Giáo hội tại Phi Châu
và công cuộc canh tân lục địa
Giáo hội tại Phi Châu và công cuộc canh tân lục địa.
Vatican [La Croix 14/10/2009] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu đã đi được nửa chặng đường.
Chiều thứ Ba 13 tháng 10 năm 2009, Ðức hồng y Peter Turkson, người Ghana, tường trình viên của Thượng hội đồng đã nói đùa "Xin được chào mừng quý khách lên máy bay. Xin quý khách thắt giây an toàn", trước khi đọc bản báo cáo dài 15 trang, trong đó ngài tổng hợp các bài phát biểu của các vị nghị phụ tại Thượng hội đồng.
Các bài phát biểu vẫn xoay quanh trục chính là "Gia đình Giáo hội của Chúa tại Phi Châu cần phải được biến đổi từ bên trong và cần phải canh tân lục địa như muối và ánh sáng". Mục tiêu này đã được sàn lọc một phần từ thần học và mặt khác từ những đóng góp riêng của nền văn hóa Phi Châu. Nhưng thượng hội đồng giám mục thế giới lần thứ hai về Phi Châu này "không phải là chuyện riêng của Phi Châu với các tham dự viên không phải là Phi Châu. Mà đúng hơn là Giáo hội phổ quát đang cố gắng bảo tồn "buồng phổi thiêng liêng vĩ đại" của Phi Châu đối với toàn thể nhân loại".
Sứ mệnh của Giáo hội là phải đeo đuổi một sợi chỉ xuyên suốt. Ðó là "giải phóng các dân tộc của lục địa khỏi mọi sợ hãi, bảo đảm một sự hoán cãi sâu xa và trường kỳ, đương đầu với mọi vấn đề của xã hội. Một cách cụ thể, Giáo hội cần phải góp phần vào việc giải quyết vấn đề di dân, giáo dục, quy chế của người phụ nữ . v.v"
Một cách đặc biệt, các nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu lên án chủ nghĩa đế quốc văn hóa của Tây Phương. Vấn đề này đã được các nghị phụ nêu lên khi đề câp đến việc bảo vệ sự sống.
Ðức hồng y Theodore Adrien Sarr, Tổng giám mục Dakar, Ghana, đã tuyên bố với các ký giả như sau: "Người Phi châu chúng tôi rất quý trọng sự sống từ lúc khởi đầu cho đến lúc chết. Chúng tôi đã thụ hưởng từ các tổ tiên của chúng tôi một nền minh triết về sự sống, một tình yêu đối với sự sống, được củng cố bởi Mạc Khải của Kinh Thánh. Người Tây phương cần phải chấp nhận là không nên áp đặt cho thế giới điều họ nghĩ là sự thật! Vậy mà thứ đế quốc chủ nghĩa văn hóa này vẫn tiếp tục tồn tại".
Ở đầu bên kia của lục địa Phi Châu, Ðức hồng y Wilfrid Fox Napier, Tổng giám mục Durban, Nam Phi, cũng nêu lên câu hỏi: "Phải chăng theo quan niệm Tây Phương, quyền sống cũng có nghĩa là quyền được sát hại? Chúng tôi không thể hiểu được điều đó". Và về vấn đề dịch bệnh Sida, dựa trên những nỗ lực của Giáo hội tại Nam Phi, Ðức hồng y Napier nói rằng ngài không "hiểu được tại sao các phương tiện truyền thông cứ xem Giáo hội như một vấn đề, trong khi chính Giáo hội mới thật sự là một giải pháp. Chủ nghĩa đế quốc văn hóa nói rằng tính dục là chỉ để hưởng khoái lạc. Còn chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng tính dục là để trở thành đồng sáng tạo với Thiên Chúa".
Phần lớn các vị nghị phụ của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Phi Châu đều nhấn mạnh đến việc "vai trò của người phụ nữ và giới trẻ" không được nhìn nhận đầy đủ trong cộng đồng địa phương của họ. Số phận của gia đình tại Phi Châu là đối tượng của nhiều mối quan tâm, nhứt là sự kiện "các cuộc tấn công tàn bạo đến từ bên ngoài". Phần lớn các bài phát biểu đều cho rằng chính sách và đường lối cai trị tại Phi Châu rất đáng phê bình, vì tình trạng tham nhũng và lệ thuộc vào nước ngoài.
Một cách bi thảm hơn, các vị nghị phụ nói rằng chính "lòng tham không đáy muốn chiếm hữu một cách ích kỷ là cội rễ của những thảm kịch lớn" của lục địa Phi Châu.
Về vấn đề này, các vị nghị phụ đặc biệt quan tâm đến hàng giáo sĩ Phi Châu. Tổng kết các bài phát biểu, Ðức hồng y Turkson nói: "chứng từ của Giáo hội đôi khi bị "vẫn đục" vì một số nhân viên mục vụ của Giáo hội không sống trung thành với các lời khấn, ơn gọi và bậc sống của mình". Như vậy, để canh tân lục địa, các nghị phụ Thượng hội đồng Giám mục kêu gọi nên có "một sự phân biện nghiêm chỉnh về ơn gọi và một sự huấn luyện tu đức và tình cảm thích hợp".
Các Ðức giám mục muốn "củng cố đức tin trong Chúa Kitô", Ðấng là "sự hòa giải, là công lý và hòa bình của chúng ta".
Cuối cùng, bản tường trình của Ðức hồng y Turkson cũng nhắc đến đề nghị của nhiều nghị phụ nên tổ chức "một cuộc hội thảo trên toàn lục địa, từ Tunis đến Johannesburg, để chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm khác nhau trong quan hệ với Hồi Giáo".
Ngoài ra, nhiều vị cũng tán thành đề nghị của Ðức cha Maroun Lahham, Giám mục Tunis, Tunisie, về việc cho Giáo hội tại Bắc Phi được tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông vào tháng 10 năm 2010, bởi vì Giáo hội tại đây "chỉ là một thiểu số Kitô trong vùng đất Hồi giáo".
Chu Văn