Hồi ký: Những Câu Chuyện về Một Thời

Ðịa phận Hà Nội 1859

 

Hồi ký: Những Câu Chuyện về Một Thời - Ðịa phận Hà Nội 1859

(Trích trong truyện Cố Thánh Vê-na)

Ðoạn thứ mười một, về Cố Ven phải tầm nã vây bắt trong nhà dòng nữ Bút Ðông và ở làng ấy ba lần. ở miền rừng gần núi thì dễ ẩn cùng chạy trốn, còn ở đồng bằng thì khó lắm. Cho nên trong thời buổi cấm đạo, giáo dân phải làm vách kép và đào hang dưới đất để các Ðấng được ẩn núp lúc túng ngặt. Các thày kẻ giảng giúp Cố Ven đã làm một cái vách kép trong nhà mụ Bút Ðông, cùng đào bốn cái hang trong nhà người ta ở ngoài làng, để phòng khi quan quân có tầm nã vây bọc thì các Ðấng được ẩn trong ấy cho khỏi tay chúng nó.

Ông Xã Ký là người làng Bút Ðông đã kể kiểu cách làm hang dưới đất mà rằng: "Thầy Lượng và tôi đã đào một cái hang trong buồng nhà tôi, rộng non một gian nhà, cao vừa bằng một người đứng, dưới lát gạch, trên lát ván. Ðoạn đổ một thước đất trên ván ấy. Lại lấy tro, lấy đuốc hơ cho đất ra cũ để khỏi sinh nghi. Chúng tôi đào hang ấy ban đêm kín lắm, chỉ có những người nhà biết mà thôi. Còn trong làng, chẳng ai biết có hang trong nhà tôi sốt". Chúng tôi cũng lập bàn thờ cho các Ðấng làm lễ được. Lại làm tám cái hốc, cùng đặt tám cái ống tre dài thò ra ngoài bờ ao cho nó thông khí, khỏi tức và dễ thở. Lại ở đầu buồng chúng tôi làm tường bằng một cái vách kép.

Chẳng những nhà ông Xã Ký, mà nhà ông Hộ, nhà ông Ðinh là bố cụ Nghi, nhà bà Tịnh cũng có hang, cũng có vách kép, lúc động các Ðấng hoặc chạy xuống hang, hoặc chạy vào vách kép mà ẩn.

Vậy cuối năm Tự Ðức thập nhị niên (1859) có đứa có đạo mật tố với Cai Tổng và Lý Trưởng: Có hai, ba Cố ẩn trong nhà Mụ. Cho nên Cai Tổng và Lý Trưởng đe, đòi chúng con 300 quan. Nếu chẳng nộp thì các ông ấy sẽ khám cùng dỡ nhà đi. Chúng tôi thưa rằng: "Chúng tôi nghèo chẳng làm sao liệu tiền cho các thầy được. Nếu các thầy chẳng thương thì muốn làm gì thì làm!".

Dù mà chúng con chưa biết chắc hàng Tổng có khám hay không. Song bà Mụ cũng cho chị em còn trẻ tuổi ra ở nhà giáo dân ngoài làng, cùng dạy chị em chúng con dọn các đồ lễ sách vở đem gửi giấu ngoài giáo dân.

Vậy chiều hôm ấy bỗng không thấy hàng Tổng hàng Xã xông vào nhà chúng con. Bấy giờ Cố Ven và Ðức Cha Ðông đang ở trên nhà nguyện, thì lập tức chạy vào vách kép liền với nhà bếp. Thoạt khi mới vào, thì chúng nó bắt trói bà Mụ và các chị em còn ở nhà mà rằng: "Không nộp tiền thì sẽ giải quan". Bấy giờ giả vờ không sợ lại nói cứng rằng: "ờ, các ông muốn giải cho đến tỉnh, thì chúng tôi đi. Chúng tôi chỉ muốn chết vì đạo, đến đâu thì chúng tôi cũng không quá khoá bỏ đạo đâu".

Khi khám nhà nguyện, thì nó xâm nền nhà cho kỹ cho sâu mà bảo nhau rằng: "Vào nhà này độ ba thước thì có hang". Con nghe vậy biết là có người có đạo trong họ Bút Ðông đã trần tố. Nó khám trong nhà nguyện kỹ và lâu giờ thế nào thì chẳng thấy gì, vì chúng con đã dọn các đồ đạo đi giấu cả, mà nền nhà nguyện không có hang nào. Khi soát cả nhà rồi, thì nó xuống bếp ăn thuốc, song không xâm tường vách. Chúng nó chỉ ngờ thùng rác có của giấu ở đấy, cho nên nó kéo rác ra. Con thấy nó làm thế thì sợ lắm, vì cửa vào vách kép thì ở dưới thùng rác. Con kêu van cầu xin Ðức Bà cho hết sức, xin đừng để cho nó kéo hết rác, mà thấy cửa vách kép thì Ðức Cha Ðông và Cố Ven sẽ bị bắt.

