Thảo luận vấn đề phá thai

tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục

Thế Giới về Phi châu

 

Thảo luận vấn đề phá thai tại Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới về Phi châu.

Vatican [Tin Tổng Hợp 15/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chủ đề chính của Thượng hội đồng Giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu là "hòa giải, công lý và hòa bình". Tuy nhiên, trong cuộc họp báo giới thiệu bản đúc kết các phát biểu trong các phiên khoáng đại của Thượng hội đồng, một số ký giả đã đặt câu hỏi: vấn đề phá thai có được các nghị phụ Thượng hội đồng nêu lên không?

Sở dĩ câu hỏi được nêu lên là vì hôm 13 tháng 10 năm 2009, Viện Guttmacher, đã cho phổ biến kết quả của một cuộc điều tra về nạn phá thai trên toàn thế giới.

Guttmacher là tên của người sáng lập Hiệp Hội "Làm cha mẹ có kế hoạch" tại Hoa kỳ. Hiệp hội này có chủ trương ủng hộ phá thai. Bản báo cáo mới nhứt của Hiệp hội này nói rằng trên khắp thế giới, con số phá thai đã giảm 8.6 phần trăm: năm 1995, con số phá thai trên toàn thế giới là 45 triệu 5 trăm ngàn vụ; năm 2003, con số này giảm xuống còn 41 triệu 6 trăm ngàn vụ.

Theo Viện Guttmacher, mỗi năm có đến 70 ngàn phụ nữ chết vì phá thai, trong số này có 20 ngàn vụ được thực hiện một cách lén lút bởi những người không có chuyên môn tại những nước không có luật cho phép phá thai.

Bản báo cáo của Hiệp Hội "Làm cha mẹ có trách nhiệm" cho biết: cứ 5 vụ phá thai thì có một vụ xảy ra tại Trung Quốc. Riêng trong năm 2003, chỉ riêng tại nước này có đến 8 triệu 8 trăm ngàn vụ phá thai.

Ghi nhận rằng "Trung Quốc đã áp đặt chính sách mỗi gia đình một đứa con cho dân chúng thành thị hồi thập niên 80", Viện Guttmacher không những không lên án chính sách này cũng như các vụ phá thai cưỡng bách, mà còn ca ngợi tính an toàn cao của các vụ phá thai tại quốc gia cộng sản này.

Theo trích dẫn của hãng thông tấn AP, bảng báo cáo của viện Guttmacher cho rằng càng xử dụng các phương tiện ngừa thai thì càng tránh được nhiều cuộc phá thai trên thế giới. Bản báo cáo nói rằng Vùng Hạ Sahara tại Phi Châu là nơi ít xử dụng các phương tiện ngừa thai nhứt cho nên cũng là nơi có nhiều vụ phá thai nhứt: hơn một nửa những cái chết vì phá thai đều xảy ra tại vùng này.

Với bản báo cáo này, Hiệp Hội "làm cha mẹ có trách nhiệm" kêu gọi nên nới lỏng những luật chống phá thai.

Ông Deirdre McQuade, giám đốc về chính sách của Văn Phòng hoạt động bênh vực sự sống thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, không đồng ý với lời kêu gọi trên đây của Hiệp Hội "làm cha mẹ có trách nhiệm". Theo ông McQuade, "cần phải đưa ra nhiều sáng kiến hơn trong việc giúp đỡ các thai phụ đang gặp khó khăn để họ không tìm cách phá thai vốn là một hành động không tự nhiên".

Trở lại với Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu: trả lời cho câu hỏi của các ký giả liên quan đến vấn đề phá thai, Ðức hồng y Theodore Adrien Sarr, Tổng giám mục Dakar, Senegal, nói rằng đối với các Ðức giám mục Phi Châu "phá thai không phải là một thực hành nên khuyến khích".

Theo vị Hồng y này, mặc dù phá thai không phải là một đề tài nổi bật tại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu, các nghị phụ cũng nhắc lại rằng sự sống con người cần phải được tôn trọng từ lúc được thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Tại Phi Châu, những người làm công tác mục vụ phải tìm cách giúp đỡ các thai phụ đang gặp khó khăn, bởi vì " ngoài việc phá thai vẫn còn có những lối thoát khác".

Ðức hồng y Sarr khẳng định: "một số nước Tây Phương cần phải loại bỏ lối suy nghĩ cho rằng phá thai phải là một qui luật cho toàn thế giới". Theo ngài, không nên áp đặt cho mọi dân tộc các chính sách chống lại sự sống, từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên.

Về phần mình, Ðức hồng y Wilfrid Fox Napier, Tổng giám mục Durban, Nam Phi, lên án việc làm của viện Guttmacher, khi tìm cách hợp pháp hóa việc phá thai như một phương thế để gọi là cứu mạng nhiều người phụ nữ. Vị hồng y này nói: "Chúng tôi cảm thấy không thể hiểu được nền văn hóa tuyên xưng rằng quyền sống là một quyền tối thượng, nhưng lại chống lại những người yếu thế nhứt".

Ðức hồng y Tổng giám mục Durban phê bình một số thỏa ước quốc tế cho phép phá thai như thỏa ước Maputo, bắt đầu có hiệu lực năm 2005.

Ðức hồng y cũng nói đến Hội Nghị lần thứ tư về Phụ nữ diễn ra tại Bắc Kinh năm 1995. Hội nghị này chống lại hệ thống luân lý được mạc khải của Do thái và Kitô giáo.

Ngoài ra, Ðức hồng y Napier cũng nhắc lại rằng Giáo hội không ngừng chống lại những chính sách nào cho rằng "mang thai là một bệnh tật".

Thật ra, "mang thai không phải là một bệnh tật", mà chính những kẻ có chủ trương phá thai mới là những người bệnh hoạn. Ðây là khẳng định của Ðức cha Demetrio Fernandez, Giám mục Tarazona, Tây Ban Nha.

Phát biểu nhân cuộc Tuần Hành vì sự sống diễn ra ngày hôm nay thứ Bảy 17 tháng 10 năm 2009 tại thủ đô Madrid, Ðức giám mục Tarazona cảnh cáo rằng hợp pháp hóa việc phá thai là "một tai họa môi sinh thật sự". Tai họa này đang càng quét Âu Châu và sẽ biến lục địa này thánh một "lục địa của chết chóc".

Trong lá thư mục vụ công bố nhân Ngày Tuần Hành vì sự sống tại Madrid, Ðức cha Fernandez khẳng định như sau: phá thai thật sự là "một tai họa môi sinh ảnh hưởng đến thai nhi, người mẹ cưu mang thai nhi, những người có liên quan đến thai nhi và toàn thể xã hội phải chịu đau khổ vì những hậu quả tiêu cực của tai họa này".

 

Chu Văn

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page