh sống tại đây cho đến ngày nay. Nhưng mãi cho đến hôm nay, khi ông Polanski đã 76 tuổi, nhà cầm quyền Thụy Sĩ mới quyết định cho bắt ông và cho dẫn độ về Hoa kỳ để thụ án.

Ngạn ngữ Latinh có nói: luật có khắt khe đến đâu cũng vẫn là luật, nghĩa là luật phải được áp dụng cho mọi người. Ngày nay, tại các nước dân chủ, với tài biện hộ khôn khéo của các luật sư, nhiều tội nhân có thể được giảm án hay ngay cả thoát khỏi lưới Pháp luật. Tuy nhiên, việc xét xử một cách công minh tại các phiên tòa cho thấy không ai có quyền đứng trên luật pháp. Nếu đã có một tổng thống Bill Clinton của một cường quốc như Hoa kỳ, phải ra hầu tòa vì hành động bội thề, điều này cho thấy một quốc gia càng văn minh tiến bộ, thì chính những người đứng đầu cơ chế thi hành luật pháp lại càng phải tuân thủ pháp luật hơn ai hết.

Chúng ta hãy thử nhìn lại một số diễn biến mới nhứt tại Việt nam để thấy được trình độ văn minh tiến bộ như thế nào. Mới nhứt là phiên xử 9 nhà dân chủ trong ba ngày 6, 8 và 9 tháng 10 năm 2009 tại Hà nội và Hải phòng. Cũng như các phiên tòa xử các nhà bất đồng chính kiến trước kia hay trong vụ Thái Hà: tất cả chỉ có một thứ tội là thể hiện lòng yêu nước và đòi hỏi công lý và sự thật.

Ông Bùi Tín, một cựu đảng viên nay sống lưu vong tại Pháp, đã so sánh bản án dành cho các nhà bất đồng chính kiến với bản án dành cho các tham quan ô lại như sau:

"Ông Huỳnh ngọc Sỹ ăn hối lộ gần một triệu đô la, gần bằng 20 tỷ đồng Việt nam chỉ bị tù có 3 năm. Trong khi đó theo Luật chống tham nhũng hiện hành, ăn hối lộ một tỷ đồng có thể bị kết án chung thân hay tử hình. Do vậy, ông Sỹ có thể mất đầu đến 20 lần. Nhưng không, ông Sỹ chỉ bị 3 năm tù, rồi sẽ được giảm án, ân xá... như đi nghỉ mát ít tháng để về nhà tiêu xài thả cửa suốt đời, truyền cho con, cho cháu 3 đời không hết của. So với tội tày đình, cái án dành cho ông Sỹ chỉ như phủi bụi!

Ông Ðào Duy Quát cũng thế. Làm chủ tịch cuộc thi về Biển Ðảo, lại tuyên truyền công khai, chính thức cho chủ quyền của bành trướng Bắc Kinh trên đảo ta, đất ta, ngay trên mạng của Ðảng cộng sản Việt nam, thì cũng được phủi bụi nhẹ nhàng, khiển trách..."

Trong khi trước đây, những người yêu nước chân chính, đấu tranh cho tự do, cho dân chủ của nhân dân cũng bị tù đày với những mức cực kỳ hung bạo: 15 năm, 10 năm, 6 năm như linh mục Nguyễn văn Lý, các bạn Phạm Hồng Sơn, Ðỗ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn văn Ðài, Lê thị công Nhân, blogger Ðiếu Cày... Họ là những công dân ưu tú, tinh hoa của dân tộc, vốn quý hiếm của tổ quốc dấn thân cho đại nghĩa".

Trên đây là sự so sánh của ông Bùi Tín về các bản án khác nhau tại Việt nam. Nhà báo này đưa ra nhận định như sau:

"Ở các nước dân chủ, luật pháp nghiêm, "mọi công dân đều bình đẳng, ngang bằng nhau trước pháp luật": đây là một trong những nguyên tắc cơ bản, một nền tảng bất di bất dịch của chế độ. Phiên tòa nào có biểu hiện "hai tốc độ", "hai thước đo", thiên vị, không công bằng, không bình đẳng là lập tức bị công luận, báo chí phanh phui, phê phán, lên án quyết liệt ngay. Vì nay bất công với người này, mai sẽ có thể bất công với ta, với anh, với chị, với bất cứ ai".

Ngoài ra, theo ông Bùi Tín, "sự bất bình đẳng phi lý ở Việt nam còn ở chỗ khi điều tra và khởi tố các vụ quan chức cộng sản tham nhũng thì nhẩn nha, ỳ ạch, kéo dài lê thê, bất chấp qui định của luật. Vụ PM18 lê thê đến 4 năm, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ kéo dài 2 năm, do thôi thúc của phía Nhật Bản mới đem ra xét, còn định đánh tráo sang tội khác, nhẹ tênh".

Ông Bùi Tín kết luận: "Hiến Pháp Việt nam hiện hành ghi rõ: mọi công dân Việt nam đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng khi cầm cân nảy mực, các quan tòa, hội đồng xử án ở Việt nam đã thiên vị, ăn gian vì theo lệnh, chỉ thị của đảng, vì viện kiểm sát và tòa án tối cao chỉ là công cụ nằm trọn trong tay bộ chính tri độc quyền thao túng".

Nhận định trên đây của ông Bùi Tín không khỏi khiến chúng ta nghĩ đến tình trạng và cách thi hành luật pháp tại Việt nam. Quả thật, ở Việt nam có cả một rừng luật, nhưng tất cả chỉ là luật rừng và dĩ nhiên, những kẻ thi hành luật rừng ấy chẳng khác nào dã thú sống giữa rừng, bởi lẽ thú vật chỉ biết có một thứ luật là luật của kẻ mạnh.

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page