Vậy con đánh bạo mà đến bếp, con hỏi chúng nó rằng: "Các anh tìm gì đấy?". Nó bảo: "ở đấy có vô vàn của thì ta tìm". Con bảo: "Phải, chỗ ấy thật nhiều của lắm, các anh kéo hết rác thì sẽ được". Nó thấy con nói nhạo làm vậy thì thôi, không kéo nữa. Con lại hỏi: "Sao các anh không kéo hết cho được của?". Nó bảo: "Nhiều quá, ta kéo thì nhọc lắm, thôi không kéo nữa".

Vậy là Cố Ven và Ðức Cha Ðông không phải bắt, nhưng phải ở trong vách cả đêm, mà chỗ ấy chật chội, tối tăm lắm. Ðức Cha, Cố Ven và thầy Ðệ phải đứng một bề, không xoay mình được thì mệt lắm!

Nó đã trói hai tay chúng con giật lại sau lưng, song chúng con còn đi lại được trong nhà. Chúng nó khám soát xong thì kéo về nhà Lý Trưởng ăn chè uống rượu và đem chúng con ra đó, dọa nạt cho được kiếm tiền, song nó thấy không được thì cho về. Chúng con về nhà dòng mở cửa vách cho Ðức Cha, Cố Ven và thầy Ðệ ra và chúng con làm cơm cho các Ðấng.

Khi Cố Ven ẩn ở làng Bút Ðông trong nhà bổn đạo thì đã phải vây bắt hai ba lần. Chính Ngài kể lại rằng: "Có đứa nội công đi tố với quan huyện rằng: Có trưởng đạo Tây ẩn trong làng Kẻ Bút. Tức thì quan huyện sai Ðề lại, Thông lại, Ðội lệ, Lính lệ và phu hàng Tổng đi vây làng. Chúng nó đến bất ưng không ai biết".

Vừa tảng sáng thì chúng nó vây kín bốn mặt làng, canh giữ các đường lối và dịch loa rằng: "Nội bất xuất, ngoại bất nhập", ở trong không được ra, ở ngoài không được vào. Rồi chúng nó đi khám các xóm các nhà có đạo, chúng nó khám soát rất kỹ cả ngày, chúng phá các tường vách nhà người ta mà chẳng bắt được mẫu ảnh, tràng hạt, sách đạo nào hay là đồ gì quốc cấm sốt. Nó đã phá đến gần vách kép tôi và Ðức Cha đang ẩn, chỉ còn độ 4, 5 thước nữa mà thôi. Chúng tôi nghĩ, chắc nó sẽ bắt được. Nhưng mà nó đã phá nhiều tường vách mà uổng công chẳng bắt được ai sốt thì đến đây, nó chán nó nhọc rồi, nó không phá đến vách chúng tôi đang ẩn. Âu là Ðức Chúa Trời chưa cho nó bắt, thì nó không bắt được.

Một lần khác, quan sai người nhà cùng lấy phu hàng Tổng đến khám làng Bút Ðông, chúng nó phá phách cướp bóc của cải giáo dân như đã quen. Không bắt được đồ gì quốc cấm, nhưng một vài người giáo dân nói năng bất cẩn, thì nó bắt được cái hang đào dưới đất trong nhà người ta. Hang ấy bỏ không chẳng có gì, song chúng nó về trình quan, nó đã bắt được cái hang, và chắc chắn trong làng Bút Ðông có Tây dương đạo trưởng ẩn trong ấy. Nó xin quan khám kỹ lần nữa, quan ưng cho.

Cách ba ngày, quan đem lính, đem phu hàng Tổng cầm mai, cuốc để cho được xâm cùng đào nền nhà người ta. May thay, có ông Cai Tổng Tán là người làng Phúc Châu, cũng đem phu và đầy tớ mình đi hộ quan huyện nữa. Ông Cai Tán này vốn có lòng bênh đạo, cùng chứa các Ðấng ở làng mình. Khi ông ấy đến làng Bút Ðông, thì nhà ông Hộ là nhà có hang, Cố Nhân và tôi đang ẩn. Ông Hộ đến thú với Cai Tán rằng: "Thật có Tây ở hang nhà tôi". Cai Tán nghe vậy thì đến ngồi giữa nhà ông Hộ. Khi quân cùng đầy tớ quan huyện đến soát, thì ông ấy bảo: "Hãy đi soát nhà khác, nhà này ta đã soát kỹ rồi". Cho nên chúng nó đi khám nhà khác và không bắt được ai cả. Ðến tối ngày hôm ấy, khi quan đã về, ông Cai Tán thấy tôi cùng Cố Nhân cùng Ðức Cha Ðông ở làng Bút Ðông rất cheo leo, thì mời về làng Phúc Châu là chính làng ông ấy, cùng là làng ngoại đạo cả, không có một người có đạo nào.

Cố Ven có lòng thương làng Bút Ðông cách riêng, và khen làng ấy có nhân đức tin vững vàng, lòng đạo chắc chắn, có phép tắc, thuần phong mỹ tục, dân làng thượng hoà hạ mục đồng lòng với nhau, không có bè đảng, có công chứa các Ðấng, và liều mình phải chịu nhiều sự khốn khó vì các Ðấng trong thời buổi cấm đạo.

Vả lại, có nhiều họ đạo về tỉnh Hà Nội như: Bút Sơn, Bút Ðông, Kẻ Vồi, Kẻ Trừ và nhiều họ khác đã chứa, đã giấu giếm, giúp đỡ các Ðấng cho hết lòng hết sức. Vì chưng, khi các quan về Nam Ðịnh phá Vĩnh Trị và bắt đạo ngặt quá, các Ðấng không thể ở đất Nam Ðịnh, thì chạy lên Hà Nội, cùng ẩn mình khi ở họ nọ lúc ở họ kia, mà bổn đạo hết lòng che chở các Ðấng. Chẳng vậy âu là các Ðấng đã phải chết hết trong kỳ cấm đạo ấy.

Bổn đạo Hà Nội tốt vậy, cũng có người nói: "Bổn đạo tỉnh Hà Nội chẳng có mấy người chịu Tử Vì Ðạo!". Sự ấy không phải tại bổn đạo Hà Nội, mà nhờ các quan Hà Nội có lòng thương dân, không bắt đạo ngặt quá. Giả như các quan Hà Nội có dữ tợn độc ác và bắt đạo ngặt như các quan Nam Ðịnh, ắt là tỉnh Hà Nội đã được nhiều Ðấng Tử Vì Ðạo. Vì lòng đạo giáo dân Hà Nội chẳng có kém lòng đạo dân Nam Ðịnh đâu. Cố Ven nói rằng: "Quan huyện Nam Xương bấy giờ ghét đạo lắm, lại ghét làng Bút Ðông cách riêng, vì nghi cho làng ấy chứa các Ðấng, cho nên khi thì chính ông ấy đến, khi thì sai đội lệ và lính đến khám soát làng ấy luôn mãi, mà bởi không bắt được cố cụ nào thì càng giận ghét, càng tức mình hơn nữa".

Có một lần ông ấy đến đình làng, đòi đàn anh ra đình làng cho được bắt xuất giáo. Bấy giờ Ðức Cha Ðông, Cố Nhân và tôi đang ẩn trong làng, nghe vậy thì đe các đàn anh rằng: "Nếu anh em quá khoá, thì ta sẽ ra mắt". Các đàn anh nghe chúng tôi nói vậy, thì bàn với nhau một lúc, rồi nam phụ l#o ấu, đàn ông đàn bà già trẻ lớn bé kéo nhau ra đình làng cương quyết với quan, không xuất giáo. Quan giận hết sức, đánh năm, ba người, song không bắt không giam ai, vì mấy ngày trước, quan ấy đã trót bẩm với quan tỉnh rằng: "Giatô tả đạo mọi người trong tỉnh tôi đã phụng mệnh Hoàng Ðế mà xuất giáo cả. Cả một làng, đàn ông, đàn bà, già trẻ đều xuất đạo ra trước mặt quan, cùng bất khẳng quá khoá là gương họa hiếm tốt lành nhất trong đời người ta. ấy vậy làng Bút Ðông và các nơi khác phải nhớ, phải noi gương ông cha mình đã làm xưa, để mà giục lòng mến cùng giữ đạo thánh Ðức Chúa Trời cho lọn".

Quan huyện thấy mình không thể bắt được người ta quá khoá, thì căm giận lắm, cho nên đồng tình với kẻ ngoại trong hàng xã mà lập mưu làm hại kẻ có đạo thế này: "Thỉnh thoảng, cách năm, sáu ngày, ông ấy sức tờ cho Lý Trưởng rằng: Ngày ấy ngày nọ quan sẽ đến làng Bút Ðông, mà Lý Trưởng phải bắt kẻ có đạo đem ra Ðình để cho quan bắt nó quá khoá". Ðến ngày quan đã hẹn, sáng sớm, đầu canh năm, kẻ ngoại đã vây các xóm có đạo, canh giữ các đường lối kẻo kẻ có đạo trốn. Ðoạn xông vào nhà lấy đồ vật của cải, hiếp tróc đàn bà, bắt trói đàn ông đưa ra Ðình và canh giữ ở đấy cho đến chiều hôm, chẳng thấy quan đến thì nó tha về, nhưng mà phải mất tiền quan và kẻ ngoại đạo làm thể ấy nhiều lần.

Những kẻ có đạo sợ phải quá khoá, cho nên khi nào được tin: "Ngày mai quan sẽ đến làng, thì tối hôm nay bỏ nhà mà trốn". Kẻ thì đi làng khác, người thì ra ngồi ngoài đồng chịu sương, chịu mưa, chịu rét, chịu đói cả đêm cho đến trưa mai.

 

+ GM. Phaolô Lê Ðắc Trọng

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page